Hồ axit lớn nhất thế giới - thiên đường chinh phục hay địa ngục của những kẻ mưu sinh?

21/08/2022

Vào ban đêm, nơi này chìm trong làn sương mù của khí lưu huỳnh. Ánh sáng phát ra từ ngọn lửa xanh ảo diệu tạo nên bầu không khí ma mị, rợn người. Nhưng vào ban ngày, khi mặt trời rọi thẳng vào quặng lưu huỳnh, một mặt hồ màu lam ngọc hiện ra, nơi đây hóa thành tiên cảnh.

Thiên đường của kẻ chinh phục

Hồ axit Ijen hay còn được gọi là hồ Kawah Ijen thuộc dãy núi lửa Ijen nằm giữa cao nguyên Bondowoso và Banyuwangi (phía đông đảo Java, Indonesia). Với bán kính rộng khoảng 361 mét và sâu 200 mét, đây được xem là hồ axit lớn nhất thế giới.

Để đến được đây, du khách phải hạ cánh xuống sân bay Surabaya và di chuyển bằng xe khách trong 6 giờ. Mặc dù mất nhiều thời gian để di chuyển nhưng Kawah Ijen luôn là một trong những điểm du lịch khám phá được yêu thích hàng đầu tại Đông Java nói riêng và Indonesia nói chung.

Nơi đây luôn tấp nập du khách bất kể sự nguy hiểm.

Nơi đây luôn tấp nập du khách bất kể sự nguy hiểm.

Đối với những ai yêu thích sự mạo hiểm sẽ chọn nửa đêm là thời điểm khám phá vì vào khoảng 4h sáng cho đến trước bình minh, trong quặng lưu huỳnh bị đốt cháy sẽ xuất hiện ngọn lửa xanh lam. Đây được xem là hiện tượng độc nhất vô nhị mà bất cứ ai chọn đến đây cũng đều muốn chiêm ngưỡng một lần.

Để đến được miệng núi lửa nằm ở độ cao 2.300 mét, du khách phải trekking một đoạn đường dốc từ 40 đến 60 độ, liên tục trong 3 giờ nếu muốn kịp thấy ngọn lửa xanh. Khi đến miệng núi lửa, du khách sẽ phải mất thêm 40 phút nữa để di chuyển xuống lòng núi. Đoạn đường đi này tuy không dài nhưng địa thế vô cùng gồ ghề và trơn trượt. Chưa kể, không gian luôn bị bao phủ bởi làn khói đặc quánh, sực mùi trứng thối (mùi của hợp chất lưu huỳnh - H2S) sẽ làm giảm tầm nhìn và thậm chí là khả năng hô hấp của du khách.

Cận cảnh vẻ đẹp ma mị của ngọn lửa xanh.

Cận cảnh vẻ đẹp ma mị của ngọn lửa xanh.

Empty

Trong không gian mờ ảo, ánh đèn duy nhất phát ra là từ những chiếc đèn đội đầu và ánh đèn flash máy ảnh đang hướng vào khu vực có ngọn lửa xanh. Trước đại dịch, du khách đến đây không thể tiếp cận quá gần ngọn lửa vì những đợt bùng cháy không kiểm soát có thể gây nguy hiểm. Sau thời gian mở cửa du lịch, người dân tại đây tự phân công nhau ở vị trí bảo vệ, túc trực tưới nước vào quặng lưu huỳnh để làm dịu ngọn lửa. Do đó, du khách có thể đến gần và thậm chí là chụp ảnh cùng ngọn lửa.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Càng đến sáng, lớp khói trong quặng bốc lên càng dày đặc và ngột ngạt. Lúc này, trong sự thấm mệt, du khách rất dễ bị ngạt khí và cay mắt. Cần lưu ý mang mặt nạ phòng độc và nếu đi theo tour, du khách cũng sẽ được tour guide hướng dẫn rất kỹ và cảnh báo về mức độ khó khăn khi tiếp cận để du khách cân nhắc với tình trạng sức khỏe của mình.

Lớp khói càng dày đặc khi gần sáng.

Lớp khói càng dày đặc khi gần sáng.

Trái với khung cảnh ma mị ban đêm, khi trời sáng, mặt hồ Kawah Ijen hiện ra một màu xanh lam ngọc mãn nhãn. Lý do có được màu xanh độc đáo này đó là vì lưu huỳnh có trong địa chất nơi đây. Các phòng magma bên dưới núi lửa đẩy sulfuric vào lòng hồ, kết hợp với các kim loại hòa tan với nồng độ cao, kết quả là khí gas trong hồ khiến cho màu nước chuyển xanh. Bên cạnh đó, quá trình trên đồng thời làm cho miệng núi lửa Kawah Ijen trở thành hồ có tính axit cao nhất thế giới với độ pH là 0,5.

Nguồn mưu sinh độc hại

Chỉ với vài giờ ngắn ngủi nhưng có không ít du khách đã chịu không được áp lực lên hệ hô hấp của mình. Rất nhiều người đã bỏ cuộc khi trời sáng và rời khỏi khu vực miệng núi lửa trước khi kịp nhìn thấy mặt hồ Ijen. Theo lời của các hướng dẫn viên, hồ Ijen không phải lúc nào cũng hiện ra rõ rệt vì khói lưu huỳnh luôn dày đặc. Phải rất may mắn, du khách mới có thể tận mục sở thị khi làn khói ngớt đi. Do đó, nếu không đủ kiên nhẫn, du khách rất dễ bỏ cuộc khi đã thấm mệt.

Ấy vậy mà nơi đây lại là nơi mưu sinh của không ít người dân bản địa. Hàng ngày có khoảng 300 công nhân đến khai thác ở mỏ lưu huỳnh. Số lượng lưu huỳnh được khai thác có thể lên đến 15 đến 45 tấn mỗi ngày.

Người phu khai thác lưu huỳnh bên những sản phẩm của mình.

Người phu khai thác lưu huỳnh bên những sản phẩm của mình.

Empty

Trái ngược hoàn toàn với sự bảo hộ kỹ càng của du khách, những người đàn ông này hoàn toàn không có bất cứ sự phòng bị nào. Họ để mặt trần, không mặt nạ phòng độc, quần áo cũng vô cùng đơn giản. Sự khắc khổ có thể dễ dàng tìm thấy trên gương mặt của những người thanh niên mà nếu không biết, bạn có thể lầm tưởng họ đang ở độ tuổi tứ tuần hoặc ngũ tuần.

Người dân ở khu vực này có trình độ văn hoá không cao, việc làm cũng khan hiếm và mỏ lưu huỳnh dường như là kế sinh nhai duy nhất cho tầng lớp lao động tại đây. Những người đàn ông này có tuổi thọ trung bình chỉ 47 tuổi do cả quãng đời của họ đã phải tiếp xúc với lưu huỳnh mà không có bất cứ sự bảo vệ nào.

Những người phu xe kéo đang nghỉ mệt chờ khách.

Những người phu xe kéo đang nghỉ mệt chờ khách.

Khi du lịch phát triển, những con người này cũng rất biết cách dựa vào đó để kiếm thêm thu nhập. Ví như việc phân công để làm dịu ngọn lửa xanh, du khách được các hướng dẫn viên khuyên rằng nên tip cho những người bảo vệ này 20.000 Rupiah. Vào buổi sáng, bạn sẽ thấy những người phu mỏ lưu huỳnh bày bán các món đồ điêu khắc lưu niệm bằng lưu huỳnh rắn với giá 30.000 Rupiah/sản phẩm. Hay như việc di chuyển lên miệng núi lửa cũng có các "taxi kéo" với giá 800.000 Rupiah/lượt đã giúp rất nhiều du khách dù không đáp ứng được yêu cầu về thể lực vẫn có cơ hội chiêm ngưỡng hồ axit.

Những người dân ở đây dù biết rằng tuổi thọ của họ bị ảnh hưởng rất nhiều nhưng đổi lại, nơi này lại giúp cho họ có kế sinh nhai. Với họ, đây như một cuộc đổi chác công bằng vì có lẽ họ nghĩ rằng, nếu rời xa nơi này, sự vất vả đôi khi không chỉ đến từ sự lao lực mà còn là áp lực tinh thần.

Lê Hồ Uy Di - Ảnh: Huỳnh Đạt
RELATED ARTICLES