Hoài niệm ga tàu cổ Đà Lạt

27/04/2020

Ga Đà Lạt là một góc tĩnh tại, nơi tôi nếm những giọt cà phê cao nguyên đắng tựa thời gian, nơi tôi có thể nhìn những người trẻ tuổi của bây giờ cười nói và chụp ảnh mà tưởng tượng ra những người trẻ tuổi của ngày xưa đã từng ngậm ngùi ly biệt...

Một hôm, khi mấy chị em đồng nghiệp đang nói chuyện với nhau, một người chợt đưa ra câu hỏi: Điểm đến nào ở Việt Nam là nơi mình quay lại bao nhiêu lần cũng không thấy chán? Người thì nói Sa Pa, người lại bảo Đà Nẵng, Hội An hay Phú Quốc. Nhưng với tôi, đó luôn là Đà Lạt. Được mệnh danh là thành phố sương mù, nhưng buổi trưa thường nắng chang chang còn buổi tối lại mưa gió rét mướt, Đà Lạt đỏng đảnh và không chiều ý du khách, thậm chí ngược lại, du khách phải chịu "nhún nhường" trước thời tiết Đà Lạt, liệu mà nhìn trời nắng hay mưa để tự thu xếp lịch trình đi chơi cho phù hợp. Mỗi lần đến với Đà Lạt, tôi thường chẳng chạy đua theo "những điểm nhất định phải đến", đơn giản chỉ là đi hái dâu, tản bộ quanh hồ, ngủ quên dưới một gốc liễu hay thong thả dành cả buổi chiều nhâm nhi tách cà phê nóng trên quán nhỏ lưng chừng đồi hoặc thả hồn theo "Ướt mi" buồn não nề lẫn trong tiếng mưa đêm.

Bởi thế nên, dù đã tới Đà Lạt bao nhiêu lần, tôi vẫn chưa khám phá hết những điểm đến nổi bật của thành phố sương mù này. Mãi gần đây, tôi mới ghé thăm ga Đà Lạt, ga tàu cổ với tuổi đời lên đến gần 90 năm, là nơi có đầu tàu chạy bằng hơi nước duy nhất Việt Nam. Năm 2001, ga Đà Lạt đã được công nhận là di tích lịch sử - kiến trúc quốc gia.

Empty
Empty
Empty
Empty

Từ trung tâm thành phố, ngay chợ Đà Lạt, chỉ cần men theo con đường Hồ Xuân Hương phía quảng trường Lâm Viên, chạy thẳng đường Yersin khoảng 2 km lên con dốc nhỏ quanh rừng thông là sẽ thấy ga Đà Lạt ngay bên tay phải. Ga Đà Lạt được người Pháp xây dựng từ năm 1932, hoàn thành vào 1938. Ga Đà Lạt cùng với ga Hải Phòng là những nhà ga lâu đời nhất ở Việt Nam, cũng như ở Đông Dương. Nhà ga được thiết kế theo phong cách kiến trúc Art Deco, kết hợp hài hòa giữa kiến trúc phương tây hiện đại, giống như ga Trouville-Deauville xứ Normandy, và hình tượng mái nhà rông Tây Nguyên độc đáo, với ba chóp nhọn tượng trưng cho đỉnh núi Langbiang cao nhất vùng. Phía trước nhà ga còn có mặt đồng hồ lớn ghi lại thời gian mà bác sĩ Alexandre Yersin đã phát hiện ra Đà Lạt.

Empty

Trước đây, có hai chuyến tàu hằng ngày từ Đà Lạt đến Nha Trang và Đà Lạt đến Sài Gòn với ba toa chở khách và một toa chở hàng hóa. Tuy nhiên, trong chiến tranh, đường sắt và nhà ga trở thành mục tiêu ném bom và bị phá hủy nghiêm trọng vào năm 1972. Sau đó, những đoạn đường ray này bị tháo bỏ để bán sắt vụn, những toa tàu hơi nước thời đó cũng bị bán ra nước ngoài. Hiện nay chỉ còn một phần ngắn của đoạn đường sắt dài gần 100 km vẫn hoạt động, đó chính là đoạn từ ga Đà Lạt đi Trại Mát.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Empty
Empty

Đầu tàu hơi nước và đoạn đường ray còn sót lại tại nhà ga năm xưa, trải qua bao nhiêu nắng mưa cùng năm tháng, giờ đã trở thành địa điểm check-in mang nét hoài cổ nhuốm màu thời gian tại thành phố sương mù. Một toa tàu còn được trưng dụng thành quán cà phê nhỏ xinh xắn. Dù không gian khá hạn chế, nhưng ở ga Đà Lạt, góc nào cũng đẹp, chỉ cần dành 30 phút hay 1 giờ đồng hồ ở đây là bạn đã sở hữu những bức ảnh hết sức ấn tượng. Và không chỉ được giới trẻ sử dụng là phông nền "vintage", ga Đà Lạt mà còn là địa chỉ lý tưởng cho nhiều cặp đôi đến chụp ảnh cưới, ghi lại những khoảnh khắc thiêng liêng giữa những đường ray, toa tàu, tường gạch rêu phong.

Empty
Empty
Empty
Empty
Empty

Dù ga Đà Lạt đã bị tách rời khỏi hệ thống đường sắt quốc gia Việt Nam, nhưng nó không phải là một địa điểm chỉ có giá trị tham quan. Một đầu máy và ba toa tàu còn sót lại hiện tại vẫn được sử dụng để hàng ngày chở hành khách từ ga trung tâm đến khu vực Trại Mát. Mỗi toa chứa được khoảng 64 khách với nội thất còn khá mới và đẹp, tàu lại di chuyển khá chậm để mọi người thỏa thích ngắm cảnh, chụp hình toàn bộ Đà Lạt từ những góc độ khác nhau khi tàu chạy dọc theo sườn đồi, cũng như tận hưởng bầu không khí trong lành của vùng cao, với những trang trại hoa rực rỡ sắc màu, những ngôi biệt thự cổ ẩn mình dưới tán cây xanh, những ngọn đồi nhấp nhô như sóng, những rừng thông vi vu trong gió và cả những con dốc nhỏ lúc ẩn lúc hiện trong phố phường Đạt Lạt... Quãng đường khá ngắn nên trên tàu cũng không có dịch vụ ăn uống hay WC riêng; đầu máy tàu đã cũ và hơi ồn so với tàu hỏa thường, nhưng chuyến tàu này vẫn rất đáng để thử vì cảm giác hoài cổ độc đáo mà nó mang lại.

Empty

Tại ga Đà Lạt, có bảng thông tin ghi cụ thể các chuyến tàu chạy trong ngày cho hành khách, như sau:

  • Chuyến đầu tiên: 7h45 - 9h25
  • Chuyến thứ 2: 9h50 - 11h20
  • Chuyến thứ 3: 11h55 - 13h25
  • Chuyến thứ 4: 14h - 15h30
  • Chuyến cuối: 16h5 - 17h35

Chuyến đi cách chuyến về 90 phút, tuy nhiên, bạn không nhất định phải về ngay vào chuyến tiếp theo, mà có thể về trên bất cứ chuyến nào trong cùng ngày, muộn nhất là chuyến 17h35. Trừ những dịp cuối tuần và ngày lễ tết, chuyến tàu này sẽ đông khách và nhân viên soát vé có thể yêu cầu khách lên tàu đúng chuyến. Mỗi chuyến tàu chở tối thiểu 20 khách và tối đa 80 khách. Và lưu ý rằng tuy ga Đà Lạt bán vé khứ hồi nhưng ga Trại Mát chỉ bán vé chiều Trại Mát - Đà Lạt mà thôi.

Thị trấn Trại Mát nằm ở phía đông, cách Đà Lạt 7 km, đi mất khoảng 25 phút. Tại đây, bạn có thể quan sát cuộc sống yên bình trong bầu không khí mát mẻ trong lành của người dân cao nguyên, tìm mua rau quả tươi ở chợ địa phương, cũng như tham quan chùa Linh Phước (chùa Ve Chai), đường hầm hỏa xa và vườn hoa cẩm tú cầu nổi tiếng.

Empty
Empty
Empty

Ga Đà Lạt không lớn, cả đoàn tàu chỉ có ba toa, chuyến tàu chỉ kéo dài chưa đầy nửa giờ... nhưng với tôi, đây không chỉ đơn thuần là một địa điểm "phông bạt" để check-in, mà cũng như bản thân Đà Lạt, đây là một góc tĩnh tại, nơi tôi có thể nếm những giọt cà phê cao nguyên đắng tựa thời gian, nơi tôi có thể nhìn những người trẻ tuổi của bây giờ cười nói và chụp ảnh mà tưởng tượng ra những người trẻ tuổi của ngày xưa đã từng ngậm ngùi ly biệt, nơi tôi có thể bước lên chuyến tàu hoài niệm như xuyên về quá khứ.

Thông tin thêm

Địa chỉ: số 1 Quang Trung, phường 10, Tp. Đà Lạt

Giờ mở cửa: 8h - 17h

Giá vé tham quan ga tàu: 5.000đ/người

Giá vé đi Trại Mát:

  • Khách Việt Nam: 72.000đ/người/chiều; 108.000 - 150.000đ/người/khứ hồi
  • Khách nước ngoài: 150.000đ/người/chiều; 170.000đ/người/khứ hồi
  • Trẻ em dưới 1 m miễn phí
Hương Thảo
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES