Thời tiết bắt đầu se lạnh cũng là lúc mùa hồng Đà Lạt vào chính vụ. Từ cuối tháng 9 đến tháng 12 hàng năm, những vườn hồng ngoại ô đã tràn ngập sắc cam, đỏ của những quả chín mọng, sai trĩu.
Hồng Đà Lạt được trồng nhiều ở dọc hai bên đường đi đến đèo Mimosa, hay đường lên đồi chè Cầu Đất. Chỉ cần đi ngang qua khu vực này thì bạn sẽ bất thần trước sắc cam rực rỡ của một rừng hồng đang chờ tới ngày thu hoạch.
Mùa này luôn có những cung đường ngao du xe máy qua những vườn hồng đầy trái chín đỏ. Các con đường vào xã Xuân Trường (đồi trà Cầu Đất), hay những khu vườn ở gần khu vực Dinh Bảo Đại (đường Triệu Việt Vương, phường 2) vào khu vực đèo Mimosa (đường đèo Prenn cũ)…
Cũng như khu vực D’ran, những con đường êm ru phủ mờ đất đỏ trong cái lạnh đầu đông với nắng vàng rực rỡ. Và lấp lánh trong nắng là những trái hồng "thắp lửa" trên các cây.
Hiện nay, cây hồng Đà Lạt có nhiều giống mới. Nhưng gọi chung lại có hồng nước, gồm các loại hồng dẻo, hồng dai (hồng trứng); và hồng giòn, là loại được ưa chuộng nhất, còn được gọi là hồng vuông, hồng chén hay hồng ngọt.
Hồng giòn Đà Lạt có vị ngon ngọt, thơm thơm, khi chẻ ra miếng vừa ăn. Sau này người dân Đà Lạt chuyển sang thu hoạch các loại hồng khi trái vừa già và chế biến thành hồng giòn, vừa dễ vận chuyển, vừa để được lâu không bị hư, ăn lại rất giòn và ngọt.
Ngoài giá trị nông nghiệp, những vườn hồng ở Đà Lạt bây giờ còn là địa điểm "sống ảo" lý tưởng của nhiều bạn trẻ. Chỉ với 20.000 VND/vé vào vườn hồng, du khách có thể thoải mái hòa mình tham quan, chụp ảnh và hái quả chín ngay tại vườn. Lưu ý phải giữ gìn vệ sinh chung, không được bẻ cảnh, hái trái tùy tiện (những trái còn xanh non).
Mùa hồng đến với Đà Lạt giữa những ngày se lạnh khiến cho những cơn gió đầu đông ở vùng đất này dễ chịu hơn, không khí được làm dịu bởi mùi thơm của hồng chín và màu đỏ cam điểm xuyết trên những cành lá xanh mơn mởn.