Dự hội thảo với sự tham dự của GS.TS Đào Mạnh Hùng – Chủ tịch Hiệp hội đào tạo du lịch Việt Nam, PGS.TS Lê Anh Tuấn – Phó vụ trưởng Vụ đào tạo, Bộ VHTT&DL, cùng đại diện lãnh đạo của Tổng cục dạy nghề, Hiệp hội du lịch các tỉnh phía Bắc; Về phía Quảng Ninh có Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh bà Vũ Thị Thu Thủy, lãnh đạo các sở, ban ngành liên quan.
Bà Vũ Thị thu Thủy – Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh đã khẳng định: Du lịch nước ta đang ngày càng phát triển và hội nhập thế giới vì thế việc đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao là việc vô cùng cần thiết với tình hình du lịch hiện nay của nước ta. Đào tạo du lịch phải “ Bám sát thực tiễn” bằng cách tạo mối liên hệ giữa các trường đào tạo du lịch với các doanh nghiệp từ đó sinh viên mới hiểu được các doanh nghiệp thực sự cần gì và hoàn thiện kĩ năng. Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh còn mong muốn các ban, ngành liên quan thường xuyên tổ chức các hội nghị, hội thảo để xây dựng phương hướng giải quyết vấn đề du lịch một cách tốt nhất, góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy du lịch phát triển.
GS.TS Đào Mạnh Hùng Cũng đồng quan điểm trên, ông cho rằng trong thời gian tới, các cơ sở đào tạo, cơ quan quản lý cần đào tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng cao đáp ứng Nghị quyết 08- NQ/ TW của Đảng về việc phát triển du lịch trở thành nghành kinh tê mũi nhọn.
PGS.TS Lê Anh Tuấn trong tham luận “Tăng cường đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch khu vực phía Bắc trong bối cảnh hiện nay” đã nhấn mạnh tiềm năng, thế mạnh phát triển của các sản phẩm du lịch, nguồn nhân lực du lịch đang được quan tâm và thực trạng về việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao ngành du lịch hiện nay, từ đó đề xuất một số giải pháp khắc phục. Theo PGS.TS Lê Anh Tuấn, việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cần tập trung vào 3 giải pháp như: cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng nên bộ tiêu chuẩn kĩ năng nghề; xây dựng tiêu chuẩn vị trí chức danh trong bộ máy quản lý; rà soát, xác định nhu cầu phát triển nhân lực; tăng cường lựa chọn cán bộ nguồn có trình độ năng lực, gửi đi đào tạo tại nước ngoài đối với những lĩnh vực còn khuyết thiếu. Đối với doanh nghiệp du lịch cần tổ chức phối hợp với các cơ sở đào tạo triển khai đào tạo tại doanh nghiệp; tạo điều kiện cho các sinh viên các cơ sở đào tạo du lịch có điều kiện thực hành kỹ năng tại cơ sở; cử chuyên gia tham gia các hoạt động xây dựng chương trình, giáo trình, học liệu và trực tiếp tham gia trao đổi chuyên môn nghiệp vụ tại các cơ sở đào tạo. Cuối cùng là đối với các cơ sở đào tạo cần tập trung đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tiếp cận năng lực, tăng cường kỹ năng nghiệp vụ và ngoại ngữ; nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và ngoại ngữ cho đội ngũ giáo viên, giảng viên; kết hợp giữa các cơ sở đào tạo trong thống nhất chuyên môn, nghiệp vụ, trao đổi, liên thông giữa các cơ sở đào tạo.
Hội thảo gồm 30 bài tham luận của các tác giả nguyên là lãnh đạo tỉnh, thành phố, các nhà khoa học, giảng viên, nhà kinh doanh ở các tỉnh phía Bắc. Tất cả các bài viết đều đã thể hiện tình yêu, tâm huyết đối với du lịch Việt Nam và đều có chung mong muốn góp phần đưa ra giải pháp đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao.
Tại hội thảo, Phó giám đốc Sở du lịch Quảng Ninh - Ông Trịnh Đăng Thanh đã nêu về thực trạng về đào tạo nguồn nhân lực của Quảng Ninh còn chưa chặt chẽ, cơ sở hạ tầng còn chưa đáp ứng được nhu cầu du lịch,... và đưa ra một số hướng giải quyết từ đó mong muốn rằng trong hội thảo này sẽ tìm ra được điểm nghẽn để khắc phục.
Nhìn từ góc độ nhà đào tạo, đại diện Trường Đại học Hạ Long Ths. Trần Trung Vỹ đã phân tích tương đối cụ thể về các vấn đề như: Đội ngũ giảng viên, chương trình đào tạo, cơ sở vật chất, và đặc biệt là việc kết nối sinh viên với các nhà tuyển dụng với mong muốn cải thiện được vấn đề đào tạo, để sinh viên có thể tiếp nhận cho mình những kĩ năng chuẩn xác nhất.
Hội thảo được tổ chức với mục tiêu đưa ra những giải pháp khắc phục việc đào tạo nguồn nhân lực. Để có thể đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế nói chung và hội nhập trong cộng đồng ASEAN nói riêng không dễ dàng đối với các cơ sở đào tạo du lịch. Song với sự vào cuộc của các cơ sở đào tạo, các cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp du lịch, chắc chắn thời gian tới đào tạo du lịch của Việt Nam sẽ đáp ứng tốt nhất các yêu cầu của các nhà tuyển dụng trong nước và có thể "xuất khẩu" ra thị trường khu vực và thế giới.