Đối với người Dao đỏ, lễ cấp sắc là một phong tục bắt buộc với người đàn ông. Chỉ những người được cấp sắc mới coi là người đàn ông trưởng thành, có thể tham gia vào các công việc hệ trọng của làng. Còn nếu họ chưa được cấp sắc thì dù sống tới già vẫn bị coi là chưa trưởng thành. Những người đã được cấp sắc dù trẻ tuổi vẫn được tham gia các nghi lễ quan trọng của gia đình và cộng đồng.
Lễ cấp sắc của người Dao đỏ có nhiều cấp bậc, mỗi cấp bậc phản ánh một ý nghĩa và trình độ khác nhau. Trong đó, cấp sắc 12 đèn là cấp sắc cao nhất và họ phải trải qua một quá trình tự học, rèn luyện, thông thạo các nghi thức, thủ tục hành lễ cũng như các bài cúng ghi trong sách Nôm Dao.
Người đã cấp sắc 12 đèn được cộng đồng trọng vọng nhất, sẽ trở thành thầy cúng cao cấp, đủ uy tín để đứng ra tổ chức các nghi lễ quan trọng cho bản làng. Lễ cấp sắc của người Dao có giá trị nhân văn, được thể hiện ở các điều giáo huấn ghi trong sắc cấp cho người thụ lễ tuyệt đối kỵ làm việc ác, điều xấu.
Lễ cấp sắc 12 đèn với các màn trình diễn nghi thức văn hóa cầu kỳ được diễn ra trong 3 - 4 ngày liên tục. Lễ cấp sắc 12 đèn chỉ diễn ra một lần duy nhất trong năm vào tháng 11, tháng 12 hoặc tháng Giêng. Buổi lễ thường diễn ra ở hai địa điểm chính: trong căn nhà để thực hiện các nghi thức buổi tối và khu lễ đàn với các nghi thức ngoài trời ban ngày.
Sự huyền bí trong tín ngưỡng người Dao đỏ
Là người trực tiếp chứng kiến các nghi lễ trong 4 ngày cấp sắc 12 đèn tại thôn Van Hồ, xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai, nhiếp ảnh gia Dương Quốc Hiếu (hiện đang sinh sống và làm việc tại Sapa) chia sẻ: “Qua một số người anh đi trước đã đi chụp, mình thấy ảnh mang tính bản sắc và nhiều gam màu rực rỡ khác nhau nên mê luôn từ cái nhìn đầu tiên”.
“Trong những ngày diễn ra lễ cấp sắc, mình phải trực tiếp túc trực ở đó để bám sát các nghi lễ quan trọng trong lễ cấp sắc 12 đèn của người Dao đỏ. Vì đợt này có rất đông các cặp vợ chồng làm lễ cấp sắc 12 đèn nên cũng là một dịp rất lâu mới có thể tổ chức lại với quy mô hoành tráng và nhiều cặp vợ chồng lên đến 43 cặp”, nhiếp ảnh gia cho biết.
Mở đầu là lễ khai đàn để báo cáo tổ tiên biết lý do của buổi lễ, lễ dâng đèn và thủ tục thông báo tên tuổi, chức vụ của người được cấp sắc, lễ xuất binh, lễ ăn chay (từ lúc vào làm lễ cho đến khi kết thúc lễ tất cả những người được cấp sắc cũng như người đến dự đều phải ăn chay), bước học làm thầy và múa rùa. Các nghi thức trên được tiến hành tuần tự, hòa theo nhịp điệu của tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng kèn… Sau đó, các thầy đem lễ ra ngoài sân gọi Ngọc Hoàng bằng tiếng tù và để thông báo cho Ngọc Hoàng biết bắt đầu vào lễ chính cấp sắc 12 đèn, rồi mời Ngọc Hoàng đến chứng giám. Tiếp đó là lễ thầy cúng truyền dạy đạo làm thầy cho các trò với yêu cầu làm thầy thì phải có tâm, có đức thì con cháu mới có phúc có lộc.
Một vật dụng không thể thiếu trong nghi lễ cấp sắc là đèn. Đèn dùng trong lễ cấp sắc là sự thể hiện vị trí cao thấp khác nhau của những người được cấp sắc sau khi thụ lễ. Đèn được sử dụng với dụng ý soi sang cho tâm hồn và tẩy rửa tất cả các tội lỗi, để người được cấp sắc trong sạch.
Một nghi thức chứa đựng tính linh thiêng của buổi lễ đó là “dẫn” các trò về âm để tiếp nhận quân binh phò tá. Theo đó, người xin cấp sắc 3 đèn sẽ được cấp 36 quân, 7 đèn thì có 72 quân và cấp cao nhất là 12 đèn thì sẽ được Ngọc Hoàng cấp cho 120 quân binh. Sau khi làm lễ xong và xin âm dương thành công các thầy sẽ dắt các học trò vào nằm thẳng ngay ngắn rồi đặt một chiếc mặt nạ và một đôi đũa lên mặt. Các thầy đi ba vòng quanh trò, vừa đi vừa khấn đồng thời bỏ mặt nạ ra.
Giải mã nguồn gốc nghi lễ cấp sắc
Tương truyền rằng, ngày xưa, người Dao sinh sống yên bình nơi các triền núi. Bỗng một ngày, ma quỷ từ đâu đua nhau xuất hiện quấy rối. Chúng không chỉ ăn thịt các loại vật nuôi, gia súc, phá hoại mùa màng mà còn giết hại bà con. Điều này khiến cho đời sống của người Dao rơi vào cảnh khốn cùng.
Không để lũ quỷ lộng hành chốn dương gian, Ngọc Hoàng sai quân lính nhà trời xuống trừ họa cho người Dao. Đáng tiếc thay, cuộc chiến kéo dài ròng rã suốt ba tháng vẫn không thể đuổi hết bọn chúng được. Thấy vậy, Ngọc Hoàng bèn sai các vị thần truyền lại phép thuật cho những người đàn ông trong buôn làng, cấp cho họ một đạo sắc để cùng quân binh nhà trời xuống trần gian diệt trừ ma quỷ.
Nhờ có sự đoàn kết giữa quân binh nhà trời và người trần, lũ quỷ đã bị tiêu diệt sạch sẽ. Từ đó, đề phòng lũ quỷ quay lại quấy phá, Ngọc Hoàng ban lệnh cấp sắc cho những người đàn ông làm chủ gia đình để họ có thể bảo vệ người thân và cả dòng tộc của mình. Chính từ lúc ấy, lễ cấp sắc của người Dao ra đời và được bao thế hệ đồng bào dân tộc gìn giữ, lưu truyền cho đến tận ngày nay.
Lễ cấp sắc 12 đèn của người Dao đỏ linh thiêng đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc cần được gìn giữ và phát huy. Do đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa nghi lễ vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia vào ngày 27/12/2012.