Chỉ sau hai tập phát sóng, "Jeongnyeon: The Star is Born" đã chứng minh sức hút không thể chối từ của mình khi rating tăng vọt từ 4,8% lên 8,2%. Điều gì đã khiến khán giả bị cuốn hút đến vậy? Có lẽ là bởi câu chuyện đầy cảm xúc về một cô gái trẻ tài năng, dám mơ ước và sẵn sàng đối mặt với mọi khó khăn để chinh phục đỉnh cao nghệ thuật. Diễn xuất xuất thần của Kim Tae Ri đã thổi hồn vào nhân vật Jeongnyeon, khiến người xem không khỏi đồng cảm và xúc động trước hành trình đầy gian nan nhưng cũng không kém phần rực rỡ của cô.
Không chỉ là câu chuyện nữ quyền và bản dạng giới
Lấy bối cảnh những năm 1950, sau chiến tranh Triều Tiên, giữa thời điểm Hàn Quốc đang trong giai đoạn tái thiết, Jeongnyeon là một cô bé nhà nghèo, xuất thân từ phố cảng Mokpo, ấp ủ ước mơ trở thành một diễn viên sân khấu truyền thống. Dù không được học hành đầy đủ nhưng cô gái trẻ sở hữu tài năng ca hát thiên bẩm, đặc biệt là ở thể loại pansori.
Từ bé, Jeongnyeon sớm bộc lộ tính cách độc lập và mạnh mẽ, hoàn toàn khác biệt so với mẹ và chị gái. Giọng ca đầy cảm xúc và tính cách của cô vừa giúp ích, vừa khiến cô gặp khó khăn, vì trong xã hội lúc bấy giờ, phụ nữ bị đóng khung vào hình mẫu khiêm nhường, cam chịu và chấp nhận sự an bài của số phận.
Sau khi chứng kiến sự ra đi của cha, ngọn lửa vươn lên trong cô càng trở nên mãnh liệt, thúc đẩy Jeongnyeon tìm cách thoát khỏi cảnh đói nghèo và giúp gia đình có cuộc sống tốt đẹp hơn. Hoài bão cháy bỏng đã đưa cô bé từ vùng đất Mokpo cổ kính đến thành phố Seoul sôi động, nơi cô bắt đầu dấn thân thực hiện hóa giấc mơ được trình diễn trên sân khấu của đoàn hát quốc kịch truyền thống.
Cuộc gặp gỡ với Moon Ok Kyung, ngôi sao của đoàn kịch Maeran, đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển của Jeongnyeon. Sự khích lệ và hỗ trợ từ Ok Kyung không chỉ giúp cô nhận ra khả năng của bản thân mà còn tiếp thêm sức mạnh cho cô trong hành trình chinh phục nghệ thuật. Mối quan hệ giữa cả hai, bên cạnh sự cạnh tranh với Heo Young Seo, tạo nên một bức tranh sinh động về tình bạn, sự đồng điệu và khát vọng vươn tới cái đẹp toàn bích của nghệ thuật.
Hình tượng Jeongnyeon, với vẻ ngoài phi giới tính cùng tính cách ngây ngô, ngổ ngáo, đã tạo nên một làn gió mới cho màn ảnh Hàn Quốc. Cô không chỉ là một cô gái trẻ tài năng mà còn là biểu tượng cho sự tự do, phóng khoáng. Qua nhân vật Jeong Nyeon, bộ phim đã khéo léo đặt ra những câu hỏi về giới tính và bản dạng giới, đồng thời khơi gợi những cuộc đối thoại sâu sắc về vai trò của phụ nữ trong xã hội.
Mối quan hệ của cô với những người bạn xung quanh không chỉ mang đến những tiếng cười mà còn giúp khán giả hiểu rõ hơn về những khó khăn và áp lực mà các cô gái trẻ phải đối mặt. Đó là cơ hội mở ra cuộc đối thoại sâu sắc hơn về bản dạng giới, phản ánh những khát khao và đấu tranh của phụ nữ trong một xã hội vẫn còn bảo thủ.
Nghệ thuật truyền thống của Hàn Quốc lần đầu được tôn vinh trên màn ảnh
Trong bối cảnh xã hội Hàn Quốc những năm 1950, khi các hình thức giải trí còn hạn chế, Pansori đã thực sự tỏa sáng và trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân. Với những giai điệu sâu lắng, câu chuyện cảm động và tài năng biểu diễn điêu luyện của các Gukgeuk, Pansori đã mang đến những giờ phút thư giãn quý giá.
Không chỉ là một hình thức giải trí, Pansori còn đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể, Pansori đã khẳng định vị thế của mình như một biểu tượng văn hóa độc đáo của Hàn Quốc.
Hàn Quốc những năm 1950 - 1960 chứng kiến quá trình hiện đại hóa và đô thị hóa vươn lên nhanh chóng. Sự ảnh hưởng của phương Tây, cùng với sự phát triển của các thể loại âm nhạc mới như pop và rock đã khiến cho những hình thức nghệ thuật truyền thống dần rơi vào lãng quên. Thế hệ trẻ bị cuốn hút bởi các xu hướng âm nhạc hiện đại, không còn “đoái hoài" đến những câu chuyện dài dòng và giai điệu truyền thống của pansori.
Trong phim, nhân vật Heo Young Seo, kỳ phùng của Jeongnyeon dù tài năng nhất nhì lứa thế hệ kế cận nhưng vẫn vật lộn để nhận được sự công nhận của gia đình khi theo đuổi quốc kịch, thay vì opera và nhạc pop đương đại như chị gái mình. Điều này tạo ra một khoảng cách lớn giữa các thế hệ, khiến cho việc truyền dạy và duy trì nghệ thuật này trở nên khó khăn.
Hơn thế nữa, sau cuộc Chiến tranh Triều Tiên, khi Hàn Quốc dồn sức vào công cuộc tái thiết đất nước và xây dựng một hình ảnh quốc gia hiện đại, Pansori - vốn là biểu tượng của văn hóa truyền thống - bất ngờ rơi vào quên lãng. Chính phủ ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp hiện đại, khiến cho nghệ thuật truyền thống như Pansori không được quan tâm đúng mức.
Các nghệ sĩ Pansori, trong đó có nhiều Gukgeuk tài năng, phải đối mặt với vô vàn khó khăn. Việc tìm kiếm cơ hội biểu diễn trở nên hạn hẹp, thu nhập bấp bênh khiến nhiều người phải từ bỏ đam mê để mưu sinh. Thậm chí, những thực tập sinh trong phim như Ju Ran, bạn của Jeongnyeon, cũng phải làm thêm nhiều công việc khác nhau để trang trải cuộc sống. Sự suy giảm của Pansori là một tổn thất lớn cho nền văn hóa Hàn Quốc.
Trong bối cảnh Jeongnyeon: The Star is Born, pansori không chỉ là nền tảng cho tài năng của nhân vật chính mà còn là biểu tượng cho khát vọng và bản sắc văn hóa. Yếu tố âm nhạc gợi nhớ về một thời kỳ mà nghệ thuật sân khấu truyền thống giữ vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân Hàn Quốc. Những giai điệu và câu chuyện trong pansori thể hiện nỗi đau, niềm vui, cũng như những ước mơ và khát vọng của con người, giúp khán giả kết nối với lịch sử và văn hóa của chính mình.
Mỗi tập Jeongnyeon đều phá vỡ tỷ suất người xem cao nhất của chính nó, hứa hẹn sự bùng nổ mạnh mẽ trong tương lai gần. Và rất có thể nó sẽ trở thành bộ phim hiếm hoi tiếp theo trong năm nay gia nhập câu lạc bộ rating trên 20%. Dĩ nhiên chưa biết tương lai sẽ ra sao nhưng hiện tại với 4 tập phim đã lên sóng, Jeongnyeon đã được đánh giá rất cao, thậm chí còn được khán giả xếp vào hàng ngũ những ứng cử viên nặng ký nhất cho hạng mục giải thưởng phim hay nhất 2024.