Vài tháng trở lại đây, đoạn đường sắt từ ngã tư giao cắt với phố Điện Biên Phủ đến Phùng Hưng mọc lên hàng loạt quán cà phê nằm sát bên đường ray xe lửa, phục vụ các bạn trẻ và du khách nước ngoài với mong muốn được trải nghiệm cuộc sống của người dân sống hai bên đường tàu, ngắm cảnh tàu hỏa chạy xuyên qua lòng phố cổ. Tuy nhiên, tình trạng này tiềm ẩn rất nhiều hiểm họa cho cả người dân và du khách.
Chính vì vậy, ngày 4/10 vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải đã ra văn bản yêu cầu UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng tăng cường tuyên truyền pháp luật về đường sắt đến người dân, đồng thời đề nghị giải tán các tụ điểm cà phê trong hành lang đường sắt, ra phương án đảm bảo an toàn giao thông đường sắt khi làm thủ tục cấp đất cho doanh nghiệp và người dân cũng như khi quy hoạch các khu dân cư.
Hà Nội được đề nghị chủ trì, phối hợp với Cục Đường sắt VN, Tổng Công ty Đường sắt VN tiếp tục giải tỏa dứt điểm vi phạm của các hộ dân hiện đang kinh doanh trong khu vực tiếp giáp dọc đường sắt, có hành vi họp chợ, buôn bán hàng trong lòng đường sắt; ngăn chặn, giải tán các tụ điểm đông người quay phim, chụp ảnh, ngồi uống cà phê trong lòng đường sắt.
"Thành phố phải xử lý trách nhiệm người đứng đầu địa phương để xảy ra tình trạng phát sinh thêm lối đi tự mở, lấn chiếm hành lang hoặc tái lấn chiếm, sử dụng trái phép đất hành lang an toàn giao thông đường sắt", Bộ Giao thông Vận tải nêu.
"Cà phê đường tàu"
Là cách mà nhiều người vẫn gọi vui khi nhắc đến hoạt động của những quán cà phê nằm trong hành lang an toàn đường sắt khu vực các phường Điện Biên, Hàng Bông, Cửa Nam (thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Trên địa bàn thành phố Hà Nội có 6 tuyến đường sắt chạy qua với tổng chiều dài hơn 160 km. Đặc biệt, tại đây có đến 560 giao cắt giữa đường sắt với đường bộ.