Khách quốc tế tăng 62 lần so với năm 2022
Theo báo cáo của Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng, trong quý I/2023, tổng lượt khách do cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt 1,4 triệu lượt, tăng hơn 4,6 lần so với với cùng kì năm 2022; trong đó khách quốc tế ước đạt 391.600 lượt, tăng 62 lần so với cùng kì năm 2022; khách nội địa ước đạt 1,032 triệu lượt, tăng gấp 3,4 lần so với cùng kì năm 2022.
Số liệu của Cục Thống kê thành phố cho thấy số ngày lưu trú bình quân tính chung cho khách ngủ qua đêm quý 1 ước đạt khoảng 1,66 ngày/lượt khách, trong đó khách quốc tế là 2,05 ngày/lượt; khách nội địa là 1,43 ngày/lượt. “Về tổng thể, số lượng khách đã cán mốc năm 2019, điều này cho thấy nội lực điểm đến, sản phẩm du lịch và hệ sinh thái du lịch của Đà Nẵng đang được phát huy rất tốt” - ông Cao Trí Dũng nhận định.
Một trong những yếu tố dẫn đến việc khách du lịch, đặc biệt là khách du lịch nước ngoài đến Đà Nẵng tăng là việc chỉ trong thời gian ngắn, nhiều đường bay quốc tế được nối lại. Ví dụ đường bay từ Narita (Nhật Bản) đến Đà Nẵng do Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) khai thác với tầng suất 4 chuyến/tuần và sẽ tăng lên 7 chuyến/tuần từ 1.7 tới đây. Nhật Bản là một trong những thị trường tiềm năng của du lịch Đà Nẵng, thời điểm trước dịch, năm 2019 tổng lượt khách Nhật Bản đến Đà Nẵng đạt hơn 183.000 lượt khách, tăng trưởng gần 200% so với năm 2015 (92.000 lượt).
Cùng với đường bay từ Nhật Bản, đường bay từ Viêng Chăn (Lào) đến Đà Nẵng cũng chính thức được Hãng hàng không quốc gia Lào (Lao Airlines) đưa vào khai thác với tần suất 2 chuyến/tuần vào thứ Năm và Chủ nhật.
Và đến thời điểm này, Đà Nẵng có 16 chặng bay quốc tế thường kì do 20 hãng hàng không khai thác, tần suất của các chặng bay quốc tế ước đạt hơn 280 chuyến/tuần (trung bình 40 chuyến bay/ngày) với hơn 560.000 lượt khách đi quốc tế.
Thị trường mới, sản phẩm mới
Không chỉ bằng đường hàng không, khách quốc tế còn đến Đà Nẵng bằng đường tàu biển. Thống kê của Sở du lịch thành phố cho biết: Trong quý I/2023 Đà Nẵng đón 9 chuyến tàu biển với 7.300 khách cập cảng Tiên Sa. Các tàu biển này do Chi nhánh Công ty TNHH MTV Dịch vụ Lữ hành Saigon tourist tại Đà Nẵng, Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Tân Hồng tại Thành phố Hồ Chí Minh, Công ty TNHH Du lịch và Dịch vụ Pacific Legend… khai thác.
Khách quốc tế quay lại Đà Nẵng cán mốc năm 2019 là tín hiệu vui. Tuy nhiên theo ông Cao Trí Dũng, về lâu dài, Đà Nẵng cũng cần bổ sung thêm các sản phẩm du lịch mới để đáp ứng nhu cầu thị hiếu ngày càng tăng cao của du khách.
Theo đại diện một đơn vị lữ hành chuyên khai thác khách tàu biển, thời điểm này khách tàu biển từ các thị trường quốc tế trong đó có thị trường châu Âu đã bắt đầu quay trở lại Đà Nẵng. Về cơ bản các dịch vụ dành cho thị trường khách này trên địa bàn thành phố hiện đang tạm ổn, công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn cho khách tại điểm đến khá tốt. Tuy nhiên về lâu dài cũng cần có thời gian để các đơn vị khai thác nắm bắt phản hồi của du khách về dịch vụ tại điểm đến, từ đó có những đánh giá, điều chỉnh thiết thực hơn, dễ thu hút khách hơn.
Theo ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng, tới đây, ngành chuẩn bị tổ chức xúc tiến du lịch tại Thái Lan, Indonesia và Malaysia; hoàn chỉnh kế hoạch tổ chức lễ hội Tận hưởng mùa hè Đà Nẵng... Cùng với đó, sở tiếp tục triển khai xây dựng các đề án về phát triển sản phẩm du lịch; trình UBND thành phố kế hoạch phát triển ẩm thực thành sản phẩm du lịch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2023-2030; phối hợp UBND quận Sơn Trà xây dựng phương án thí điểm tổ chức dịch vụ, phục vụ du lịch về đêm trên cầu Nguyễn Văn Trỗi và công viên bờ đông chân cầu Nguyễn Văn Trỗi; phối hợp UBND quận Hải Châu xây dựng kế hoạch tổ chức thí điểm Phố đi bộ Bạch Đằng - Trần Hưng Đạo; tổ chức trang trí tạo điểm check-in để phục vụ du khách…