Bài và ảnh: Long Vũ
Từ lâu tôi đã biết đến bộ phim truyền hình nổi tiếng của Trung Quốc Hồng Lâu Mộng phiên bản 1987 do đạo diễn Vương Phù Lâm thực hiện. Nội dung phim xoay quanh câu chuyện tình duyên trắc trở giữa hai anh em con cô con cậu: Giả Bảo Ngọc và Lâm Đại Ngọc, từ đó mô tả cuộc sống nhiều mặt của một đại gia đình quý tộc đời Minh từ lúc cực thịnh cho đến lúc suy vi trong vòng tám năm.
Ban đầu, khi lên kế hoạch tới thăm Bắc Kinh, ngoài những Tử Cấm Thành, Thập Tam Lăng, Vạn Lý Trường Thành, Vương phủ tỉnh... tôi còn vô cùng háo hức và mong một lần được đến thăm một nơi từng là phim trường cho bộ phim mình yêu thích, đó chính là Đại Quan Viên.
Bởi ngoài là một trong những bộ phim tôi yêu thích nhất khi còn thơ ấu, thứ nữa do không có điều kiện tham quan phim trường Tam Quốc Diễn Nghĩa hay phim trường Vô Tích ở tỉnh Chiết Giang, vì vậy Đại Quan Viên chính là một điểm đến đặc biệt hấp dẫn đối với tôi trong chuyến đi lần này.
Mặc dù biết tiếng Trung Quốc, nhưng để đến với Đại Quan Viên với tôi không hề đơn giản. Vì không nằm ở trung tâm thành phố, do đó tôi đã phải đi lòng vòng khá nhiều thời gian và di chuyển bằng nhiều phương tiện từ tàu điện ngầm, xe buýt và cuối cùng phải nhờ cậy đến taxi để tìm đến được với nơi này.
Mua vé và bước qua cửa chính dẫn vào Đại Quan Viên, tôi đã được nghe tiếng nhạc du dương quen thuộc vẫn thường hay cất lên trong mỗi tập phim Hồng Lâu Mộng cách đây gần 20 năm mà tôi từng được thưởng thức và mê mải.
Phim trường bộ phim Hồng Lâu Mộng có tên gọi Đại Quan Viên Bắc Kinh, được khởi công xây dựng năm 1984, là một hoa viên có quy mô 13 hecta, với hơn 40 công trình lầu hồng gác tía, sơn son thếp vàng nguy nga lộng lẫy. Các công trình kiến trúc chiếm hơn 8.000 m2, bao gồm hơn 60.000 khối đất đá, 24.000 m2 diện tích mặt nước. Tên gọi Đại Quan Viên được đặt theo hoa viên Đại quan của Giả Nguyên Xuân. Theo tiểu thuyết Hồng Lâu Mộng, con gái của Giả Chính là Nguyên Xuân được vua phong là Nguyên phi. Vì vậy, để mỗi lần đón Nguyên phi về tỉnh thân, phủ Vinh quốc cho xây dựng vườn Đại quan cực kì tráng lệ huy hoàng. Khu vườn Đại quan này chỉ dành cho 12 cô tiểu thư xinh đẹp của hai phủ Vinh và phủ Ninh lui tới vui chơi. Giả Bảo Ngọc là cậu ấm duy nhất được lui tới và tìm được người tâm đầu ý hợp là Lâm Đại Ngọc.
Đại Quan Viên từng được giới nghiên cứu Hồng học (nghiên cứu về Hồng Lâu Mộng) nhận định là đã thực hiện được giấc mộng bên ngoài tiểu thuyết Hồng Lâu Mộng của Tào Tuyết Cần. Ngoài ra, công trình còn thể hiện được "Văn hóa Hồng lầu" đến nỗi các kiến trúc sư cũng phải thốt lên rằng: Đại Quan Viên đã thống nhất được ba yếu tố chính gồm nghệ thuật Hồng lầu, kiến trúc cổ điển và nghệ thuật hoa viên truyền thống của Trung Quốc thành một thể hoàn chỉnh. Trong khi các nhà văn lại nhận xét: Đại Quan Viên đã sáng tạo ra một hình thức mới có sự kết hợp giữa góc nhìn điện ảnh với kiến trúc hoa viên. Giới hoa viên thì đánh giá, phim trường này đã mang đến ý nghĩa mới cho giới hoa viên của Trung Quốc... cùng vô số những lời bình phẩm, đánh giá tích cực của nhiều ngành, nhiều giới nói về Đại Quan Viên từng gắn với bộ phim truyền hình nổi tiếng Hồng Lâu Mộng phiên bản 1987 của đạo diễn Vương Phù Lâm.
Đại Quan Viên được xây dựng dựa trên những ý tưởng và ý kiến đóng góp từ nhiều giới như các nhà Hồng học, kiến trúc sư về kiến trúc cổ, các nghệ nhân hoa viên và chuyên gia sử liệu nhà Thanh. Các ý kiến đều thống nhất dựa trên những miêu tả trong tiểu thuyết Hồng Lâu Mộng của nhà văn Tào Tuyết Cần, trong đó có sử dụng các phương pháp kỹ thuật kiến trúc cổ điển Trung Quốc và lối xây dựng từ nghệ thuật hoa viên truyền thống.
Tất cả kiến trúc của hoa viên ở Đại Quan Viên như hệ thống bonsai, hồ nước, tạo cảnh thực vật cho đến những khung cảnh điểm xuyết đều tuân theo và bám sát những miêu tả từ nguyên tác Hồng Lâu Mộng. Ví dụ như viện Di Hồng của Giả Bảo Ngọc vừa lộng lẫy vừa thấm màu lầu hồng gác tía. Hay như Tiêu Tương quán của Lâm Đại Ngọc được bao quanh với vườn trúc vừa âm u tĩnh mịch vừa lạnh lẽo sầu thảm, tương tự tâm hồn nàng như một sợi tơ đàn mảnh mai, bất kể một giọt mưa thu hay tơ liễu bay đều âm vang một điều bi thương đứt ruột.
Trong khi đó, nơi ở của Nguyên phi (Giả Nguyên Xuân) khi về tỉnh thân tại điện Cố Ân Tư Ý (hay vườn Đại quan - Đại quan viên) lại toát lên vẻ đài các của hoàng gia, vừa nho nhã lại cao quý, thanh tao.
Toàn bộ Đại Quan Viên bao gồm khu vực cảnh vật đình viện với 5 viện, quán, gồm: Di Hồng viện của Giả Bảo Ngọc, Tiêu Tương quán của Lâm Đại Ngọc (hay Đại Ngọc các), Hoành Vu uyển của Tiết Bảo Thoa, Xuyết Miên lầu và Thu Sướng trai của Thám Xuân; Khu cảnh vật tự nhiên gồm 3 hạng mục, như nhà Ngâu Hương, TríchThúy đình và Đạo Hương thôn của Lý Hoàn; Khu cảnh chùa Phật 1 ngôi: am Long Bích; Khu miếu điện 1 gian: Hành cung đại quan lầu.
Cụ thể những đình đài lầu gác, trường lang uốn khúc, bồn hoa trăm sắc hay những hồ nước sóng nước gợn lăn tăn, cá nhảy tung tăng, tiếng hươu nai chim chóc hót ca, khổng tước vui múa, uyên ương dập dìu... đều toát lên một quần thể hồng lâu như trong mộng tưởng.
n quán, Đại Quan Viên quán, Nhà trưng bày văn hóa nghệ thuật Hồng lâu, nhà trưng bày các vật dụng, tinh phẩm văn hóa Hồng lâu, nhà trưng bày cuộc đời gia thế Tào Tuyết Cần, khu nghiên cứu và trưng bày các tác phẩm nổi tiếng về học thuật Hồng lâu và khu thứ bảy là nhà truyền hình Hồng lâu dành tổ chức đêm Đại Quan viên Bắc Kinh diễn ra từ tháng 5 đến tháng 10 hàng năm.
Tôi ghé thăm khu ở của Giả Bảo Mẫu, trước vì tiện đường đi, tính từ ngoài cổng vào. Bên trong ngoài khung cảnh được giữ nguyên như trong phim từ ngày khởi quay, còn có tượng sáp Giả mẫu và Giả Đại Ngọc đang trò chuyện cùng "Phượng ớt" Vương Hy Phượng, đứng cạnh là già Lưu. Tượng sáp các nhân vật được làm phỏng theo các diễn viên thể hiện thành công vai diễn trên là cố nghệ sĩ Lý Đình (Giả mẫu) và nam diễn viên Âu Dương Phấn Cường (Bảo Ngọc), Đặng Tiệp (Phượng ớt), Sa Ngọc Hoa (già Lưu). Có lẽ do những bức tượng được thực hiện khi công nghệ làm tượng sáp của Trung Quốc vẫn còn hạn chế, vì vậy không được chải chuốt và thực sự có hồn, thậm chí có phần xấu xí, thô kệch. Dù sao những bức tượng sáp cũng phần nào gợi cho du khách có thêm cái nhìn sâu sắc và hồi tưởng lại những nhân vật, diễn viên nào ở lầu viện nào, hình hài phục trang của họ ra sao...
Những hoa viên, hồ nước, hòn non bộ trên đường đi dẫn tôi đến với Hồng Di viện của Giả Bảo Ngọc, một con người luôn mâu thuẫn giữa khát vọng tự do và sự ràng buộc nặng nề của gia đình và xã hội phong kiến. Tiếp đến là Tiêu Tương quán um tùm trúc xanh của Lâm Đại Ngọc, một tiểu thư "nghiêng nước nghiêng thành" vừa đáng yêu và tội nghiệp, luôn ủ sầu và canh cánh tình yêu với Giả Bảo Ngọc mà không thành...
Tôi băng qua hàng chục những gian lầu hồng gác tía được sơn son thếp vàng hết sức đẹp mắt và cổ kính. Những rặng liễu rủ bên hồ, cạnh những hòn non bộ gợi lên vẻ buồn man mác từng in đậm dấu ấn trong tôi khi xem Hồng Lâu Mộng. Các công trình kiến trúc ở đây được trang trí với lối kiến trúc nhà Thanh, đặc biệt các hoa văn trang trí trên những cột, vì kèo, xà, hành lang, ban công, riềm hiên...
Du khách ở đây phần chính là người Trung Quốc, những người biết đến bộ phim Hồng Lâu Mộng thay vì du khách nước ngoài thường thấy ở những điểm tham quan nổi tiếng của Bắc Kinh như Tử Cấm Thành, công viên Bắc Hải, quảng trường Thiên An Môn, Cung điện mùa Hè...
Lang thang trong Đại Quan Viên cũng ngốn của tôi nguyên nửa ngày, vừa thăm thú vừa chụp hình lưu niệm và lắng nghe những giai điệu quen thuộc trong phim Hồng Lâu Mộng, để rồi thả hồn vào khung cảnh từng hiện ra choáng ngợp trên màn ảnh gần hai thập niên trước. Không gian ở đây khá yên tĩnh, vừa vì cách xa trung tâm thành phố, vừa ít khách du lịch hơn hẳn so với những địa điểm thu hút cả khách quốc tế lần nội địa ở Bắc Kinh. Vì vậy tôi dễ dàng có được những tấm hình như ý mà không bị ảnh hưởng bởi đám đông.
Đại Quan Viên không rộng lớn như phim trường Hoành Điếm hay phim trường Vô Tích, nhưng cũng đủ rộng để bạn nhiều lúc phải chồn chân mỏi gối và ngồi nghỉ cạnh một hồ nước, hay suy tư bên một hành lang sặc sỡ hoặc ngồi lim dim dưới rặng trúc, rặng liễu trong một quán, một viện của những Đại Ngọc, Giả Nghinh Xuân hay Thám Xuân... Cũng có khi tôi lạc lối trong một căn lầu hồng gác tía nào đó và mê mẩn với những chạm khắc, hoa văn tinh xảo ở đây.
Ngoài ra, mỗi dịp Tết Âm lịch từ mồng 1 - 6, nơi đây lại tổ chức Miếu hội Hồng Lâu, bao gồm biểu diễn văn nghệ, lễ hội hoa dân gian, các món ăn truyền thống, hoạt động vui chơi dân gian... Trong đó đáng nói nhất phải là lễ diễu hành cố trang Nguyên phi Tỉnh Thân, một hoạt động truyền thống và độc đáo của Đại Quan Viên mỗi dịp tết đến xuân về.
---------------------------------
Thông tin thêm:
+ Trong khuôn viên phim trường Hồng Lâu Mộng, du khách dễ dàng bắt gặp những cửa hàng lưu niệm với các ấn phẩm về bộ tiểu thuyết Hồng Lâu Mộng được in ấn hết sức phong phú, đẹp mắt. Những đồ lưu niệm như tranh ảnh, tú lơ khơ, quạt giấy, đèn lồng, tượng gốm xứ nhỏ, quần áo... có liên quan đến bộ phim Hồng Lâu Mộng. Ngoài ra, những khu gian hàng bày bán đồ ăn cho đến các món ăn truyền thống của người Trung Quốc như kẹo hồ lô, kẹo đường thổi hình con giống... cũng có thể tìm thấy ở đây.
+ Dịch vụ chụp ảnh hay thuê trang phục các nhân vật trong phim Hồng Lâu Mộng cũng là một hoạt động không thể thiếu với những du khách muốn tìm cảm giác được trở thành những nàng Kim lăng thập tam thoa, hay Bảo Ngọc, Vương Hy Phượng hoặc ngay cả già Lưu đần độn, quê mùa.
+ Đại Quan Viên từng nhận được nhiều phong tặng như 16 cảnh quan mới của Bắc Kinh, 10 kiến trúc nổi bật những năm 1980 của thủ đô (Bắc Kinh), 40 danh thắng du lịch nổi tiếng Trung Quốc, công trình kiến trúc đậm chất dân tộc...
+ Khu du lịch Đại Quan Viên mở cửa từ 7:30 - 17:00 vào mùa vãn khách và từ 7:30 - 17:30 vào mùa đông khách. Địa chỉ: số 12 đường Nam Thái viên, khu Tây Thành thuộc quận Tuyên Vũ, thành phố Bắc Kinh. Giá vé vào cửa 40 NDT/khách.