Những phong tục rùng rợn ở Sulawesi

28/11/2018

Dường như đối với khách du lịch Việt Nam thì Sulawesi còn khá lạ lẫm bởi chúng ta thường nghĩ Indonesia chỉ có Bali, Lombok, Bromo hay Yogya. Thật ra, đất nước vạn đảo này sở hữu nhiều vùng đất độc đáo lôi cuốn du khách. Kể cả người Indonesia, họ cũng mơ ước một lần đặt chân đến những vùng đất kỳ lạ trên đất nước rộng lớn của họ. Sulawesi, hòn đảo lớn thứ tư ở Indonesia và mười một trên thế giới, là nơi cư ngụ của tộc người Tana Toraja vẫn lưu giữ những phong tục rùng rợn từ hàng trăm năm qua giữa vùng rừng núi kỳ bí phía Nam Sulawesi.

Nằm ở phía Tây của đảo Broneo, Sulawesi có hình dáng vô cùng đặc biệt. Tôi thấy họ cách điệu chữ “K” trong chữ Makassar bằng hình dáng của hòn đảo này. Makassar, thành phố lớn nhất, chính là cửa ngõ để du khách có thể đặt chân khám phá hòn đảo. Khi tìm hiểu về hòn đảo, ngoài những bãi biển, những cụm đảo nhỏ hoang sơ nằm lọt thỏm giữa những vịnh biển tuyện đẹp của Sulawesi thì hòn đảo này có chứa đựng những câu chuyện đặc sắc về văn hoá.

Chuyến đi này của tôi cũng là một chuyến đi kỳ lạ. Bất chợt lên hành trình, được một người bạn ở Việt Nam giới thiệu gia đình Hendri ở Sulawesi, rồi chỉ nghĩ ghé chơi một buổi ở Makassar với họ thôi nhưng sau đó tôi bị cuốn theo sự nhiệt tình hiếu khách đến kỳ lạ để rồi gần hai tuần rong ruổi cùng họ trên hòn đảo này và khám phá Sulawesi như một người Indonesia thực thụ.

Empty

Kiến trúc tre nứa độc đáo

Đường đi đến thành phố Rantapao, cửa ngõ của vùng đất Tana Toraja, rất đẹp do chính phủ đầu tư cơ sở hạ tầng khá tốt trong những năm gần đây. Sau khoảng 100 km đường bằng ven biển, 200 km còn lại là những đoạn đường đèo dốc quanh co nhưng vì khởi hành ban đêm nên mật độ xe cộ cũng thưa hơn. Chúng tôi đến Rantapao lúc 3 giờ sáng sau vài lần dừng chân ở những quán cóc ven đường. Nhiệt độ sáng sớm ở thị trấn vùng cao khá mát mẻ, dễ chịu trong mùa hè. Chúng tôi tìm ngay một phòng ngủ ở khu trung tâm thị trấn để lấy sức cho hành trình khám phá phía trước.

Khi trời đã sáng, Hendri gọi điện cho một người Taraja nhờ anh ta dẫn đến những ngôi làng độc đáo ở Tana Torajan. Hendri nói rằng, anh ta là bạn làm ăn hơn chục năm trước. Khi đó, Hendri mỗi tuần phải lên Rantepao hai lần nên cũng khá rành rọt về vùng đất này, nhưng tất nhiên với một người kinh doanh thuần tuý. Vì thế, anh ta giới thiệu thêm người bạn bản địa của mình để cung cấp thông tin cho tôi một cách đầy đủ.

Empty

Sulawesi có sáu tỉnh thành trong đó tỉnh Nam Sulawesi là tỉnh có mất độ dân cư đông nhất, nơi tọa lạc thành phố Makassar hiện đại và vùng đất cao nguyên của tộc người Toraja. Người Toraja là một nhóm dân tộc bản địa thiểu số với dân số ước khoảng 1,1 triệu người, trong đó 450.000 người sống ở vùng Tana Toraja. Hầu hết người dân theo đạo Tin lành, một số khác là tín đồ Hồi giáo, và số người còn lại theo tín ngưỡng vật linh mà ở địa phương được gọi là Aluk - có nghĩa là con đường.

Empty

Tana Toraja có rất nhiều ngôi làng truyền thống với mái nhà như những con thuyền lướt trên mặt biển mà theo người địa phương gọi là Tongkonan. Tongkonan được thiết kế phức tạp như một nhà sàn với bốn trụ lớn chống bên dưới thường được lấy từ những cây nứa khổng lồ. Một lối cầu thang nhỏ bằng gỗ dẫn lên sàn nhà. Không gian ngôi nhà khá ấm cúng và được chia ra thành 3 gian, gian phía trước dành cho trẻ con, gian chính giữa nơi có bếp lửa là chỗ sinh hoạt chung cho cả gia đình, gian phía sau là dành cho cha mẹ hay ông bà. Tuỳ theo gia đình lớn nhỏ mà các Tongkonan có diện tích phù hợp.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Empty

Đặc trưng nhất của ngôi nhà sàn là mái nhà cong vút được trang trí tinh xảo bằng những hoa văn họa tiết chạm khắc cầu kỳ, phía trước có treo một đầu trâu đen, số ít khác treo đầu trâu bạch tạng với đôi sừng nhọn hoắc. Phía trước chính giữa ngôi nhà còn dựng một cây cột treo sừng trâu, nhà nào nhiều sừng trâu chứng tỏ gia đình giàu có hay có địa vị trong làng. Những ngôi nhà thường được xây dựng tập trung thành hai dãy đối diện với khoảng sân chung chính giữa để thực hiện tất cả các nghi lễ Aluktodolo, một tôn giáo của người bản địa khi chưa có sự truyền bá của các tôn giáo hiện hữu. Một người Toraja còn cho chúng tôi biết, nguồn gốc của người Toraja xuất phát từ Việt Nam khi tổ tiên của họ di cư đến hòn đảo này bằng thuyền xa xưa. Tôi không biết lý giải hay tin tưởng điều này bao nhiêu phần trăm nhưng cũng cảm thấy thật xúc động khi biết thêm những thông tin thú vị liên quan đến người Việt trước đây.

Tôi được dẫn đến một ngôi nhà vẫn còn đang xây dựng dang dở của một người Toraja đang làm cha xứ cho ngôi nhà thờ nhỏ bên cạnh. Người Tarajo đa phần theo đạo Tin Lành nên những ngôi làng đều có những ngôi nhà thờ để người dân hành lễ. Cũng giống như những người dân ở vùng đất này, nhà vị cha xứ trồng trọt một số cây công nghiệp như cà phê, ca cao, đinh hương và nuôi một số gia súc, gia cầm tự cung tự cấp. Chúng tôi được thiết đãi món gà núi nướng than, su su xào lòng với vị tương ớt cay xé đầu lưỡi. Chỉ có tôi là sử dụng muỗng, hầu hết mọi người đều dùng tay phải để bốc thức ăn. Thế mới nói, văn hoá đa dạng và giao thoa với nhau khi không chỉ người theo đạo Hồi mới dùng tay khi ăn uống.

Empty

Rantepao ngày nay đã xuất hiện những ngôi nhà Tongkonan được xây bằng gạch, đâu đó là những công trình dân sinh hay tôn giáo hiện đại xen lẫn giữa màu xanh của núi rừng. Những tiếng kinh cầu nguyện hàng ngày được phát ra từ những chiếc loa công suất lớn nhưng người Tana Taraja vẫn thảnh thơi và an nhiên với cách sống của họ. Họ vẫn trồng trọt, chăn nuôi, vẫn lễ lạt cầu bình yên, vẫn sống chung với những người thân yêu khi đã mất… như những gì đã tồn tại hàng trăm năm qua giữa vùng đất kỳ bí trên hòn đảo Sulawesi này.

Empty

Vùng đất của những linh hồn ngự trị

Theo anh bạn của Hendri, văn hoá tín ngưỡng của người Toraja ảnh hưởng rất nhiều từ những người theo thuyết vật linh, nghĩa là họ tin rằng vạn vật trên đời - từ động vật, thực vật, khoáng sản tới các hiện tượng thiên nhiên như sét, bão, động đất - linh hồn đều ngự trị. Vì thế, mỗi khi một người qua đời, họ tổ chức tang lễ theo nhiều nghi thức rất cầu kỳ.

Empty

Khi một người Toraja chết, người thân sẽ phải thực hiện hàng loạt nghi thức tang lễ trong nhiều ngày. Song phần lớn gia đình Toraja không có đủ tiền để thực hiện toàn bộ nghi thức tang lễ ngay lập tức nên họ phải chờ nhiều tuần, nhiều tháng hay thậm chí cả năm. Một số gia đình thì chờ đợi đến khi kết thúc vụ mùa. Người Toraja hiếm khi chôn tử thi trong lòng đất, mà đặt người chết vào các hang, khe đá, hốc trên núi hoặc hay đặt xác vào quan tài gỗ rồi treo trên vách đá cao. Họ dành khá nhiều thời gian và tiền của để hoàn thành nơi yên nghỉ của người chết. Họ có thể ướp rồi đặt xác trong một căn phòng của ngôi nhà chính mình.

Empty
Empty

Trước khi các nghi thức tang lễ kết thúc, người ta coi tử thi là người đang mắc bệnh, chứ chưa chết. Ngay sau khi gia đình có đủ tiền, các nghi thức tang lễ bắt đầu. Họ giết trâu, ngựa, lợn rồi nhảy múa, còn những bé trai dùng các ống nứa dài để hứng máu từ những con vật mà người lớn giết. Địa vị của người chết càng cao thì số lượng trâu dành cho tang lễ càng lớn. Trong một số đám tang của người giàu hoặc có quyền thế trong làng, gia chủ có thể thịt tới vài chục con trâu, vài trăm con lợn. Không ít gia đình giàu có hiến cả những con trâu bạch tạng quý hiếm, trị giá lên đến cả 500 triệu Rupiah. Sau nghi lễ hiến sinh, gia chủ sẽ chia thịt con vật cho những vị khách dự đám tang.

Empty

Một thông tin buồn mà người bạn của Hendri cho tôi biết, cách đây đúng một tháng, gia đình của ông ấy có tổ chức đám tang cho mẹ vợ. Khi đám đông đặt quan tài bằng một cầu thang bằng tre, bắt từ mặt đất lên giàn cao hơn 10 m. Khi lên đến đỉnh giàn, đám đông hò hét để lấy sức kéo quan tài lên nấc thang cuối cùng thì thang nứa sập. Quan tài cùng đám đông lao xuống và đè chết ngay chính đứa cháu trai trong gia đình. Hendri cho tôi xem đoạn clip trong máy điện thoại mới thấy sự kinh hoàng của tai nạn ấy.

Empty
Empty
Empty

Tôi được dẫn đến khu vực hang động nơi có rất nhiều quan tài gỗ của người Taraja được đặt trên những giàn tre treo sát vách ở lưng chừng núi. Hendri thuê một người địa phương với chiếc đèn măng-xông lớn dẫn chúng tôi vào bên trong hang động. Khi thấy người lạ vào hang, những đàn dơi chó dáo dác kêu inh ỏi. Từ ngoài cửa hang động có rất nhiều hốc đá chính là những ngôi mộ của người Toraja. Một hốc đá còn rất mới với những vòng hoa ghi ngày chết cách đây khoảng ba tuần. Những tảng đá bên trong hang là vô vàn những sọ người được đặt để bên trên. Những chiếc hòm mục rữa đã bung nắp để tôi còn thấy rõ mồn một những xác ướp bên trong. Họ được ướp bằng những điếu thuốc lá thơm để giữ xác. Anh bạn địa phương chỉ cho tôi hai sọ người đặt kế bên nhau và nói rằng đây là một cặp tình nhân tự tử hơn chục năm trước. Họ yêu nhau và không thể đến được với nhau do sự ngăn cản của gia đình cô gái. Thế là họ đã treo cổ tự vẫn và người dân địa phương đặt xác họ trong hang động này.

Empty

Nơi linh thiêng nhất của vùng Tana Toraja mà Hendri nói rằng tôi phải đến đó là hòn đá khổng lồ Lemo, đây cũng chính là ngôi mộ tập thể lớn nhất của rất nhiều người giàu bản địa. Hendri bảo rằng không phải ai cũng có thể đủ tiền để xí phần không gian nhỏ cao chừng 1 m, sâu 2 m và ngang 8 tấc để có thể chôn cất khi người thân của họ về thế giới bên kia. Gia đình người chết trang trí quan tài khá cầu kỳ, song do tác động của thời gian, gỗ mục dần khiến xương của người chết không còn ở vị trí ban đầu.

Empty

Đối với những trẻ sơ sinh chết trước khi răng mọc, người Toraja khoét thân cây rồi đặt tử thi vào đó. Họ dùng lá cọ để kết thành tấm chắn bên ngoài hốc cây. Theo thời gian, cây tiếp tục sinh trưởng và các hốc dần biến mất. Mỗi cây có thể trở thành nơi yên nghỉ của hàng chục đứa trẻ. Khi bước vào hang động hoặc vào rừng, tôi đều lầm bầm khấn để xin phép những linh hồn, xem đây như một nghi thức riêng thể hiện sự tôn trọng “chủ nhân” trước khi viếng họ.

Có thể nói, chưa bao giờ, chưa ở đâu mà người chết và người sống không có khoảng cách như vùng Tana Toraja này.

THÔNG TIN THÊM

Visa: Du khách Việt đi Indonesia được miễn thị thực

Hành trình: Để đến Makassar, du khách phải bay qua ba chặng, từ TP.HCM (Hà Nội) đến Kuala Lumpur rồi lại quá cảnh tại Surabaya. Cũng có những sân bay quá cảnh đến hòn đảo từ những thành phố khác như Jakarta, Bali… Makassar ngày càng được chú ý bởi khách du lịch nội địa nên các chuyến bay trong tương lai sẽ tăng dần.

Empty

Thời gian: Toraja nằm trong múi giờ UTC + 8 nên sớm hơn Việt Nam một giờ. Tháng 4 là thời điểm thích hợp để đến Sulawesi vì nhiệt độ dễ chịu và ít mưa. Thời tiết tháng 7 khá nóng nhưng rất thu hút du khách bởi đây là thời điểm diễn ra hàng loạt lễ hội truyền thống ở địa phương (đặc biệt là mùa tang lễ). Từ tháng 10 - 12, vùng biển Sulawesi hay chịu ảnh hưởng bởi những cơn bão nhiệt đới.

Lưu trú: chi phí dành cho khách du lịch bụi từ 180.000 – 200.000 đồng/đêm hoặc ở nhờ nhà dân.

Ẩm thực: Bạn nên đến quán ăn Warung Pong Buri có tiếng 20 năm qua ở trung tâm thị Rantepao, nơi chế biến nhiều ẩm thực địa phương của người Tarajo trong đó món lươn kho tương đen, thịt heo rừng nướng với lá tía tô trong ống nứa rất độc đáo.

Empty

Phương tiện di chuyển

- Máy bay: Tana Toraja sở hữu một sân bay nhỏ và duy nhất một chuyến bay hằng tuần vào thứ hai nhưng chuyến bay cũng thường bị hủy do ít khách hoặc điều kiện thời tiết không đảm bảo. Hiện nay, chính phủ đã đầu tư sân bay mới Buntukunik để có thể vận chuyển khách du lịch đến với Tana Toraja bằng ATR 72 hằng ngày.

- Xe buýt là phương tiện được du khách và người địa phương sử dụng phổ biến. Tana Toraja nằm cách Makassar 300 km nên sẽ mất khoảng 8 giờ di chuyển. Bạn nên sử dụng tuyến xe buýt đêm để tiết kiệm thời gian và chi phí. Có 2 hãng xe buýt chất lượng cao từ Makassar đến Rantepao mỗi ngày là Bingtang Prima và Litha & Co với giá vé khoảng 200.000 Rp/lượt. Bạn có thể sử dụng xe buýt loại nhỏ chạy ở khu vực Rantepao với chi phí khoảng 2.000 Rp cho các chuyến đi ngắn khoảng vài km.

- Taxi hoặc thuê xe trọn gói: Bạn có thể thuê taxi hoặc thuê luôn một chiếc ôtô cho lộ trình tham quan Tana Toraja. Chi phí thuê từ 850.000 - 1.200.000 Rp/lượt từ Makassar đến Rantepao. Bạn cũng có thể thương lượng với tài xế đi theo hướng Rantepao để tiết kiệm chi phí hoặc thuê xe trọn gói khoảng 550.000 Rp/ngày.

- Bạn cũng có thể thuê xe gắn máy với giá khoảng 80.000 – 100.000 Rp/ngày

Empty

Tham quan: Tana Toraja có những ngôi làng truyền thống, hang động, những thửa ruộng bậc thang tuyệt đẹp. Tuy nhiên, ở Tana Toraja không có nhiều bản chỉ dẫn đến đến với những ngôi làng xa xôi hoặc tham gia các lễ hội, vì thế, bạn nên thuê một hướng dẫn viên là người bản địa.

Những nơi không thể bỏ qua trong hành trình khám phá Tana Toraja bao gồm: ngọn đồi Gunung Sesean ngắm nhìn toàn cảnh thị trấn vùng cao Rantepao, ngôi mộ đá khổng lồ Lemo chôn cất người Toraja, hang động chôn cất người chết Londa, khu vực hành lễ Bori Parinding, ngôi làng truyền thống Ke’te Kesu’, phiên chợ gia súc Bolu Market, Kambira với những ngôi mộ trẻ em ở trên cây, tham gia nghi thức tang lễ ở một ngồi làng truyền thống ở Tana Toraja

Chi phí: khoảng 17 triệu đồng cho hành trình 12 ngày, bao gồm vé máy bay khứ hồi, ăn uống, di chuyển, vé tham quan và quà lưu niệm.

Nguyễn Hoàng Bảo
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES