Hành trình 8 ngày của tôi đi qua những địa danh của ba quốc gia như Stockholm, Kiruna, Jukkasjarvi, Rovaniemi, Kemi, Saariselka, Kirkenes và Oslo.
NGÀY 1: NGƯỢC DÒNG THỜI GIAN VỀ THỜI TRUNG CỔ TẠI STOCKHOLM, THỤY ĐIỂN
Tại thủ đô Stockholm của Thụy Điển, tôi dành trọn một ngày để đi ngược dòng thời gian về thời Trung cổ bằng cách tản bộ dạo quanh những con đường hẹp lát đá cuội quanh co trong khu phố cổ Gamla Stan có niên đại hơn 800 năm, ngắm những ngôi nhà cổ kính sơn màu đỏ, vàng, xanh lục và những tranh bích họa ngay trên mặt chính của những ngôi nhà. Hầu hết nét duyên của thành phố được bảo tồn tại Gamla Stan, nơi có Cung điện Hoàng gia Stockholm.
Nhiều tên đường ở Stockholm bắt nguồn từ thời Trung cổ như Kopmangatan (đường Thương gia); Skomakargatan (đường Thợ giày) từ thế kỷ XIV; Slottbacken (dốc Lâu đài); Jarntorget (quảng trường Sắt); Kåkbrinken (gò Gông cổ) và những đường khác từ thế kỷ thứ 5.
Từ khu phố Gambla Stan, tôi đến phía bắc của Quảng trường Stortorget lâu đời nhất ở Stockholm, ghé vào Bảo tàng Nobel nằm trong Tòa nhà giao dịch chứng khoán cũ để xem những thông tin trưng bày về giải Nobel và những người đạt giải Nobel cũng như thông tin về Alfred Nobel – người sáng lập giải thưởng.
Cách bảo tàng Nobel khoảng 200 m, tôi tản bộ đến nhà thờ Storkyrkan – một nhà thờ Trung cổ, được xây dựng từ năm 1279, có nhiều cổ vật được cất giữ, nổi bật nhất là tranh sơn dầu mang tên Vadersolstavlan (tiếng Anh có nghĩa là Sundog Painting), miêu tả mặt trời giả ở Stockholm vào năm 1535. Mặt trời giả (sundog) là hiện tượng một cái vòng hay một vầng hào quang xung quanh mặt trời và sở dĩ chúng có tên sundog là vì chúng đi theo mặt trời giống như con chó đi theo chủ của nó.
Rời khỏi nhà thờ Storkyrkan, tôi đi bộ thêm 200 m cũng trong khu phố cổ Gambla Stan, đến chụp hình kỷ niệm bên ngoài Cung điện Hoàng gia Stockholm – dinh thự chính thức của vua Thụy Điển, được xây dựng theo phong cách nghệ thuật bắt nguồn từ Phục hưng Ý, một trong những cung điện lớn nhất thế giới với hơn 600 phòng. Bên trong cung điện còn có khu Ngân khố – nơi trưng bày những trang phục hoàng gia, bộ áo giáp, thanh kiếm…
Cuối ngày, tôi không quên chụp hình Nhà thờ Riddarholmen – công trình kiến trúc cổ nhất trong phố cổ Gamla Stan, từng là nơi tổ chức nghi lễ truyền ngôi của Hoàng gia trước đây. Bên trong nhà thờ có nhiều tác phẩm điêu khắc gỗ có giá trị nghệ thuật cao với phong cách chủ đạo của những công trình gạch đỏ thô sơ, tạo nên màu sắc và nét cổ đặc biệt. Mỗi công trình kiến trúc cổ luôn toát lên một vẻ đẹp hài hòa với thiên nhiên và cuộc sống. Đây là một trong những nhà thờ đẹp nhất của Thụy Điển cũng là tu viện trung cổ duy nhất còn sót lại.
NGÀY 2: QUẦN ĐẢO ARCHIPELAGO VÀ ĐẢO DJURGARDEN CỦA THỤY ĐIỂN
Buổi sáng, tôi đi xe từ trung tâm Stockholm đến quần đảo Archipelago nằm ngay giữa điểm gặp gỡ của hồ Malaren và biển Baltic. Vùng Archipelago có khoảng 30.000 hòn đảo lớn nhỏ với kết cấu đảo đá phẳng, không trập trùng giống vịnh Hạ Long của Việt Nam. Trên đảo thường có các cụm nhà gỗ nhỏ, đây là nhà nghỉ của dân trong thành phố vào cuối tuần.
Tại đó, tôi mua tour đi tham quan đảo bằng thuyền trong 3 tiếng. Thuyền có nhiều dãy ghế ngồi cho du khách ngắm cảnh, đưa đi khám phá một số hòn đảo khác trong vùng lân cận. Ngồi trên thuyền, tôi tận mắt ngắm hàng chục chiếc du thuyền đồ sộ, cao mấy chục tầng và dài bằng một dãy phố, chạy ngược xuôi trên biển Baltic, chở du khách từ Thụy điển đi các nước Đan Mạch, Na Uy… Thật bình yên khi ngồi trên bờ đá, hít thở không khí trong lành, tận hưởng ánh nắng ấm áp và cảm nhận vẻ đẹp của những đảo đá cùng màu nước xanh lục thẫm của biển Baltic.
Trên đường trở về trung tâm Stockholm, tôi ghé vào đảo Djurgarden nằm ngay giữa Stockholm. Đó là nơi tuyệt vời cho người dân địa phương đi dạo, tổ chức dã ngoại hoặc thư giãn tại công viên giải trí Grona Lund. Trên đảo, tôi tham quan Ngôi làng Skansen – được xem là bảo tàng ngoài trời lâu đời nhất trên thế giới, nơi lưu giữ nền văn hóa nông thôn truyền thống của Thụy Điển cũng như nền văn hóa Sami của mảnh đất cực bắc châu Âu. Skangen có hơn 150 tòa nhà lịch sử gồm nhà thờ, trường học, nhà ở, cửa hàng… từ nhiều thế kỷ trước, cho bạn cái nhìn thoáng qua về cuộc sống ở Thụy Điển trước công nghiệp. Tôi còn đến Bảo tàng Vasa (hay còn gọi là bảo tàng hải quân ở Stockholm) để nhìn ngắm chiến hạm cổ Hoàng gia dài 69 m, hạ thủy từ thế kỷ 17, trưng bày còn nguyên vẹn trên thế giới.
NGÀY 3: THỊ TRẤN KIRUNA CỦA LAPLAND VÀ BẮC CỰC QUANG Ở VÙNG JUKKASJARVI
Tôi đáp chuyến bay 1 tiếng 35 phút từ Stockholm đến Kiruna – thị trấn cực bắc của Thụy Điển, nằm ở tỉnh Lapland. Tại Kiruna, tôi khởi hành đến làng Jukkasjarvi cách 20 km để trải nghiệm một đoạn đường ngắn trên xe trượt tuyết Snowmobile. Với sự trợ giúp của các chuyên gia điều khiển xe trượt tuyết đưa tôi đi ngắm bắc cực quang tại Aurora Colosseum.
Buổi tối, tôi cùng các lữ khách quây quần bên đống lửa, thưởng thức bữa tối được phục vụ bên bờ sông. Còn gì tuyệt vời hơn khi ngồi trên những bộ da tuần lộc để chiêm ngưỡng bắc cực quang – một trong bảy hiện tượng kỳ bí của thiên nhiên. Thời tiết hôm ấy rất thuận lợi và tôi đã thấy rõ bắc cực quang tỏa sáng lung linh trên nền trời Jukkasjarvi.
NGÀY 4: QUÊ HƯƠNG CỦA ÔNG GIÀ NOEL TẠI ROVANIEMI, PHẦN LAN
Từ thị trấn Kiruna, tôi di chuyển khoảng 350 km đến thủ phủ Rovaniemi của tỉnh Lapland, Phần Lan. Qua các chiến dịch quảng bá thương hiệu, Rovaniemi luôn được nhìn nhận như "quê hương chính thức của ông già Noel". Cứ mỗi dịp Giáng sinh, ngôi làng ông già Noel (Santa Claus Village) trở thành điểm du lịch lý tưởng, thu hút cả người lớn và trẻ em. Ngôi nhà của ông già Noel nằm trong một ngôi làng, ngay vành đai Bắc Cực, là nơi sinh sống và làm việc quanh năm của ông.
Ông già Noel còn có tên gọi khác như ông già Giáng sinh, ông già Tuyết, là hình tượng xuất hiện từ lâu trong nhiều nền văn hoá. Theo truyền thuyết, ông già Noel sống ở Bắc Cực trên dãy núi mang hình dáng của cái tai nên ông có thể lắng nghe được mọi mong ước của trẻ em trên khắp thế giới. Ông sống với những người lùn, dành thời gian để chuẩn bị quà cho trẻ em. Ông nhận rất nhiều thư từ trẻ em khắp thế giới vào dịp Giáng sinh. Đến đêm Giáng sinh, ông bắt đầu hành trình với cỗ xe kéo bởi 8 con tuần lộc để mang quà và đồ chơi cho các thiếu nhi.
Có nhiều thông tin cho rằng ông già Noel có thật, chính là hiện thân của Thánh Nicolas sống ở thế kỷ thứ 4, được gọi là “Santa Claus”. Thánh Nicolas là con trai duy nhất trong gia đình quý tộc giàu có ở Bắc Âu, từ nhỏ đã sống nhân hậu, quyết định đi tu, nhưng gia đình neo đơn, cậu phải ở lại nhà để phụng dưỡng cha mẹ già. Ông dành cả đời để phục vụ Thiên Chúa, thường xuyên giúp đỡ nhiều gia đình nghèo khó gặp hoạn nạn quanh vùng. Sau khi cha mẹ qua đời, Nicolas vào chủng viện, rồi được thụ phong linh mục. Nhất là vào tháng 12 mỗi năm, ông có thói quen đem quà bánh, đồ chơi, phát cho trẻ em nghèo quanh vùng, cũng là để nhắc nhở mọi người là mùa Giáng sinh đã tới. Từ đó, người ta gọi Thánh Nicolas là “ông già Giáng sinh”.
Tại Rovaniemi, tôi đã gặp, trò chuyện và chụp hình lưu niệm cùng ông già Noel. Trả một khoản phí dịch vụ, nhân viên trong ngôi làng ông già Noel bấm máy cho tôi, lưu hình dưới dạng dữ liệu kỹ thuật số. Bạn có thể chọn hai mức phí khác nhau: mua dữ liệu tấm hình đó và mang về tự in hoặc mua bản in kích cỡ 20 x 30 cm. Ở đó còn có bưu điện chính thức của ông già Noel, du khách có thể mua bưu thiếp, ngồi điền thông tin người nhận rồi gửi đi bằng tem “độc quyền” của ngôi làng ông già Noel.
Tôi đến Trung tâm khoa học Arktikum – một bảo tàng có thiết kế kiến trúc độc và lạ với mái vòm hình trụ dài làm bằng kính được xây trên mặt đất, còn khu bảo tàng nằm hoàn toàn dưới lòng đất. Trong đó có khu vườn trồng các loại cây để du khách tìm hiểu về sự thích nghi của chúng ở nơi có mùa đông khắc nghiệt như Lapland cùng các di tích và tác phẩm điêu khắc nổi tiếng của Phần Lan.
Để tăng thêm phần thú vị cho hành trình, tôi tham quan Nông trại chó Husky và trải nghiệm đi xe chó kéo. Những chú chó Husky Siberia đáng yêu sẽ là những “tài xế chuyên nghiệp” đưa tôi du ngoạn một vòng, ngắm khung cảnh tuyết trắng xóa trên cỗ xe trượt tuyết. Tôi không quên chụp hình với “những tài xế” Husky bởi chúng được huấn luyện đặc biệt và chính điều này đã giúp tôi lưu lại những tấm hình cực chất.
Đặc biệt tại Rovaniemi, khi đặt chân lên vạch sơn trắng in dòng chữ Arctic Circle là tôi nhận được Giấy chứng nhận đã vượt qua vòng Bắc cực – một trong 5 vĩ tuyến quan trọng trên bản đồ trái đất. Cuối ngày, tôi đi đến Kemi, cách đó khoảng 120 km, nơi gần vùng biển để lưu trú một đêm tại Kemi, thuận tiện đi tàu phá băng vào sáng hôm sau.
NGÀY 5: LÊNH ĐÊNH GIỮA BIỂN BĂNG TRÊN TÀU PHÁ BĂNG SAMPO TẠI KEMI
Tôi ra bến cảng Ajos tại Kemi (cảng chính thức của quê hương ông già Noel), bắt đầu hành trình trải nghiệm trên tàu phá băng Sampo – từng được chính phủ Phần Lan dùng làm tàu phá băng của nước này. Trôi trên vịnh biển băng Bothnia mang đến cho tôi những trải nghiệm độc đáo cùng dấu ấn đẹp trong nhật ký hành trình.
Tàu phá băng Sampo có chiều dài 78 m, rộng 14 m, chứa được 199 hành khách, đi qua những miền lạnh lẽo thật êm đềm. Không ít du khách ngạc nhiên về cơ chế hoạt động của chiến hạm mùa đông độc đáo này khi nó lướt qua những khối băng siêu dày đặc mà vẫn nhẹ nhàng như con thuyền đang rẽ nước giữa dòng sông. Nếu những bãi biển miền nhiệt đới là nơi lý tưởng để tận hưởng các hoạt động vui chơi trên mặt nước thì những biển băng tưởng chừng lạnh lẽo ở Phần Lan lại là thách thức đỉnh cao dành cho những bạn bản lĩnh.
Để thử cảm giác mới lạ, tôi xuống tàu và bơi lội ở hồ băng. Dưới lớp băng dày giá buốt là đường đi của nhiều dòng hải lưu, làn nước trong veo dưới tuyết lạnh không lạnh giá như trên bề mặt, nhiệt lượng từ lõi trái đất luôn giữ cho dòng nước ấm áp.
Nổi tiếng ở vùng Kemi còn có Lâu đài Băng khổng lồ. Nó được xây dựng vào mùa đông nhưng sẽ tan chảy và biến mất không dấu vết khi mùa xuân đến bởi thành phần chính của lâu đài làm từ băng tuyết. Vào mùa đông năm sau, họ lại tiếp tục xây lên một lâu đài băng khác với những hình dáng khác nhau.
Bao quanh lâu đài là các bức tường băng cao gần 4 m, còn bên trong là một khách sạn, phòng trưng bày nghệ thuật và nhà thờ. Các khu vực trong lâu đài đều được thắp với những tia sáng đầy màu sắc, khiến các bức tường làm từ băng tuyết thêm phần lung linh. Tại lâu đài, nếu thích, các bạn có thể thuê phòng khách sạn, ngủ trên những tấm thảm và đắp chăn bằng da tuần lộc.
NGÀY 6: NGẮM BẮC CỰC QUANG QUA CHIẾC LỀU TUYẾT GẮN KÍNH KAKSLAUTTANEN TẠI SAARISELKA
Từ Kemi, tôi di chuyển đến ngôi làng Saariselka giá lạnh quanh năm với ít cư dân sinh sống, có hiện tượng đặc biệt mang tên Bắc cực quang. Làng Saariselka tọa lạc ở khu vực miền núi phía bắc Phần Lan, là một phần trong Vườn quốc gia Urho Kekkonen, cách Rovaniemi khoảng 260 km.
Hiện tượng thiên nhiên bắc cực quang kỳ thú đã thu hút du khách từ khắp nơi trên thế giới đổ về để chiêm ngưỡng qua một chiếc lều tuyết gắn kính cực kì độc đáo mang tên Kakslauttanen. Đây là một khu khách sạn gồm những chiếc lều tuyết được thiết kế theo phong cách của người Eskimo. Đặc biệt hơn cả là trên những lều này có gắn kính giữ nhiệt, dù ngoài trời có xuống tận -30 độ, phủ đầy tuyết thì bên trong vẫn ấm áp.
Khu khách sạn Kakslauttanen có nhiều phong cách về loại phòng như lều tròn ốp kính, nhà ốp những khúc gỗ tròn truyền thống… được trang bị hiện đại như khách sạn 5 sao với đầy đủ nhà vệ sinh, giường sang trọng, phòng tắm hơi và nhà hàng tuyết. Mỗi năm khu này mở cửa trong vài tháng màu đông tùy điều kiện thời tiết.
Còn gì tuyệt vời hơn khi tôi nằm trên chiếc giường sọc vằn êm ái, ngước mắt nhìn qua lớp kính để chiêm ngưỡng vẻ đẹp huyền ảo của ánh sáng phương bắc. Cực quang thoạt nhìn như tấm rèm đủ màu sắc buông dưới bầu trời đêm miền lạnh giá cùng hàng nghìn ngôi sao lấp lánh, phủ lên cánh rừng thông đầy tuyết trắng.
Hiện tượng quang học này được sinh ra do sự tương tác của các hạt mang điện tích từ gió mặt trời với tầng khí quyển bên trên trái đất. Bắc cực quang có rất nhiều màu sắc kì ảo khác nhau nhưng đại đa số là màu xanh lá cây và hồng tím.
NGÀY 7: XEM BẮT CUA HOÀNG ĐẾ TẠI THỊ TRẤN KIRKENES, NA UY
Tôi khởi hành từ Saariselka đến Kirkenes khoảng 213 km – thị trấn thuộc vùng cực bắc của Na Uy, gần biên giới Na Uy và Phần Lan. Kirkenes có nghĩa là nhà thờ trên mũi đất và nó nằm giữa hai vịnh hẹp đầy đá, dẫn đến biển Barents. Đó là thiên đường của loài cua Hoàng đế lớn nhất thế giới, chỉ sống ở những vùng biển rất lạnh và sâu từ 200 - 400 m như ở vùng cực bắc, Alaska (Mỹ), phía tây bắc Canada…
Có ba loại cua Hoàng đế là cua xanh (Paralithodes platypus), cua đỏ (Paralithodes camtschaticus) và cua vàng (Lithodes aequispinus). Cua vàng là loài nhỏ nhất với trọng lượng trung bình từ 2,2 kg tới 4 kg. Cua đỏ là loài có giá thành cao nhất và được bán trên khắp thế giới.
Đến nơi, tôi cùng các du khách tham gia chương trình xem bắt cua Hoàng đế. Việc đánh bắt cua Hoàng đế thường gặp rất nhiều trở ngại vì ngư dân phải ra khơi trong mùa biển động với nhiệt độ dưới 0oC. Người ta sử dụng những chiếc lồng bằng thép hình tròn hoặc hình vuông, đan lưới để bắt cua dưới đáy biển. Trung bình, mỗi lồng cua này nặng hàng trăm ký. Những con cua hoàng đế rất lớn nhưng ngư dân không được phép bắt tất cả những con cua nổi lên khỏi mặt nước. Những con quá nhỏ phải thả về biển để chúng trưởng thành theo quy định.
Trong bộ đồ chuyên dụng, tôi còn có thể tự tay trải nghiệm bắt cua đầy thú vị và thưởng thức ngay món đặc sản cua Hoàng đế tươi ngon vừa bắt được. Cái lạnh vùng Bắc cực làm chuyến đi biển của tôi thêm thú vị.
NGÀY 8: THỦ ĐÔ OSLO, NA UY
Buổi sáng, tôi ra sân bay Kirkenes để đáp chuyến bay đi thủ đô Oslo của Na Uy. Là thành phố lâu đời nhất ở vùng Scandinavia, Oslo được thành lập vào đầu thế kỷ 11 và trở thành thủ đô của Na Uy vào thế kỷ 13. Từ đó, Oslo phát triển thành một đô thị xinh đẹp với biển, núi đan cài hai bên. Tôi dành ngày cuối của hành trình để kết hợp đi bộ, sử dụng các loại phương tiện công cộng và chụp những khung hình tuyệt vời về cảnh quan.
Điểm tham quan đầu tiên tại Oslo là Lâu đài Akershus – được xây dựng từ năm 1299, từng là nơi cư trú của Hoàng gia Na Uy, sau đó trở thành pháo đài vào năm 1592, rồi được tái xây dựng thành lâu đài nghệ thuật Phục Hưng trong giai đoạn từ năm 1637 đến năm 1648. Akershus bao gồm một số đại sảnh lớn, nhà thờ Akershus và Lăng Hoàng gia, mô hình của lâu đài gồm nhà thường trực của chính phủ và các đại sảnh là nơi tổ chức đại tiệc. Nhà thờ lịch sử nhỏ tại lâu đài Akershus hiện nay là khu mộ của Hoàng gia Na Uy.
Địa điểm tiếp theo là Trung tâm Nobel hòa bình. Đa số mọi người đều biết giải Nobel hàng năm được trao ở thủ đô Stockholm, Thụy Điển. Nhưng ít bạn biết rằng giải Nobel Hòa bình lại được trao ở thủ đô Oslo, Na Uy. Phía trước tòa nhà là một quảng trường rộng nhìn ra bến cảng và bến phà Oslo, rất thích hợp cho tôi chụp hình “check in”.
Tòa thị chính Oslo (Radhuset) có kiến trúc gần giống với người bà con ở Stockholm, với bức tranh tường sơn thủy mô tả lịch sử và huyền thoại của Na Uy và là địa điểm tham quan miễn phí trong thành phố. Bên trong, các bức tường được trang trí bằng tranh vẽ theo phong cách của nửa đầu thế kỷ 20 với chủ đề văn hóa, cuộc sống của con người Na Uy.
Sau đó, tôi đi tới Bảo tàng tàu Viking – nơi trưng bày ba chiếc tàu được đóng từ thế kỷ thứ 9 và được tìm thấy ở miền nam Na Uy vào thế kỷ thứ 12. Đây là loại tàu tiêu biểu của người Viking, tàu dài và hẹp, chiều dài hơn 20 m, chiều ngang 5 m, dùng cho những cuộc hải trình dài ngày.
Cuối ngày, công viên Frogner là nơi lý tưởng cho tôi kết thúc hành trình rong ruổi ba quốc gia.
Công viên này lớn nhất thuộc vùng trung tâm của Oslo, nơi công trình Vigelandsparken nổi tiếng thế giới tọa lạc ở đây. Công viên có 200 đài phun nước lớn nhỏ và các tác phẩm điêu khắc nghệ thuật tuyệt đẹp do nghệ sĩ Gustav Vigeland thực hiện. Ngoài ra, Frognerparken còn sở hữu bộ sưu tập 14.000 cây và 150 loài bông hoa hồng lớn nhất ở Na Uy.