Fika, điều khiến người Thụy Điển khác biệt

25/03/2015

Không giống như cách người Mỹ thưởng thức những ly cà phê giấy tiện dụng takeaway, cũng không câu nệ quá nhiều lễ nghi như nghệ thuật trà đạo của người Nhật Bản, fika có thể được xem là một sự dung hòa hoàn hảo giữa hai thái cực đối lập ấy. Một cách rất lagom, rất Thụy Điển.

Bài và ảnh: Ngọc Quyên (từ Bắc Âu)

 

Nếu cần nói đến một lối sống rất thú vị làm nên sự khác biệt đặc trưng của Thụy Điển so với những quốc gia Scandinavi láng giềng, thì đó chính là fika! Fika có liên quan đến lối sống lagom của người Thụy Điển. Lagom là một tính từ dùng để chỉ sự vừa phải, không quá nhiều mà cũng chẳng quá ít. Thật khó để có thể chuyển tải hết ý nghĩa của từ lagom sang bất kỳ thứ tiếng nào khác. 

 

 

Người Thụy Điển dùng lagom như một kim chỉ nam chung cho cả dân tộc, hình thành nên phong cách sống, ứng xử, giao tiếp, và thậm chí cả ẩm thực của riêng mình. Họ không quá lạnh lùng như người hàng xóm Phần Lan. Lối sống của họ cũng chẳng hề gấp gáp như người Na Uy ở ngay bên cạnh. Và tất nhiên, họ cũng không quá thụ động như người láng giềng Đan Mạch ở phía Nam, vốn nổi tiếng với biệt danh “nước Ý của phương Bắc”. Chính vì lối sống hết sức lagom ấy, Thụy Điển là quốc gia duy nhất ở Bắc Âu có hẳn một phong cách thưởng thức cà phê cho riêng mình - fika.

 

Muôn vẻ fika

Fika của người Thụy Điển không chỉ đơn thuần là việc... thưởng thức cà phê mà còn gói gọn trong đó cả một nghệ thuật giao tiếp xã hội và hưởng thụ cuộc sống ở vương quốc êm đềm này. Nó hoàn toàn khác xa với cách người Mỹ thưởng thức những ly cà phê giấy tiện dụng takeaway, cũng không câu nệ quá nhiều lễ nghi như nghệ thuật trà đạo của xứ Phù Tang. Bạn không thể gọi một ly cà phê Starbucks takeaway mà bạn vội vàng thưởng thức khi đang rảo bước trên phố là fika. Và đương nhiên, lối sống công nghiệp của người phương Tây cũng khó cho phép bạn có dư giả thời gian để ngồi thiền bên tách trà nghi ngút khói, mặc cho gió thoảng mây bay được. Thú vị thay, con cháu của người Viking lại có thể kết hợp được cả hai điều ấy vào một từ fika đơn giản. Về phương diện này, người Thụy Điển có vẻ giống với cung cách của người Việt!

 

 

Đến Thụy Điển, bạn sẽ có thể nghe, thấy và cảm nhận bầu không khí fika ở khắp mọi nơi. Từ những hiệu cà phê sang trọng đặt trong lòng những khách sạn đắt tiền ngay trung tâm thành phố cho đến những quán cà phê nằm khuất sau những con phố hẹp như ngõ hẻm ở Việt Nam mà chỉ có dân địa phương mới biết; từ những ngày hè nắng ấm đến những chiều đông mịt mù mưa tuyết, thậm chí từ nhà ra đến công sở... đâu đâu cũng có fika.

 

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

 

Đến Thụy Điển, bạn sẽ có thể nghe, thấy, và cảm nhận bầu không khí fika ở khắp mọi nơi. Từ những hiệu cà phê sang trọng đặt trong lòng những khách sạn đắt tiền ngay trung tâm thành phố cho đến những quán cà phê nằm khuất sau những con phố hẹp như ngõ hẻm ở Việt Nam mà chỉ có dân địa phương mới biết.

 

Nếu được mời đến chơi nhà một người bạn Thụy Điển, chắc chắn bạn sẽ được thưởng thức fika tại gia cùng những món bánh ngọt thơm lừng cho chính tay chủ nhà nướng. Trong các công ty ở Thụy Điển, những phút giải lao ngắn ngủi trong giờ làm việc cũng chính là những lúc bạn nên fika với đồng nghiệp để thắt chặt thêm các mối quan hệ công sở vốn khá lỏng lẻo ở đất nước nổi tiếng về tính cá nhân này. Thậm chí một anh chàng nhút nhát có thể dùng cái cớ “đi fika nhé” để hẹn hò người con gái anh thầm thích từ lâu nhưng chưa dám ngỏ lời. Người Thụy Điển có hàng tá lý do để có thể fika như thế.

 

 

Fika cũng có lịch sử! 

Ngược dòng lịch sử, cà phê được du nhập vào quốc gia Bắc Âu này từ thế kỷ XVII, nhưng đến tận thế kỷ XVIII, nó mới trở thành thứ thức uống đặc trưng cho giới quý tộc và trưởng giả thời bấy giờ. Đáng tiếc, Vua Gustav đệ Tam lại không hề thích món thức uống ngon tuyệt này mà trái lại, ông còn ban hành rất nhiều luật lệ hà khắc chống lại việc tiêu thụ cà phê trong nước, bao gồm sưu cao thuế nặng, phạt tiền những ai dám... cả gan uống cà phê, thậm chí là tiến hành lùng sục khắp nơi trong vương quốc để... tịch thu những bộ dụng cụ pha chế cà phê của người dân!

 

 

Vậy nhưng, có lẽ những tín đồ của món thức uống này đều đã biết rõ, rằng một khi đã quen thuộc với cà phê thì khó có cách nào có thể từ bỏ được sức hấp dẫn của nó. Chỉ một làn hương thơm cà phê thoảng trong không khí cũng đủ để khiến bạn cảm thấy từng mạch máu nhỏ trong cơ thể đang căng lên vì caffein rồi. Không có gì tuyệt vời hơn cảm giác bước vào một tiệm bánh ngọt nhỏ (konditori) trong lòng phố xá, gọi một tách cà phê đen nóng, áp tay vào ly để thấy hơi ấm lan đi như thể nắm tay người tình.

 

 

Ngày nay, ở khắp mọi nơi trên đất nước Thụy Điển, fika trở thành một nét văn hóa không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày. Bên cạnh cà phê, các loại bánh ngọt dùng để ăn kèm với fika cũng thú vị không kém. Tất cả được gọi chung là fikabröd, có nghĩa là bánh dùng để ăn khi thưởng thức fika. Tuy nhiên, loại bánh ngọt được ưa chuộng hơn cả là bánh quế cuộn kanelbullar. Kanelbullar nổi tiếng đến mức người Thụy Điển dành hẳn ngày 4 tháng 10 hằng năm làm "Ngày bánh quế" của quốc gia! Ngoài ra, gần dịp Lễ Ánh Sáng Santa Lucia (diễn ra vào giữa tháng 12), người ta sẽ thay bánh quế bằng bánh nghệ nhân nho khô lussebullar vàng ruộm, thơm nức mùi nghệ tây và nho khô nướng. Còn vào tháng 4 sắp tới đây, khi cả châu Âu nói chung và Thụy Điển nói riêng đang chuẩn bị bước vào mùa chay trước Lễ Phục Sinh, món bánh nướng phồng phủ kem tươisemlor lại đang được chuộng hơn cả. 

 

 

Một người bạn của tôi, một cô gái Hà Nội gốc, khi ở Việt Nam vốn chỉ quen uống trà mạn Thái Nguyên, sau hơn sáu tháng sống ở Thụy Điển, cũng đã trở thành một tín đồ của fika lúc nào không hay. Thậm chí cả những người Thụy Điển vốn đã quen với fika từ bé, mỗi khi nói về thú vui fika ngoài trời trong một ngày hè trời xanh ngắt không một gợn mây, tôi thấy ánh mắt họ như reo lên một niềm hân hoan hệt như trẻ con được cho kẹo. Niềm vui ấy có thể ngay lập tức được lan tỏa ra không gian xung quanh chỉ bằng một câu rủ rê đơn giản: "Nào, mình cùng fika nhé!".

 

 

Thông tin thêm:

+ Giá vé máy bay từ Việt Nam - Thụy Điển dao động trong khoảng từ 18-21 triệu  đồng/khứ hồi. Nếu có ý định đi du lịch Thụy Điển và các nước Bắc Âu khác, bạn nên đặt vé từ sớm, vì giá vé sẽ tăng chóng mặt vào dịp hè.

+ Để đến Thụy Điển, bạn bắt buộc phải quá cảnh ở nước thứ ba. Bạn có thể chọn đường bay để quá cảnh ở Đan Mạch hoặc Phần Lan, sau đó bay tiếp sang Stockholm hoặc Gotheburg, hai thành phố lớn nhất Thụy Điển. Ngoài ra, nếu mua vé của các hãng hàng không giá rẻ như Turkish Airlines, bạn sẽ phải quá cảnh hai lần.

- Tiền Thụy Điển có đơn vị là krona. 1 krona tương đương khoảng 3.500 đồng. Một tách cà phê cappuccino có giá từ 30-80 krona tùy vào mức độ sang trọng của tiệm bánh mà bạn đến.

- Gothenburg, thành phố lớn thứ hai của Thụy Điển (chỉ sau thủ đô Stockholm) còn được xem là thủ phủ của văn hóa fika. Nếu có dịp đến đây, đừng quên ghé qua tiệm Cafe Husaren, địa chỉ: Haga Nygatan 28, để thưởng thức chiếc bánh quế to khổng lồ với giá 50 krona/cái. 

- Khi vào tiệm, hãy làm quen với câu chào cửa miệng hej hej đặc trưng ở đây nhé. Chỉ cần ngồi trong tiệm khoảng 5 phút, bạn sẽ nghe đầy những tiếng chào dễ thương này từ khách và cả người phục vụ. Khi nhận cà phê, đừng quên nói lời cảm ơn bằng tiếng Thụy Điển: takk takk. Người Thụy Điển rất thích thú khi thấy bạn có thể nói được ngôn ngữ của họ!

 

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES