Việt Nam có nhiều đỉnh núi cao, rừng nhiệt đới rậm rạp và hệ thống sông suối chằng chịt bao quanh. Đây là điều kiện thích hợp để hơi nước tích tụ thành từng lớp dày đặc, tạo ra sương mù và mây. Bởi vậy, nhiều người lựa chọn leo núi mùa đông không chỉ để tránh mưa rừng và tiết trời nóng nực, hơn cả họ muốn một lần đắm chìm trong biển mây. Và để "săn" mây thành công, những nhà leo núi phải chuẩn bị cực kì kĩ lưỡng. Nếu tới đỉnh núi mà trời lại quang, bốn bề “trọc lốc” thì xem như chuyến đi thất bại.
Nhưng thật ra, núi non vẫn rất thơ mộng dù khi không có mây, và ngắm nhìn khung cảnh hùng vĩ từ độ cao hàng ngàn mét vẫn luôn là một trải nghiệm đầy thú vị.
Chuyến đi Tà Chì Nhù mới đây của một đoàn leo núi không ngắm được mây, cũng chẳng có hoa chi pâu tím. Nhưng với mỗi người trong đoàn, chuyến đi vẫn là một trải nghiệm tuyệt vời, bởi có những kỉ niệm còn đẹp hơn mây.
Trên đường tới Tà Chì Nhù, đoàn gặp rất nhiều người Mông. Cả đoàn nán lại và dành thời gian trò chuyện với họ, bắt lại những khoảnh khắc người Mông cực kì thân thiện và đáng yêu.
Người Mông thả ngựa, thả dê khắp các thung lũng. Trên hành trình lên đỉnh Tà Chì Nhù, bước tới đâu cũng nghe thấy văng vẳng âm thanh của những chiếc chuông leng keng vui tai trên cổ chúng. Đứng giữa những vó ngựa trên thảo nguyên xanh, cảm giác như mình chính là một người du mục.
Cuối thu, đầu đông, trời lạnh nhưng vẫn có nắng. Nắng vàng như mật ong xuyên qua mây, rót xuống khắp thung lũng. Từ đỉnh núi cao, khách bộ hành có thể nhìn xa hàng chục dặm. Tưởng như, mình đang đứng trên một ốc đảo duy nhất giữa biển xanh bạt ngàn. Đó là cảm giác tự do mà thiết nghĩ, dù khung cảnh phía trước có là núi hay mây thì cũng không thể bị thay đổi.
Dĩ nhiên, một chuyến leo núi sẽ hoàn hảo hơn nếu lữ khách được chìm đắm trong biển mây bồng bềnh trắng xóa. Nhưng đừng quên, trên cả hành trình vẫn có "những câu chuyện hay", "những bức tranh đẹp", chỉ cần bạn dừng lại để lắng nghe, và cảm nhận. Mọi trải nghiệm đều trở nên đáng giá, dù đỉnh núi chẳng còn mây.