7 mẹo hay cho chuyến leo núi mùa đông

26/12/2019

Leo núi vào mùa đông đang dần trở thành trào lưu du lịch được nhiều người lựa chọn bởi sự độc đáo và trải nghiệm khác biệt. Là người có nhiều kinh nghiệm leo núi, Nhung Phùng sẽ mách các bạn một số bí quyết để có một hành trình leo núi hoàn hảo.

1. Chọn đúng cung leo núi

Chọn đúng cung leo núi có địa hình phù hợp với sở thích và sức khỏe là điều vô cùng quan trọng, quyết định chuyến đi của bạn thành công hay không. Ví dụ điển hình là Nepal có rất nhiều cung leo núi vô cùng đẹp nhưng bạn trai tôi đã chọn cung Annapurna Base Camp với địa hình leo bậc thang liên tục và rất đông người. Trong khi đó, chúng tôi đều là những người thích nơi hoang sơ, vắng vẻ khiến tôi cảm thấy chuyến đi thật sự... uổng phí.

check ky hanh trinh

2. Mặc đồ phù hợp

Leo núi mùa đông, đặc biêt là núi tuyết, đem tới trải nghiệm khác biệt nhưng đổi lại, bạn sẽ phải đối mặt với điều kiện thời tiết rất khắc nghiệt. Vì vậy, chuẩn bị trang phục sao cho phù hợp, đủ ấm nhưng vẫn phải thoải mái để dễ vận động là việc rất cần thiết.

Tôi luôn mang theo loại áo North Face có một lớp bên trong bằng nỉ ấm, một lớp ngoài chống nước và gió để dễ cởi bớt lúc quá nóng hay đổ mồ hôi; không mặc một lớp áo quá dày, sẽ khó cởi ra. Với lớp áo trong và quần, bạn nên chọn loại đồ mỏng nhưng có khả năng giữ ấm tốt. Quần ngoài dùng loại chống gió, mau khô và chống thấm nước.

Empty

Bên cạnh đó, bạn cần đặc biệt chú ý khi chọn giày leo núi để đi hành trình dài không bị đau chân, không thấm nước. Đừng quên chuẩn bị một số tất dày, cao tới nửa bắp chân hoặc tới đầu gối; một cặp kính chống lóa khi đi vùng tuyết để bảo vệ mắt.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Dụng cụ và quần áo leo núi rất đắt đỏ nhưng bạn vẫn nên đầu tư đồ tốt để đảm bảo an toàn cũng như dùng bền, nếu bạn có ý định leo núi nhiều lần.

3. Thuê hướng dẫn viên

Leo núi mùa tuyết không chỉ tốn sức mà còn khiến bạn khó xác định được đường leo an toàn và cũng dễ lạc đường. Do đó, việc thuê hướng dẫn viên là rất cần thiết. Ngoài ra, bạn cũng nên thuê một người giúp vác đồ để bạn có thể dành toàn bộ sức lực cho việc leo núi.

Empty

4. Kiểm tra thời tiết

Không nên leo núi khi tuyết rơi dày đặc vì nếu chân bị lún tuyết, bước đi sẽ rất khó khăn; trời mù cũng khiến tầm nhìn bị hạn chế, chụp hình không đẹp. Chưa kể trời rất lạnh, nhiều tuyến trekking có thể bị chặn. Do đó, bạn luôn phải kiểm tra thời tiết để chắc chắn thời tiết thuận tiện cho hành trình leo núi của mình.

Empty

5. Học cách sử dụng crampon

Crampon là loại đế gắn vào giày có gai sắt nhọn chuyên dụng để leo núi băng. Việc mang giày này có thể gây nguy hiểm nếu bạn không quen vì nếu bị ngã, chân này đạp chân kia có thể gây ra chấn thương. Nhưng bạn cần lưu ý, không bao giờ leo lên núi băng nếu bạn không mang crampon.

crampon leo nui bang (sua)

6. Sắp xếp hành lý

Đi leo núi không giống như đi nghỉ dưỡng, bạn nên mang ít đồ để việc mang vác được dễ dàng. Hơn nữa, thời tiết lạnh nên bạn sẽ không cần thay nhiều đồ, chỉ tập trung mang những thứ thật sự cần thiết trong ba lô. Đừng quên mang theo đồ ăn cung cấp nhiều năng lượng như thanh bổ sung protein, chocolate, các loại hạt… Ngoài ra, bình nước giữ nhiệt là đồ vô cùng cần thiết khi bạn leo núi mùa đông, nhất là khi đi dài ngày. Một bình trà hay cà phê, ca cao nóng pha sẵn sẽ giúp bạn giữ ấm và bổ sung năng lượng trong suốt chuyến đi.

Empty

7. Bắt đầu đi từ sáng sớm

Bạn nên bắt đầu đi trekking từ sáng sớm vì dù đã kiểm tra trước độ dài của hành trình nhưng có thể do điều kiện sức khỏe, thời tiết, hay do mải mê chụp ảnh, bạn sẽ về trễ và đi ở vùng núi vào buổi tối thì không an toàn chút nào.

Nếu bạn đi bằng phương tiện công cộng đến điểm leo núi, hãy kiểm tra chắc chắn chuyến về vì mùa đông nhiều chuyến xe bị hủy hoặc kết thúc sớm hơn các mùa khác.

Empty

Lưu ý về sức khỏe khi leo núi

  • Dù nắng ít hay nhiều thì leo núi cũng khiến da bạn cháy nắng. Vì vậy, nhớ luôn sử dụng kem chống nắng, bôi lại sau mỗi 4-5 tiếng nếu người đổ nhiều mồ hôi.
  • Dùng kem dưỡng môi, dưỡng ẩm để dịu da mỗi tối.
  • Uống đủ nước để tránh đau đầu chóng mặt khi cơ thể thiếu nước.
  • Không được để tuyết rơi nhiều vào trong người, giày. Bị bỏng lạnh nghiêm trọng không kém gì bỏng nóng, sẽ làm chân bạn tê tím ngay lập tức.
  • Cẩn thận khi bước lên hồ và những nơi nước bị đóng băng, dùng một chân bước lên mặt băng để kiểm tra trước.
  • Luôn mang theo thuốc chống sốc độ cao (altitude sickness pill) nếu điểm đến là núi cao như các ngọn núi ở Nepal.
Nhung Phùng
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES