Được mệnh danh là "nóc nhà thế giới" với độ cao 8.848 m, ngọn núi Everest thuộc dãy Himalaya, nằm giữa biên giới Nepal và Tây Tạng, thu hút hàng trăm nhà leo núi mỗi năm kể từ khi có người đầu tiên thành công chinh phục đỉnh núi 60 năm trước.
Thế nhưng, điều đó cũng gây nên tình trạng quá tải thường xuyên, kéo theo đó là những hệ lụy đối với môi trường. Hàng tấn rác, bao gồm lon rỗng, chai nhựa, dụng cụ leo núi,… bị vứt bỏ trên đỉnh núi Everest, biến nó thành "bãi rác cao nhất trên thế giới". Các nguồn nước ở hạ lưu cũng bị ô nhiễm bởi mọi thứ từ phân người đến chai lọ rỗng, bình gas.
Sau khi bị chỉ trích nặng nề về tình trạng hiện nay của đỉnh Everest - một trong những tài nguyên thiên nhiên lớn nhất đất nước, Chính phủ Nepal và các nhà tổ chức leo núi đã hợp tác với nhau để tiến hành dự án dọn dẹp rác thải kéo dài trong 6 tuần.
Cụ thể, một nhóm gồm 14 người đã thu gom hơn 10 tấn rác dọc chặng đường gần 8.000 m từ trạm căn cứ đến trạm tiếp theo gần đỉnh núi. Số rác đó được đưa đến các trung tâm tái chế ở thủ đô Kathmandu của Nepal. Các công nhân sẽ phân loại rác thải, mỗi loại có cách tái chế khác nhau: sắt được gửi đến xưởng sản xuất đồ sắt, lon nhôm được đưa đến nơi sản xuất dụng cụ còn chai lọ sẽ được tái chế thành các mặt hàng gia dụng.
Tổ chức phi chính phủ kiểm soát ô nhiễm Sagarmatha cùng BW2V và các tổ chức khác gần đây cũng đã phát động chiến dịch vận chuyển rác thải đến các trung tâm tái chế, đồng thời đưa hướng dẫn viên tới khu vực đỉnh Everest mỗi năm. Mọi người được yêu cầu mang 1 kg rác đến Lukla, cửa ngõ vào khu vực Everest hoặc thủ đô Kathmandu để tái chế.
Các mặt hàng tái chế này hiện được rất được ưa chuộng trong các khách sạn cao cấp, nhà hàng và hộ gia đình trong thủ đô. Ngày càng có nhiều khách hàng quan tâm đến những hàng hóa làm từ phế liệu được thu gom ở đỉnh Everest.
Giám đốc của khách sạn 5 sao Hotel Yak & Yeti ở thủ đô Kathmandu cho biết, việc lựa chọn các mặt hàng tái chế là bước tiến mới của công ty hướng đến những sản phẩm bền vững và thân thiện với môi trường. "Điều này không chỉ tốt cho chúng ta và môi trường mà còn khích lệ mọi người cố gắng giảm thiểu tối đa các loại rác thải và biến Trái Đất này thành một nơi tươi đẹp hơn".
Bên cạnh đó, một cơ sở xử lý rác thải mới Sagarmatha Next đang được xây dựng tại Syangboche ở độ cao 3.800 m. Nơi này sẽ xử lý rác thải và các nghệ sĩ cùng nhà sáng chế sẽ nghiên cứu để tạo ra sản phẩm mới nhằm tham gia vào thị trường các mặt hàng tái chế từ rác ở Everest đang phát triển này.
Song, các nhà leo núi cũng cảnh báo rằng việc dọn dẹp chỉ mới thu gom được một phần rác trên đỉnh Everest, nhiều nơi ở cao hơn và khó tiếp cận hơn vẫn còn rác thải chưa được xử lý. Dưới tác động của hiện tượng nóng lên toàn cầu, nhiều sông băng bị tan chảy và lộ ra những bãi rác thải có từ rất lâu. Không chỉ rác thải mà thi thể các nhà leo núi xấu số cũng khiến việc "làm sạch" đỉnh Everest trở nên khó khăn. Trong năm nay, đã có 11 nhà leo núi bỏ mạng. Không phải tất cả thi thể đều được tìm thấy và đem xuống núi, vì vậy nhiều xác người vẫn còn nằm lại bên sườn núi.
Năm 2013, Nepal treo thưởng 4.000 đô la (khoảng 93.000.000 đồng) cho mỗi đoàn leo núi nếu họ mang xuống núi ít nhất 8 kg rác thải, nhưng chỉ một nửa trong số các đoàn leo lên đỉnh núi thực hiện cam kết này. Tháng 8 vừa qua, đại diện các đô thị ở vùng Everest tuyên bố sẽ cấm một số loại nhựa và chai nhựa dùng một lần từ đầu năm 2020.