Kỳ bí Amazon: Hành trình tìm thổ dân ‘’thứ thiệt’’

03/07/2014

Chiếc thủy phi cơ 7 chỗ số hiệu EP 857 lượn vài vòng trên cánh rừng già rồi đáp xuống con sông Yavarí làm tung nước trắng xóa. Nơi đây là Angamos, biên giới của Peru và Brazil.

Lóe lên hy vọng

Tác giả tại Angamos trước khi đi ghe vào lãnh địa người Matsés - Ảnh: N.T 

Trước khi đi, tôi đã tìm hiểu, đọc khá nhiều tài liệu về vùng này. Những bộ tộc hấp dẫn có thể gặp đó là người Shuar, người Jivaro (nổi tiếng với việc thu nhỏ đầu người lại cho đến khi bằng quả cam), người Matis (được mệnh danh là người báo đốm) và người Matsés (từng là những chiến binh cướp vợ bộ tộc khác). Tôi mất cả ngày trời để lân la hỏi hàng chục công ty du lịch và cả sở văn hóa tại Iquitos (Peru) nhưng đều nhận được cái lắc đầu. “Muốn gặp những bộ tộc đó, tại Iquitos may ra chỉ Amazon Explorer mới có thể dẫn đường”, một người trong Hội Nghiên cứu văn hóa thổ dân Amazon nói.

Amazon Explorer là công ty du lịch tại Iquitos chỉ có hai thành viên: Hector (nhà tự nhiên học người Argentina) và Bertien (người Hà Lan, phiên dịch tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh). Khá ngạc nhiên khi nghe tôi đề nghị dẫn đi gặp thổ dân Amazon “thứ thiệt”. “2.400 USD cho chuyến đi 15 ngày”, Hector nói. Đây không phải là lúc mặc cả, tôi đồng ý. Hector chìa tờ giấy trước mặt tôi: “Anh ký vào đây”. Tờ giấy chi chít các quy định và dặn dò nhưng tóm lại chỉ một câu: “Chúng tôi không chịu trách nhiệm trước bất cứ tai nạn nào xảy ra”. “Có nơi nào để mua bảo hiểm không?”, tôi hỏi. Hector cười: “Không công ty nào chịu bán bảo hiểm cho khách đi vào vùng rừng rậm Amazon đâu. Và tôi cũng nói trước, đừng nghĩ đến trực thăng cứu hộ hay đại loại thế như trên phim. Đã vào rừng, có nghĩa là chấp nhận mọi rủi ro!”.

Lãnh địa người Matsés

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Angamos được xem như điểm “văn minh” cuối cùng vì hãy còn sử dụng điện từ bình ắc quy và một vài tiệm chạp phô nho nhỏ. Denis (29 tuổi) - người Matsés dẫn đường kiêm luôn phiên dịch từ tiếng Matsés sang tiếng Tây Ban Nha - đón chúng tôi tại Angamos.

Ngày nay, thổ dân Amazon được chính quyền bảo vệ nhiều hơn. Muốn vào lãnh thổ của họ phải có giấy phép của chính quyền. Một nhà thám hiểm ở châu Âu đã từng phải ngồi tù tại Brazil vì dám nói dối mình là bạn của thổ dân để xâm nhập vào sâu trong lãnh địa của họ. Ngay cả xin được giấy phép hoặc qua mặt được chính quyền, chuyện thổ dân “chào đón” kẻ lạ mặt dám xâm nhập vào vùng đất của họ bằng… bẫy, bằng những mũi tên tẩm thuốc độc cũng đã từng xảy ra.

Vùng của người Matsés là khu bảo tồn quốc gia. Vì thế, đừng hòng nghĩ rằng có thể tự mình đi “thám hiểm”. “Khi vào vùng cấm, mọi chuyện đều có thể xảy ra. Nếu không đi chung với người Matsés, bọn trồng, buôn lậu thuốc phiện sẵn sàng giết chết người lạ vì chúng không biết đấy là khách du lịch hay là người của chính phủ cài vào để bắt”, Denis nói.

Chiếc đò nhỏ chất đầy nhu yếu phẩm: trứng, sữa đặc, xà phòng, lương khô… (để làm quà cho người Matsés) cùng bốn người: tôi, Hector, Bertien và Denis xuôi theo con sông Yavarí lên đường. Chỉ vào ngã ba, nhánh hai con sông Yavarí và Gálvez gặp nhau, Denis nói: “Chúng ta đang bước vào lãnh thổ của người Matsés đấy”.

Không như những con sông khác, sông Gálvez nhìn đen thui bởi những chất hóa học từ vỏ cây rừng tiết ra. Chính chất này góp phần lọc nước, giết vi khuẩn và những con lăng quăng. Nhờ vậy mà khu người Matsés sinh sống có ít muỗi.

Dọc con sông Gálvez là những cây bông gòn cao, phủ tàng lá rộng khắp. Đậu kín ngọn cây cao hai bên bờ sông là biểu tượng của nước Honduras (Trung Mỹ): đàn vẹt Amazon đuôi dài, màu sắc sặc sỡ, to như những con gà đang cãi nhau ỏm tỏi. “Bọn vẹt này rất chung thủy, luôn bay có cặp, chẳng khi nào bay một mình”, Hector tiết lộ.

Thỉnh thoảng lại thấy bọn cá heo hồng (loại cá heo nước ngọt đặc trưng của vùng Amazon) nhảy vờn nước. Trong tài liệu tôi đọc trước khi đi thì người Matsés rất sợ cá heo hồng vì theo họ nó thường giả dạng cô gái hoặc chàng trai xinh đẹp để dụ dỗ rồi lôi họ xuống đáy sông. Vì thế, người Matsés không ăn thịt cá heo hồng vì cho rằng linh hồn của nó sẽ giết họ. Vừa kiểm tra lại thông tin đó với Denis thì từ phía đối diện một chiếc ghe chèo ngược ra hướng Angamos chở theo một chú nhóc bị sưng húp toàn thân và gần như mê sảng. “Khi tắm trên sông thì con cá heo hồng bơi sát vào nó. Thế là khi lên bờ, nó bị thế này”, cha của đứa bé (cũng là người Matsés) kể với Denis bằng giọng đầy sợ hãi.

Nắng gắt. Mùa khô nên nước cạn, người vẫn nhớp nháp mồ hôi vì độ ẩm cao. Tám tiếng đồng hồ ngồi trên ghe, người tôi bị nắng đốt cháy đỏ như con tôm luộc. Khi mặt trời đã sắp lặn phía sau cánh rừng già, mọi người cũng muốn lả đi vì say nắng và mệt cũng là lúc thấy thấp thoáng những dáng người nhỏ bé, ngực trần… Denis reo to: “Tới nơi rồi!”.

Từ Iquitos, đi bằng thủy phi cơ để đến Angamos trong khi nếu đi thuyền mất khoảng một tuần. Từ đây tiếp tục đi ghe máy ngược dòng lên hơn 8 tiếng đồng hồ nữa để đến Buen Peru và San Juan (nơi ở của người Matsés). Cách khác là đi thuyền 19 tiếng từ Iquitos đến Requena (160 km), sau đó đi bộ băng rừng 3 ngày đêm mới đến. Đi kiểu này tuy ngắn hơn một chút, nhưng nguy hiểm gấp bội.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES