Lạc lối giữa 'Little Hong Kong' ở Sài Gòn

24/10/2016

Sài Gòn phồn hoa đô hội. Sài Gòn cuồng nhiệt trẻ trung. Sài Gòn xô bồ vội vã. Có quá nhiều cách nói về vẻ đẹp hiện đại và sầm uất của Sài Gòn. Nhưng chừng ấy vẫn chưa đủ để diễn tả hết một thứ ma lực vẹn toàn. Một linh cảm mơ hồ nào đó mách bảo rằng, Sài Gòn hẵng còn ẩn giấu một vẻ đẹp phẳng lặng trữ tình, mà tôi nên và phải kiếm tìm.

Kỳ thực, ở vào khoảnh khắc đặt chân trở lại Sài Gòn, tôi vẫn chưa hình dung được chính xác góc khuất yên ả của thành phố này rốt cuộc ở đâu. Tôi đơn thuần chỉ nghĩ, cứ đi, quan sát, lắng nghe và thụ cảm, rồi trước sau gì, mình cũng giải mã được câu đố hóc búa của trực giác. Yên vị trên chuyến xe buýt nối dài từ trung tâm quận 1 tới bên hông Chợ Lớn, rồi lại miệt mài với cuộc bộ hành tưởng như dài vô tận, tôi vỡ òa cảm xúc khi đến quận 5, một quần thể cư ngụ độc đáo giữa lòng chảo tấp nập của Sài thành.

Quận 5 là mảnh đất sinh nhai lập nghiệp của cộng đồng người Hoa từ hàng trăm năm qua. Đây là một quần thể kiến trúc cực kỳ thú vị, quy tụ đủ đầy xen kẽ các công trình từ nhà cửa riêng biệt tới địa điểm sinh hoạt cộng đồng. Từ trên cao ngó xuống, quận 5 tựa như tấm thảm zig zag khổng lồ, ngược xuôi những con đường, ngoằn ngoèo các ngõ ngách. Nhưng nếu cứ kiên trì mon men theo từng đoạn đường trải dài hun hút ấy, bạn sẽ rơi bẵng vào một khoảng không gian xa lạ đầy mê hoặc. Và cứ đôi ba phút một lần, lại mờ ảo tưởng rằng mình đang quay về thời thập niên 1960.

Từ trên cao ngó xuống, quận 5 tựa như tấm thảm zig zag khổng lồ, ngược xuôi những con đường, ngoằn ngoèo các ngõ ngách. Nhưng nếu cứ kiên trì mon men theo từng đoạn đường trải dài hun hút ấy, bạn sẽ rơi bẵng vào một khoảng không gian xa lạ đầy mê hoặc.

Phố đa sắc màu

Không biết có phải vì nằm sát Chợ Lớn hay không, mà phố người Hoa buôn bán nhộn nhịp lắm. Những ngôi nhà mọc lên san sát nhau với toàn bộ tầng một đều được sửa sang, trang hoàng để trở thành cửa hàng, cửa hiệu. Tôi vốn không ưa ồn ào, ấy vậy mà đi xuyên qua đám đông tiểu thương, khách hàng hỗn độn ấy, tôi không mảy may cảm thấy khó chịu. Bởi lúc đấy, tôi còn đang mải mê ngước mắt ngắm nhìn căn gác lô xô tầng trên của các ngôi nhà, nơi in hằn nguyên vẹn lối kiến trúc cũ với hành lang hẹp, tường vàng hoen ố, cửa gỗ nhiều màu, bàn thờ lộ thiên tỏa làn khói hương trầm mỏng tang và xen lẫn vài ba ô cửa sổ hình thù đa dạng được trổ trên tường.

Chung cư kiểu cũ là một đặc sản hấp dẫn của phố người Hoa. Tôi không đếm chính xác được số lượng chung cư ở đây, chỉ nhớ là, đi bộ trên phố, cứ một đoạn chừng dăm trăm mét lại bắt gặp một tòa nhà cao vài tầng lầu, quy tụ đông đúc dân cư sinh sống. Chung cư ở đây tuổi đời có vẻ cũng đã ngót nghét nửa thế kỷ, màu vôi tường đã phai nhòe theo sức nặng của thời gian. So với các khu tập thể bao cấp ở Hà Nội có cầu thang trực tiếp ngay lối vào và các hộ gia đình ở tầng một đều có cửa chính hướng ngoại, thì chung kiểu cũ ở Quận 5 biết cách “làm màu” hơn hẳn, khi phủ lên mình dáng vẻ bí ẩn khó đoán.

Chung cư ở đây thật ra nên gọi là xóm dân cư thì đúng hơn. Nó được nhận diện bằng chiếc cổng vòm khá rộng, bên trên bức tường chạm trổ dòng chữ tiếng Hoa tên của một ngõ hay một xóm. Bước qua cánh cổng cũ kĩ, đi thêm một đoạn ngõ ngăn ngắn tối đèn, tôi lạc giữa khoảnh sân nhỏ nhắn, vắng người, ngập nắng, ngập gió, thoang thoảng mùi hương trầm nhè nhẹ và chỉ u u một thứ thanh âm duy nhất của sự tĩnh lặng. Hai bên sân là hai dãy nhà được tạo thành bởi vài chục căn hộ dùng chung một hành lang nhỏ hẹp, mà nếu có hai người muốn đi ngược chiều thì có khi phải lách nhau rất khéo. Các căn nhà trong chung cư của người Hoa phần nhiều đều khá chật chội, mỗi nhà sơn một sắc tường rực rỡ, vẽ nên bức họa đầy rung cảm và đậm chất thơ, nhấp nhô đủ thứ gam màu nóng lạnh, xanh, đỏ, vàng, hồng.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Tôi trân trân đứng đó một hồi, đưa mắt quét một góc nhìn bao trọn bốn bề không gian. Một cảm giác thân thương mờ ảo quyện lẫn với nỗi rung động lạ lùng xâm chiếm từng giác quan. Tôi chấp chới mơ màng như đứng trên cỗ máy thời gian vô hình bé xíu, cảnh sắc xung quanh thì vùn vụt biến đổi liên hoàn trước mắt tôi và bất chợt lắng lại giữa một tháng ngày xưa cũ của những năm một-chín-sáu-mươi-mấy. Đấy là thời có nàng Trương Mạn Ngọc trong phim “Tâm trạng khi yêu” mặc sườn xám lụa, thanh tú dịu dàng, đứng tư lự bên ô cửa khép hờ của một góc phòng tầng hai. Có anh nghệ sĩ ánh mắt u buồn, ôm một mối mơ si tâm vọng tưởng. Có cả nhóm dăm bảy người lao động bình dân của những cuốn phim TVB, hãng phim danh tiếng của Hong Kong, ngày cũ, ở thuê chung một căn hộ. Lý trí nhắc nhở tôi đang đứng trên phố người Hoa, ở Sài Gòn, giữa năm hai-ngàn-mười-mấy, nhưng xúc cảm thì dẫn tôi du hành tới một cõi mộng, mang tên “Little Hong Kong” thuộc về hơn nửa thế kỷ trước.

Đi qua quá nửa thời gian của cuộc đời một con người, phố người Hoa không tránh khỏi bị cuốn theo guồng quay của thế cuộc. Nhưng từ sâu thẳm trong tâm tưởng con người nơi đây, họ vẫn nhất tâm gìn giữ thói quen cổ truyền xưa cũ như một nét văn hóa đẹp đẽ đã ăn vào máu xương. Khi mỗi ngày lao động khép lại, người Hoa lại trút bỏ gánh nặng mưu sinh để trở về với góc nhà giản dị. Họ nói tiếng Quảng Đông, sống chậm rãi và rất thích sinh hoạt đông đúc tập thể. Họ thân thiện và hiếu khách. Thấy dân du lịch như tôi vào ngắm nghía, một vài người còn chủ động hỏi han và dẫn tôi lên những tầng cao nhất, vào những góc khuất nhất để mà bắt được cái hồn cổ kính, bình phàm của quận người Hoa.

Người Hoa nổi tiếng là thích sinh hoạt cộng đồng, cho nên khi di dân tới mảnh đất Sài Gòn ngày trước, họ đã kỳ công xây dựng nhiều chùa chiền, hội quán và rạp hát. Ngoài thờ Phật, chùa chiền ở đây còn thờ nhiều vị thần trong truyền thuyết tâm linh của người Hoa, bao gồm cả bốn thầy trò Đường Tăng trong truyện “Tây du ký”. Hội quán của người Hoa sở hữu lối kiến trúc khá giống với miếu và chùa, đôi khi còn được đặt ngay trong một vài ngôi chùa nổi tiếng. Đây là nơi người Hoa gặp gỡ và giao lưu, thi thoảng tổ chức biểu diễn nghệ thuật truyền thống và ngày nay còn được tận dụng làm trường học tiếng Hoa cho con em của các gia đình trong cộng đồng. Còn các nhà hát, rạp chiếu phim trong Quận 5 vẫn còn vương vấn nhiều vẻ đẹp cũ kỹ ngày trước, nhưng nay đều đã giải thể. Một người bạn tôi từng bảo: “Hong Kong đẹp nhất hồi thập niên 60”. Chắc là “Little Hong Kong” ở Sài Gòn này cũng vậy. Thế nên, người dân ở đây mới “cố chấp” giữ gìn dáng vẻ cũ đã đi qua chừng ấy năm trời.

Lạ vị ẩm thực đường phố

Sau hồi lang thang khám phá, tôi tự thưởng cho mình những món ăn ngon lành đậm đà phong vị người Hoa. Quận 5 vốn được tiếng là thiên đường của ẩm thực đường phố. Không riêng gì các gia đình người Hoa mà rất nhiều người Việt ở khắp Sài Gòn cũng thường xuyên lui tới nơi này để thưởng thức.

Quán xá ở đây nhỏ nhắn với nhiều dãy bàn ăn sát nhau thẳng tắp. Các bức tường ốp gạch men màu, những chiếc bàn inox sạch sẽ, những hũ inox nhét đầy đũa nhựa màu xanh, đỏ hay những chiếc xe đẩy xếp đầy đồ ăn ngon mắt. Tất cả đều gợi nhắc hình ảnh Hong Kong trong những bộ phim TVB gắn bó suốt những ngày thơ ấu và niên thiếu của tôi. Đồ ăn trong những hàng quán này được làm bằng đôi tay và cái tâm của người Hoa, giữ trọn hương vị chính cống và được ăn cũng đúng theo kiểu người Hoa cổ truyền. Bánh bao mềm mại và trắng tinh. Há cáo, xíu mại mịn màng và thơm bùi nhân tôm, nhân thịt. Xôi lá sen dẻo thơm hương hoa sen thanh khiết. Và nếu muốn mua đồ ăn vặt vỉa hè, bạn đừng bỏ qua các loại đồ xiên que mỡ bắt mắt, cả món bánh trứng nướng xuất xứ Hong Kong được đẩy bán rong trên đường phố.

Sau bữa ăn ê hề món ngon, tôi tự chiêu đãi thêm một ly nước mát theo kiểu người Hoa. Nước mát có nhiều vị như hoa cúc, rong biển, nước đắng… được bày bán trên những chiếc xe đẩy, trong cửa hàng hoặc sát vỉa hè. Các cửa hàng nước mát không có bàn ghế cho thực khách, nên người ta chỉ có thể ngồi trên xe uống hoặc mua về, hoặc ngồi bệt vệ đường vừa uống vừa chuyện trò, ngắm phố.

Khép lại gần như trọn ngày ở phố người Hoa, tôi lâng lâng phấn khích với những trải nghiệm mới đi qua và thỏa mãn với câu trả lời mình vừa tìm thấy. Rồi thầm ước, giá cứ ở lại đây, cứ lạc lối một cách hồn nhiên, hạnh phúc giữa “Little Hong Kong” của những năm 60 đong đầy cảm xúc.

Bài: Phong Kiều. Ảnh: Jindy Phạm

 

 

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES