Hành trình đặc biệt
Chuyến đi đến Triều Tiên là chuyến đi cho tôi những cảm xúc thật sự đặc biệt. Không ít những thông tin về Triều Tiên được chia sẻ qua các kênh truyền thông khiến mọi người đều có một suy nghĩ rằng: đó là một nơi nguy hiểm. Tôi cũng cảm thấy e sợ khi một mình đi tới đó nên đã quyết định tìm kiếm cho mình một người bạn - người đã từng một lần đặt chân đến Triều Tiên để nhờ góp ý. Phải mất 3 tháng lên kế hoạch, tôi mới bắt đầu hành trình của mình.
Cách nhanh nhất và thuận lợi nhất để tới Triều Tiên là bay tới Bắc Kinh (Trung Quốc) rồi nối chuyến tới Bình Nhưỡng - thủ đô của Triều Tiên. Nhưng vì đam mê khám phá, tôi lại chọn một con đường khác, phức tạp hơn để bắt đầu chuyến du ngoạn của mình. Từ TP.HCM, tôi bay qua Quảng Châu, nối chuyến đến Thẩm Dương rồi chuyển sang đi tàu. Bắt taxi đến ga Thẩm Dương, tôi đáp chuyến tàu lúc 5h30 sáng để về thành phố Đan Đông (Trung Quốc), hoàn thành chặng cuối của hành trình với tuyến xe lửa Trung - Triều nối Đan Đông với Bình Nhưỡng.
Hành trình tàu lửa từ biên giới Trung Quốc tới thủ đô Bình Nhưỡng là hành trình tuyệt đẹp và tôi đã tận mắt nhìn thấy cuộc sống của người dân Triều Tiên. Thật may mắn khi tôi đến Triều Tiên vào đúng mùa lúa chín vàng. Những cánh đồng lúa kéo dài hàng chục kilomet cứ lướt qua ô cửa sổ tàu khiến tôi mê mẩn không thể rời mắt. Người dân địa phương có thể không quá giàu, không quá sung túc nhưng họ có cuộc sống êm đềm và sự bình yên đến nhẹ nhàng.
Kết thúc chặng cuối ngồi tàu kéo dài 6 tiếng, tôi được hai cô gái Triều Tiên xinh đẹp chào đón ngay khi tàu mở cửa cho hành khách bước xuống. Đặc biệt ấn tượng là một trong hai cô gái đó nói tiếng Việt rất tốt, khiến tôi thấy nơi này rất thú vị.
Bình Nhưỡng: Sạch sẽ và kỷ luật
Theo quy định của Triều Tiên thì mọi du khách tới đây bắt buộc phải mua tour thông qua một công ty du lịch bản địa và hành trình của bạn sẽ do công ty đó lo liệu trọn vẹn. Công ty cung cấp tour ở Triều Tiên cử tới 3 người (một tài xế và hai hướng dẫn) để chăm sóc cho hai người chúng tôi.
Hành trình khám phá Triều Tiên của chúng tôi bắt đầu từ Bình Nhưỡng. Trong mắt tôi, Bình Nhưỡng có vẻ hơi cũ kĩ nhưng vẫn toát lên sự chỉn chu và tính kỷ luật cao. Đường phố Bình Nhưỡng cực kì sạch sẽ, không hề thấy rác ở bất cứ đâu. Sáng sớm ở đây rất náo nhiệt. Trên các trục lộ chính, nơi thì người dân tập thể dục, nơi thì các em thiếu nhi đứng dàn thành các đội hình đánh trống và thổi kèn để báo hiệu. Người dân từ những tòa nhà cao tầng tất tả ra đường, tới các ga tàu lửa để tới công sở. Trang phục của họ không cập nhật thời trang thế giới nhưng đều rất lịch sự. Nhưng không gian thành phố buổi trưa thường vắng vẻ hơn rất nhiều.
Quảng trường Kim Nhật Thành là quảng trường lớn nhất ở Bình Nhưỡng cũng như Triều Tiên và là nơi diễn ra những sự kiện lớn của quốc gia như lễ hội đồng diễn, lễ diễu hành, meeting dịp Quốc khánh... Đối diện với quảng trường này là Tháp Tư tưởng Chủ thể thể hiện tư tưởng đường lối xã hội của Triều Tiên. Từ đó, chúng tôi tới tượng đài khổng lồ của hai ông Kim Nhật Thành và Kim Chính Nhật - nơi người dân Triều Tiên thường tới cúi đầu chào hoặc làm lễ hoặc dâng hoa tưởng nhớ. Rất nhiều tới đây cúi đầu chào và dâng hoa mỗi ngày trước khi đi làm.
Cách đó không xa là công viên Mansudae, nơi người Triều Tiên thường xuyên chụp hình đám cưới. Mặc dù, họ sử dụng những máy móc thiết bị không hiện đại, tân tiến nhưng cách họ chụp hình cưới rất là vui vẻ và gần gũi, thường là các thế hệ trong gia đình cùng nhau chụp. Họ sẽ vui chơi với nhau để tạo hình chụp, ví như: cô dâu chú rể giả bộ chơi kéo co rồi chú rể té nhào vào lòng cô dâu, hoặc cả hai cùng ngồi trên xích đu, đi dạo chơi… hoặc có phần giống những bức hình cưới của Việt Nam ngày xưa. Trang phục cưới của nam thường là vest, nữ mặc Hanbok truyền thống với nhiều sắc màu rực rỡ.
Tại Bình Nhưỡng, chúng tôi còn đi thăm nhiều nơi thú vị như Bảo tàng Tem thư, nơi triển lãm rất nhiều tem thư qua các thời kỳ ở Triều Tiên. Cung văn hóa thiếu nhi Bình Nhưỡng là nơi mà trẻ em ở thủ đô Bình Nhưỡng được đăng ký học tất cả các bộ môn, từ thể thao, giải trí, âm nhạc tới khoa học kỹ thuật... trong môi trường có nhiều thiết bị phụ trợ tốt hơn. Chúng tôi còn được xem một buổi biểu diễn hòa nhạc thiếu nhi ở cung văn hóa này với nhiều tiết mục đặc sắc, vui nhộn và rực rỡ sắc màu. Đặc biệt, ở đây chúng tôi phát hiện Triều Tiên sử dụng lịch Kim Nhật Thành có số năm khác hoàn toàn với lịch chung của thế giới.
Bàn Môn Điếm, ranh giới Bắc - Nam
Sau khi ăn trưa ở thành phố lịch sử Khai Thành, thuộc địa phận tỉnh Bắc Hwanghae, chúng tôi tiếp tục đi đến Bàn Môn Điếm - giới tuyến phân cách Triều Tiên và Hàn Quốc. Trên đường đi, chúng tôi phải qua rất nhiều những trạm gác an ninh mới đến được khu vực biên giới. Tại đây, sau khi làm thủ tục với bên phía quân đội quản lý, chúng tôi cùng một số đoàn du khách Trung Quốc vào một căn phòng nghe người lính ở đây hướng dẫn, giải thích về bối cảnh lịch sử của vùng đất này, rồi được xe chuyên dụng của quân đội đưa ra biên giới.
Xe chạy chừng 5 phút, băng qua những đồng cỏ trơ trọi thì chúng tôi thấy những dãy nhà màu xám và màu xanh được xây dựng trên biên giới giữa Hàn Quốc và Triều Tiên. Đây là nơi Hiệp định ngừng Chiến tranh Triều Tiên được ký kết năm 1953. Tòa nhà nơi Hiệp định được ký kết vẫn còn tồn tại đến ngày nay, nằm trong khu vực phi quân sự Triều Tiên và còn được xem là một trong những di tích cuối cùng của chiến tranh lạnh.
Chuyến tham quan của chúng tôi diễn ra một cách trầm lặng, trang nghiêm. Người lính làm nhiệm vụ hướng dẫn viên rất nghiêm túc, không hề đùa giỡn trong quá trình thuyết minh và trò chuyện. Khi nghe nói chúng tôi đến từ Việt Nam, anh liền tỏ một thái độ rất khác, một sự vui vẻ đến lạ kì, sự thiện cảm thân thiện dành cho chúng tôi. Anh cũng hỏi rất nhiều về Việt Nam và có vẻ rất am hiểu những cuộc chiến diễn ra trong thời chiến tranh của Việt Nam. Theo nguyên tắc, người lính Triều Tiên không bao giờ chụp hình chung với tất cả du khách nhưng anh lính này lại rất thích thú và sẵn sàng chụp hình kỉ niệm chung với chúng tôi.
Bàn Môn Điếm giờ đây không đem lại cho du khách sự lo lắng hay nỗi e sợ chiến tranh xảy ra, nhưng nó vẫn cho tôi cái cảm giác để nhớ về một thời chiến tranh khốc liệt giữa hai miền, và vẫn còn phảng phất nỗi buồn khi hai miền còn chưa thống nhất. Tôi rời khỏi Bàn Môn Điếm với một chút buồn nhẹ, vì tôi cảm nhận rằng người Triều Tiên rất hiền lành, và họ cũng thích hòa bình để được sống tốt.
“Triều Tiên đệ nhất sơn”
Những ngày tiếp theo tôi dành cho hành trình khám phá núi Kumgang (trong tiếng Việt có nghĩa là Kim cương) - ngọn núi được mệnh danh “Triều Tiên đệ nhất sơn”. Cao 1.638 m, nằm kéo dài ở phần đầu phía bắc dãy núi Thái Bạch trên bờ biển Đông của bán đảo Triều Tiên, núi Kumgang là nơi có thảm thực vật độc đáo, quang cảnh tươi đẹp với những thác nước đầy cuốn hút. Về mặt tâm linh, người dân Triều Tiên và Hàn Quốc coi núi Kumgan là thánh địa, là linh sơn. Ngày nay, tuy gặp rất nhiều khó khăn về thủ tục xuất nhập cảnh nhưng cũng có tới hàng triệu người dân Hàn Quốc tới tham quan du lịch núi Kumgan mỗi năm.
Núi Kumgang nằm gần biên giới của Triều Tiên và Hàn Quốc nên ở đây quân đội kiểm soát rất chặt chẽ. Tôi phải qua rất nhiều vòng của an ninh quân đội trước khi tới chân núi. Đường lên núi Kumgang bày ra trước mắt tôi khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Hướng dẫn viên cho tôi biết, vẻ đẹp của nơi này biến ảo theo mùa: Mùa xuân trăm hoa đua nở; mùa hè lãng mạn với những đám mây trôi qua các ngọn đồi dốc, cây xanh bao phủ; mùa thu, lá phong phủ lên ngọn núi tấm áo đỏ rực rỡ; mùa đông, tuyết trắng trên chóp núi. Và tôi thật sự ấn tượng bởi vẻ đẹp của Kumgang. Không chỉ có thế, núi Kumgang còn có nhiều chùa nổi tiếng linh thiêng như chùa Kwanum, tượng Phật Myogil-sang, chùa Phyohun và những biển hồ, và các cột đá thiên nhiên xinh đẹp.
Hành trình leo núi cho tôi cơ hội gặp nhiều người Triều Tiên, họ cũng là những du khách tới chiêm ngưỡng cảnh quan thiên nhiên. Rất ngạc nhiên khi gặp du khách nước ngoài tới đây và không nói chuyện nhiều với chúng tôi do những sự khác biệt về mặt ngôn ngữ nhưng họ vẫn thể hiện sự thân thiện và thái độ vui vẻ. Khi nhận vài trái cam tôi tặng, hai đứa trẻ - con của một cặp vợ chồng Triều Tiên - tỏ ra bẽn lẽn, e ngại. Dường như chúng ít có cơ hội để gặp gỡ những người xa lạ đến từ bên ngoài. Bất ngờ và thích thú là tôi thấy nhiều sản phẩm của Việt Nam được bán trong các quán dọc đường lên núi Kumgang, như bia Sài Gòn, snack, mít sấy...
Trên đỉnh núi, tôi gặp một nhóm người Triều Tiên đang múa hát và tham gia cùng họ. Đó là khoảnh khắc tôi ghi nhớ sâu sắc, bởi chúng tôi - những người ở hai quốc gia khác nhau - lại có cơ hội bên nhau thật gần gũi, như không hề tồn tại sự xa cách về địa lý hay văn hóa.
Vĩ thanh
Chuyến đi Triều Tiên cho tôi nhận ra rằng: những thông tin chúng ta được tiếp nhận được từ truyền thông không hoàn toàn giống với trải nghiệm thực tế. Dù vẫn có nhiều quy tắc mà du khách phải lưu ý nhưng Triều Tiên bình yên chứ không nguy hiểm như trong tưởng tượng của nhiều người. Và tôi có thể khẳng định với bạn, hành trình khám phá Triều Tiên sẽ cho bạn nhiều cung bậc cảm xúc mà bạn nhớ mãi.
THÔNG TIN THÊM
- Visa: Để đến Triều Tiên, hầu hết du khách đều phải di chuyển từ Trung Quốc và bắt buộc có hộ chiếu và visa hoặc giấy thông hành để nhập cảnh. Các công ty lữ hành Triều Tiên có thể hỗ trợ bạn thủ tục này.
- Tour: Theo qui định của Chính phủ Triều Tiên thì du khách không được du lịch tự túc ở đất nước này mà bắt buộc phải mua tour của công ty du lịch. Ở Việt Nam hiện có nhiều công ty lữ hành có uy tín như Vietrantour, Saigontourist, Fiditour, Viet Global… cung cấp tour Triều Tiên trọn gói để phục vụ du khách Việt. Chi phí cho một hành trình 5 ngày 4 đêm khoảng 33.000.000 - 38.000.000 đồng/người.
- Tiền tệ: Du khách không được phép sử dụng tiền tệ của Triều Tiên (đồng won Triều Tiên), vì vậy hãy mang theo tiền Euro hoặc Nhân dân tệ của Trung Quốc. Hãy nhớ mang theo đủ tiền mặt cho chuyến đi vì ở đây không có ATM hay dịch vụ ngoại hối.
- Ẩm thực: Khá giống với ẩm thực Hàn Quốc nhưng cũng có nhiều món ăn truyền thống chỉ có ở Triều Tiên. Các món ăn ở đây rất ngon và phong cách phục vụ của nhà hàng thì luôn nhiệt tình và chu đáo.
- Những điều cần lưu ý:
+ Hầu hết du khách được yêu cầu cúi đầu và đặt hoa trước tượng Cố Chủ tịch Kim Nhật Thành khi đến tham quan các di tích quốc gia.
+ Du khách không được phép trò chuyện tự do với tất cả người dân.
+ Không nên ghi hình nếu chưa có sự cho phép. Không được tự do chụp hình theo ý mình mà phải theo hướng dẫn viên Các nơi cần lưu ý là sân bay, tòa nhà chính phủ, khu vực quân sự, trung tâm giao thông hoặc những địa điểm không thuộc về khu vực du lịch.
+ Buổi tối, không được ra khỏi khách sạn và đi đâu cũng phải có hướng dẫn viên đi cùng.