Làng gốm Hương Canh: Trăm năm “tấc đất, tấc nghề"

18/11/2024

Nằm cách thủ đô Hà Nội khoảng 45km, làng gốm Hương Canh thuộc tỉnh Vĩnh Phúc trải qua hàng trăm năm khói lửa, đã trở thành một trong những cái nôi lâu đời nhất của nghề gốm sành ở Việt Nam. Tại đây, dưới đôi bàn tay tài hoa, khéo léo của các nghệ nhân, những sản phẩm gốm bình dị mà chỉn chu vẫn luôn được trân quý, gìn giữ và phát triển qua mỗi thế hệ.

Từ đất mộc giản dị đến tinh hoa văn hóa làng nghề

Thị trấn Hương Canh trong những tháng cuối năm chuyển động nhịp nhàng theo bàn xoay gốm. Đường vào thôn Lò Cang có nâu nâu những màu chum, màu vại. Mùi đất nồng quyện với mùi khói củi. Những lò gốm sành cũ kỹ, mộc mạc hẳn đã đỏ lửa suốt cả trăm năm.

Nét gốm Hương Canh thuần chất mang đậm dấu ấn văn hóa của một làng nghề lâu đời

Nét gốm Hương Canh thuần chất mang đậm dấu ấn văn hóa của một làng nghề lâu đời

Ký ức tái sinh từ một thoáng thân thuộc về khung cảnh xóm làng Bắc Bộ thuở xưa, với câu nói dân gian truyền khẩu “sứ Móng Cái, vại Hương Canh”. Những thớ đất mộc sau khi được nắn miết tỉ mỉ lại trở thành những tác phẩm sinh động, những vật dụng gần gũi, đi sâu vào nếp sống của người dân địa phương.

Bài liên quan

Nhưng không thu gọn trong nếp sống làng quê bình lặng ấy, gốm Hương Canh nhanh chóng vượt thoát khỏi ranh giới của những phiên chợ nhỏ. Sự tỉ mỉ trong từng khâu chế tác, sự tinh xảo và bền chắc trong mỗi đường nét đã thu hút các thương lái từ khắp các vùng miền trên đất nước ghé mua. Cả làng gốm đã từng có một thời phồn thịnh, nức tiếng gần xa như vậy.

Empty
Empty
Từ đất mộc nguyên sơ, các nghệ nhân đã dụng tâm chế tác ra những sản phẩm gốm sống động, tinh tế

Từ đất mộc nguyên sơ, các nghệ nhân đã dụng tâm chế tác ra những sản phẩm gốm sống động, tinh tế

Những năm gần đây, được nung đúc trong những biến chuyển không ngừng của thời đại, gốm Hương Canh đã không còn rộn rã người mua - kẻ bán như xưa. Thế nhưng, tinh hoa văn hóa của một làng nghề vẫn được gìn giữ vẹn nguyên, gói ghém tỉ mỉ trong chất gốm thân thuộc.

Trao “tấc đất”, truyền “tấc nghề”

Đời sống của gốm Hương Canh bình dị và giản đơn. Những lò gốm còn đỏ lửa, phần lớn nằm nép mình trong những con ngõ nhỏ của thôn làng. Không gian sinh hoạt của người dân gắn bó chặt chẽ với đất, nước và lửa. Dãy tường gạch cũ để gọn gàng những bình hoa, vại nước hay những khoảng sân nhà chất đầy gốm mộc, đất thô. Tất cả đã hóa thành một biểu tượng vất vả mà tự hào của người dân làng gốm.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Thôn Lò Cang trải dài những dãy tường gạch chất đầy gốm

Thôn Lò Cang trải dài những dãy tường gạch chất đầy gốm

Không gian sinh hoạt của một gia đình chứa đủ loại sản phẩm làm từ gốm

Không gian sinh hoạt của một gia đình chứa đủ loại sản phẩm làm từ gốm

Trải qua biết bao cuộc biến cố, thăng trầm của lịch sử, nghề gốm Hương Canh cũng đã có lúc bị mai một, quên lãng. Bấy giờ, vẫn còn có một người thợ già ngồi mải miết trước bàn xoay đất, kiên trì nắn vuốt từng nếp đất nâu, đó chính là nghệ nhân Trần Văn Hải.

Nghệ nhân gốm Trần Văn Hải - người tiếp lửa, giữ lò của làng nghề Hương Canh

Nghệ nhân gốm Trần Văn Hải - người tiếp lửa, giữ lò của làng nghề Hương Canh

Trước hiên nhà nhỏ chật kín những sản phẩm, nghệ nhân “Hải Ất” tỉ mẩn kể lại sự nghiệp làm gốm của gia đình: “Hải là tên ông còn Ất là tên bà (vợ ông Hải). Gốm Hương Canh đã có từ lâu, nhưng để tìm hiểu theo lịch sử thì có lẽ cũng được gần 400 năm. Trải qua nhiều đời, ông cũng là tiếp nối thôi vì mình đâu có sống được 400 năm. Nói riêng đời ông thôi, bắt đầu làm nghề từ 14 tuổi cho đến bây giờ là 70 tuổi thì cũng được gần 60 năm rồi”.

Dấu mộc khắc tên thương hiệu gốm Hải Ất

Dấu mộc khắc tên thương hiệu gốm Hải Ất

Đặc trưng của gốm sành Hương Canh là màu đất nung cháy mà theo chia sẻ của ông Hải, đó là một chất riêng mà không thương hiệu gốm nào có được. Chất riêng đó khởi sinh từ nguồn đất tại chính quê hương Vĩnh Phúc. Do đó, nguyên liệu làm gốm bắt buộc phải là đất xanh - loại đất có nhiều nhựa, béo mịn và ít xương thì khi đốt lò mới tạo ra mẻ gốm chuẩn, đạt chất lượng cao.

“Tấc đất, tấc nghề” đáng trân quý là vậy, nhưng dòng chảy của thời gian và sự phát triển của xã hội đã khiến lớp trẻ dần hiện diện thưa vắng trong quá trình tiếp lửa từ cha ông. “Vì gốm khó làm cho nên thế hệ trẻ chúng nó cũng không kiên trì. Nếu nói đến năng khiếu, thì đó chỉ là làm đẹp. Làm đẹp thì mới cần đến năng khiếu. Nhưng nói về đốt lò thì phải nói đến trình độ. Giới trẻ bây giờ ít ai đi học cái này lắm". Lời tâm sự của ông Hải cũng trở thành nỗi trăn trở chung cho sự phát triển của nhiều làng nghề truyền thống hiện nay.

Tỉ mỉ nâng niu làng gốm trăm năm

Mỗi sản phẩm gốm là một câu chuyện của đất và người về quá trình vun vén, nỗ lực không ngừng để khơi dậy nét đẹp tinh hoa văn hóa truyền thống. Người thợ gốm làm ra sản phẩm không phải chỉ để kinh doanh, buôn bán mà còn xem đó là một phương cách bảo tồn và phát huy những giá trị lâu đời.

Những sản phẩm gốm mộc chưa kịp hoàn thiện luôn chờ đợi một ngày được mang đi xa, tiếp tục cuộc hành trình trăm năm của mình

Những sản phẩm gốm mộc chưa kịp hoàn thiện luôn chờ đợi một ngày được mang đi xa, tiếp tục cuộc hành trình trăm năm của mình

Ngày nay, đứng trước nguy cơ bị mai một và sự canh tranh khốc liệt từ các sản phẩm công nghiệp, làng gốm Hương Canh đã có những bước chuyển mình nhạy bén, thay đổi tích cực để thích nghi với thời đại mới. Các nghệ nhân cũng không ngừng phát triển sản xuất, đổi mới sản phẩm, làm ra nhiều mẫu mã đa dạng để đáp ứng nhu cầu của cuộc sống hiện đại. Ngoài những sản phẩm gốm sành truyền thống, gốm Hương Canh đã có thể khoác lên mình những hoa văn, kiểu dáng mới mang tính thẩm mỹ cao.

Gốm Hương Canh chuyển mình để thích nghi với thời đại mới nhưng vẫn gìn giữ được những nét tinh hoa truyền thống

Gốm Hương Canh chuyển mình để thích nghi với thời đại mới nhưng vẫn gìn giữ được những nét tinh hoa truyền thống

Empty
Empty

Gốm Hương Canh chuyển mình để thích nghi với thời đại mới nhưng vẫn gìn giữ được những nét tinh hoa truyền thống. Dẫu còn nhiều khó khăn trong việc trao truyền nghề xưa đến thế hệ tương lai, làng gốm Hương Canh vẫn sống âm thầm và bền bỉ như mạch nguồn văn hóa chảy xuyên suốt chiều dài lịch sử một cộng đồng. Để từ đó, nuôi dưỡng những niềm tin bền vững, rằng một ngày gốm Hương Canh có thể tìm lại được vị thế vốn có của nó trong đời sống hiện đại.

Bài và ảnh: Thu Hiền
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES