Lễ Phục sinh vô thần ở xứ sở tóc vàng hoe

26/02/2019

Sau một mùa đông lạnh lẽo kéo dài đến tận 5 tháng trong năm, cuối cùng, mùa xuân châu Âu cũng từ từ đến. Khi vầng dương bắt đầu tỏa những tia nắng vàng nhạt xuống mặt đất và làm tan chảy những đụn tuyết cuối cùng của mùa cũ, người dân Bắc Âu nói riêng và người theo Thiên Chúa giáo nói chung trên toàn thế giới rục rịch chuẩn bị cho một trong những ngày lễ quan trọng nhất trong năm: Lễ Phục sinh.

Đôi dòng về lễ Phục sinh

Ở các nước theo Cơ Đốc giáo, lễ Phục sinh là một trong những lễ hội tôn giáo lớn và quan trọng nhất nhằm tưởng nhớ đến sự kiện Chúa Jesus phục sinh từ cõi chết. Theo đó, Jesus bị kết tội và phải nhận án đóng đinh trên thánh giá vào ngày thứ sáu. Ba ngày sau đó, tức chủ nhật, Jesus sống lại.

Cũng giống như Tết Nguyên đán của người Việt Nam và các quốc gia sử dụng lịch mặt trăng (âm lịch), lễ Phục sinh thường không theo ngày cố định mà thay đổi theo từng năm, thường rơi vào tháng ba hoặc tháng tư. Tình cờ đây cũng là thời điểm mùa xuân bắt đầu ở nửa bán cầu Bắc, nên lễ Phục sinh đôi khi còn được coi là một sự kiện đánh dấu mùa xuân đã về.

Empty

Nếu ở những quốc gia coi trọng Thiên Chúa giáo như Tây Ban Nha, Ý hay các nước Nam Mỹ, Phục sinh là dịp để con chiên tỏ lòng sùng kính với Thiên Chúa bằng rất nhiều hoạt động mang đậm tính tôn giáo, thì ở Bắc Âu, đặc biệt là Na Uy và Thụy Điển là hai quốc gia mà tôi có thời gian học tập và sinh sống lâu nhất, lễ Phục sinh lại mang một sắc thái hoàn toàn khác. Trong những gia đình ngoan đạo, việc thực hiện và tuân thủ những nghi thức và phong tục của lễ Phục sinh vẫn được duy trì mỗi năm.

Tuy nhiên, với đại đa số dân cư theo Luther giáo, vô thần hoặc các tôn giáo khác (Hồi giáo, Hindu giáo, Phật giáo…) thì lễ Phục sinh ở các nước Bắc Âu ngày càng mang nhiều hơi hướng truyền thống và nghỉ dưỡng hơn là mang ý nghĩa tôn giáo như lúc ban đầu. Trong con mắt của một người Việt xa xứ (và vô thần) như tôi, xin mạn phép gọi đó là Lễ Phục sinh vô thần ở xứ sở tóc vàng hoe. Ngoại trừ những ngày chính của lễ Phục Sinh thì vào những ngày lễ khác, các hoạt động liên quan đều dần mang tính truyền thống và lặp lại hơn là hàm chứa những ý nghĩa khác.

Empty
Empty

Người Thụy Điển và Na Uy đều ăn món bánh semla (hoặc fastelavenbolle trong tiếng Na Uy) ngon ngây ngất, nhưng không phải vào ngày Thứ Ba Béo mà có thể là bất kỳ ngày nào họ muốn. Ở Thụy Điển, vào ngày này, người dân còn có phong tục là ngồi lên xe kéo tuyết và trượt xuống dốc, với hy vọng rằng vận số sẽ tỉ lệ nghịch với cú trượt mà lên cao chót vót trong năm mới!

Empty

Vào ngày Thứ Năm Lễ Rửa Chân (hoặc có nơi còn gọi là Thứ Năm Tuần Thánh), người dân kiêng kị việc đốn củi vì họ cho rằng sẽ khiến Jesus phải thêm đau đớn. Văn hóa truyền thống Thụy Điển thì tin rằng phù thủy trong rừng sẽ bay đi tìm bạn đời là quỷ dữ ngự trên núi Blåkulla. Vì vậy, người ta sẽ vẽ hình thánh giá trước cửa nhà và giấu hết toàn bộ… chổi hoặc bồ cào trong nhà để phù thủy không thể… ghé mượn tạm của họ được.

Thỏ Phục sinh, gà Phục sinh và trứng Phục sinh

Thỏ là một biểu tượng cổ của người Celt (Xen-tơ) dành cho nữ thần Ostera. Ngoài ra, thỏ trong văn hóa châu Âu, đặc biệt là Trung Âu, còn là biểu tượng cho sự sinh sôi nảy nở. Khi người Đức di cư đến Mỹ, họ mang theo cả văn hóa châu Âu và hình tượng thỏ Phục sinh đến với vùng đất này. Tại Mỹ, thỏ rừng biến đổi thành thỏ nhà, nhưng vẫn giữ truyền thống đem giấu những quả trứng trong vườn nhà để bọn trẻ đi tìm.

Empty

Ngày nay, hình tượng thỏ Phục sinh tay cầm rổ trứng làm từ chocolate hoặc trứng gà thật được trang trí sặc sỡ mang tính chất thương mại nhiều hơn là một biểu tượng văn hóa và tôn giáo. Tuy nhiên, có lẽ Phục sinh sẽ không bao giờ trọn vẹn nếu thiếu đi bộ đôi thỏ Phục sinh và trứng Phục sinh này.

Empty

Nếu thỏ Phục sinh là biểu tượng rộng khắp trên toàn châu Âu và kéo qua tới tận Mỹ, thì gà Phục sinh là một biểu tượng thuần Bắc Âu. Một trong những motif trang trí Phục sinh quen thuộc của hậu duệ Viking là hình tượng chú gà con lông tơ vàng óng ánh với chiếc mỏ bé xíu màu hồng rực. Đó cũng là hai màu sắc phổ biến cho lễ Phục sinh ở nơi đây. Theo quan niệm của người Bắc Âu, gà và trứng là biểu tượng cho một cuộc đời mới. Trong dịp Phục sinh, gà cũng là biểu tượng cho sự hồi sinh. Hình tượng gà con mổ nứt vỏ để chui ra mang tính tượng trưng cho việc Jesus sống lại.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Bên cạnh đó, gà và trứng gà còn là điềm báo mùa xuân đã về. Màu lông vàng rực của gà con cũng là hình ảnh biểu trưng cho ánh mặt trời – một trong những biểu tượng quan trọng của mùa Phục sinh phương Bắc.

Empty

Phục sinh trong hytte và trên những ngọn núi tuyết

Theo cách tính ngày nghỉ phép ở Na Uy, lễ Phục sinh là một trong những dịp hiếm hoi dân đi làm được nghỉ hẳn năm ngày liên tiếp. Nếu “chịu chơi”, người ta có thể lấy thêm ba ngày phép trước đó, kết hợp với hai ngày cuối tuần nữa là đã thành một kỳ nghỉ mùa xuân tận mười ngày.

Nếu Giáng sinh là dịp để gia đình quây quần bên nhau sau suốt một năm dài tản mác khắp nơi, thì Phục sinh vừa là dịp để tề tựu gia đình, vừa là dịp để dân tình “đưa nhau đi trốn”. Người Na Uy có hai trường phái đón Phục sinh phổ biến: trong những căn nhà hytte ấm cúng, hay lên núi trượt tuyết.

Empty

Những ngôi nhà hytte mùa hè vốn đóng cửa nằm im suốt mấy tháng mùa đông lạnh lẽo, nay bắt đầu bừng lên sức sống. Chủ nhân của hytte bắt đầu quét tước, dọn dẹp khắp nơi, nhóm củi trong lò sưởi. Khi củi đã đượm, căn nhà đã ấm, mùi khói nhè nhẹ đã bắt đầu lan trong không khí, đó là lúc bắt đầu cho kỳ nghỉ lễ Phục sinh an lành.

Trong nhà hytte, cả gia đình sẽ quây quần bên nhau để chơi các trò chơi tập thể như Uno, cờ tỉ phú và nhất là Yatzi – một trò chơi phổ biến mỗi mùa Phục sinh ở Na Uy (tôi không tài nào hiểu nổi trò này được chơi như thế nào). Ngoài ra, một trong những thú vui quốc dân của người Na Uy dịp này chính là… đọc truyện hoặc coi phim trinh thám. Phục Sinh là cơ hội để các nhà xuất bản tranh thủ hốt bạc nhờ các cuốn tiểu thuyết trinh thám sặc mùi Nordic Noir và nhà đài thì tranh thủ phát sóng liên tục các bộ phim hình sự gay cấn. Năm nào cũng vậy, vào dịp này, vốn tiếng Đức suốt bốn năm đại học của tôi lại được mang ra mài giũa mấy ngày nhờ vào loạt phim Thám tử Derrick nổi tiếng của Đức từ hồi thập niên 70.

Empty
Empty

Người dân cũng tranh thủ đi trượt tuyết, đặc biệt ở những vùng núi phía đông và bắc Na Uy, nơi tuyết vẫn còn phủ dày mặc dù mùa xuân đã đến. Và để dễ dàng kết hợp cả trượt tuyết và hytte, người ta thường xây các hytte gần những khu trượt tuyết, hoặc nếu không đủ tài chính để xây cất vài căn hytte rải rác khắp nơi từ rừng thông ra đến núi cao, cách đơn giản nhất là… thuê hytte ngay bên cạnh khu trượt tuyết.

Giá thuê những căn hytte như vậy thường khá cao, và hytte cũng được xây theo kiểu hiện đại, dạng như một căn hộ biệt lập, thay vì hytte truyền thống xây bằng gỗ thô. Để có được một kỳ nghỉ Phục sinh đúng chất Na Uy thì người dân cũng mặc sức mà phung phí đôi chút, rồi sau khi kỳ nghỉ kết thúc, lại tất bật với vòng xoay cơm áo và… trả nợ ngân hàng cho những khoản chi vượt mặt trong kỳ nghỉ lễ!

Empty

Phù thủy tàn nhang hay Halloween phong cách Phục sinh

Nếu Halloween là một lễ hội mang đậm tính thương mại kiểu Mỹ và chỉ mới du nhập vào châu Âu độ chục năm trở lại đây, thì Phục sinh kiểu Thụy Điển, theo tôi, mới chính là một lễ Halloween cho trẻ con thuần túy và ý nghĩa hơn cả.

Vào ngày này, đám trẻ sẽ mặc những trang phục cũ, đầu chít khăn vải màu mè và được hóa trang cho cặp má đỏ hồng cùng lấm tấm tàn nhang đen. Bọn trẻ biến thành lũ phù thủy nhỏ đáng yêu, rủ nhau một tốp vài ba đứa gõ cửa hết nhà này đến nhà khác trong khu phố. Ở mỗi nhà, lũ ”phù thủy tí hon” sẽ khoe một vài bức vẽ của mình để mong đổi lấy kẹo từ gia chủ. Kẹo này thường được đựng trong một quả trứng Phục sinh khổng lồ làm từ giấy bìa, bên ngoài được trang trí xinh xắn bằng giấy màu và màu vẽ.

Empty

Khi về đến nhà, các cô cậu phù thủy nhỏ còn tiếp tục được bố mẹ cho đi tìm trứng Phục sinh quanh vườn nhà. Bọn trẻ sẽ phải chơi giải câu đố và lần theo những manh mối khác nhau để có thể tìm được trứng Phục sinh đã được thỏ (hay bố mẹ, ông bà) bí mật đặt đâu đó trong khu vườn xanh mướt cỏ hoa mùa mới.

Bàn tiệc Phục Sinh ở xứ sở tóc vàng hoe

Cũng giống như tất cả những ngày lễ tết đặc biệt ở những nền văn hóa khác nhau, mỗi dịp lễ lộc người ta lại có những món ăn khác nhau, vừa mang tính biểu tượng cho dịp lễ, mà vừa thuận theo mùa màng. Bàn tiệc Phục sinh ở xứ sở tóc vàng hoe cũng vậy.

Đứng đầu danh sách các món ăn phổ biến và được tiêu thụ nhiều nhất trong suốt năm ngày Phục sinh là… trứng gà! Năm ngoái, ước tính có khoảng 21 triệu quả trứng được tiêu thụ trên lãnh thổ Na Uy. Với dân số khoảng 5 triệu người, ước tính mỗi người ăn bốn quả trứng, tương đương mỗi ngày một trứng. Trong bữa ăn sáng chủ nhật đầu tiên của lễ Phục Sinh, nhất định mỗi người phải có một phần trứng luộc lòng đào. Bên cạnh trứng thì thịt gà và cừu là hai loại nguyên liệu được ưa chuộng cho các món ăn nhân dịp lễ Phục Sinh. Tuy nhiên, nói tới ẩm thực Phục Sinh ở Na Uy thì có lẽ không có gì độc đáo bằng món “thỏ nhái”!

“Thỏ nhái” (forloren hare trong tiếng Na Uy) là một trong những món ăn truyền thống Na Uy đang đứng trước nguy cơ bị quên lãng. Tên gọi “thỏ nhái” này hoàn toàn theo nghĩa đen, tức là món thỏ, nhưng… không phải thỏ, mà là… “nhái” thịt thỏ. Cách làm món này không có gì cầu kỳ, đơn giản chỉ là thịt bò hoặc heo xay được nhồi với gia vị và bột khoai tây, sau đó nặn thành từng khối như ổ bánh mì rồi mang nướng trong lò.

Khi nướng gần xong, người ta châm thêm nước dùng hòa với sữa tươi vào khay và tiếp tục nướng cho đến khi thịt vàng và nước dùng cô đặc lại. “Thỏ nhái” thường được ăn kèm khoai tây và rau củ hầm cùng với mứt từ trái lingon chua chua ngòn ngọt. Món ăn đơn giản là vậy, nhưng ngày nay nó gần như hoàn toàn biến mất trên bàn tiệc Phục sinh ở Na Uy, và hầu như không thể thấy bán trong siêu thị. Muốn ăn, chỉ có nước tự thân vào bếp chế biến mà thôi.

Empty

Ở Thụy Điển, vào ngày thứ sáu khi Jesus bị đóng đinh trên thánh giá, theo truyền thống thì người dân sẽ mặc đồ màu đen, ăn món ăn có vị mặn và không được uống nước. Hành động này nhằm tưởng nhớ đến sự đau đớn và hy sinh của Jesus. Ba ngày sau – chủ nhật – là lúc tiệc tùng linh đình bắt đầu. Tương tự như các món ăn mùa Giáng sinh, dân Thụy Điển dường như không thể tổ chức bất cứ một bữa ăn nào mà thiếu đi thịt viên và xúc xích hoàng tử. Bên cạnh đó là cá trích muối, cá hồi ướp lạnh, khoai tây và hành đút lò. Bữa tiệc tối Phục sinh sẽ có thêm thịt cừu nướng và khoai tây nướng với kem béo. Ăn là thế, còn uống thì tất nhiên không thể thiếu vài ”shot” rượu mạnh để giúp tiêu hóa bớt lượng lớn kem sữa thịt thà này rồi!

Lễ Phục sinh kỳ này, tôi và gia đình nhỏ của mình quyết định sẽ làm một chuyến road trip dọc theo bờ biển phía Tây Na Uy để thăm bố mẹ chồng. Có lẽ tôi cũng phải học từ mẹ chồng mình công thức làm món “thỏ nhái” ngon nhất cho mùa Phục sinh sắp đến.

Empty
Ngọc Quyên
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES