Nhiều tiềm năng, lợi thế
Trong Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030, du lịch văn hóa được xác định là một trong 13 ngành được thúc đẩy phát triển. Chiến lược cũng xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2030, du lịch văn hóa chiếm 15-20% trong tổng số 40 tỷ USD doanh thu từ khách du lịch.
Đánh giá tiềm năng, lợi thế của du lịch văn hóa Việt Nam, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Phạm Văn Thủy cho rằng, Việt Nam có 32 di sản thế giới được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh, trong đó có 2 di sản thiên nhiên và 1 di sản hỗn hợp, 29 di sản văn hóa; cùng hàng nghìn di tích và sự đa dạng về bản sắc văn hóa của 54 dân tộc. Du lịch dựa trên thế mạnh văn hóa, thiên nhiên, bản sắc, tập tục các dân tộc có thể mang đến sự khác biệt cho Việt Nam. Đây chính là cơ sở để tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo, có tính cạnh tranh cao với các nước trong khu vực.
Còn theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, cùng với các loại hình du lịch như du lịch sinh thái, du lịch thể thao, du lịch khám, chữa bệnh, du lịch mạo hiểm… du lịch văn hóa được xem là sản phẩm đặc thù của các nước đang phát triển, thu hút nhiều khách du lịch quốc tế. Điều hấp dẫn, thu hút nhất đối với khách quốc tế, đó là bản sắc văn hóa của các quốc gia thể hiện ở sản phẩm du lịch. Du khách khi đến Việt Nam thường tìm kiếm những điều mới mẻ, độc đáo, những trải nghiệm khám phá văn hóa bản địa, được hòa cùng người dân, tận hưởng vẻ đẹp của địa phương...
Hiện nay, rất nhiều địa phương đã xây dựng được những điểm đến du lịch văn hóa đặc trưng thu hút du khách như: Hà Nội, Hạ Long (Quảng Ninh), Hội An (Quảng Nam), Huế (Thừa Thiên Huế). Tại Hà Nội, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang khẳng định, du lịch văn hóa là thế mạnh lớn nhất của du lịch Thủ đô, đồng thời cũng là chủ trương tập trung phát triển của thành phố Hà Nội.
Cần sự chung tay từ nhiều phía
Mặc dù được nhận định có rất nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch văn hóa so với nhiều quốc gia trong khu vực, nhưng theo các chuyên gia, du lịch văn hóa Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế, chưa khai thác được hết tài nguyên phong phú.
Là người hoạt động trong lĩnh vực du lịch hơn 20 năm, Chủ tịch Lux Group Phạm Hà nhận định, Việt Nam có rất nhiều tài nguyên độc đáo, khác biệt với các nước trong khu vực và trên thế giới, trong đó có 4 tài nguyên lớn nhất, đó là văn hóa, thiên nhiên, ẩm thực, con người. Tuy nhiên, Việt Nam chưa tận dụng được các yếu tố này để phát triển thành công nghiệp văn hóa như Hàn Quốc, Nhật Bản. Còn theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn, ở nước ta, sản phẩm du lịch văn hóa vẫn còn chậm đổi mới, ít sáng tạo, có sự trùng lặp giữa các địa phương, vùng miền, thiếu tính đồng bộ, chưa tạo ra được những sản phẩm du lịch có chất lượng bền vững.
Câu chuyện về sự thành công của những sản phẩm du lịch văn hóa tại Hà Nội thời gian gần đây như tour đêm tại di tích Nhà tù Hỏa Lò, Hoàng thành Thăng Long, tour văn học tại Bảo tàng Văn học Việt Nam… là một minh chứng rất lớn cho việc dựa vào văn hóa để phát triển du lịch sẽ tạo được sức hút lớn với du khách. Điển hình như tour đêm tại di tích Nhà tù Hỏa Lò, du khách phải đặt chỗ trước 2 tháng để trải nghiệm. Còn tour đêm tại Hoàng thành Thăng Long, mỗi tối cuối tuần cũng thu hút được 300 lượt khách. Tuy nhiên, không phải địa phương nào cũng khai thác được hết giá trị văn hóa để tạo nên thương hiệu du lịch hấp dẫn.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), để du lịch văn hóa “chạm” được tới du khách thì các địa phương, điểm đến cần có sự sáng tạo trong cách kể câu chuyện của mình. Cần phải "thổi hồn" cho những di tích, di sản đang có bằng nhiều trải nghiệm mới.
Từng trực tiếp xây dựng nhiều sản phẩm du lịch văn hóa tại Hà Nội và một số địa phương, Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng cho rằng, để phát triển du lịch văn hóa bền vững, ngoài sự tham gia của chính quyền địa phương, đầu tư về nguồn lực của các doanh nghiệp thì sự tham gia của người dân đóng vai trò rất lớn trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa, làm cho vùng đất đó trở nên hấp dẫn, thân thiện, thu hút du khách quay trở lại. Vì vậy, việc tuyên truyền, giáo dục, đào tạo người dân cùng tham gia xây dựng sản phẩm văn hóa cần được chú trọng.
Tại Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2023 diễn ra từ ngày 13 đến 16-4, chủ đề “Du lịch văn hóa” là trọng điểm chính như một định hướng cho các địa phương, doanh nghiệp tập trung đầu tư, khai thác để phát triển du lịch bền vững. Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, để thu hút khách quốc tế trong thời gian tới, ngành Du lịch cần tập trung xây dựng sản phẩm mới trên cơ sở khai thác những giá trị độc đáo của văn hóa truyền thống và các di sản văn hóa của Việt Nam.