Mùa hè đang độ chín, mới hơn 9h sáng mà chạy xe được một lúc, khi mở cửa xe ra để chụp ảnh mấy hồ hoa sen hoa súng đang bung nở bên đường, hai mắt kính lập tức bị phủ một lớp sương mù mịt do nhiệt độ chênh nhau quá cao.
Chùa Tam Chúc, tọa lạc ở thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng
Nơi đầu tiên chúng tôi đến là chùa Tam Chúc, tọa lạc ở thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng. Vốn dĩ hơi dị ứng với du lịch tâm linh nên chần chừ mãi tôi mới đến chùa Tam Chúc, kiểu "đi cho biết". Nhưng khi đến, thực sự bị thu hút. Từ một ngôi chùa nhỏ, xung quanh chỉ là hồ nước với những đầm lầy, mọi thứ đã được đầu tư xây dựng trở nên tốt lên đẹp lên rất nhiều. Cảnh trí như một vịnh Hạ Long thu nhỏ phiên bản trên cạn. Những ngôi chùa được bố trí hợp lý, từ xa nhìn vào thấy thấp thoáng xa xa giữa mây nước núi đồi trông khá liêu trai.
Chỉ đi được một vòng nhỏ từ lúc 10h đến 11h40 xong phải rời đi. Lúc ra, ngồi trên xe điện làm một vòng ngắm nghía xung quanh. Cảnh trí an hòa đẹp đẽ sạch sẽ tinh tươm. Núi nước cây mây hoa cỏ hòa quyện giữa trưa nắng lấp loáng gió thổi ù ù bên tai, thấy đúng là bõ công xông pha nắng gió để cuộc đời có được vài chục phút sung sướng thế này.
Chùa Tam Chúc đúng là một ví dụ hiếm hoi của nhân tạo làm cho tự nhiên đẹp đẽ hơn, quy mô hơn, hợp lý và hoành tráng hơn. Nghe đâu như chủ đầu tư của Chùa Tam Chúc cũng là đơn vị chủ lực "chở đá ra xây Trường Sa". Thực sự thấy cảm phục và quý mến những doanh nhân như thế.
Địa tạng Phi lai tự - ngôi chùa ở xã Liêm Sơn, huyện Thanh Liêm
Sau bữa trưa, chúng tôi đến Địa tạng Phi lai tự - ngôi chùa ở xã Liêm Sơn, huyện Thanh Liêm. Thực sự ngạc nhiên về ngôi chùa này. Với vị trí đắc địa: cách xa đường chính để giữ được sự yên tĩnh chốn tu hành, lối vào đi qua những cánh đồng lúa, lưng dựa vào một ngọn đồi bao phủ bởi rừng thông quanh năm xanh tươi. Cảnh trí đẹp đẽ, chỉn chu, khác xa với những ngôi chùa miền Bắc rầm rập ngồn ngộn. Kiến trúc an hòa và thanh nhã được chăm chút và gìn giữ kỹ lưỡng khiến cho du khách tản bộ thăm thú chùa có cảm giác an nhàn, thư thái, hoài cổ và... hơi siêu thực.
Ấn tượng nhất với tôi là những lớp sỏi hạt nhỏ được rải dưới những hàng đá làm lối đi vào cổng chính và hai bên tả/hữu vu của chùa. Giữa trời nắng thiêu đốt mà các vãi vẫn đội nón cần mẫn lấy chổi quét qua quét lại bề mặt, san lại cho đều lớp sỏi khi có du khách nào vô ý hay trượt chân đạp xuống.
Giờ có lẽ còn lại không nhiều ngôi chùa đúng nghĩa đạo pháp, an yên và thanh tịnh kiểu này. Mong cho chùa giữ mai được cảnh trí an yên và không khí u tịch để mỗi lần có duyên đến vãn cảnh, lại được đi chân trần dạo khắp chùa, ngắm những am thờ đẹp đẽ được đặt giữa những ao nước bồng bềnh bèo tây và tiếng cá quẫy, xung quanh đâu đây vẳng tiếng kinh cầu...
Lúc lái xe từ Chùa Tam Chúc về Thành phố Phủ Lý, nhìn sang bên đường thấy có biển đề: Chùa Bà Đanh – 01 km, định vào nhưng lúc đó mới hơn 12h một tí, đúng chính Ngọ - giờ khắc các Cụ quan niệm không nên viếng thăm đền chùa miếu mạo, nên thôi. Vả lại khi đó vừa đói vừa mệt, Trời lại nắng như thiêu như đốt, chiếc áo tôi đang mặc cứ ướt sũng mồ hôi rồi khô rồi lại ướt đầm, không biết bao nhiêu lần.
Chùa Bà Đanh - tọa lạc ở thôn Đanh, xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng
Từ chùa Địa tạng Phi lai quay lại khi Trời đã ngả chiều, Chùa Bà Đanh - tọa lạc ở thôn Đanh, xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng - nằm bên con sông Đáy nổi tiếng. Điểm đặc biệt làm tôi thích thú là phía mặt ngoài Chính điện của chùa được che bằng những tấm liếp đan bằng tre - kiểu đặc trưng của những căn nhà Bắc bộ xưa - để ngăn nắng xói và mưa hắt.
Chắc đã viếng thăm hàng trăm ngôi chùa, nhưng chiếc khánh làm bằng đá trong chùa Bà Đanh lần đầu tiên tôi được nhìn thấy. Khánh (trong bộ chuông/khánh/trống mà chùa nào cũng có) thường được đúc bằng đồng chứ đẽo bằng đá rất khó: chọn được viên đá to và mỏng như này đã kỳ công, đẽo sao cho không bị vỡ mà còn chạm trổ được như này nữa thì thật đáng khâm phục! Tiếng khánh bằng đá khi đánh lên chắc sẽ không như tiếng khánh làm bằng đồng, mà sẽ trong trẻo và ngân xa như tiếng đàn đá Tây nguyên.
Cuối cùng thì cũng đã được diện kiến địa danh trong câu tục ngữ dân gian nổi tiếng: "Vắng như Chùa Bà Đanh", nhưng công nhận là vắng thật. Đi khắp ngôi chùa rộng rãi mà không gặp một ai ngoài nhóm bạn trẻ đang tìm chỗ để dạy nhau... chụp ảnh, cùng tiếng rì rào cây lá của núi Ngọc sát kề bên.
Thủ phủ của Hà Nam là Thành phố Phủ Lý, dù đã đi qua nhiều nhưng nay là lần đầu tiên tôi đến thăm chơi. Ấn tượng về Phủ Lý là một thành phố khá sạch sẽ. Thường nhưng thành phố gần biển hoặc gần sông trông sẽ khá sạch, nhưng nhỏ nhắn. Nằm trong một tỉnh nhỏ thứ nhì cả nước (Hà Nam chỉ lớn hơn Bắc Ninh) thì Phủ Lý có diện tích khiêm tốn cũng là điều dễ hiểu. Hà Nam vỏn vẹn chỉ có một Thành phố, một Thị xã và bốn huyện với dân số chưa đầy một triệu người nhưng có thể tự hào về cảnh trí hiền hòa, xóm làng trù phú, những dòng sông chở nặng phù sa đã vào thơ vào nhạc cùng những ngôi chùa cổ kính, an hòa và những di sản văn hóa tâm linh hoành tráng, đẹp đẽ.