Một vòng Capri

16/07/2013

Một đêm hè, khi đang ngồi thưởng thức chiếc pizza đế mỏng ngon tuyệt trong một quán không tên cạnh trường đại học, tôi bất chợt dừng mắt lại trên một bức hình cỡ lớn treo trên tường. Trong hình, một vùng biển xanh ngắt với những chiếc du thuyền trắng bé xíu đang rẽ sóng bạc đầu hiện ra đầy quyến rũ và có sức hút kì lạ, khiến người ngắm nhìn không thể rời mắt khỏi. Đó chính là Capri - Capri của bản tình ca Pháp bất hủ “Capri c’est fini” (Capri, chuyện tình đã hết) do Hervé Vilard thể hiện. Đó chính là lý do thôi thúc tôi phải đến nơi này.

Bài và ảnh: Lê Ngọc

Chúng tôi đến Capri vào một ngày giữa hè. Trên chiếc du thuyền trắng hạng “ruồi” thuê ở bến phà Napoli, cả nhóm bắt đầu phơi mình gần 2 tiếng đồng hồ dưới ánh nắng chói chang của miền Nam nước Ý, trực chỉ hướng Capri xanh thẳm. Trên đường đi, chúng tôi lái thuyền ngang qua hướng Sorrento – lại là một vùng đất đã đi vào âm nhạc, nổi tiếng qua bài hát “Torna A Surriento”, sau này được cố nhạc sĩ Phạm Duy dịch sang lời Việt là “Trở về mái nhà xưa”. Anh lái tàu người Ý bắt đầu cất tiếng hát bằng chất giọng Napoli không lẫn đi đâu được, vừa trầm vừa ấm, lại da diết và từng con chữ như ôm choàng lấy nhau mà bật thành tiếng.

“Cổng nụ hôn” là một cổng vòm tự nhiên, xuyên qua khối đá vôi khổng lồ đứng song đôi với nhau giữa biển. Người ta bảo rằng, nếu những cặp tình nhân trao nhau nụ hôn nồng nàn ngay khi thuyền chạy xuyên qua đây, tình yêu của họ sẽ mãi bền vững.

Chúng tôi đến Capri vào lúc trời đứng bóng. Nắng Địa Trung Hải như bổ vào đầu du khách xứ lạ những nhát búa choáng váng đến rát người và cái nóng hầm hập của mùa hè Nam Âu khiến người ta chỉ muốn nhảy ào xuống biển mà vùng vẫy cho thỏa thích, hoặc chui vào một trong vô số những quán ăn với dù che và quạt máy mát mẻ dọc theo bờ biển để thưởng thức những món hải sản ngon lành.

Cập thuyền vào cầu cảng, một vài cô bạn người Pháp trong nhóm quyết định vào đất liền để tham quan thành phố Capri, với mong muốn tìm lại chút hồn xưa tình cũ như trong những ca từ da diết của bài hát từ thập niên 60 của thế kỷ trước. Những người còn lại sẽ lái du thuyền dạo một vòng quanh vịnh Capri, thăm hang động La Grotta Azzura, khối đá vôi I Faraglioni nổi tiếng với “Cổng nụ hôn” lãng mạn, sau đó mới trở về bến cảng. Tôi không mặn mà lắm với việc tham quan thành phố nên quyết định ở lại trên thuyền và tiếp tục chuyến ra khơi thú vị.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Thêm gần 2 tiếng lạc giữa mênh mông biển và trời, chúng tôi đã đến La Grotta Azzura, nghĩa là “Hang động xanh”. Sở dĩ có tên gọi như vậy là vì vào buổi trưa, đặc biệt là mùa hè, khi mặt trời Địa Trung Hải thỏa sức tỏa những tia nắng vàng rực rỡ, ánh nắng sẽ len lỏi vào tận hang, cộng hưởng với độ tối vốn có của lòng hang, khiến hang động bừng lên một màu xanh quyến rũ đến mê người.

Từ chiếc du thuyền trắng nhỏ xinh như cỗ xe bí đỏ của mình, chúng tôi phải sang một ghe nhỏ để vào được bên trong “Hang động xanh”. Hang động này thực ra là một khe hang thấp, khi vào và ra phải cúi sát người xuống sàn đò, chủ đò phải dùng tay kéo dọc theo một sợi xích sắt to đùng để di chuyển chứ không thể vừa nằm vừa khua mái chèo được! Nhìn phía ngoài, “Hang động xanh” trông chẳng có gì đặc biệt, nhưng khi vào đến bên trong, màu nước hắt lên thứ ánh sáng xanh kỳ diệu. Một màu xanh tuyệt vời, và đối với tôi, đó là màu xanh kỳ lạ nhất mà tôi từng thấy trong đời. Và rồi những người lái đò bắt đầu cất giọng. Chất giọng địa phương Capri khó nghe, trầm trầm nhưng vang rất to. Họ cùng hát bài Santa Lucia nổi tiếng. Lúc ấy, những người lái đò như những ca sĩ opera thực thụ, và du khách là những người mộ điệu đang hòa mình vào giọng hát say sưa.

Khi mặt trời Địa Trung Hải thỏa sức tỏa những tia nắng vàng rực rỡ, ánh nắng sẽ len lỏi vào tận hang, cộng hưởng với độ tối vốn có của lòng hang, khiến hang động bừng lên một màu xanh quyến rũ đến mê người.

Từ La Grotta Azzura, thuyền bắt đầu đi ngược lại phía bến cảng Capri. Dọc đường đi, anh bạn lái thuyền rẽ sóng đưa chúng tôi ghé qua I Faraglioni, còn gọi là “Cổng nụ hôn” – một trong những địa điểm lãng mạn nhất của nước Ý mà không phải khách nước ngoài nào cũng biết. “Cổng nụ hôn” là một cổng vòm tự nhiên, xuyên qua khối đá vôi khổng lồ đứng song đôi với nhau giữa biển. Người ta bảo rằng, nếu những cặp tình nhân trao nhau nụ hôn nồng nàn ngay khi thuyền chạy xuyên qua đây, tình yêu của họ sẽ mãi bền vững, dù cho bao vật đổi sao dời, giống như hai khối đá này đã tồn tại ở đây tự thuở hồng hoang vậy.

Khi thuyền cập cầu cảng Capri, chúng tôi đói rã rời. Quyết định tắm biển, chúng tôi thống nhất bỏ qua tiết mục tham quan Capri bằng xe autobus mà thẳng tiến ra bãi tắm sau khi lót dạ ở một nhà hàng cạnh cầu cảng, mặc cho những cô bạn người Pháp liên tục thốt lên những lời khen ngợi thành phố xinh xắn phía lưng chừng ngọn núi. Bãi biển ngày Chúa Nhật đông nghịt du khách, ai cũng tranh thủ tìm cho mình chỗ nhiều nắng nhất để mau chóng có được làn da bánh mật khỏe khoắn, thay thế cho lớp da trắng bóc vốn không được yêu thích cho lắm ở châu Âu.

Biển Capri đầy sỏi đá với những xác hàu bén cạnh và đám rong rêu trơn tuột bám chặt trên đá như thể chúng đã bám như vậy hàng nghìn năm có lẻ. Nước biển mặn chát đủ để những con người làm biếng nằm ườn trên mặt biển và mặc cho sóng đánh dập dìu (tất nhiên nếu không... lủi vào người khác!). Chiều cứ thế chầm chập trôi theo cái dập dìu của sóng biển Tirreno...

Sau khi trở về Perugia, "phố núi đầy sương" của những sớm mai, tôi được xem lại đoạn phim trắng đen minh họa cho bài hát "Capri c'est fini" lần đầu trình diễn vào tháng 6 năm 1965, được dịch ra bảy thứ tiếng với 2,5 triệu bản đĩa được bán. Có lẽ chính lời ca, giai điệu và hơn hết là cái nhìn ánh ảm của người đẹp trong đoạn clip trắng đen năm nào với lối phục sức không lẫn đi đâu được đã khiến tôi tự nhủ rằng: “Capri ơi, chuyện tình chưa kết thúc!"

Thông tin thêm:

+ Nếu có dịp đến Ý, ngoài những thành phố du lịch nổi tiếng cần phải đến như Roma, Firenze (Florence), Venezia (Venice)… bạn nên dành thời gian để đến Capri. Tuy nhiên, để chuyến đi thêm phần thú vị, bạn nên ghé Napoli (Naples) trước, nghỉ lại ở đó một đêm, sau đó mới đến Capri.

+ Từ bến cảng Napoli, có 2 cách để đến Capri: hoặc đi phà công cộng, hoặc thuê du thuyền riêng. Phà công cộng có ưu điểm là an toàn, giá cả phải chăng, tuy nhiên bạn sẽ rất chật vật để có được chỗ ngồi, đặc biệt là vào những ngày cuối tuần. Du thuyền giá đắt hơn, độ mạo hiểm cũng cao hơn, nhưng bạn hoàn toàn tự chủ về thời gian đi lại. Nếu đi với nhóm bạn, bạn nên thuê du thuyền loại rẻ tiền, như thế sẽ thú vị hơn rất nhiều.

+ Ở Capri, bạn nên thử các món hải sản bán ở các nhà hàng ven bến cảng, hương vị khá lạ so với khẩu vị của người Việt, nhưng rất ngon. Giá cả đồ ăn, uống ở đây tương đối đắt, vì Capri là hòn đảo du lịch ưa thích của giới nhà giàu châu Âu và Bắc Mỹ, các ngôi sao Hollywood cũng như gia đình hoàng gia Monaco. Nếu không nằm trong danh sách này, bạn nên cân nhắc kỹ trước khi rút hầu bao nhé!

+ Đừng quên mua 1 chai rượu chanh limoncello về làm quà cho người thân! Limoncello là một thứ rượu đặc biệt, được chưng cất từ nước chanh thay vì nho như rượu vang, mà phải là chanh ở Surrento mới đủ tiêu chuẩn để làm thành rượu. Hương vị của nó nồng gắt, nhưng sau đó sẽ để lại vị chua ngọt, vị thơm của chanh nơi đầu lưỡi, khiến bạn cứ muốn uống mãi không thôi.

RELATED ARTICLES