Mùa thu thiên đường ở Hunza Valley

16/09/2019

Mùa thu năm nay, tôi chọn điểm đến là thung lũng Hunza của Pakistan. Giữa rất nhiều điểm đến lá vàng rực rỡ, vì sao tôi lại chọn đất nước đang bị truyền thông là không an toàn và đầy rẫy sự nguy hiểm thù địch này? Không phải tự nhiên mà báo chí nước ngoài hay các travel blogger đều ví Hunza Valley là thiên đường. Vì vậy, tôi muốn tự cảm nhận đất nước và con người Pakistan, tận mắt chiêm ngưỡng khung cảnh để đánh giá những lời khen ngợi về nơi này.  

Thiên đường là có thật

Pakistan có nghĩa là “vùng đất thanh khiết” trong tiếng Urdu và tiếng Ba Tư. Đất nước này nằm trên đường giao thoa giữa Nam Á, Trung Á và Trung Đông. Pakistan trong thời cổ đại từng là nơi giao thoa giữa các các nền văn hoá Vệ Đà, Ba Tư, Ấn-Hy Lạp, Turk-Mông Cổ và Hồi giáo. Ngày nay, Pakistan được biết đến là vùng nguy hiểm, chiến tranh, bạo động. Nhưng thực tế thì chỉ vùng phía nam và phía tây (giáp Iran hoặc Afghanishtan) mới thiếu an toàn. Còn phần phía bắc, chạy dọc theo Karakoram Highway và đặc biệt, khu vực thung lũng Hunza thuộc Gilgit-Baltistan nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ Pakistan rất an toàn với du khách.

Cao tốc Karakoram

Cao tốc Karakoram

Tôi đã rong ruổi một tuần ở Karakoram Highway, đi qua bao nhiêu ngôi làng nhỏ bình yên nép mình dưới rặng núi. Vào mùa thu, cả Hunza Valley đẹp như một bức tranh với nhiều gam màu nóng nhưng cũng không kém phần trữ tình và lãng mạn. Những cây mơ cổ thụ vàng rực trên những bờ rào đá. Những cây táo rụng gần hết lá chỉ còn chi chít quả vàng, quả đỏ trên cành. Những quả bí ngô vàng ươm lăn lóc trên nóc nhà. Những em bé xinh tươi cùng những người phụ nữ thân thiện với nụ cười đẹp không tả nổi. Thảm lá vàng rải đầy trên đất, những bụi berry dại đỏ ối mọc đầy hai bên đường…

Tôi luôn nhớ khoảnh khắc đón chờ những tia nắng bắt đầu trải dài từ trên đỉnh núi tuyết lan dần, lan dần, chiếu sáng hết khắp vùng đồi núi. Cả thung lũng như sáng bừng trong nắng sớm, khung cảnh như trút bỏ vẻ ngoài ảm đạm vào ban đêm để khoác lên mình chiếc áo đẹp và rực rỡ nhất trong ngày. Màu vàng, đỏ của cây lá như càng rực rỡ hơn trên nền màu xám của núi, màu trắng của tuyết dưới ánh nắng sớm. Pháo đài Balits ngạo nghễ và sừng sững hiện ra dưới nắng mai. Đã hơn 700 tuổi và là cung điện của tiểu vương (emir) xứ Hunza xưa, Baltit Fort được xây dựng trên địa điểm chiến lược tuyệt vời trong thung lũng Hunza-Nagar, nằm ở trên ngọn đồi cao nhất, dựa lưng vào một ngọn với tầm nhìn rộng mở xuống toàn thung lũng. Không biết bao nhiêu lần tôi chỉ biết thốt lên: “Ôi, đẹp quá!”.

Pháo đài Balits 700 tuổi

Pháo đài Balits 700 tuổi

Những phút giây này thật sự đáng giá biết bao nhiêu. Thật là chỉ muốn thời gian ngừng lại ở đây và ngay lúc đó, tôi ao ước sau này già đi, ở chỗ này, được chứng kiến đầy đủ bốn mùa trong một năm.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Nếu như bình minh ở Karimabad đã làm tôi phải xuýt xoa thì tới Hoper Valley, tôi như lạc vào khung cảnh thần tiên, lạc vào thiên đường thật luôn ấy. Tôi chỉ biết há hốc mồm ngắm và không thốt nên lời vì cảnh quá đẹp. Hoper Valley gồm có 7 ngôi làng trù phú, nằm lọt thỏm trong thung lũng và được bao bọc bởi trùng trùng điệp điệp núi non. Nơi đây thật sự là một bức tranh tuyệt hảo về màu sắc.

Khung cảnh thần tiên ở Hoper Valley

Khung cảnh thần tiên ở Hoper Valley

Thung lũng Hoper hay còn có tên khác là Hopar, là một phần của thung lũng Nagar nằm ở độ cao khoảng 2.438 m và cũng là một trong những thung lũng đẹp nhất của Hunza. Xung quanh Hopar Valley có rất nhiều những địa danh nổi tiếng như Rush Lake, đỉnh Bwaltar, Kapldongs, đỉnh Shaltar, Hispar Muztagh, Spantik, Barpu, Bualtar và sông băng vĩnh cửu.

Đường đi vào Hoper Valley lổn nhổn sỏi đá nên tôi phải đi bằng Jeep chuyên dụng. Xe lướt qua bao nhiêu khúc cua lá vàng, lá đỏ, những vườn mơ cổ thụ vàng rực. Những bụi cây xanh đỏ tím vàng trên triền núi xám trắng, nhiều chỗ còn đổ xuống núi như một dòng nước rực rỡ. Dừng lại ở một góc ngôi làng nhỏ, cả bọn chỉ muốn nằm lăn ra thảm cỏ dưới những gốc cây mơ cổ thụ, ngủ một giấc và tận hưỡng mãi những giây phút bình yên thoải mái này.

Đường đi vào Hoper Vally

Đường đi vào Hoper Vally

Cả Hunza Valley có thể nói là một một vườn cây ăn quả khổng lồ. Tôi tưởng tượng vào tháng 3, tháng 4 mùa hoa mơ; tháng 7 đến tháng 9 thì mơ chín vàng; táo đỏ, táo xanh, cherry lúc lỉu khắp nơi… Nơi này không phải là thiên đường thì còn là gì được nữa?

Vùng đất mến khách

Hơn 90% cư dân của Hunza là người Hồi giáo theo dòng Shia Ismaili – giáo phái ôn hòa nhất của đạo Hồi. Họ không cực đoan nghiêm khắc, không bắt phụ nữ che kín từ đầu đến chân, phụ nữ và đàn ông bình đẳng như nhau. Đặc biệt, các em gái ở đây rất được coi trọng. Dòng Shia có tư tưởng phóng khoáng, cách tân nhất đạo Hồi nên Hunza rất coi trọng giáo dục. Tuy Hunza Valley khắc nghiệt, địa hình hiểm trở như vậy mà tỉ lệ dân số biết đọc biết viết ở Hunza là 77%, trong khi tỉ lệ này ở toàn bộ Pakistan chỉ là 58%. Ở một số thị trấn nằm trong Hunza Valley như Karimabad, Passu… thì hầu hết những người trẻ dưới 30 tuổi đều biết đọc biết viết và có thể giao tiếp tốt bằng tiếng Anh. Ngôi trường tiểu học đầu tiên ở Hunza được thành lập vào năm 1913 bởi những người Anh ở Ấn Độ. Cho tới nay, giáo dục ở Hunza có thể nói là ước mơ của rất nhiều địa phương.

Hơn 90% cư dân của Hunza là người Hồi giáo theo dòng Shia Ismaili – giáo phái ôn hòa nhất của đạo Hồi

Hơn 90% cư dân của Hunza là người Hồi giáo theo dòng Shia Ismaili – giáo phái ôn hòa nhất của đạo Hồi

Ở Hunza, ai cũng đều toát lên vẻ thân thiện, hiền hậu, dễ mến. Bất kể lúc nào đi trên đường, tôi cũng đều nhận được những nụ cười và chào hỏi rất niềm nở. Các em bé ríu rít nói chuyện, hỏi han tôi bằng tiếng Anh, nụ cười dễ thương của các em làm trái tim tôi tan chảy. Khi tôi lang thang trong những ngôi làng xinh xắn, một gia đình đã mời tôi vào nhà thăm thú. Họ mời tôi nếm rất nhiều trái cây, pha trà cho tôi uống và trò chuyện với tôi như những người bạn lâu năm mới gặp lại. Tôi thật sự rất cảm động vì tôi chỉ là một lữ khách không quen biết ghé ngang qua Hunza vài ngày ngắn ngủi, thế nhưng, tôi được đón tiếp rất nồng hậu và chân thành.

Ở Hunza, ai cũng đều toát lên vẻ thân thiện, hiền hậu, dễ mến

Ở Hunza, ai cũng đều toát lên vẻ thân thiện, hiền hậu, dễ mến

Những ngày ở Hunza Valley trôi qua như một giấc mơ mà tôi chưa hề muốn tỉnh dậy. Khung cảnh bình yên, lãng mạn và tình cảm của những con người đất nước Pakistan khiến tôi quyến luyến chẳng muốn rời xa. Ngày cuối cùng trước khi phải chia tay, tôi lặng yên cố thu hết phong cảnh vào tâm trí, ngắm nhìn dãy Passu Cones vẫn hiên ngang ngạo nghễ mà trước đây chỉ nhìn thấy trong những tấm ảnh. Không gian im lặng, chỉ có tiếng gọi nhau í ới trong làng. Tôi nghĩ mảnh đất này sẽ còn ám ảnh tôi rất lâu nữa.

Thông tin thêm:

Visa: Có thể xin Evisa Pakistan qua website https://visa.nadra.gov.pk/. Bạn cần chuẩn bị ảnh thẻ, scan hộ chiếu, thư mời (có thể mua ở của các đại lý du lịch) để có thể làm evisa với mức phí phải nộp là 25 USD.

Visa du lịch Pakistan cũng có thể xin tại Đại sứ quán Pakistan ở Hà Nội. Các giấy tờ chuẩn bị gồm có: hộ chiếu, 2 ảnh chân dung, hồ sơ chứng nhận công việc, chứng minh tài chính, bảo hiểm du lịch và thư mời từ Pakistan.

Hành trình: Từ Việt Nam chưa có đường bay thẳng tới Paksitan. Bạn sẽ phải quá cảnh ở một nước thứ ba như Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc... Giá vé khứ hồi dao động khoảng 500 - 800 USD, tùy theo thời điểm.

Phương tiện di chuyển:

Xe bus công cộng, taxi, rickshaw khá phổ biến ở những thành phố lớn như Islamabad. Di chuyển giữa các tỉnh thì có xe bus đường dài, máy bay… Nếu bạn đi theo nhóm, cách tốt nhất là thuê một chiếc xe từ 12 - 24 chỗ kèm hướng dẫn viên riêng để đảm bảo sức khoẻ và an ninh.

Từ Islamabad, có xe bus công cộng của hãng NATCO qua Chilas, Karimabad tới tận Sost với mức giá khoảng 2.000 PKR /người. Vé có thể mua ở bến xe Rawalpindi. Để tiết kiệm thời gian, bạn có thể bay từ Islamabad tới Giglit hoặc Skardu với giá vé khoảng 100 - 130 USD/chiều.

2

Tiền tệ: Đồng tiền được lưu hành ở Pakistan là Pakistan Rupees (PKR). Tỉ giá giữa USD và PKR là 1 USD = 100 PKR, khá dễ nhớ. Tuy nhiên, ở Pakistan không có nhiều nơi có thể rút tiền từ thẻ tín dụng, cách tốt nhất là mang theo tiền mặt.

Ẩm thực: Có nhiều nét giống Ấn Độ và các nước Nam Á khác như dùng nhiều gia vị, cà ri và nhiều dầu. Đa số các món ăn được chế biến từ thịt cừu, bò, gà. Chai - một loại trà sữa - phổ biến như trà đá/trà nóng của người Việt Nam. Đặc biệt, Pakistan là thiên đường của các loại trái cây thơm ngon như mơ, táo, hồng, lựu… với giá rẻ đến bất ngờ.

Lưu ý khác:

- Trên đường đi rất nhiều chốt kiểm soát, bạn sẽ phải dừng lại để đăng ký. Vì vậy, khi đi du lịch Pakistan, hãy luôn mang theo hộ chiếu, giữ một vài bản copy hộ chiếu và visa bên mình.

- Người dân Pakistan rất hiếu khách và thân thiện nhưng ở một số vùng, phụ nữ và trẻ em không muốn bị chụp ảnh. Vì vậy, trước khi chụp ảnh, bạn hãy hỏi ý họ trước.

- Một vài nơi vẫn chưa có điện lưới phải dùng máy phát nên chuyện mất điện là hết sức bình thường ở đây.

0

Chi phí dự kiến: Khoảng 1.000 USD/người cho hành trình 7 ngày 6 đêm; trong đó, khoảng 500 USD cho vé máy bay khứ hồi, 400 USD cho landtour, khoảng 100 USD cho ăn uống và chi phí khác. Chi phí ở Hunza khá rẻ, dịch vụ chưa phát triển lắm. Nếu bạn đi nhóm đông, hãy mua landtour bao gồm tiền xe ô tô, ăn uống, tài xế và một hướng dẫn viên người địa phương biết nói tiếng Anh với mức giá dao động từ 40-50 USD/ngày/người. Nếu tự đi bằng phương tiện công cộng, tự trang trải ăn uống và nhà nghỉ, bạn có thể dễ dàng đi du lịch ở Pakistan với giá dưới 20 USD/ngày, ngủ phòng riêng và ăn 3 bữa bên ngoài.

Ngọc Trần
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES