“Mỹ vị mùa Hè" màu xanh độc lạ của Huế được săn lùng kịch liệt

29/03/2024

Những ngày gần đây, trên nhiều diễn đàn về du lịch và ẩm thực xuất hiện loạt hình ảnh, video về một loài hải sản khá giống con sứa nhưng có màu xanh vô cùng bắt mắt cùng lời giới thiệu là đặc sản xứ Huế, “mỹ vị mùa Hè” của vùng cố đô…

MÁT LÀNH CON NUỐC HUẾ

Không chỉ gây ấn tượng bởi màu sắc lạ mắt, món này còn có cách thưởng thức khá thú vị, ăn cùng mắm ruốc, trái vả hoặc dưa gang… khiến bất kỳ thực khách nào cũng tò mò muốn nếm thử.

Được biết, đây chính là con nuốc (hay còn gọi con nuốt – theo cách đọc của người Huế) - một loại nhuyễn thể không chân phổ biến tại các vùng đầm phá nước lợ tại Huế, được tìm thấy có nhiều ở đầm Cầu Hai, phá Tam Giang…

Con nuốc Huế đang trở thành xu hướng trên các nền tảng xã hội tại Việt Nam

Con nuốc Huế đang trở thành xu hướng trên các nền tảng xã hội tại Việt Nam

Con nuốc có họ hàng với sứa, gồm hai loại là nuốc tai (màu trắng trong veo) và nuốc chân (có chấm đen khá giống sứa). Thoạt nhìn, nhiều người thường lầm tưởng nuốc là con sứa vì vỏ ngoài trong suốt. Tuy nhiên, con nuốc có kích thước nhỏ hơn sứa rất nhiều, cỡ bằng quả bóng bàn với điểm nhấn đặc biệt là màu xanh bắt mắt.

Bài liên quan

Hầu hết, dân ở các tỉnh thành khác thường lầm lẫn con nuốc và con sứa, nhiều người không phân biệt được nuốc và sứa. Nuốc chỉ là một loài cùng họ với sứa, kết tinh của nước, nhưng sứa sống trong nước mặn của biển, và có quanh năm trên khắp mọi vùng biển; còn con nuốc chỉ hình thành trong vùng nước lợ từ những “bớn” (váng) nước, nhỏ hơn con sứa, trong xanh và chỉ có một mùa trong năm.

MÙA NUỐC HUẾ LÀ KHI NÀO?

Mùa nuốc kéo dài chừng hơn 2 tháng. Nuốc nổi khi trời nắng, nhiều nhất vào buổi sáng đến giữa trưa, nắng càng gắt và gió càng nhẹ thì nuốc nổi càng dày, nhưng khi có gió lớn, chúng thoắt ẩn thoắt hiện, nên người dân gọi vui con nuốc là “ma đầm phá”!

Empty

Khi mùa nuốc đến, không chỉ làm cho bữa ăn nơi Cố đô thêm phong phú về màu sắc, mà còn mang lại cảm giác mát lạnh tuyệt vời, giúp làm dịu cơ thể mệt mỏi của cả trẻ em và người lớn. Đồng thời, nó cũng có khả năng làm dịu da, giúp loại bỏ rôm sảy một cách hiệu quả.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

MÓN NGON VỚI CON NUỐC

Con nuốc vốn lành, ăn mát, không tanh và không ngứa như sứa nên thường được người dân địa phương bắt về làm thức ăn, chế biến nhiều món ngon hấp dẫn.

Hiện tại, nhiều video review món nuốc xuất hiện tần suất cao trên mạng xã hội khiến nhiều người cũng tò mò về hương vị của món ăn lạ này. Loài hải sản này được mọi người nhận xét rằng "thoang thoảng vị mặn gây cho ta cảm giác về mùi vị của biển và đầm phá; khi ăn lại có vị mát ngọt của thủy sản tươi sống ngọt ngào".

Con nuốc chấm mắm ruốc Huế

Nuốc là món ăn rất mát trong những ngày Huế nắng nóng. Nuốc tươi mua về ngâm trong nước, vắt ráo. Nuốc sẽ ăn cùng mắm ruốc Huế có vắt chanh, đường và vài lát ớt tươi. Bên cạnh đó, khi thưởng thức món này không thể thiếu trái vả cắt lát, chuối chát, khế chua và rau thơm như húng lủi, tía tô...

Con nuốc tai dùng để ăn sống như món sứa ngâm ngoài Bắc, chấm với mắm ruốc Huế, thêm quả vả thái lát và dưa gang mát, giòn

Con nuốc tai dùng để ăn sống như món sứa ngâm ngoài Bắc, chấm với mắm ruốc Huế, thêm quả vả thái lát và dưa gang mát, giòn

Chấm cùng với mắm ruốc Huế bỏ thêm tí tỏi băm, cắt thêm vào lát ớt cay nồng, thêm tí chanh và đường. Ăn kèm cùng trái vả tươi, khế chua, chuối chát, rau thơm như húng lủi, bạc hà, tía tô có vị the nhẹ làm tăng hương vị của món nuốc Huế. Bên cạnh đó, mọi người cũng chọn ăn con nuốc chấm ruốc cùng với dưa gang tươi căng mọng, ngọt nước cắt miếng dày vừa. Món nuốc tươi ăn cùng mắm ruốc, rau thơm, quả vả và dưa gang cũng được thực khách ví như “sashimi xứ Huế”.

Gỏi làm từ nuốc chân

Món gỏi làm từ nuốc chân cũng rất được lòng người bản địa và du khách thập phương khi có dịp du lịch tới Huế. Phần chân dai giòn sần sật, được trộn gỏi cùng các loại mắm đặc trưng của vùng cố đô hoặc ăn kèm rau sống… Tuy cách chế biến và thưởng thức đều đơn giản nhưng đủ làm thực khách mê mẩn, mát lòng mát dạ.

Bún giấm nuốc

Bún giấm nuốc cũng là một món ăn ngon từ con nuốc mà bạn nên thử. Con nuốc sẽ được ngâm với lá ổi, sau đó vắt ráo nước. Món bún giấm nuốc được chế biến từ phần chân nuốc và rất ngon nhờ vào phần nước lèo. Phần nước này được làm nên từ tôm tươi, bóc vỏ bỏ đầu, chừa lại đuôi cho đẹp mắt. Nêm nếm đầy đủ gia vị cho thấm. Thịt ba rọi cắt miếng nhỏ vừa ăn, ướp gia vị. Phi dầu với hành cho thơm, gia thêm tí ớt bột, xào thấm tôm thịt. Riu riu trong lửa nhỏ chừng 10 phút cho tôm thịt thấm rồi châm thêm nước dùng xăm xắp.

Nếu có dịp ghé Huế vào mùa hè, bạn nhất định không được bỏ qua món bún giấm nuốc - món ăn đặc biệt chỉ có ở Huế và chỉ được bán vào mùa hè

Nếu có dịp ghé Huế vào mùa hè, bạn nhất định không được bỏ qua món bún giấm nuốc - món ăn đặc biệt chỉ có ở Huế và chỉ được bán vào mùa hè

Khi ăn, bạn cho bắp chuối bào, rau thơm, bún vào tô, cho cho nuốc, đậu phộng lên trên. Kế đến, bạn thêm nước sốt, chút mắm ruốc Huế, trộn đều và thưởng thức thôi. Bạn cũng có thể ăn bún giấm nuốc với bánh tráng, ớt xiêm cay cay. Khi thưởng thức, bạn sẽ cảm nhận được hương vị giòn mát của con nuốc, rau thơm the the, bắp chuối giòn giòn, hòa quyện cùng nước sốt đậm đà, thơm ngon.

Ăn uống theo mùa, mùa nào thức nấy. Hàng năm đến mùa con nuốc, từ các vùng đầm phá gần Huế như Thuận An, chợ Chuồn… các gánh nuốc được bày bán ở nhiều khu chợ. Những con nuốc be bé đựng trong những chiếc thùng hoặc thau chứa ngập tràn nước lợ để giữ cho nuốc được luôn tươi sống.

Con nuốc thoang thoảng vị mặn gây cho ta cảm giác về mùi vị của biển và đầm phá; khi ăn lại có vị mát ngọt của thủy sản tươi sống ngọt ngào. Do đó, nuốc ở Huế không chỉ là món ăn ngon và mát, mà nó còn gợi nhớ bao ký ức về hình ảnh sông nước ở vùng quê của những người Huế xa nhà…

Khánh Linh - Nguồn: Tổng hợp
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES