Myanmar - Như là yêu

12/02/2018

“Goodbye, my almost lover” – đó là giai điệu mà chúng tôi cùng nhau lắng nghe khi lênh đênh trên dòng sông ở Mandalay, ngắm mặt trời chập choạng buông xuống trên mặt nước loang loáng nắng. Ráng chiều tại Myanmar quyến rũ đến lạ lùng, hay như cách ví von của Quang Đại, “là một ví dụ điển hình rằng sự kết thúc cũng có lúc rất đẹp!’”

Sự tình cờ rất ư ngẫu hứng 

 

Hành trình đến Myanmar của chúng tôi diễn ra một cách hoàn toàn ngẫu hứng. Một buổi tối, khi cùng nhau dùng bữa, tôi bảo: “Myanmar có vẻ thú vị, có dịp mình sẽ cùng đi”. Đại vừa nhai vừa trả lời: “Vậy mình đặt vé máy bay đi chị”. Trang chẳng hề chần chừ: “Trang đi luôn!” 

 

 

 

Không hề có kế hoạch, cũng chẳng tìm hiểu chút gì về đất nước này, cả nhóm cứ thế xách ba lô và ra sân bay. 

 

Myanmar không quá thơ mộng, yên bình như những gì người thường kể nhau nghe. Từ sân bay về Yangon tràn đầy tiếng còi xe, giao thông ùn tắc. Đâu đó có người đàn ông nhổ toẹt miếng trầu từ cửa sổ xe. Tôi thảng thốt khi biết cả nhóm mình vừa bị “chém” ngay từ khi bước xuống sân bay, với mức giá taxi từ đây về trung tâm thành phố là 20.000 Kyat (tương đương 400.000 VND) tính theo đầu người, thay vì 7.000 Kyat tính theo chặng đường (thậm chí còn rẻ hơn nếu bạn đặt Grab). 

 

 

 

 

Cố đô Yangon hiện ra mộc mạc như Sài Gòn những năm 1990. Trẻ con lấm lem đen thùi thoải mái đùa nghịch trên phố, những người bán hàng dùng tay trần trộn thức ăn. Đâu đó tiếng trò chuyện rì rầm trên tòa chung cư cũ giăng đầy quần áo… 

 

Ngày Yangon đẹp tựa bài thơ

 

Myanmar rất nhiều ngõ hẻm. Đi dọc theo dãy tường loang lổ rêu là các quầy hàng ẩm thực đường phố bán xoài chấm muối ớt, trái ấu luộc, thịt xiên nướng. Thỉnh thoảng, bạn sẽ bắt gặp đoàn sadi nhí quấn cà sa hồng đi khất thực, đọc kinh cầu bình an. Mặc dù không hiểu ý nghĩa của bài kinh, nhưng lắng nghe âm điệu lảnh lót như tiếng chim reo vẫn khiến ngày đầu tiên ở Myanmar của chúng tôi an yên và đẹp tựa một bài thơ. 

 

 

 

Ngôi chùa chúng tôi đến thăm ở Yangon là ngôi chùa nhỏ, không có quá nhiều du khách, nhưng chung quanh chùa tụ tập hàng ngàn chim bồ câu, đậu đầy trên mặt đất, trên chiếc dây điện mỗi góc ngã tư, trông từ xa đen kịt như mây giăng giữa phố. Trong khi Trang quay đi quay lại chụp hình với lũ chim, Mai lạch xạch xê dép rải thức ăn, thì Đại đã nhanh chóng đứng thu lu trong góc bởi… sợ chim. 

 

 

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

 

 

Nhớ bỏ giày và vớ ra khi vào chùa, và bạn sẽ được hỏi sinh vào thời điểm nào, để quyết định xem bạn sẽ khấn vị thần nào. Khác với Việt Nam tính ngày sinh theo tháng, hoặc âm lịch hoặc dương lịch, người Myanmar tính ngày sinh dựa vào ngày trong tuần. Ở Myanmar, người ta cho rằng mỗi ngày sinh có ý nghĩa riêng, cá tính riêng. Mỗi ngày trong tuần có một vị Phật phù hộ, riêng thứ tư có hai vị Phật: một cho sáng thứ tư và một cho chiều thứ tư – được gọi là Yar Hu hay Rahu. 

 

 

 

Tượng Phật phù hộ cho những ai sinh vào chủ nhật có hình nửa người nửa chim; tượng Phật cho ngày thứ hai có hình con cọp; ngày thứ ba là sư tử. Sáng thứ tư là con voi có ngà, chiều thứ tư là con voi không ngà. Trong khi đó, ngày thứ năm có biểu tượng con chuột; còn thứ sáu là con chuột lang; và thứ bảy là tượng con rồng. 

 

Không đầu không cuối 

 

Hành trình khám phá Myanmar, như cách Đại mô tả, là chuyến đi lạc giữa một câu chuyện nào đó, đã đọc được từ rất lâu nhưng không thể nhớ rõ chi tiết. Vương lại trong ký ức chỉ là những cái tên, đường nét và mùi hương. Tôi thích những đoạn hội thoại vô thưởng vô phạt, lời hứa bâng quơ sẽ tặng nhau bịch bánh cua, tiếng càm ràm than phiền khi đói. 

 

 

 

 

Những ngày ở Bagan đồng hành cùng nhau, co ro quấn chiếc mền nhỏ ngồi trên tòa tháp cổ, ngắm bình minh xuyên qua những chiếc khinh khí cầu, chạy quanh khu khảo cổ Bagan Archaeological Zone, tham quan khu vực Old Bagan, New Bagan, và NangU. 

 

 

 

 

Tôi mua một thanh Thanaka, sau đó trở thành đồ chơi của cả nhóm. Ban đầu chẳng mấy ai hào hứng lắm, bởi nhìn gương mặt bôi đầy Thanaka hơi… bẩn tí. Nhưng rồi sau đó biết được đây là “thần dược” chăm sóc da của người Myanmar từ 2000 năm trước, cả nhóm lại xúm vào ngồi mài lấy mài để khúc gỗ thanaka đã được phơi khô trên một phiến đá xám. Rồi hì hục thoa cho nhau trên má, mũi, thậm chí mí mắt. 

 

 

 

Có những ngày thật lạ, lang thang trên vùng đất mới, chẳng e dè trò chuyện cùng người lạ, hào hứng tham gia đố vui ở một quán bar địa phương, nhâm nhi món mì Shan đặc trưng. Những ngày giành nhau ly mì gói, nghêu ngao hát “Come away with me” (Nora John), mở mui xe hứng gió và bụi, nằm dài ngắm bầu trời dày đặc sao. Chắc chắn, những kỷ niệm đó sẽ không quay lại. Như cách người ta cố gắng giữ cát trong lòng bàn tay, tuổi thanh xuân cứ vùn vụt chạy. Nhưng kỷ niệm về tiếng hát thật kinh khủng của cậu bạn ngồi kế bên, mùi khói thuốc của cô bạn tóc xoăn… vẫn còn đó. 

 

 

 

Bầu trời nơi này thu hút một cách khó lý giải. Ngày cuối ở Myanmar, sau khi ghé thăm chùa trắng Hsinbyume Paya, chúng tôi bắt thuyền đi ra giữa sông, ngồi ngắm hoàng hôn lẳng lặng xuyên qua cây cầu gỗ BerlinU, cây cầu gỗ tếch dài nhất thế giới với chiều dài lên đến 1,2km, cảm nhận thời gian dừng lại trong gió.

 

Và nghêu ngao mấy câu thơ hợp tình, hợp cảnh:

 

“Khi người ta còn trẻ

Lòng như ô cửa sổ

Ôm biết bao là gió

Ước có thể bỏ đi xa

Thật xa

 

Khi người ta còn trẻ

Một người trẻ giản dị - hơi ích kỷ

Chỉ cần công việc đủ sống

Một người để yêu

Và những chuyến đi nhỏ cuối tuần.”

 

- Lan Tử Viên -

 

Bài: Phan Các Trúc

Ảnh: Thiều Cường 

RELATED ARTICLES