Năm Mão thăm những địa danh… mèo

15/01/2011

Trên mảnh đất hình chữ S xinh đẹp có những địa danh có cái tên gắn liền với con vật của năm Tân Mão 2011: Con Mèo. Mời bạn cùng khám phá.

Bài: Độc cô. Ảnh: Lam Linh, Ivan Hieu

Hùng vĩ Mèo Vạc

Đường lên huyện lị tận nơi cực Bắc Tổ quốc phải vượt qua 300km đường quốc lộ 2 đến Hà Giang, thêm gần 150km mới tới được. Mèo Vạc, một trong những huyện xa xôi nhất của cao nguyên Đá Hà Giang luôn hấp dẫn những kẻ mê xê dịch đến và khám phá.

Nằm trên vùng đất có điều kiện tự nhiên vô cùng khắc nghiệt nhưng bù lại, mảnh đất này được thiên nhiên ban tặng vẻ đẹp không nơi nào có. Những dãy núi đá tai mèo sừng sững, cảnh sắc hoang sơ hùng vĩ, xa xa là dòng sông Nho Quế uốn lượn theo triền núi. Đèo Mã Pì Lèng dài khoảng 20km, chênh vênh giữa những lớp đá, lớp núi lô. Đèo được xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ XX do công nhân chủ yếu là người dân tộc H’ Mông làm.

Mỗi độ Xuân về, cả huyện Mèo Vạc lại tưng bừng, nhộn nhịp trong Lễ hội Chợ tình Khâu Vai truyền thống. Từ khắp nơi trên mảnh đất Hà Giang, bà con dân tộc vùng cao nô nức đến với chợ tình. Tiếng kèn lá tâm tình, tiếng đàn môi thì thầm trò chuyện trong đêm khuya vắng, tiếng khèn tiếng hát vang vang khắp núi rừng. Nghe đâu, chợ tình bắt nguồn từ câu chuyện tình của một người con trai H’Mông và một người con gái Giáy yêu nhau. Song, tình yêu của họ đã gây ra ra hiềm khích giữa hai bộ tộc. Để tránh cuộc đối đầu đẫm máu, họ buộc phải xa rời nhau. Chàng trai và cô gái thề nguyền rằng, dù không lấy được nhau và phải lập gia đình với người khác thì mỗi năm họ sẽ gặp nhau một lần vào đêm 26/3 tại chợ Khau Vai bây giờ. Chợ tình Khau Vai được hình thành từ đó và đến bây giờ đã trở thành phiên chợ hẹn hò, tìm kiếm tình yêu của tất cả mọi người từ thanh niên cho đến người đã có gia đình.

Hà Giang – Mèo Vạc hôm nay đã trở thành điểm đến được yêu thích của du khách trong và ngoài nước. Đường lên có thể từ Yên Minh chạy ngoằn nghèo qua những dãy núi tai mèo tới, từ Đồng Văn vượt con đèo nổi tiếng Mã Phì Lèng qua, từ Bắc Mê xuyên con đường Du già, Mậu Duệ trứ danh mà lên hay vắt ngang Nguyên Bình từ Cao Bằng mà tới. Dù đi theo con đường nào để đến với Mèo Vạc cũng đầy khúc khuỷu, khó khăn nhưng vô cùng hấp dẫn.

Trên mảnh đất Hà Giang còn một địa điểm nhỏ khác cũng mang tên Mèo - làng Mèo Ván, nằm gần sát biên giới Việt - Trung. Ngôi làng nhỏ bé này nằm cách đường tỉnh lộ 22km, trên đường Quản Bạ lên Yên Minh. Đường dốc cứ ngược lên mãi, cánh chạy xe tay lái không vững, khó có thể chạy được đến nơi. Trong bản chỉ có hơn chục mái nhà người Mông nằm chênh vênh trên mảnh đất bằng bé xíu, leo lét ánh đèn mờ tỏ. Mèo Ván hiếm người biết đến, nhưng với cái tên có chữ cái Mèo, biết đâu năm Mão sẽ có nhiều người tìm đến.

Ngoằn ngoèo Hồng Thu Mèo

Hồng Thu Mèo là tên một xã nằm trên đường Phong Thổ (Tam Đường cũ) đi Lai Châu và Điện Biên. Sau 40km qua Ô Quy Hồ, một trong những con đèo hiểm trở và hùng vĩ bậc nhất miền núi phía Bắc, chiêm ngưỡng cảnh sắc tuyệt đẹp của thung lũng dãy Hoàng Liên Sơn trùng điệp, nơi vào những ngày quang mây có thể thấy đỉnh “nóc nhà Đông Dương” Fanxiphang xám chì xa xa, xuống đến đất Lai Châu, vượt con đèo Giàng Ma đến Phong Thổ, Hồng Thu Mèo nằm cách đó khoảng 5km.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Phong Thổ có 99 ngọn núi liền kề 99 cái hồ vành vạnh. Chuyện lạ mà có thật. Truyền thuyết kể rằng 99 hồ Bình Lư là vết tích những cuộc chinh phục triền miên thời Mạc, là vết chân ngựa thần xuất hiện quét sạch giặc giã vỗ yên dân chúng (Bình Lư chín chín cái hồ. Giang Sơn nhà Mạc cơ đồ còn đây). Lại cũng kể rằng xưa, 99 chàng trai Tam Đường sang hỏi 99 cô gái Bình Lư làm vợ. Người già phán hãy chờ một đôi nữa cho đủ trăm tròn số. Chờ mãi, chờ mãi mà không có để cuối cùng những người yêu nhau hóa núi hóa hồ.

Đèo Giàng Ma cũng gắn liền với một câu chuyện tình. Chàng là người Mông ở bản Xin Câu, nàng là người Dao ở Tả Chải. Đêm đêm chàng vượt dốc lên đón người yêu vào rừng tình tự, nhưng tình yêu dù đắm say mãnh liệt đến đâu cũng khó lòng vượt qua những luật tục muôn đời của dòng tộc, con trai Mông không thể cưới con gái người Dao... Một đêm trăng, đôi trai gái hẹn nhau trên đèo Giàng Ma với nắm lá ngón độc dược trong tay, họ tự tìm đến cái chết như một cách phản đối những luật tục vô lý...

Hồng Thu Mèo chỉ là một điểm nghỉ nhỏ trên con đường xuyên đất Lai Châu. Vào mùa xuân, phong cảnh hữu tình của những con đường ngoằn nghoèo níu chân người qua. Tôi vẫn nhớ phiên chợ Tam Đường ngày thứ 5 với chén rượu ngô Sùng Phài trứ danh, ngắm những cô gái Dao tuyển nhát máy ảnh với kiểu uốn tóc lạ mắt và màu áo phấp phới trong phiên chợ đông người.

Cổ kính Mão Điền

Nằm bên bờ con sông Đuống nặng đỏ phù sa, làng Mão Điền nhỏ nhắn nhưng nổi danh cả nước về truyền thống hiếu học và tỷ lệ học sinh đỗ đạt khoa cử vẫn được gọi với cái tên “Làng Đại học”.

Trên mảnh đất Thuận Thành - Bắc Ninh, Xã Mão Điền gồm 2 làng chính là làng Thụy Mão và làng Mão Điền, cả xã năm nào cũng có những người con em đỗ đạt. Người Mão Điền còn tự hào về phong thổ mảnh đất quê hương và nguồn gốc con dân của vùng đất quê Vua - làng Báng. Nghề chính của làng là nông nghiệp, nghề phụ là nuôi cá giống. Theo suốt dọc dài con đê bên bờ sông Đuống, phong cảnh làng mạc trù phú của đất Bắc Ninh hiện ra sau mỗi khúc quanh. Mùa này, những ruộng lúa đã trơ gốc rạ, triền đê nhuộm vàng một màu cỏ úa. Một vài vạt cải vàng, cải trắng đã bắt đầu xòe cánh nở hoa. Những vạt cải đầu đông lại khiến cho đám trẻ không ngại xa xôi, không ngại cái lạnh xuyên qua từng lớp áo ngắn dài mà qua đây ngoạn cảnh, thưởng hoa. Hoàng hôn buông mình trên gác mái chuông chua Bút Tháp, qua làng tranh Đông Hồ truyền thống, còn một quãng ngắn nữa là về đến làng.

(Mão điền. Ảnh: Internet)

Vào làng Mão Điền thăm di tích đình vật, nơi một thời chuyên tổ chức thi đấu để chọn ra người bản lĩnh, tài giỏi. Nghe các cụ trong làng kể chuyện 1000 năm trước, từ thời vua Lý Thái Tổ rời đô từ Hoa Lư về Thăng Long hay ghé thăm phiên chợ Âm – Dương diễn ra một năm một lần vào ngày mùng 4 tết Âm lịch.

Ngày Tết, sau buổi chụp hình với vườn hoa cải, bạn hãy ghé thăm làng Mão Điền, ngôi làng giàu truyền thống lịch sử, hò reo với lễ hội vật kéo dài suốt 3 ngày vào 04/02 Âm lịch.

Cửa khẩu Na Mèo

Cách thành phố Thanh Hóa gần 200km, cửa khẩu Quốc tế Na Mèo đã trở thành cung đường thú vị với dân du lịch bụi. Từ đây, có thể đến với các tỉnh phía Bắc Lào một cách dễ dàng, thay vì phải đi vài trăm km để đến với cửa khẩu Cầu Treo – Nghệ An. Đường lên đến cửa khẩu quanh co, một bên là đồi núi trùng trùng, phía bên kia là dòng sông Luồng xiết chảy. Con đường chạy qua vô số những cảnh quan đẹp của mảnh đất Thanh Hóa.

Chúng tôi đã có một chuyến đến với Na Mèo vào những ngày đầu năm mới. Từ con đường Mai Châu, chạy xuyên qua con đường đất nhỏ dọc sông Luồng để đến với mảnh đất Thanh Hóa. Dọc con đường hơn 40km chiều dài, những rừng tre rừng luồng la đà hai bên đường, những chiếc lá ngả vàng rời cành, khiến bạn tưởng đang trong bộ phim “Thập diện mai phục”. Từ đây, nếu có thời gian, bạn hãy ghé qua một vài ngôi làng nhỏ của người dân tộc Thái, lắng nghe câu chuyện của những người bản địa về mảnh đất này.

Từ Na Mèo, con đường xuyên đến tỉnh Hủa Phăn, đến với mảnh đất Viêng Xay và Sầm Nưa, những địa danh nổi tiếng trong thời chiến tranh của nước bạn Lào. Rất nhiều khách du lịch bụi quốc tế đã có chuyến khám phá thú vị tại đây, trước khi vượt biên giới sang Việt Nam. Cùng từ Na Mèo, đã có không ít bạn trẻ chạy trên lưng “ngựa sắt” chinh phục mảnh đất Bắc Lào trong hai năm gần đây.

Trù phú Bồng Miêu

Mỏ vàng Bồng Miêu nằm ở xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam, cách trung tâm thị xã Tam Kỳ 35km. Đường từ Tam Kỳ vào đến xã quanh co rừng núi, cho đến khi tận mắt thấy mỏ vàng, nằm sâu trong lòng đất với những câu chuyện lịch sử mới tin là thật. Từ 1.000 năm trước, các vương triều Chămpa đã phát hiện ra nơi đây và đưa vào khai thác. Thăng trầm theo thời gian, mỏ vàng gián đoạn một thời gian dài cho đến thế kỉ 14 và phát triển khá hưng thịnh vào thế kỉ 15.

Mỏ vàng Bồng Miêu không chỉ nổi tiếng trong nước mà vang rộng khắp khu vực về sản lượng vàng. Từ vài năm trở lại đây, du khách đã có thể đến tham quan một trong những mỏ vàng lớn nhất cả nước, ghé thăm dây chuyền công nghệ tuyển vàng hiện đại, tham quan mỏ và khảo sát sâu 50m mỏ Hố Gần - một mỏ cũ đã được người Pháp khai thác từ lâu với phương thức hầm lò, một trong những khám phá hấp dẫn nhất trong suốt chuyến du lịch.

Xuyên sâu trong con đường ngoằn ngoèo dưới lòng đất, trong ánh sáng lé lói của chiếc đèn pin trên đầu, tay nắm chắc sợi dây cáp, chân bước thấp bước cao trên con đường mấp mô, thật là một trải nghiệm thú vị khó cưỡng. Sau chuyến thám hiểm vào lòng đất, bạn có thể nghỉ ngơi thư giãn tại khu du lịch sinh thái Phú Ninh, tắm biển trên bãi biển hoang sơ biển Tam Thanh và thưởng thức cơm gà ngon tuyệt trên thị xã Tam Kỳ.

RELATED ARTICLES