Năm nước ACMECS cam kết phát triển Du lịch có trách nhiệm

09/09/2016

Diễn đàn Bộ trưởng các nước ACMECS mở rộng về Du lịch có trách nhiệm đã được tổ chức vào ngày 8/9/2016 tại TP. Hồ Chí Minh nhân dịp Hội chợ Du lịch Quốc tế 2016, với mục tiêu cam kết phát triển du lịch có trách nhiệm, bền vững, toàn diện và cân bằng.

Diễn đàn có sự tham dự của Bộ trưởng Du lịch các nước thành viên trong khuôn khổ hợp tác “Chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyawady-Chao Phraya-Mekong" - ACMECS (bao gồm Vương quốc Campuchia, Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, Cộng hòa liên bang Myanmar, Vương quốc Thái Lan và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam), đại diện ngành Du lịch, các tổ chức quốc tế, tổ chức xã hội và chuyên gia quốc tế.

 

 

Diễn đàn ACMECS về Du lịch có trách nhiệm

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Các Bộ trưởng ghi nhận sự phát triển của du lịch ACMECS năm 2015 với 52 triệu lượt khách du lịch quốc tế và 8,8 triệu lượt khách nội khối, tăng lần lượt 17% và 8% so với năm 2014, đồng thời nhấn mạnh những mối đe dọa với môi trường và xã hội có thể phát sinh trong quá trình phát triển. 

Các bên ý thức rằng du lịch có trách nhiệm thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau đối với mỗi bên liên quan và chỉ có thể được thực hiện khi tất cả các bên, bao gồm Chính phủ, khối tư nhân, tổ chức xã hội, các chuyên gia, truyền thông và mỗi cá nhân, trong đó có khách du lịch, phát huy trách nhiệm cụ thể của mình. 

Các Bộ trưởng Du lịch ACMECS nhất trí thông qua Tuyên bố Bộ trưởng ACMECS về Du lịch có trách nhiệm để tái khẳng định cam kết của ngành Du lịch ACMECS với phát triển du lịch có trách nhiệm, bền vững, toàn diện và cân bằng; củng cố cơ chế chính sách du lịch có trách nhiệm, tăng cường trao đổi thông tin và kinh nghiệm, tạo điều kiện thích hợp cho việc khai thác có trách nhiệm các tài nguyên văn hóa và thiên nhiên để phát triển sản phẩm du lịch; khuyến khích giáo dục, đào tạo và tăng cường năng lực chuyên môn phù hợp với các đối tượng, thúc đẩy và hỗ trợ sự tiến bộ về kinh tế-xã hội của các nhóm Xã hội dễ bị tổn thương và thúc đẩy hợp tác giữa khu vực công và khu vực tư nhân với sự tham gia của các tổ chức quốc tế và phi Chính phủ.

Tại Việt Nam, từ năm 2011, Dự án Chương trình Phát triển Năng lực Du lịch có trách nhiệm với Môi trường và Xã hội do Liên minh châu Âu tài trợ (Dự án EU-ESRT) đã hỗ trợ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Tổng cục Du lịch (TCDL) lồng ghép Du lịch có trách nhiệm - một nền tảng vững chắc - vào tất cả quá trình quy hoạch, quản lý và hoạt động Du lịch. 

Du lịch có trách nhiệm được công nhận là có tầm quan trọng đối với phát triển bền vững và phát huy tối đa phát triển kinh tế - xã hội của Ngành. Để hỗ trợ quá trình này, bộ tài liệu Hướng dẫn về Chính sách Du lịch có trách nhiệm - một trong những kết quả chủ chốt của Dự án EU-ESRT - đã được xây dựng có sự phối hợp với TCDL và nhiều cuộc tham vấn tích cực với các bên liên quan.

Theo bà Mary McKeon, Trưởng nhóm Tư vấn của Dự án EU-ESRT, thì sự phối hợp của Tổng cục Du lịch và Dự án EU-ESRT trong việc lồng ghép du lịch có trách nhiệm vào ngành Du lịch đã đem lại kết quả ấn tượng. Đó là chương trình nâng cao nhận thức về du lịch có trách nhiệm trên toàn quốc đã lan tỏa tới hơn 7.000 đối tượng thụ hưởng từ khu vực tư nhân trong ngành Du lịch, các cơ quan chính quyền du lịch cấp tỉnh và cấp quận, huyện, đến cấp cộng đồng tại các địa phương.

Dự án EU-ESRT đã hỗ trợ các tỉnh phối hợp làm việc về các lĩnh vực quản lý điểm đến tại các cấp liên tỉnh trong khu vực. Một trong số các nguyên tắc của Dự án là sự cần thiết tăng cường mối quan hệ đối tác giữa khu vực công và khu vực doanh nghiệp phối hợp trong ngành Du lịch. 

Chuyên gia Mary McKeon cũng bày tỏ hy vọng rằng những công việc và nguồn lực được Dự án EU-ESRT xây dựng sẽ trở thành nền tảng vững chắc cho sự phát triển ngành Du lịch có trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam.

 

RELATED ARTICLES