Mùa đông đến với chúng ta, mang theo những lễ hội tưng bừng, hương chocolate và bánh nướng thơm nức, bầu không khí lạnh giá, và tuyết rơi ở những xứ lạnh. Còn với những họa sĩ, họ nhìn thấy gì ở mùa đông, khi thời tiết khắc nghiệt và ảm đạm nhất trong năm? Có thể đó là tình yêu thiên nhiên, sự hòa hợp của người và vật, niềm cảm thông với dân lao động chịu thương chịu khó, những cuộc vui chơi và tiệc tùng trên băng, hay là một ước mong về cuộc sống êm đềm và ấm áp.
Cảnh mùa đông thường khó vẽ hơn so với cảnh mùa hè và là chủ đề tương đối hiếm trong nghệ thuật phương Tây cho đến đầu thời kỳ Phục hưng. Là một trong sáu bức tranh đại diện cho các mùa được vẽ vào cuối thế kỷ XVI, tác phẩm Những người thợ săn trong tuyết của Pieter Bruegel Lớn đánh dấu sự thay đổi lớn từ phong cách đại diện của từng mùa mang tính biểu tượng - một phong cách truyền thống ở châu Âu trước đây - sang phong cách tả thực. Hiện nay chỉ có năm bức trong loạt tranh vẫn còn tồn tại, bức tranh vẽ cảnh mùa hè đã bị thất lạc vĩnh viễn.
Những người thợ săn trong tuyết mô tả cuộc sống nông thôn dân dã trong một ngày mùa đông, ba thợ săn cùng lũ chó đang trở về nhà sau một chuyến đi rừng. Chuyến đi dường như không thành công lắm, chỉ có một người vác theo chiến lợi phẩm trông từa tựa như một con cáo nhỏ. Trước mặt họ là những dấu chân bé nhỏ của một con thỏ rừng đã trốn thoát. Trải ra trước tầm mắt là thung lũng với dòng sông uốn khúc và những đỉnh núi lởm chởm phía xa. Có một cối xay nước, bánh xe đã bị đóng băng cứng lại. Dân làng đang trượt băng và chơi khúc côn cầu trên mặt hồ. Đây không phải là một phong cảnh Hà Lan điển hình, và có thể không hề giống với Hà Lan trong thực tế vào cuối thế kỷ XVI. Những năm 1560 là khi cuộc cách mạng tôn giáo bùng nổ ở Hà Lan, và Bruegel có thể đã muốn khắc họa một lý tưởng về cuộc sống nông thôn trong mơ ước của ông chứ không hẳn là những cảnh đang diễn ra trước mắt.
Hendrick Avercamp, một trong những họa sĩ phong cảnh khác ở Hà Lan thế kỷ XVII, chuyên vẽ Hà Lan vào mùa đông. Không nổi tiếng như Rembrandt hay Vermeer, nhưng những bức tranh của Avercamp được công chúng yêu thích và có giá rất cao ngay khi ông còn sống. Là một người câm điếc, bù lại ông có con mắt quan sát sắc sảo vượt trội. Các tác phẩm của ông đầy màu sắc và sống động, với những hình ảnh được chăm chút tỉ mỉ về con người hài hòa giữa cảnh vật thiên nhiên. Ông thường đưa vào tranh các hoạt động thể thao và giải trí ở Hà Lan vào đầu thế kỷ XVII, với rất nhiều bức tranh vẽ cảnh trượt băng trên những hồ nước đóng băng, một phần vì đây là môn thể thao yêu thích của ông từ thời thơ ấu, phần khác vì những thập niên cuối thế kỷ XVI (khi Avercamp còn nhỏ) là một trong những thời kỳ lạnh nhất ở châu Âu, còn được gọi là Tiểu Kỷ Băng Hà.
Hendrick Avercamp không phải là họa sĩ duy nhất say mê môn trượt băng. Những danh họa như Pierre-Auguste Renoir hay Johan Mengels Culverhouse đã khám phá ra vẻ đẹp tao nhã của môn thể thao mùa đông này và đưa những khoảnh khắc ấn tượng của nó trở thành bất tử trong tranh của mình. Trong bức Trượt băng trên sông Amstel của Adam van Breen, cả thị trấn dường như đang đổ ra vui chơi trên mặt sông. Bức tranh đã truyền tải bản chất của môn trượt băng ở Hà Lan thế kỷ XVII: đây không phải là đặc quyền của riêng một vài người hay tầng lớp nhất định, mà là một hoạt động mùa đông phổ biến và thiết thực dành cho tất cả mọi người, thuộc mọi tầng lớp trong xã hội. Còn bức Trượt băng ở gần tường thành của Anthonie Beerstaaten có vẻ như đang mô tả cảnh chơi khúc côn cầu. Tông màu nâu đỏ của bức tranh biểu hiện một ngày ngắn ngủi giữa mùa đông lạnh lẽo, tối tăm và hơi u ám, nhưng không thiếu niềm vui của những trò chơi trên băng, ví dụ như ở phía xa, có thể thấy một con ngựa đang kéo thuyền chở người vượt sông.
Bức tranh Cuộc thi Trượt băng Nữ ở Stadsgracht, Leeuwarden của Nicolaas Baur mô tả một cuộc thi trượt băng được tổ chức ở Leeuwarden, Hà Lan vào đầu thế kỷ XIX với đám đông khán giả đầy cuồng nhiệt. Trượt băng tốc độ là một trong ba loại hình trượt băng được đưa vào trong Thế vận hội Olympic mùa đông, và là một môn thể thao yêu thích của người Hà Lan. Ở New York, Mỹ, những người trượt băng (và đôi khi có cả những chú chó) thường tụ tập ở Công viên Trung tâm, như trong bức tranh của Charles Parsons. Bức tranh Lễ hội trượt băng tái hiện một sự kiện hào nhoáng tại sân băng trong nhà, được tổ chức để vinh danh con trai út của Nữ hoàng Victoria, Hoàng tử Arthur, đang sống ở Montreal vào thời điểm đó. Đặc biệt, bức tranh này là tổng hợp của hơn 150 bức ảnh, do nhiếp ảnh gia tiên phong người Canada William Notman (1826-1891) thực hiện.
Một bức tranh đậm chất lịch sử khác là Mùa đông trong bộ tranh Bốn mùa của François Boucher, biểu tượng cho phong cách Rococo thế kỷ XVIII. Thay vì miêu tả thiên nhiên hoặc những người nông dân, François Boucher lại thể hiện một đôi trai gái đang tán tỉnh nhau trên một chiếc xe trượt bằng vàng. Bức tranh được vẽ cho Bà Pompadour, tình nhân của vua Louis XV.
Bức tranh Biển băng của Caspar David Friedrich vẽ con tàu đắm khi đang thám hiểm Bắc Cực, một chủ đề bị coi là quá khác thường vào đầu thế kỷ XIX. Tảng băng trôi hoàn toàn nhấn chìm con tàu, trông giống như một tấm bia mộ. Vẻ đẹp của thiên nhiên giữa biển băng hoàn toàn lấn át cuộc sống của con người. Bức tranh vẽ cảnh bão tuyết của JMW Turner cũng mang ấn tượng tương tự. Trong đó, tướng quân xứ Carthage cùng đoàn tùy tùng bị du kích địa phương tấn công và bị vùi dập trong cơn bão tuyết tại vùng Val d’Aosta. Trận bão tuyết cuộn trào như một con sóng khổng lồ thể hiện tầm nhìn của Turner về sức mạnh thiên nhiên hùng vĩ.
Danh họa trường phái Ấn tượng Claude Monet là bậc thầy về cảnh mùa đông. Ông đã vẽ hơn 100 bức tranh về chủ đề này. Có một giai thoại rằng khi Edouard Manet được ngắm kiệt tác của Monet về mùa đông, ông đã từ bỏ ý định vẽ tranh với chủ đề tương tự. Chim ác là là bức tranh về mùa đông lớn nhất của Monet, miêu tả một chú chim ác là cô đơn trên hàng rào tại Etretat. Nhưng điều gây kinh ngạc nhất của tác phẩm này là những cái bóng đổ trên tuyết, không chỉ có màu đen mà còn có sắc xanh ấn tượng.
Sắc trắng tinh khôi của tuyết là cảm hứng cho không ít họa sĩ, như Camille Pissarro, Vincent van Gogh, Kazimir Malevich hay John Northcote Nash, dù là Paris tuyết phủ dịu dàng, cánh đồng nơi thôn quê mộc mạc hay nét trừu tượng sắc sảo và dữ dội sau trận bão tuyết. Có lẽ bởi vì tuyết trắng là chủ thể không dễ vẽ: dù trắng, nhưng không thể để trống giấy mà không tô màu, mà nếu tô màu thì tô màu gì đây, bởi sắc trắng của tuyết chẳng bao giờ đơn thuần là trắng, mà là sự hòa trộn của cả màu hồng, màu xanh, màu vàng, màu tím... thậm chí màu đen, tạo nên một khung cảnh trắng xóa nhưng vẫn mang sắc độ đậm nhạt, sáng tối, xa gần đầy ấn tượng.
Ở giai đoạn đầu sự nghiệp của mình, Wassili Kandinsky hình thành một phong cách kết hợp các tông màu khá kỳ bí. Phong cảnh mùa đông là bức tranh cuối cùng theo phong cách này trước khi ông trở lại với phong cách trừu tượng tuyệt đối. Trong tranh, bầu trời màu vàng hòa quyện với màu xanh lá cây và trắng. Đường dẫn đến ngôi nhà nhỏ ở trung tâm ánh lên màu hồng và các sườn đồi là một cuộc nổi loạn của các vệt màu ngẫu hứng. Còn Phong cảnh mùa đông của Edward Munch lại khắc họa chiều sâu của mùa đông Na Uy. Các dải màu sắc bất ngờ trên những ngọn núi phủ đầy tuyết vốn là những con lạch của màu xanh lá cây, xanh dương và màu hồng, giúp hình ảnh yên bình này hòa quyện với cảm xúc và sự phấn khích, hình thành nên tuyệt tác của Munch. Còn trong Tuyết mới rơi trên Đại lộ, con đường trắng muốt tạo nên sự tương phản hoàn toàn với những vệt màu nâu, đen và đỏ của cây cối, bầu trời và những vị khách bộ hành, tạo nên một bức tranh tỏa ra hơi lạnh của mùa đông.
Theodore Rousseau liên tục bị Paris Salon (triển lãm nghệ thuật chính thức của Học viện Nghệ thuật trong giai đoạn 1748-1890) từ chối, nhưng sau đó ông đã trở thành một trong những nhân vật hàng đầu của Barbizon - một nhóm họa sĩ giữa thế kỷ XIX thường vẽ về khu rừng Fontainebleau. Khu rừng mùa đông lúc hoàng hôn là một bức tranh lớn, chưa được hoàn thành khi Rousseau qua đời. Bức tranh không mô tả dáng vẻ chi tiết của những cây sồi trụi lá trong rừng mà là ấn tượng của chúng trong thực tế và những cảm xúc dâng trào được gợi lên từ thiên nhiên.
Họa sĩ người Ý Giovanni Segantini cũng say mê phong cảnh thiên nhiên, đặc biệt là miền núi cao, nơi mà quanh năm đều như là mùa đông. Mồ côi từ nhỏ, nghèo đói, thất học, mù chữ, phải tha hương và không có quốc tịch, nhưng Segantini có năng khiếu hội họa vượt trội và được đón nhận nồng nhiệt ở châu Âu vào cuối thế kỷ XIX. Không thể kết hôn do không có giấy tờ hợp lệ, Segantini cùng người tình và các con thường xuyên phải thay đổi chỗ ở do bị cộng đồng tẩy chay; họ rời Ý và lưu lạc đến miền núi Thụy Sĩ. Nơi đây đã mang lại một nguồn cảm hứng dồi dào và mãnh liệt cho Segantini, ông tự xây một studio di động ở trên núi cao để vẽ những bức tranh sơn dầu có kích thước khổng lồ, và qua đêm luôn tại đó. Tuy nhiên, số phận bi thảm vẫn không rời bỏ ông; cái lạnh, nhịp độ làm việc căng thẳng cùng độ cao khắc nghiệt đã ảnh hưởng đến sức khỏe của ông, ông đổ bệnh và qua đời ở tuổi 41.
Nhắc đến hội họa mùa đông, không thể bỏ qua những bức tranh vẽ cảnh mùa đông nước Nga. Mùa đông trắng xóa ở xứ sở Bạch Dương dù lạnh thấu xương nhưng vẫn luôn đẹp đến mê hồn du khách, đồng thời là nguồn cảm hứng cho bao họa sĩ, trong đó có họa sĩ Ấn tượng nổi tiếng Konstantin Korovin. Không như họa sĩ đồng hương Kazimir Malevich sử dụng những màu sắc sống động trong bức tranh phong cảnh mùa đông để thu hút mọi sự chú ý, tranh của Korovin mang vẻ đẹp tinh tế của những màu lặng, thể hiện cuộc sống nước Nga khắc nghiệt trong giá lạnh nhưng cũng rất đỗi êm ái, dịu dàng. Nhưng số lượng khổng lồ những bức tranh vẽ mùa đông nước Nga của Korovin không hẳn chỉ xuất phát từ tình yêu quê hương. Năm 1923, khi đến Paris để mở một triển lãm cá nhân, Korovin bị trộm hết tranh và rơi vào cảnh không một xu dính túi. Để kiếm sống trong những năm sau đó, ông phải sản xuất rất nhiều tranh với chủ đề mùa đông nước Nga, vốn rất được yêu thích vào thời điểm ấy.
Những bức tranh mùa đông Croatia lại mang vẻ đẹp cổ tích đầy lãng mạn. Trên những con đường nhỏ dẫn vào làng, lớp tuyết dày mịn tinh khôi chảy dài, phủ kín những mái nhà gỗ hệt như kem sữa. Những thân cây khẳng khiu, trụi lá cũng góp phần tạo nên khung cảnh mộc mạc, bình yên rất đặc biệt, lại có chút gì đó ngây thơ, trong trẻo như những bức tranh minh họa cho cuốn truyện cổ mà ta đọc hồi còn bé.
Có thể đó là nét mê hoặc của mùa đông. Dù thời tiết khắc nghiệt và phong cảnh có phần điêu tàn hơn những mùa khác, nhưng mùa đông vẫn hiện lên trong những bức tranh với muôn vàn sắc thái vô cùng đa dạng, tươi vui rực sáng hay trầm buồn u tối, mang theo linh hồn của cảnh vật và gửi gắm bao tâm tư, tình cảm của họa sĩ.