Ngành du lịch đề xuất các giải pháp phát triển du lịch vùng Tây Bắc

15/04/2016

Ngày 15/4/2016, tại Hà Nội, Ban chỉ đạo Tây Bắc, phối hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam đã tổ chức hội thảo "Thực trạng và giải pháp thu hút khách du lịch đến Tây Bắc", với sự hiện diện của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Nguyễn Ngọc Thiện; lãnh đạo các tỉnh thuộc vùng Tây Bắc; Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch (TCDL) Nguyễn Văn Tuấn; Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch (HHDL) Việt Nam Vũ Thế Bình, nhiều nhà nghiên cứu quản lý trong lĩnh vực du lịch ở trung ương và các địa phương, các doanh nghiệp du lịch...

Tây Bắc được thiên nhiên ban tặng cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ cùng những bản sắc văn hóa đa dạng, phong phú của hơn 32 dân tộc sinh sống trong vùng, song du lịch vẫn chưa phát triển tương xứng với lợi thế và tiềm năng sẵn có. Làm sao để thu hút ngày càng nhiều khách du lịch đến với Tây Bắc đang là vấn đề hết sức cấp bách được đặt ra cho toàn ngành du lịch.

Theo Bộ VHTTDL, năm 2015 vùng Tây Bắc đón 8,9 triệu lượt khách du lịch, trong đó khách quốc tế đạt 1,6 triệu lượt. Tính gộp cả khách đi lại giữa các địa phương là 13 triệu lượt. Độ dài lưu trú ngắn (dưới 1,5 ngày) chỉ chiếm 5-7% trong tổng lượng ngày/khách của cả nước. Về tính chất, khách đến Tây Bắc chủ yếu là khách nội địa, chi tiêu thấp.

Nguyên nhân lượng khách đến vùng Tây Bắc thấp là do hệ thống sản phẩm du lịch Tây Bắc vẫn còn đơn điệu và rời rạc, chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư. Hiện tại, toàn vùng có 307 cơ sở lưu trú được xếp hạng với gần 9.000 buồng, trong đó có 3 cơ sở 4 sao, 13 cơ sở 3 sao, còn lại 94 cơ sở 2 sao và 197 cơ sở 1 sao (chưa có 5 sao); công suất trung bình đạt xấp xỉ 60%. Với 34 doanh nghiệp lữ hành quốc tế, hệ thống dịch vụ du lịch còn hết sức sơ sài. Hệ thống cơ sở lưu trú, nghỉ dưỡng, ăn uống, giải trí còn thiếu thốn và thấp cấp, phần lớn chưa đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn dịch vụ. 

 

 

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Toàn cảnh buổi hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, Tổng cục trưởng TCDL Nguyễn Văn Tuấn Tổng cục trưởng đã đề xuất 5 giải pháp góp phần thu hút khách du lịch đến Tây Bắc: Lựa chọn, khai thác những lợi thế khác biệt để tạo nên những sản phẩm du lịch đặc thù, từ đó hình thành các tuyến du lịch nội vùng và liên vùng có tính hấp dẫn và cạnh tranh cao; Đầu tư cơ sở hạ tầng, hướng tới các dự án trọng tâm, trọng điểm, có quy mô lớn; Tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến, tạo ra các sản phẩm du lịch phù hợp với nhiều phân khúc thị trường du lịch, phát triển hình thức E-marketing; Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực du lịch trong đó tập trung đào tạo kỹ năng nghề và thực hành homestay; Phối kết hợp các hoạt động du lịch giữa các tỉnh trong vùng Tây Bắc và giữa Tây Bắc với các địa phương khác để du lịch thực sự trở thành một hoạt động thông suốt, có tính cạnh tranh cao hơn.

Ông Tuấn cũng khẳng định, ngoài việc chú trọng nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, sản phẩm, dịch vụ du lịch và nguồn nhân lực du lịch, phát triển du lịch luôn cần tuân thủ nguyên tắc: gìn giữ văn hóa bản địa và cảnh quan thiên nhiên tại các điểm du lịch. 

Tại hội thảo, nhiều đại biểu, đặc biệt là đại diện của các doanh nghiệp du lịch đã đưa ra nhận định về thực trạng phát triển du lịch Tây Bắc, từ đó đề xuất nhiều giải pháp thiết thực thúc đẩy việc thu hút khách du lịch vào Tây Bắc, cụ thể như: tham gia có chọn lọc vào các hoạt động, sự kiện du lịch trong và ngoài nước; thành lập Quỹ xúc tiến du lịch quốc gia để tăng cường hơn nữa việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam nói chung và Tây Bắc nói riêng tới bạn bè quốc tế; có chính sách visa cởi mở, thông thoáng đối với các thị trường du lịch trọng điểm; đề xuất xây dựng những sản phẩm du lịch mới tăng cường xây dựng những tour, tuyến du lịch liên vùng nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch; việc kết hợp hệ thống các tuyến giao thông một cách hợp lý…

Đại diện các doanh nghiệp du lịch cho rằng, các địa phương cần căn cứ trên quy hoạch để kêu gọi đầu tư và có cơ chế ữu đãi. Các tỉnh đầu tư vào phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật có chất lượng đẳng cấp, phù hợp với hệ thống sản phẩm đặc trưng Tây Bắc và nâng cấp năng lực cung cấp sản phẩm dịch vụ đa dạng.

Ông Nguyễn Hồng Đài, Tổng giám đốc Công ty du lịch APT Travel cho rằng: “Các địa phương chưa thực sự chủ động hợp tác với các công ty lữ hành để đưa khách đến. Bên cạnh đó, các hoạt động xúc tiến du lịch còn ít, làm cho nó có chứ chưa đúng đối tượng. Các địa phương cần tổ chức hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp du lịch, lắng nghe những khó khăn vướng mắc để kịp thời tháo gỡ, nhất là thủ tục hành chính”.

Bà Trần Thị Việt Hương, Giám đốc Ban tiếp thị Vietravel quan ngại về tình hình hiện nay, tại một số tuyến điểm hiện nay đang xảy ra tình trạng giá phòng bị đẩy lên quá cao mùa cao điểm. Do đó, những điểm nào đã xác định quy hoạch du lịch và có lượng khách tăng đều cần có sự tăng cường đâu tư hạ tầng, nhất là nhóm khách sạn tiêu chuẩn 2-3 sao. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp du lịch cho rằng các địa phương cần đẩy mạnh truyền thông mang tính chuyên đề, ẩm thực, con người, như việc tổ chức lễ hội hoa tam giác mạch ở Hà Giang, lễ hội hoa ban ở Điện Biên…đang thực sự tạo động lực thu hút khách.

Cũng trong khuôn khổ hội thảo, Ban Chỉ đạo Tây Bắc, HHDL Việt Nam và Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đã ký Biên bản thỏa thuận hợp tác thu hút khách du lịch đến vùng Tây Bắc nhằm góp phần đưa Tây Bắc trở thành điểm đến nổi bật của du lịch Việt Nam, cũng như của khu vực và quốc tế.

 

PV

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES