Ngày cuối năm đi chợ Giáng sinh

24/12/2019

Lần đầu tiên đi chợ Giáng sinh ở ngay trung tâm thủ đô Oslo với gia đình nhỏ của mình, những ký ức về chợ hoa Tết Sài Gòn của 30 năm trước bỗng tràn về trong tâm trí, khiến tôi bồi hồi trong nỗi nhớ.

Chợ Giáng sinh xưa và nay

Chợ Giáng sinh có truyền thống và lịch sử bắt nguồn từ Đức vào thời kỳ hậu Trung cổ, sau đó lan rộng ra khu vực Trung Âu là những nước sử dụng tiếng Đức hoặc có liên hệ mật thiết về văn hóa, chính trị và lịch sử với Đức. Chợ Giáng sinh sau đó cũng bắt đầu lan ra những quốc gia thuộc La Mã, và sau cùng là toàn châu Âu. Mặc dù mang tên gọi gốc là Christkindlmarkt trong tiếng Đức và dịch sát nghĩa là “Chợ Chúa hài đồng” trong tiếng Anh, chợ Giáng sinh gần như không mang nhiều ý nghĩa tôn giáo cho lắm mà chỉ đơn thuần là một khu chợ ngoài trời, thường là ở quảng trường trung tâm hoặc quảng trường chợ, trong bày bán thức ăn, rượu quế và các mặt hàng có liên quan đến Giáng sinh khác.

Empty

Trước đây, chợ Giáng sinh thường bắt đầu mở cửa vào mùa vọng đầu tiên của Giáng sinh. Mùa vọng (Advent) bao gồm bốn ngày Chúa Nhật trước lễ Giáng sinh và thường được đánh dấu bằng một ngọn nến. Mỗi tuần, mọi người sẽ thắp lên một ngọn nến, lần lượt cho đến hết bốn cuối tuần, và mong chờ Giáng sinh sắp đến. Ngày nay, nhiều khu chợ Giáng sinh nổi tiếng đã bắt đầu mở cửa từ khoảng giữa tháng 11 hằng năm để có thể thu hút thêm khách du lịch. Tuy vậy, những ngôi chợ nhỏ ở những vùng quê hẻo lánh, những ngóc ngách khác ở châu Âu vẫn còn giữ thói quen “khai chợ” vào tuần đầu tiên của mùa vọng.

Trang trí cổng chợ Giáng sinh

Trang trí cổng chợ Giáng sinh

Quầy bán hạnh nhân ngào đường

Quầy bán hạnh nhân ngào đường

Bên trong chợ Giáng sinh

Bên trong chợ Giáng sinh

Các biển hiệu chỉ dẫn trong chợ

Các biển hiệu chỉ dẫn trong chợ

Một ngôi chợ Giáng sinh truyền thống, ngoài việc được tổ chức ở quảng trường lớn với những gian hàng đóng bằng gỗ, giữa quảng trường thường trưng bày một cây thông Noel thật cao ngất, thì chắc chắn sẽ là không đủ nếu thiếu đi một máng cỏ tái hiện nơi Chúa hài đồng được sinh ra, một vài quầy bán hạt hạnh nhân rang ngào đường, thêm vài gian hàng bày bán dụng cụ kẹp vỏ hạt dẻ được đẽo bằng gỗ và sơn phết thành đủ mọi hình dáng, và tất nhiên là không thể thiếu một quầy bán rượu quế glühwein - món thức uống kinh điển mỗi độ Giáng sinh về trên xứ lạnh.

Empty
Empty

Ngày nay, những khu chợ hiện đại còn có thêm một vòng quay ngựa gỗ trang trí đèn vàng lấp lánh, đôi khi là những quầy bóng bay, thú bông để thu hút trẻ con hoặc một dãy các máy trò chơi điện tử để mọi người thử tài khéo léo gắp thú hay chút vận may đỏ đen cuối năm với máy jackpot. Bên cạnh người dân địa phương tranh thủ dạo chợ để mua sắm thì còn là những tốp khách du lịch hăm hở selfie cùng ông già Noel đang cười tươi rói. Chợ Giáng sinh thời hiện đại là thế, với đủ mọi trò vui, đủ mọi sắc màu, đủ mọi thứ cảm xúc trong một thế giới ngày càng phẳng.

Empty
Empty
Empty

Đi chợ ở “nhà”

Trái ngược hẳn số đông, tôi thường không hay đi du lịch vào mùa đông để đến các khu chợ Giáng sinh khác. Điều đó phần nào giống với việc người Việt mình không tới tỉnh thành khác vào những ngày cận Tết để đi chợ Tết vậy. Chợ Tết, hay chợ Giáng sinh, luôn mang đến cho người ta, đặc biệt là những người xa xứ, cảm giác nhớ nhung quê nhà da diết. Để vơi đi sự nhớ nhung ấy, tôi bắt đầu tập thói quen đi dạo chợ Giáng sinh ở thủ đô Oslo, cách nơi tôi đang sống ở vùng ngoại ô chỉ hơn 30 phút đi xe lửa.

Empty
Empty

Các thành phố lớn ở châu Âu thường có vài khu chợ Giáng sinh nằm rải rác trong thành phố. Oslo cũng vậy. Nhưng tôi chỉ đi mỗi một ngôi chợ duy nhất nằm ngay trên lộ chính Karl Johans gate dẫn thẳng một mạch ra đến Cung điện nhà Vua ở phía cuối đường. Đi như vậy, tôi sẽ dễ dàng cảm nhận được sự thay đổi của những gian hàng, cách trang trí, hay đôi khi còn vô tình gặp được những gương mặt thân quen từ Giáng sinh năm trước.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Người bán hàng hóa trang thành người lùn giúp việc của ông già Noel

Người bán hàng hóa trang thành người lùn giúp việc của ông già Noel

Ngôi chợ đặt ở một quảng trường nhỏ cạnh hồ nước nhân tạo với tên gọi rất ngộ nghĩnh: “Súp cây đinh” (Spikersuppa). Cái tên này bắt nguồn từ một câu chuyện dân gian Na Uy, kể về một người đàn bà nghèo khổ đi khắp xóm làng thông báo rằng bà ta đang nấu một nồi súp đinh. Mọi người lấy làm lạ, bèn hỏi xin bà ta để được ăn thử. Người đàn bà nghèo bèn bảo rằng bà sẵn lòng mời mọi người, nhưng ai muốn ăn có thể đóng góp thêm ít khoai tây, cà rốt, bắp cải… Kết thúc chuyến đi khắp phố, người đàn bà nghèo đã có đủ nguyên vật liệu để nấu một bữa no cho mình. Chuyện dân gian là thế, nhưng phản ánh chính xác sự nghèo khó của dân Na Uy thời bấy giờ, lúc… chưa tìm thấy dầu ngoài khơi bờ biển Na Uy!

Lò đốt củi đặt rải rác trong chợ mọi người sưởi ấm

Lò đốt củi đặt rải rác trong chợ mọi người sưởi ấm

Vào mùa hè, “Súp cây đinh” là địa điểm giải nhiệt lý tưởng của người dân thành phố. Tới mùa đông, nước trong hồ đóng băng nhẵn thín, trở thành sân trượt băng ngoài trời dành cho mọi người. Các cặp đôi thì tay trong tay lướt nhẹ trên băng. Lũ trẻ con thì khoái chí cười tít mắt, cho dù có đứa chưa quen vẫn phải nhờ người lớn dắt tay. Bọn choai choai là thành phần hào hứng tham gia thể hiện nhất với đủ các tiết mục lả lướt, xoay người điệu nghệ không thua kém gì vận động viên chuyên nghiệp. Thỉnh thoảng một vài đứa trẻ chơi trò rồng rắn… trượt băng, một đứa không vững thì cả đoàn rồng rắn đều té ập xuống, vậy mà vẫn cười giòn như pháo nổ.

Hồ Súp Cây Đinh biến thành sân trượt băng ngoài trời

Hồ Súp Cây Đinh biến thành sân trượt băng ngoài trời

Gian hàng rượu gløgg tương tự Glühwein của Đức

Gian hàng rượu gløgg tương tự Glühwein của Đức

Chợ Giáng sinh ở Na Uy có lẽ cũng sẽ như bao nhiêu khu chợ khác ở châu Âu nếu ở đây không có 3 điều làm nên sự khác biệt: tuần lộc, quỷ lùn và cây thông. Tuần lộc là con vật gắn liền với hình ảnh ông già Noel và xứ tuyết. Trong khi nhiều khu chợ Giáng sinh khác đều có bày bán các sản phẩm từ lông hay sừng tuần lộc, thì chợ Giáng sinh ở “Súp cây đinh” còn có hẳn quầy… ẩm thực tuần lộc với hai món nổi tiếng mà rất nhiều người Na Uy thường hay đợi đến dịp Giáng sinh để được thưởng thức: steak tuần lộc và hamburger tuần lộc!

Empty

Thịt tuần lộc được xếp vào loại thịt rừng nên thường rất dai và có mùi nồng đặc trưng, người nào ăn không quen sẽ khó có thể cảm nhận được sự ngon của nó. Về căn bản, cách chế biến thịt tuần lộc cũng tương tự như thịt bò hoặc các loại thịt đỏ khác. Nhưng về hương vị thì chắc chắn không thể thiếu hạt bách xù (tên tiếng Anh là juniper) để tẩm ướp thịt và mứt làm từ trái nam việt quất (lingonberry trong tiếng Anh) để giảm đi độ ngấy của thịt, khoai tây và nước sốt. Không có hạt bách xù và mứt lingon, thịt tuần lộc sẽ giảm đi nửa phần hấp dẫn! Và cũng vì không phải ở đâu cũng có thể tìm được hai loại trái này nên món tuần lộc ở Na Uy nói riêng và Bắc Âu nói chung đều có hương vị khó có thể tìm thấy được ở bất kỳ nơi nào khác hoặc bất kỳ khu chợ Giáng sinh nổi tiếng nào khác.

Quầy hamburger tuần lộc tỏa khói thơm ngào ngạt

Quầy hamburger tuần lộc tỏa khói thơm ngào ngạt

Gian hàng xúc xích truyền thống Na Uy

Gian hàng xúc xích truyền thống Na Uy

Mứt trái mọng đặc sản từ vùng trồng trái cây ở phía tây Na Uy

Mứt trái mọng đặc sản từ vùng trồng trái cây ở phía tây Na Uy

Bên cạnh tuần lộc thì quỷ lùn Troll cũng là một đại sứ hình ảnh khác của Na Uy. Quỷ lùn trong thần thoại Bắc Âu cổ là một giống người lùn thường sống trong hang sâu, núi cao và những khu vực hẻo lánh ở phía tây Na Uy, nơi mà đất liền bị các vịnh hẹp fjord cắt xẻ thành trăm ngàn mảnh nhỏ. Những ngọn núi tuyết hoặc rừng thông thường là nơi ở của yêu thích của Troll để tách biệt với thế giới loài người và các vị thần. Ngày nay, trong ngôn ngữ Na Uy hiện đại vẫn còn rất nhiều địa danh và danh từ được gắn thêm yếu tố “troll” để chỉ về độ khó khăn hoặc tinh quái của nó. Cung đường leo núi “Trolltunga” nổi tiếng ở mạn tây Na Uy là một ví dụ, khi người ta ví mỏm đá nhọn hoắt nhô ra giữa đất trời kia là chiếc lưỡi của quỷ; hoặc cung đường đèo “Trollstigen” - đường đèo của quỷ - với 11 đoạn cua cực gắt cũng mang hàm ý tương tự.

Buble waffle trang trí theo phong cách Giáng sinh

Buble waffle trang trí theo phong cách Giáng sinh

Nhưng Troll của chợ Giáng sinh ở Na Uy thì lại khác, với những khuôn mặt quỷ con sún răng cười toe toét, quỷ ông ngồi đọc báo, quỷ bà ngồi đan len bên cạnh chú mèo nghịch ngợm, quỷ mẹ với chiếc tạp dề đỏ bên cạnh bàn tiệc Giáng sinh ê hề thịt cá, và quỷ bố với tấm khiên Viking và mũ sừng trên đầu. Đã từ lâu, hình ảnh Troll đã thôi không còn gắn liền với những câu chuyện ma quái về nàng công chúa bị quỷ bắt vào rừng nữa, mà thay vào đó là những Troll “cải tà quy chánh” thân thiện với con người và… túi tiền của khách du lịch.

Bánh vòng kransekake đặc trưng cho dịp Giáng sinh

Bánh vòng kransekake đặc trưng cho dịp Giáng sinh

Bánh gừng pepperkake

Bánh gừng pepperkake

Điều cuối cùng khiến tôi luôn tìm đến chợ Giáng sinh, đó là để tìm mua những món đồ trang trí cho cây thông Noel trong nhà. Giống như hình ảnh cành mai, cành đào trong ngày Tết cổ truyền Việt Nam, cây thông là thứ không thể thiếu trong mỗi dịp Giáng sinh ở các nước có truyền thống Thiên Chúa giáo. Mặc dù ngày nay, người dân Bắc Âu ngày càng trở nên vô thần, nhưng những truyền thống, những nếp sinh hoạt xưa cũ gắn liền với thói quen từ thời cha mẹ, ông bà thì khó mà bỏ được. Trang trí cây thông Noel là một trong số đó.

Món kẹo táo rất phổ biến ở chợ Giáng sinh Bắc Âu

Món kẹo táo rất phổ biến ở chợ Giáng sinh Bắc Âu

Tôi bắt đầu mua cây thông thật từ một xe chở thông đậu ngay gần nhà ga xe lửa nơi mình đang sống. Việc mua một cây thông thật, thực ra là góp phần bảo vệ môi trường hơn hẳn so với việc sắm sửa một cây thông giả làm từ nhựa. Số lượng nước, điện và năng lượng dùng để tạo ra một cây thông giả, cộng với lượng khí thải carbon dioxide từ xưởng gia công thải vào bầu khí quyển cao hơn rất nhiều lần so với việc đốn một cây thông thật - loại thông chuyên được trồng để làm cây thông Giáng sinh - và trồng thêm vào một hoặc nhiều cây thông mới. Và bạn có biết không, sau mỗi mùa trái thông chín rụng là lại có nhiều người già rủ nhau đi nhặt trái thông rụng trên phố hay trong sân, rồi chờ cho mầm thông rơi ra khỏi trái, họ lại mang vào rừng và rải xuống nền đất ẩm, gieo trồng một lứa thông mới cho những cánh rừng phương Bắc.

Empty

Cây thông tươi mua về sẽ được đặt trong một khay nước, cố định bằng ốc vít xung quanh để giữ cho cây đứng thẳng. Sau khi cây đã yên vị đâu đó thì mọi người trong nhà bắt đầu trang trí xung quanh. Bọn trẻ thường được cho mấy trái châu giả bằng nhựa hoặc các món đồ không dễ vỡ khác để trang trí ở phía dưới gần gốc cây. Người lớn thường lo chăng dây kim tuyến trên cây và dây đèn nhấp nháy ngoài cửa sổ. Cuối cùng, cả nhà ai cũng háo hức tranh nhau để được đặt lên đỉnh ngọn thông món trang trí rực rỡ nhất, thường là ngôi sao, một chiếc nơ đỏ hoặc tượng thiên thần. Khi hoàn tất việc trang trí và những gói quà đầu tiên được cẩn thận đặt dưới gốc thông thì không khí Giáng sinh đã tràn ngập khắp mọi nhà và mọi con đường trong thành phố rồi.

Tác giả và

Tác giả và "ông già Noel"

Để chuẩn bị cho mùa Giáng sinh thứ 6 ở xứ người, tôi lại như đứa trẻ ngày xưa cùng bà đi chợ hoa Tết, háo hức chờ đợi chiếc xe tải nhỏ chở những cây thông tươi còn thơm mùi nhựa đến bán trước nhà ga, háo hức cùng gia đình nhỏ của mình đi chợ Giáng sinh “Súp cây đinh” vào Chúa Nhật thứ hai của mùa vọng, rồi lại háo hức cùng nhau trang trí những thứ lấp lánh lên cây thông mới.

Và một mùa Giáng sinh an lành nữa lại sắp đến.

Ngọc Quyên
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES