Hubbub, một tổ chức từ thiện ở Anh, đã phân tích 108 chiếc áo len được lấy từ 11 nhà bán lẻ trực tuyến cũng như các cửa hàng nhỏ trên đường phố và phát hiện ra rằng, 95% trong số đó được làm hoàn toàn hoặc một phần từ vật liệu nhựa.
Acrylic là sợi nhựa phổ biến nhất được tìm thấy trong những chiếc áo len lễ hội này, với 44% được làm hoàn toàn từ vật liệu acrylic và 3/4 số áo còn lại có chứa acrylic ở một mức độ nhất định.
Một nghiên cứu năm 2016 của Đại học Plymouth ở Anh chỉ ra rằng acrylic giải phóng gần 730.000 sợi microfiber trong mỗi lần giặt, nhiều hơn so với hỗn hợp polyester hoặc polyester-cotton. Với việc sử dụng nhiều acrylic, Hubbub cảnh báo rằng một chiếc áo len Giáng sinh cũng "có khả năng làm trầm trọng hơn vấn đề ô nhiễm nhựa trong đại dương của chúng ta".
Tổ chức từ thiện này ước tính rằng khách hàng ở Anh sẽ mua 12 triệu áo len Giáng sinh trong mùa lễ hội năm nay mặc dù đã sở hữu 65 triệu chiếc. Đáng chú ý, các sản phẩm này sẽ được mặc chỉ một lần trong kỳ nghỉ.
Sarah Divall, điều phối viên dự án tại Hubbub cho biết: "Thời trang nhanh là một mối đe dọa lớn đối với thế giới tự nhiên và áo len Giáng sinh đặc biệt có nhiều nhựa". Divall nói thêm rằng áo len cần được "mặc thường xuyên chứ không nên chỉ dành riêng cho Giáng sinh". Để giải quyết những vấn đề môi trường, các tổ chức từ thiện khuyến cáo mọi người trao đổi áo len của họ với bạn bè hoặc mua đồ cũ.
Lời cảnh báo này được đưa ra trước ngày từ thiện Save the Christmas Jumper Day vào 13/12, khi người dân ở Anh được khuyến khích mặc trang phục lễ hội và đi quyên góp cho mục đích từ thiện. Gemma Sherrington, Giám đốc Điều hành tiếp thị và gây quỹ tại Save the Children UK, nói với CNN rằng tổ chức từ thiện đã "làm việc chăm chỉ" để đảm bảo sự kiện vẫn diễn ra hàng năm mà không làm trầm trọng thêm các vấn đề khí hậu to lớn mà thế giới đang phải đối mặt. Sherrington nói thêm rằng Save the Children muốn biến sự kiện năm nay trở thành sự kiện "bền vững nhất" và đã khuyến khích các văn phòng cũng như trường học tổ chức trao đổi áo len.