Bắt đầu được triển khai từ năm 2014, dự án KIMONO (KIMONO PROJECT) của công ty Nhật Bản Imagine Oneworld đã đặt ra chỉ tiêu hoàn thành 213 bộ kimono đại diện cho mỗi quốc gia dự kiến tham gia Thế vận hội Tokyo 2020. Dự án quy mô nhiều năm này gửi đến thế giới thông điệp hoà bình, đồng thời mang lại cơ hội có một không hai để truyền bá vẻ đẹp và sự điêu luyện của nghề thủ công Nhật Bản khắp toàn cầu.
Yoshimasa Takakura, nhà thiết kế Nhật Bản, đồng thời là người đứng đầu dự án cho biết, “Tôi luôn muốn khôi phục niềm tự hào và sự tự tin của những người thợ thủ công, ước mơ của tôi là nhìn thấy những người dẫn đầu đoàn thể thao mặc kimono tại lễ khai mạc Thế vận hội Tokyo”.
Hiện tại dự án đã tiến hành và làm được hơn 100 mẫu kimono và vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện. Cùng chiêm ngưỡng một số mẫu nổi bật của dự án.
NHẬT BẢN
Bộ kimono của Nhật Bản được thiết kế bởi thương hiệu Chiso - một thương hiệu lâu đời sử dụng kĩ thuật nhuộm vải Kyo-Yuzen. Với ý tưởng kết nối thế giới, thiết kế này gồm những dải hoa văn đỏ được buộc chung với nhau trên nền vải trắng, trên đó in hoạ tiết hoa nổi bật, tượng trưng cho 47 tỉnh thành ở Nhật Bản.
HOA KỲ
Bộ kimono đại diện cho Hoa Kỳ được chế tác bởi nhà thiết kế Masaru Naruse. Đây là sự kết hợp của rất nhiều những biểu tượng khác nhau như hoa đại diện các tiểu bang, biểu tượng bóng chày, bóng đá, các bộ phim Hollywood và tượng Nữ thần Tự do. Tượng điêu khắc của Tổng thống Lincoln và Kennedy, đại bàng đầu trắng và Chương trình Apollo cũng là những hình ảnh được thể hiện trên bộ trang phục. Các sọc đỏ trên chiếc obi màu trắng - ẩn dụ cho những ngôi sao và những đường kẻ trên lá cờ Hoa Kỳ - được phủ lên bởi những cành ô liu. Mỗi cành đều dựa theo biểu tượng trên con dấu Tổng thống và đều có 13 lá, tượng trưng cho khát vọng hoà bình.
TRUNG QUỐC
Bộ kimono của Trung Quốc được thêu hình rồng uốn lượn trên nền vải đen tuyền, ẩn dụ cho Vạn Lý Trường Thành, đồng thời được bao quanh bởi hình ảnh hoa mẫu đơn, hoa mận, trúc và những đám mây với nhiều màu sắc khác nhau. Trên đó còn được thêm vào một chú gấu trúc như một điểm nhấn vui tươi. Màu sắc và hoạ tiết của chiếc obi được lấy cảm hứng từ đồ gốm Tam thải dưới triều nhà Đường.
VƯƠNG QUỐC ANH
Thiết kế của Vương quốc Anh đậm chất văn học và điện ảnh Anh, trên đó có những biểu tượng của Hamlet, Giấc mộng đêm hè, Alice ở xứ sở thần tiên, Sherlock Holmes và Điệp viên 007. Cùng với dòng sông Thames, hình ảnh của đồng hồ Big Ben và cảnh đêm London cũng được khắc hoạ trên bộ kimono. Chiếc obi bao gồm biểu tượng quốc hoa của nước Anh, xứ Wales, Scotland và Bắc Ireland.
ĐỨC
Trên bộ kimono là hình vẽ quốc hoa của Đức - hoa cúc Yagiku cách điệu và sự thể hiện bản sonata Ánh trăng của Beethoven dưới dạng sóng điện tử. Bộ kimono muốn thể hiện hình ảnh một nước Đức hiện đại, nơi sự công nghiệp hoá nặng nề và văn hoá cổ điển cùng tồn tại hài hoà.
HY LẠP
Hy Lạp là vùng đất khai sinh của Thế vận hội Olympic và với bộ kimono của đất nước này, những nền văn minh Athens được thể hiện một cách tuyệt đẹp. Trên nền vải xanh ngọc có đền Parthenon, các chữ cái Hy Lạp, cành ô liu và hình con cú - biểu tượng của trí tuệ. Hoạ tiết trên chiếc obi là hình ảnh những chiếc cột trong kiến trúc Hy Lạp xen kẽ với những nhánh cây hoa anh thảo.
VIỆT NAM
Bộ kimono được thiết kế để tôn lên tinh thần hăng hái nhiệt tình của dân tộc Việt, cùng với sự sinh sống hoà hợp của 54 dân tộc anh em. Các em nhỏ trong những trang phục dân gian được dệt trên cả bức vải thể hiện tương lai của đất nước Việt Nam. Người trồng lúa, người múa lân, người đạp xích lô... cùng tạo nên một tinh thần tươi khoẻ và đầy sức sống. Toàn bộ thiết kế được bao bọc trên nền vải xanh lá nhạt lấy cảm hứng từ văn hoá lúa nước. Chiếc obi mang màu đỏ son trầm, được dệt bằng kĩ thuật thủ công trên vải thêu hoa đặc trưng của người Việt.
ĐẠI DIỆN NGƯỜI TỊ NẠN
Điều đặc biệt nhất ở dự án KIMONO chính là, những người tị nạn cũng có một bộ kimono của riêng mình. Công ty Imagine Oneworld thể hiện rằng ngay cả những người không thể trở về quê hương cũng được chào đón trong một thế giới hoà bình và tốt đẹp. Bộ kimono có mặt ngoài là vải trắng đơn giản điểm xuyết vài hoa văn, tuy nhiên lớp lót bên trong lại vô cùng rực rỡ và đầy màu sắc. Đây được coi như biểu tượng của năng lượng và sự không ngừng biến đổi của hình ảnh Cây Sự sống (Tree of Life). Trên chiếc obi là hình cách điệu của cây âm-dương được dệt ở một mặt, mặt còn lại là những hoạ tiết sọc sặc sỡ, ám chỉ sự đa dạng.
Hầu hết các bộ kimono đều do các nhà thiết kế Nhật Bản thiết kế và hoàn thành, tuy nhiên có hai bộ kimono đặc biệt thì không hoàn toàn như vậy: Obi (khăn thắt lưng) của bộ kimono nước Palestine được chính những người tị nạn tạo ra, dùng kỹ thuật thêu của dân tộc Palestine; và bộ kimono nước Indonesia thì được làm bằng sáp, sử dụng nghệ thuật nhuộm vải batik đặc trưng của người Indo.
VÀ MỘT SỐ MẪU KIMONO Ấn tượng KHÁC
Ông Nobumichi Tejima, Chủ tịch công ty Imagine Oneworld chia sẻ, “Khi thế giới cùng tụ họp tại Nhật Bản, chúng tôi sẽ đưa ra thông điệp hoà bình – rằng “thế giới có thể là một” – qua văn hoá kimono của Nhật Bản. Những quốc gia bất kể lớn hay nhỏ, những người từng tạo nên các kiệt tác kimono hay những nghệ sĩ kimono mới nổi, tất cả đều bình đằng. Vẻ đẹp truyền thống Nhật Bản sẽ gây ấn tượng và cổ vũ người dân trên toàn thế giới, thắp lên hy vọng về một ngày mai ta chung sống hoà bình, bất kể sự khác biệt nào về tôn giáo, chính trị, màu da".
Ước tính để sản xuất một bộ kimono cần khoảng 1 triệu yên, số tiền này được tài trợ từ các chiến dịch tìm nguồn cung ứng và từ công ty. Các bộ kimono sẽ được trưng bày tại Thế vận hội Olympic Tokyo 2020 đang diễn ra ở Nhật Bản và tại Hội chợ triển lãm Osaka và Kansai năm 2025. Những kiệt tác kimono cũng có thể được chiêm ngưỡng trực tuyến.