Ngoạn du xứ Phù tang, đắm mình trong suối nước nóng

05/12/2012

Một lần đến thăm Nhật Bản dịp thu sang, xứ Phù Tang đã làm tôi ngất ngây. Lãng mạn không kém Hàn Quốc hay Canada, ước lệ không thua Châu Âu, hành trình 8 ngày khắp đảo Honshu trên đất nước mặt trời mọc đủ làm bước chân lữ khách bồi hồi đến khó tả.

Bài: An Nam. Ảnh:  Namnghivyc, Thinkstock

Bình minh ở Nikko

Rời xa những tòa nhà chọc trời và trung tâm mua sắm sôi động của thủ đô, chúng tôi hướng đến Nikko trên chuyến xe buýt dài chưa đầy 2 tiếng khởi hành lúc sáng sớm. Cách Tokyo 130 km về phía Bắc, Nikko nổi tiếng về phong cảnh hữu tình. Người Nhật nói rằng, đừng dùng từ kekko nếu chưa một lần nhìn thấy Nikko. Trong tiếng Nhật kekko có nghĩa là đẹp, còn nikko mang nghĩa ánh dương. Là thủ phủ tỉnh Tochigi, Nikko thu hút khách thập phương bởi ngôi đền thờ Nikko Tosho-gu và công viên quốc gia Nikko với những thác nước tung bọt trắng xóa cùng nhiều con đường mòn chan hòa sắc màu cỏ cây hoa lá.

Tosho-gu đưa du khách ngược dòng lịch sử về thế kỉ 17. Vị tướng Ieyasu Tokugawa sinh ra trong giai đoạn chiến tranh loạn lạc và ông đã anh dũng đứng lên thống nhất đất nước. Được tôn làm Seii-thaishogun (đại tổng tư lệnh) năm 1603, Ieyasu mở ra đế chế Tokugawa Shogunate ở Edo (Tokyo). Sau khi mất (1616), theo lệnh Ieyasu người ta cho xây ngôi đền thờ ở Nikko bởi thành phố này tọa lạc phía bắc Edo, hướng ma quỷ thường xuất hiện. Ieyasu muốn đặt mình ở đó để bảo vệ Nhật Bản.

Chúng tôi như bị lạc vào khu rừng xinh đẹp quy tụ 12 ngôi đền thờ Thần Đạo (Shinto) và Phật giáo. Tosho-gu được mở rộng thành khu phức hợp nhuộm màu kiến trúc Nhật Bản vào nửa đầu thế kỉ 17 do bàn tay Iemitsu, cháu trai của Ieyasu, xây dựng. Anh hướng dẫn viên Yamato cho biết đây là giai đoạn thanh bình nhất ở Nhật Bản nhờ đó nền văn hóa phát triển rực rỡ.

Không thể đếm hết các phù điêu, mảng điêu khắc gỗ tinh xảo cùng số lượng lá vàng được sử dụng, chỉ biết người Nhật đã gọi công trình này là một trong những đỉnh cao trong trang trí đền đài truyền thống. Yamato kể cho chúng tôi các con số ấn tượng: dựa theo giá trị hiện tại, công trình tiêu tốn đến 40 tỉ Yên. Tổng cộng có 15.000 thợ điêu khắc lao động trong vòng gần 2 năm, dùng 2,5 triệu lá vàng, 140.000 vật liệu gỗ để hoàn thành 35 công trình kiến trúc.

Tháp Youmeimon ở cổng ngoài gây choáng ngợp với du khách bằng 300 khối điêu khắc ấn tượng. Hình chạm trổ ma quỷ trong truyền thuyết, rồng phượng, hươu nai, sư tử, những nhà hiền triết… khiến tôi hoa cả mắt. Yamato dắt chúng tôi đến 3 mảng điêu khắc nổi tiếng bao gồm bộ bộ khỉ ba không “không nhìn thấy ma quỷ, không nói với ma quỷ và không nghe ma quỷ nói” ở đền thờ Shinkyusha. Dọc theo hành lang phía Đông của ngôi đền chính là mảng điêu khắc chú mèo đang ngủ nhưng vẫn tập trung quan sát xung quanh. Bức phù điêu thứ 3 nằm ở toà kiến trúc Kamijinko - ngôi nhà của thần thánh với điêu khắc hình voi dũng mãnh. Tosho-gu cuốn bước chân lữ khách lang thang không biết mệt mỏi, ngắm nhìn những mảng điêu khắc để rồi tan biến đi trong khoảng không gian nào đó giữa hư vô.

Hoàng hôn ở Hakone

Từ Tokyo, chúng tôi đón chuyến tàu JR (Japan Railways) khởi hành từ ga trung tâm đến Odawara rồi lại nối chuyến đến Hakone-Yumoto. Yumoto nằm trên lối vào khu vực thị trấn Hakone là khu suối nước nóng nổi tiếng bậc nhất Nhật Bản với lịch sử từ lâu đời. Dòng nước nóng từ lòng đất mang theo nhiều khoáng chất có lợi cho sức khỏe vì thế mà nhiều nhà tắm và nhà nghỉ đều tập trung nơi đây.

Trước khi về khách sạn, Yamato đưa chúng tôi đến công viên Hakone, nơi mọi người hứng thú luộc trứng dưới dòng nước lên đến 800C. Chất lưu huỳnh trong nước khiến những quả trứng vỏ trắng biến thành màu đen sau khi chín. Yamato dí dỏm cho biết, người Nhật tin rằng ăn 1 quả trứng luộc ở đây sẽ giúp tăng thêm 1 năm tuổi thọ.

Chiều xuống, chúng tôi đến nghỉ tại ryokan - một loại khách sạn cung cấp dịch vụ tắm nước nóng được dẫn từ suối vào. Phòng khách sạn cho 2 người ở ryokan mang tên Yumoto giá khoảng 15.000 Yên/đêm bao gồm 2 bữa ăn tối và ăn sáng. Tùy vào từng ryokan nhưng đa số bắt đầu check-in lúc 14h giờ (một vài nơi là 16h) và check-out lúc 10h sáng hôm sau.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Căn phòng ryokan mang nét đặc trưng kiểu Nhật với sàn lót chiếu tatami, cửa kéo bằng gỗ. Nệm được đặt trong tủ, khi khách đi ngủ sẽ tự trải cho mình. Chúng tôi thưởng thức những chiếc bánh gạo mềm có vị ngọt dịu với nhân đậu xanh đậu đỏ cùng chén trà ấm, ngoài kia hoàng hôn đang xuống trải lên bầu trời những mảng hồng quyến rũ.

Hào hứng khám phá những nhà tắm vốn đọc nhiều trong tiểu thuyết hay thậm chí là từ cuốn truyện tranh Doremon, chúng tôi nhanh chóng khoác lên người chiếc áo choàng yukata hăm hở xuống tầng trệt. Sau tấm rèm, nhiều người không quen dễ ngại ngùng khi xung quanh tất cả đàn ông đều trong trang phục Adam thoải mái chải đầu, sấy tóc, lau người trước gương. Sau khi cũng “phục trang” giống họ, chúng tôi hăm hở vào khu vực bể nước nóng.

Khu vực tắm nước suối nóng chia thành 2 gian nam nữ riêng biệt và có 2 hồ nước trong nhà và ngoài trời tùy theo sở thích từng du khách. Cảm giác đầu tiên là nóng, rất nóng, nóng đến hơn 400 C. Có lẽ biết là khách lạ nên anh bạn người Nhật tận tình hướng dẫn chúng tôi đứng ngâm chân vài phút cho cơ thể làm quen với nhiệt độ. Cả nhóm trông khá vui nhộn vì đứng thành một hàng chẳng mảnh vải trên người. Sau phút lóng ngóng, khi đã trầm mình vào bể nước, cảm giác ấm áp lan toả khắp cơ thể. Không lâu sau, trán tôi bắt đầu lấm tấm mồ hôi, đó là lý do họ phát cho du khách những chiếc khăn mặt nhỏ dùng gấp lại rồi đặt trên đầu.

Bể nước nóng ngoài trời thiết kế thân thiện bằng đá tự nhiên. Làn khói bay là là trên mặt nước kèm tiếng nước chảy róc rách khiến không gian trở nên huyền hoặc, tôi cùng mọi người lim dim hưởng thụ cảm giác thanh bình sau một ngày dài.

Gần một tiếng thư giãn làm chúng tôi đói run người. Mọi người quây quần bên phòng ăn dành riêng cho từng gia đình hay nhóm khách. Món khai vị được bày biện một cách tinh tế trên giỏ đan bằng tre với những miếng sashimi - cá sống tươi ngon. Món đặc biệt khiến không ít thành viên giật mình là những chú tôm sống nhảy tanh tách được đem ra mời thực khách. Bà Yoshiko, một nhân viên khá vui tính nói thứ tiếng Anh chậm rãi, nhanh tay tách đầu, vỏ tôm làm mẫu. Miếng tôm tươi, quyện chút nước tương và mù tạc ngon, ngọt và giòn đến không ngờ. Các bạn nữ thích món cơm nấu tại chỗ bằng chiếc nồi kim loại nhỏ để sẵn gạo và nước. Chỉ cần châm lửa cho miếng cồn cháy hết là cơm vừa chín tới, hạt dẻo thơm lừng ngay đầu mũi.

Sau bữa tối chúng tôi lại rủ nhau tiếp tục đi ngâm mình trong nước nóng. Trời thu hôm nay trăng thanh và lấp lánh sao, gió thi thoảng lùa khẽ qua bể nước mát lạnh.

Chạm bước Fujisan

Bình minh lên soi sáng mặt hồ Kawaguchi cũng là lúc chúng tôi lên xe hướng thẳng về núi Phú Sĩ (Fujisan) với tâm trạng hồi hộp. Sau nửa giờ, chiếc xe buýt chầm chậm tiến qua cổng vào dưới chân núi. Tin vui làm cả đoàn thở phào vì hôm nay thời tiết tốt, xe được phép lên đến trạm thứ 5, trạm dừng cao nhất bằng xe cơ giới. Những ngày thời tiết xấu, mây mù phủ kín, du khách chỉ có thể lên đến độ cao khoảng 2000m. Chiếc xe lượn theo những con người ngoằn ngoèo vắng lặng, một bên là rừng cây lá đã ngả màu vàng đỏ, bên kia là vực sâu hún hút.

Phú Sĩ là ngọn núi cao nhất Nhật Bản (3776m), nằm giữa đồng bằng, lại có tuyết bao phủ nơi phần đỉnh núi, là nguồn cảm hứng của rất nhiều văn sĩ và thi sĩ xứ Phù Tang cũng như các nhiếp ảnh gia và họa sĩ khắp bốn phương.

Không gian trạm số 5 mở ra với những mảng trắng xen kẽ gốc thông nâu xám. Mặt trời lên cao trên bầu trời xanh ngắt nhưng không khí lạnh vẫn ùa vào cửa xe. Lần đầu bước trên những mảng tuyết xốp, chúng tôi chạy đùa như những đứa trẻ. Với cư dân miền nhiệt đới, tuyết là một cái gì đó thật kỳ diệu, nhiều bạn trẻ bỏ cả găng tay thọc vào lớp tuyết như để cảm nhận một cách gần gũi nhất ngọn núi thiêng.  

Trạm số 5 tập hợp vài ngôi nhà nằm sát nhau. Một trong số đó là bưu điện có bán tem để du khách gửi postcard cho người thân và những tấm bưu thiếp đầy ý nghĩa sẽ được chuyển đi với con dấu từ độ cao 2300m. Ngoài nhà hàng, quầy lưu niệm là nơi thu hút không kém với tranh, ảnh về núi Phú Sĩ, ly tách, đĩa, đồ mĩ nghệ, bánh kẹo truyền thống và cả những nhũ hoa giả khá ngộ nghĩnh được du khách cá tính ưa chuộng.

Phía sau trạm, cổng chào đón du khách với lối dẫn lên đỉnh núi bằng đường bộ. Vài nhà leo núi trang bị đầy đủ giày, áo, gậy chuyên dụng bắt đầu hành trình lên đỉnh. Với điều kiện thời tiết tốt, chuyến đi có thể kéo dài một đến hai ngày và đòi hỏi nhiều thể lực. Chúng tôi dành trọn vẹn cả buổi chỉ để lang thang trong rừng thông, chơi ném tuyết như trẻ con hay nhấm nháp ly cà phê nóng. Phú Sĩ trong ánh chiều uy nghi nhưng rất gần gũi. Chúng tôi chia tay ngọn núi xuôi xuống miền Nam đảo Honshu trong miên man suy nghĩ về vùng đất mới trước mắt mang tên Kobe.

Bữa tối khó quên ở Kobe

Đã qua nhiều ngày dài ở đất nước mặt trời mọc, chạm ngõ nhiều công trình và kiệt tác của con người lẫn thiên nhiên, chúng tôi đến Kobe trong buổi chiều trời vào thu. Là thành phố lớn thứ 5 ở Nhật, Kobe khoác trên mình chiếc áo cổ kính mà hiện đại. Khoảng đầu TK II trước Công nguyên, thành phố này đã từng được ghi chép trong sách sử là nơi tọa lạc của bến cảng thương mại quan trọng. Ngày nay Kobe là cảng container lớn thứ 4 ở Nhật Bản.

Người ta nói muốn vui chơi thì đến Oksaka nhưng ăn uống thì nhất định phải Kobe và chúng tôi quyết định thử món thịt bò Kobe nổi tiếng thế giới. “Kobe niku” theo tiếng Nhật là tên gọi của món thịt bò hảo hạng làm say lòng bao thực khách. Giữa thành phố tràn ngập những tiệm bán thịt bò với bảng quảng cáo bắt mắt, chúng tôi theo chân Yamato đến một nhà hàng có uy tín.

Theo lời anh Takehiro, đầu bếp trực tiếp của chúng tôi hôm nay, thì bò Kobe khác biệt bởi miếng thịt có hương thơm quyến rũ, vị béo vừa quyện vào đầu lưỡi rồi tan dần trong khoang miệng. Để có bữa tối thịt bò Kobe thứ thiệt, chúng tôi phải đặt hàng công ty du lịch tại Nhật chuẩn bị từ cả tháng bởi thật sự không nhiều bò Kobe được cung cấp hàng ngày. Nếu bò mang tên Kobe có thể là chỉ được nuôi dưỡng theo phương pháp ở Kobe mà thôi. Miếng thịt bò đỏ tươi được mang ra trước mặt thực khách, tôi có thể thấy những mảng mỡ xen kẽ hứa hẹn vị béo ngậy và thơm lừng khi được áp chảo. Takehiro biểu diễn món bò ngay trước quầy bar và sau đó dọn món trực tiếp đi kèm khoai tây nghiền và xà lách. Cắt miếng thịt bò còn nóng hổi, nêm một chút tiêu đen, tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Đó có lẽ là miếng thịt bò ngon nhất cả nhóm từng nếm qua. Thịt bò mềm, béo, thơm cứ chực tan trong miệng đến nỗi không ai kịp dừng lại tấm tắc khen mà cắt ngay miếng thứ hai.

Chuyến xe về Osaka mang theo nhiều nỗi niềm và cảm xúc khó tả trong tôi. Hành trình những ngày trên đất nước phù tang vẫn đang tiếp diễn. Chúng tôi đã chạm đến đất nước Nhật Bản ở nhiều phương diện từ con người, văn hóa, tín ngưỡng, thiên nhiên và cả ẩm thực. Một xứ sở thật đặc biệt với nhiều điều mới lạ mà chúng tôi vẫn chưa dừng bước. Ngày mai sẽ là Kyoto, sẽ là Osaka hay Nagoya, những điểm đến mang đậm chất lịch sử của những triều đại, những thế hệ samurai nổi tiếng đang chờ chúng tôi khám phá… 

Thông tin thêm:

+ Nhật Bản nằm phía Đông Bắc của Châu Á có diện tích 379.000km2 gồm 4 đảo lớn theo thứ tự Bắc xuống Nam: Hokkaido, Honshu, Shikoku va Kyushu cùng hàng ngàn đảo lớn nhỏ.

+ Khí hậu ở Nhật có bốn mùa thay đổi rõ rệt: mùa xuân hoa anh đào nở rộ, mùa hè cây cối xanh mướt, mùa thu lá phong (momiji) đỏ thắm, mùa đông tuyết trắng tinh khôi…

+ Du lịch Nhật Bản được đánh giá rất cao bởi dịch vụ hàng đầu, các món ăn nổi tiếng…

+ Người Nhật rất kín kẽ, lịch sự, tôn trọng du khách. Không gian và môi trường sạch sẽ mang đến cảm giác thư thái, thoải mái.

 

RELATED ARTICLES