Được ví như “Alantis” của nước Ý, Curon là một ngôi làng cổ nằm ở hồ Reisa phía Bắc đất nước hình chiếc ủng, sát biên giới Áo và Thụy Sĩ. Trong suốt 70 năm qua, đây là địa điểm thu hút khách du lịch với dòng nước xanh ngọc và tháp đồng hồ cô độc nhô lên giữa lòng hồ.
Ngôi làng nằm ở phía Nam dãy Alps từng là nơi cư trú của khoảng 900 hộ dân người Áo. Vào thế kỷ 14, người Ý đến, mang theo kế hoạch nhấn chìm ngôi làng để xây nhà máy thủy điện. Cư dân nơi đây không đủ sức phản đối, đành phải chấp nhận di dời, bỏ lại nhà cửa của mình và xây dựng ngôi làng mới ngay cạnh hồ nước Reisa.
Giữa năm 2021, các công nhân nhà máy thủy điện đã rút cạn nước hồ để phục vụ sửa chữa nhà máy thủy điện. Sau hơn 70 năm nằm im dưới đáy hồ, làng Curon đã trở lại mặt đất. Sự kiện thu hút lòng hiếu kỳ của giới truyền thông địa phương. Rất nhiều bức ảnh và video về ngôi làng “ma” được đăng tải lên mạng xã hội. Nhiều du khách nóng lòng được nhìn tận mắt khung cảnh hoang tàn đổ nát của ngôi làng nhưng điều này rất khó thực hiện bởi điểm du lịch này đã đóng cửa từ khi đại dịch bắt đầu. Và khi việc sửa chữa dần hoàn thành thì hồ nước có lẽ cũng được lấp đầy và ngôi làng sẽ lại một lần nữa trở về đáy hồ.
Ngôi làng dự kiến sẽ mở cửa đón du khách trở lại khi tình hình dịch bệnh đã ổn định hơn. Làng Curon luôn đẹp quanh năm nhưng mùa đông là thời điểm lý tưởng nhất để ghé thăm ngôi làng chìm. Vào thời điểm này mặt hồ sẽ đóng băng, du khách sẽ có cơ hội tiếp cận với tháp đồng hồ cổ giữa lòng hồ.