Hình ảnh những chiếc xe máy chở đầy đồ ăn vội vã băng qua các con phố đông đúc đã trở thành một phần không thể thiếu của cuộc sống đô thị hiện đại. Bộ phim tài liệu "Upstream" của đạo diễn Từ Tranh đã chọn góc nhìn cận cảnh để khai thác một khía cạnh ít được chú ý của xã hội: cuộc sống của những người shipper. Qua ống kính của đạo diễn, chúng ta được chứng kiến những gian nan, vất vả mà họ phải đối mặt hàng ngày, từ việc chạy đua với thời gian để giao hàng đúng hẹn đến việc đối mặt với những áp lực từ công việc và cuộc sống. Đây còn là nét khắc hoạ những con người âm thầm "ngược dòng" giữa áp lực thời gian và guồng quay khắc nghiệt của nền kinh tế số.
Thông điệp tích cực sau một năm kinh tế buồn
Sau đại dịch Covid-19, nền kinh tế toàn cầu rơi vào vùng trũng suy giảm, mang đến những tác động tiêu cực cho người dân. Giống phần còn lại của thế giới, những doanh nghiệp xứ tỷ dân đối mặt với nhiều lựa chọn khắc nghiệt, dẫn đến hệ lụy là chính sách cắt giảm hàng loạt nhân sự của nhiều doanh nghiệp. Nhiều người đàn ông, phụ nữ dù có bằng cấp và thâm niên lâu năm vẫn bị đào thải, một sáng thức dậy từ trụ cột gia đình bỗng trở thành gánh nặng cho cả nhà.
Lập trình viên Cao Chí Lũy (do chính Từ Tranh thể hiện) mỗi ngày phải chích insulin vì bệnh tiểu đường, đã gắn bó và đổ công sức cho công ty hơn 10 năm. Mỉa mai thay, một ngày nọ, anh được đánh giá là không đủ tiêu chuẩn làm việc và bị sa thải bởi chính thuật toán tối ưu hóa nhân sự do chính phòng ban anh phát triển.
Từ người đàn ông lo cho cả gia đình, nay Cao Chí Lũy đứng trước nỗi ê chề, cùng khoản chi phí khổng lồ mà anh phải trả vào tháng tới. Nhân vật chính có thử rải đơn xin việc khắp nơi, nhưng đều bị từ chối với lý do “quá tuổi”. Cơ duyên mang anh đến với nghề tài xế công nghệ, nhưng hóa ra công việc này không nhẹ nhàng chút nào. Ngoài việc gặp phải với những hiểm nguy ngoài đường phố, anh còn đối mặt với sự thất vọng từ cha mẹ, bạn bè. Điều quan trọng nhất là, tương lai Cao Chí Lũy và gia đình anh sẽ đi về đâu?
Nỗi ám ảnh lớn nhất của shipper không chỉ là hoàn thành các đơn hàng trong ngày một cách nhanh nhất mà còn đối mặt với việc bị đánh giá xấu trên ứng dụng, ảnh hưởng đến sinh kế của họ. Trong Upstream, Cao Chí Lũy cũng trải qua tất cả những ám ảnh của cái nghề như chú ong thợ này.
Một chi tiết đặc sắc mô tả Cao Chí Lũy bị thương sau một tai nạn xe, đi khập khiễng và đang bị chấn động vì cú va chạm, nhưng trong đầu anh chỉ nghĩ đến một điều duy nhất là làm sao để không bị đánh giá xấu. Anh dựng xe dậy và chạy vào một quán bar, đảo mắt nhìn đám đông ồn ào, tuyệt vọng tìm kiếm khách hàng của mình. Một chàng trai trẻ ra hiệu, Cao Chí Lũy đưa túi đồ chứa đầy xiên nướng, rồi giơ hai tay lên ăn mừng. Nước mắt vui sướng hòa lẫn với bụi bẩn và máu trên má shipper.
Qua lời thoại của các nhân vật, Từ Tranh không ẩn ý hay đề cập shipper như một nghề “thấp hèn”, mà chỉ nhấn mạnh sự rủi ro và tính bấp bênh. Nhưng sau tất cả, thông điệp chính của Ngược dòng cuộc đời vẫn là vượt qua hoàn cảnh, dùng thế mạnh của bản thân để tiến bước.
Tiếng nói ngợi ca những “hiệp sĩ đường phố vô danh”
Nếu như những diễn viên quần chúng được ngợi ca trong những bộ phim của Châu Tinh Trì góp phần tạo nên những thước phim hài hước, thì Từ Tranh chọn chấp bút cho kịch bản về những người hùng thầm lặng của thời đại công nghệ. Cả hai bộ phim đều khơi gợi sự đồng cảm và trân trọng đối với những con người thường bị lãng quên, những người đã đóng góp thầm lặng cho cuộc sống của chúng ta. Họ cũng là người dễ nhận phần thiệt thòi về mình, tuy nhiên lại luôn như vô hình giữa xã hội.
Trước đây, nghề tài xế công nghệ thường bị đánh giá thấp, thậm chí còn bị xem nhẹ. Hình ảnh những người chạy xe ôm công nghệ len lỏi giữa dòng xe cộ đông đúc chỉ là một phần nhỏ trong bức tranh đô thị nhộn nhịp. Tuy nhiên, nhờ sự phát triển của các nền tảng video và những bộ phim tài liệu như "Upstream" của Từ Tranh, công chúng mới có cơ hội nhìn sâu vào cuộc sống và công việc của họ. Những "hiệp sĩ vô danh" này đã dần được xã hội công nhận và trân trọng hơn. Những góc khuất của giới shipper, mà hẳn những ai chưa từng tay cầm lái, tay “bốc đơn” sẽ không tưởng tượng được.
Từ Tranh đã khéo léo gom nhặt những khó khăn mà bất kỳ người shipper nào cũng từng trải qua, rồi đan xen chúng lại trong một ngày làm việc đầy thử thách của Cao Chí Lũy. Xe hết điện giữa đường, lạc vào những con hẻm tối tăm, bị khách hàng hủy đơn một cách vô cớ... tất cả đều là những tình huống mà người xem như đang tận mắt chứng kiến. Dự tính ban đầu của nam chính là sẽ thu về 15 nghìn tệ, nhưng đến cuối tháng, trừ hết tổn thất, anh chỉ được 4 nghìn. Dẫu điều này khiến kịch bản có hơi sắp đặt ở nửa đầu phim, nhưng cũng giúp khán giả ngay lập tức hiểu được các áp lực không biết kể cùng ai của các bác tài.
Đạo diễn Từ Tranh đã khéo léo tạo ra một sự cân bằng giữa những tình huống hài hước và những khoảnh khắc xúc động. Những khách hàng khó tính không phải là nhân vật phản diện mà chỉ là những thử thách giúp Cao Chí Lũy rèn luyện bản thân. Trong khi đó, tình cảm gia đình ấm áp lại là động lực để anh vượt qua mọi khó khăn. Bộ phim đã cho thấy rằng, dù làm bất cứ công việc gì, miễn là chúng ta làm việc với tấm lòng chân thành thì sẽ luôn nhận được sự tôn trọng và yêu quý. Và quan trọng hơn, hạnh phúc không đến từ những thứ vật chất mà đến từ tình yêu thương của những người xung quanh.
Sau khi xem phim, khán giả sẽ có góc nhìn khác với thân phận các bác tài. Phải đặt lăng kính đằng sau vai người tài xế, tác phẩm mới có thể truyền tải một lát cắt khác của đời sống thành thị, luôn hiện hữu nhưng ít ai nghĩ đến. Xuyên suốt phim, đạo diễn cũng gửi gắm thông điệp rằng nếu tài xế công nghệ đã hết lòng, thì khách hàng cũng nên có thái độ chân thành, tôn trọng hơn để khích lệ họ.