Cách trung tâm Thủ đô 35 km, làng hương Quảng Phú Cầu hay còn gọi làng hương xà cầu là địa điểm check-in khá nổi tiếng nằm ở ngoại ô Hà Nội. Với tuổi đời lịch sử truyền thống suốt hơn một thế kỷ, làng nghề làm tăm hương Quảng Phú Cầu thuộc xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hoà, Hà Nội. Đến nay, làng hương Quảng Phú Cầu vẫn tồn tại và trở thành một trong những nét đẹp đặc biệt khắc họa rõ nét văn hoá của làng quê đồng bằng Bắc Bộ.
Trước đây, nghề làm tăm hương chỉ xuất hiện chủ yếu ở khu vực thôn Phú Lương Thượng. Tiếng lành đồn xa, nghề này đã dần lan rộng khắp thôn Đạo Tú, Cầu Bầu. Không biết từ bao giờ, xã Quảng Phú Cầu đã trở thành một trong những làng nghề tăm hương nổi bật nhất ở vùng ngoại ô Thủ đô. Nơi đây giữ trọn nét đẹp in đậm dấu ấn của một vùng làng quê đồng bằng Bắc Bộ ngày trước nhưng vẫn trộn lẫn nét hiện đại.
Có dịp đến với làng hương Quảng Phú Cầu, anh Thanh Phong (43 tuổi, Hà Nội) được trực tiếp trải nghiệm các công đoạn làm hương và tìm hiểu về nơi đây bởi anh đang tham gia một số dự án về bảo tồn văn hóa truyền thống làng nghề ở Việt Nam.
Ngay từ giây phút đầu tiên bước chân đến cổng làng, dường như anh Thanh Phong đã cảm nhận nhịp sống tất bật, hối hả của người dân nơi đây. Men theo con đường mòn quanh co dẫn vào làng, không khó để bắt gặp hình ảnh những chiếc xe, thô sơ hay hiện đại cũng đều có, lần lượt nối đuôi nhau vận chuyển những bó hương đem đi buôn bán khắp nơi.
Vào những ngày nắng đẹp, dạo quanh làng hương một vòng, du khách sẽ nhìn thấy hình ảnh người dân đang miệt mài phơi hương. Lúc này, những bó hương đỏ tựa đóa hoa khổng lồ được phơi khắp sân nhà, sân đình và cả các bãi đất trống, vẽ nên bức tranh rực rỡ giữa nền trời trong xanh. Đâu đó thoang thoảng theo cơn gió là mùi thơm dịu nhẹ của tăm hương khiến du khách thêm thư thái và dễ chịu.
Trong chuyến đi khám phá làng hương Quảng Phú Cầu, anh Thanh Phong có cơ hội ngồi lại cùng trò chuyện với người dân địa phương, nghe họ kể về những câu chuyện để làm nên những bó hương hoàn chỉnh. “Nếu muốn xem người dân phơi nhuộm thì phải đi sớm. Vì để đón được nắng từ sớm nên người dân bắt đầu nhuộm hương từ 5 giờ sáng đến tầm 6, 7 giờ là bắt đầu phơi. Tầm hơn 10 giờ là mọi người nghỉ không còn nhuộm nữa. Khi đó, các cơ sở sản xuất chỉ còn làm tăm hoặc se hương trong nhà. Buổi chiều thì tầm 2 giờ họ sẽ nhuộm hoặc phơi một mẻ nữa và thu mẻ phơi buổi sáng”, anh Thanh Phong cho biết.
Mỗi người một việc, dường như đã thành thói quen, những đôi tay thoăn thoắt chẻ vầu, bó tăm, nhuộm phẩm, se hương rất thành thạo. Mỗi công đoạn làm hương đều đòi hỏi sự tỉ mỉ và cẩn thận. Tiếng lạch cạch chẻ vầu, bó tăm, tiếng máy xẻ, se hương, tiếng nói trao đổi nhỏ to lẫn trong mùi hương ngai ngái của chân hương đã tạo nên nét đặc trưng của làng làm hương Quảng Phú Cầu.
Phần vầu dùng để làm tăm hương phải đủ “tuổi”, trải qua quá trình sàng lọc kỹ càng mới được mang đi hoàn thiện. Nếu trước kia, người dân thường vót dầu theo phương thức thủ công thì ngày nay, họ đã nhờ tới máy móc để năng suất tăng lên.
Theo cách làm truyền thống, đối với việc se hương, người thợ phải lăn thật nhẹ và chắc tay để cho bột bám đều vào que hương. Ngày nay, với công nghệ hiện đại, các cơ sở đều đầu tư máy móc để công đoạn này nhanh hơn, năng suất tăng gấp nhiều lần. Hương sau khi se xong phải phơi đủ nắng mới không bị mốc và để được lâu. Bởi vậy, để tạo thành phẩm hoàn chỉnh đến tay người dùng, mỗi nén hương đều được đặt trọn tâm huyết của người thợ lành nghề.
Tuỳ từng loại hương, người thợ sẽ lựa chọn nguyên liệu phù hợp. Nguyên liệu dùng để làm hương phải được lựa chọn cẩn thận bởi nghề này vốn mang nhiều yếu tố tâm linh, thế nên người dân chẳng dám làm qua loa, sơ sài. Nguyên liệu của hương thường được làm từ trầm, tùng, trắc, bạch chỉ, hoắc hương, hoa hồi, quế chi, nhựa cây trám, củ, rễ cây hương bài, than xoan... Với nguyên liệu thảo mộc, bí quyết pha trộn riêng biệt, tỉ mỉ trong từng công đoạn, hương của Quảng Phú Cầu luôn thơm lâu, bền màu, đẹp mắt.
Tăm hương làng Quảng Phú Cầu có kích thước lớn, đầu chụm vào nhau và phần chân xòe tròn, sử dụng màu vàng và đỏ chủ đạo nên rất bắt mắt và nổi bật. “Rừng” hương rực rỡ này trở thành "studio” hoàn hảo giúp các tín đồ đam mê sống ảo chụp được muôn vàn bức ảnh xinh xắn.
Chia sẻ với độc giả Travellive, anh Thanh Phong gợi ý: “Có hai địa điểm phục vụ du lịch lớn là chỗ sân đình và một cơ sở gần đó. Vì họ làm du lịch nên bày biện sắp xếp sản phẩm rất đẹp, mọi người đến chụp ảnh check-in dễ dàng có ảnh đẹp, cũng không cần phải có kinh nghiệm gì. Bạn cũng có thể nhờ các bác các chị ở đó chụp hộ cũng được, vì ở đây họ đã quen với việc này. Vé vào chỗ đấy tầm 50.000-100.000 đồng”.
“Bạn có thể dễ dàng đi đến làng Quảng Phú Cầu bằng xe máy hoặc xe buýt nếu đi từ trung tâm Hà Nội. Nếu bạn thích ngồi xe buýt ngắm cảnh, hãy chọn xe buýt số 91 đi từ bến xe Yên Nghĩa sẽ dễ dàng hơn khi đến với ngôi làng tuyệt đẹp này”, anh Thanh Phong nhắn nhủ.
Hiện nay, làng hương Quảng Phú Cầu không chỉ bán hàng theo cách truyền thống như trước kia, các cơ sở của làng đã và đang nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu riêng, áp dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh. Tăm hương của làng Quảng Phú Cầu không chỉ được người tiêu dùng Hà Nội ưa chuộng mà còn là mặt hàng quen thuộc ở nhiều thị trường khác trong và ngoài nước.