Người lưu giữ quá khứ Đà Lạt

19/03/2013

Đà Lạt trầm lắng thế nhưng có khá nhiều “kỳ nhân”, trong đó có nhà sưu tập mà nhiều nhiều đã gọi một cách trìu mến là Tuấn “đồ cổ” Đà Lạt. Trong ngôi nhà riêng được thiết kế như một bảo tàng thu nhỏ, anh say mê nói về những món cổ vật đi cùng năm tháng gắn liền với thành phố du lịch nổi tiếng của Tây Nguyên này.

Bài và ảnh: Khắc Dũng

Là sinh viên ngành sử nên hơn ai hết Nguyễn Văn Tuấn ý thức sâu sắc những giá trị lịch sử của Đà Lạt thông qua các hiện vật. Trong hơn 10.000 hiện vật mà anh sưu tầm được, hầu hết đều liên quan đến lịch sử Đà Lạt. Tuấn tâm sự: “Vô tình, không ít người đang đánh mất quá khứ Đà Lạt nhưng họ không biết. Trong khả năng của mình, tôi cố gắng tìm lại, giữ lại những gì có thể…”.

“Vô tình, không ít người đang đánh mất quá khứ Đà Lạt nhưng họ không biết. Trong khả năng của mình, tôi cố gắng tìm lại, giữ lại những gì có thể…”. (Nguyễn Văn Tuấn, nhà sưu tập cổ vật Đà Lạt)

Tôi tìm đến nhà Nguyễn Văn Tuấn (51 tuổi) trong một ngõ hẻm ở số 157/2 Phan Đình Phùng, Đà Lạt trong lúc anh loay hoay viết phần intro cho mấy tác phẩm âm nhạc để dạy mấy cô cậu học trò. Tuấn bảo tôi chờ anh tí. Tôi vào phòng trong và tha hồ ngắm nhìn những hiện vật, trong đó có không ít cổ vật, trong bộ sưu tập của anh. Gian phòng trưng bày khá chật hẹp. Vài chiếc tủ kính được chủ nhân bày biện khá khoa học và cũng hết sức tiết kiệm diện tích. Trên gác của căn nhà nhỏ, anh dành riêng một phòng làm “kho” để đựng những hiện vật. Hiện vật ngổn ngang, món này chồng lên món kia và tràn ra cả lối đi.

BỘ SƯU TẬP QUÝ

Ngoài sưu tầm đồ cổ, Tuấn còn là cây ghita nhạc cổ điển khá nổi tiếng ở Đà Lạt. Người ta thường gọi Tuấn là Tuấn ghita, Tuấn đồ cổ, và có người còn gọi anh là Tuấn khùng. Không rõ Tuấn “khùng” đến mức nào, nhưng khi ngồi nói chuyện với anh, tôi không thấy Tuấn “khùng” chút nào cả. Riêng về đồ cổ, bộ sưu tập của Tuấn hiện đã lên đến 10.000 món. Trong đó có những món cực kỳ quý như máy tính tiền xưa nhất thế giới có ở Đà Lạt, máy hát đĩa hiệu Pathé lớn nhất Việt Nam ở Đà Lạt, máy đan len đầu tiên của Đà Lạt. Bộ sưu tập của Tuấn đã từng ra mắt người dân Đà Lạt và du khách lần đầu tiên vào năm 2005, và sau đó là năm 2008… bằng các cuộc triển lãm tại hồ bơi Phù Đổng (đường Phù Đổng Thiên Vương), thao trường Lâm Viên; hoặc bằng các cuộc trưng bày tại khu du lịch Thung Lũng Tình Yêu…

Tuấn cho tôi xem cuốn sổ lưu niệm có lời nhận xét của nhiều du khách hiện anh vẫn đang cất giữ. Có quá nhiều lời ca ngợi về những hiện vật của anh và ca ngợi chủ nhân trong cuốn sổ lưu niệm ấy. Những lần triển lãm, Tuấn thường chia hiện vật của mình thành những chủ đề lớn, trong đó, hai chủ đề mà anh tâm đắc nhất là hiện vật của những chủ nhân bản địa Đà Lạt – Lâm Đồng, hiện vật của người Việt và người Pháp sống ở Đà Lạt gắn với quá trình hình thành và phát triển của Đà Lạt. Ngắm bộ sưu tập của Tuấn, tôi như đi lạc về quá khứ của xứ sở sương mù Đà Lạt với nhiều cung bậc lịch sử - văn hóa khác nhau.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Hơn một trăm năm trước, khi người Việt và người Pháp đặt chân lên Đà Lạt cùng với các dấu vết về đời sống xã hội quá khứ của vùng đất này hẳn không quá khó khăn trong việc “nhận diện” nó thông qua những món đồ cổ mà Tuấn sưu tầm được như hệ thống máy trắc địa dùng trong đo đạc để quy hoạch thành phố Đà Lạt, bộ sưu tập đèn dầu, máy chiếu phim quay tay, cân phóng xạ, lò sưởi cổ…

Trong bộ sưu tập của Tuấn còn có hầu như toàn bộ những đồng tiền từng lưu hành ở Đà Lạt từ thời phong kiến đến thời Pháp thuộc cho đến nay: Tiền Đông Dương, tiền Bảo Đại, tiền Việt Nam Cộng hòa, tiền Ủy ban trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Tuấn đưa cho tôi xem một vài món đồ và nói: “Đây là chiếc lò sưởi gang tráng men được người Pháp đưa sang Đà Lạt từ những ngày đầu khi họ đặt chân đến đây. Chiếc lò sưởi ấy dùng để sưởi cho trẻ sơ sinh trong bệnh viện khi cắt rốn cho trẻ mới sinh và là chiếc lò sưởi dùng trong bệnh viện đầu tiên của Đà Lạt.”

Tuấn tiếp: “Còn đây là chiếc máy tính tiền rất xưa, có thể là xưa nhất thế giới, được người Pháp đưa sang sử dụng tại Đà Lạt từ những ngày đầu khi họ đặt chân đến đây. Còn đây là bếp lò do người Pháp đặt làm riêng cho họ mang qua Đà Lạt để sưởi hồi đầu thế kỷ hai mươi bởi Đà Lạt ngày ấy rất lạnh – chiếc bếp lò có dòng chữ “Pallansand Dalat”. Còn đây là bộ cúp mà rất có thể là không còn tìm thấy chiếc thứ hai ở những nơi khác…”. Đó là những chiếc cúp bóng đá Đông Dương được vua Bảo Đại “nhượng” lại từ hoàng thân Sihanouk năm 1942; cúp đua xe đạp ba nước Đông Dương năm 1947; cúp bóng đá Pháp và ba nước Đông Dương năm 1948 – 1949; cúp bóng đá Việt Minh (đình chiến) năm 1936 (Coupe de L’Armistice); cúp điền kinh chạy tiếp sức của Pháp tổ chức tại Đông Dương đầu thế kỷ 20; cúp bóng đá Bưu điện Pháp mở rộng tại Đông Dương đầu thế kỷ 20…

CÒN NHIỀU TRĂN TRỞ

Sau một vài lần trưng bày và triển lãm, hiện bộ sưu tập cả chục ngàn món của Tuấn đang… bị “nhốt” trong căn phòng tại nhà riêng khá chật hẹp của anh. “Lần triển lãm gần đây nhất của tôi là vào năm 2008. Và đó cũng là lần triển lãm sau cùng của tôi cho đến giờ!” – Tuấn nói với giọng buồn buồn. Năm ấy, tại thao trường Lâm Viên, nhân kỷ niệm 115 năm Đà Lạt, Tuấn đã chọn 115 hiện vật tiêu biểu phản ánh đời sống sinh hoạt và sản xuất của cư dân Đà Lạt sau 115 năm hình thành và phát triển để giới thiệu với du khách và người dân Đà Lạt và đã gây được ấn tượng tốt đẹp cho nhiều người đến xem. Dịp ấy, đã có không ít bài viết về anh cùng với cuộc triển lãm đã được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng trong nước và cả nước ngoài.  

Tuấn bảo: “Hiện vật liên quan đến quá khứ Đà Lạt cần được lưu giữ thì còn nhiều vô kể trong dân, trong nhiều số cơ quan nhà nước, nhiều đơn vị… nhưng vì vô tình, chúng bị mang đi bán sắt vụn bởi chủ nhân của chúng không nhìn thấy giá trị của chúng. Rồi nữa, việc “ứng xử” với những hiện vật sưu tầm được của cơ quan chức năng cũng không phải là không có vấn đề phải bàn…”. Theo lời của Tuấn, hồi Festival hoa Đà Lạt mới đây, anh đã đến một số cơ quan chức năng trong tỉnh “năn nỉ” được triển lãm 118 chiếc bình hoa cổ nhân dịp Lạt 118 năm (1893 – 2011) nhưng chẳng được hồi đáp. “Trước Festival khoảng 6 tháng, tôi gõ cửa một số cơ quan trình bày ý tưởng của mình. Lãnh đạo các cơ quan nào khi nghe tôi trình bày ý tưởng của mình cũng “bàn vào” nhưng chẳng biết vì lý do gì, cuối cùng, tôi không nhận được hồi âm”. Và vì thế, 118 bình hoa cổ được cắm 118 loài hoa Đà Lạt từ hoa dại đến hoa cao cấp theo ý tưởng của Tuấn không được “ra mắt” người dân Đà Lạt và du khách.

Nhìn số hiện vật liên quan đến Đà Lạt của Tuấn bị “nhốt” trong cái kho chật hẹp mà ái ngại. Mặc dầu không được triển lãm hoặc trưng bày trong suốt mấy năm qua nhưng nhà sưu tập cổ vật Nguyễn Văn Tuấn vẫn không tỏ ra nản lòng trong việc cất công “đi tìm lại cho bằng được” những cổ vật liên quan đến Đà Lạt “lưu lạc” ở đâu đó trong dân và ở bất kỳ địa phương nào. Gần đây, biết tại Hà Nội có một chiếc lò sưởi xưa cũ của cư dân Đà Lạt được “ra giá” mười triệu đồng, mặc dầu trong túi không còn tiền nhưng Tuấn đã tìm mọi cách chạy vạy cho đủ số tiền để mua cho bằng được. Hoặc, vô tình biết được có một chiếc chuông cổ của một dòng họ ở Cần Thơ được mang đi bán sắt vụn với giá vài chục triệu đồng sau khi “chia của”, Tuấn đã dốc hết những đồng tiền hiện có trong túi ra để đặt cọc rồi lập tức về lại Đà Lạt tìm cho đủ số tiền để gửi xuống trả đủ để trở thành chủ sở hữu của chiếc chuông cổ.

Đó là cung cách của Tuấn “đồ cổ”, một người con của Đà Lạt yêu Đà Lạt bằng cả trái tim mình.

RELATED ARTICLES