Nhà vườn xứ Huế - Không gian cư trú nhân văn - Kỳ cuối

09/08/2012

Bài và ảnh: Trần Đức Anh Sơn
Có một thực tế dường như nghịch lý đã tồn tại từ lâu, là ở nơi được gọi là khúc ruột miền Trung, nơi đất đai khiêm tốn, nhỏ hẹp nhất nước lại hình thành nên một phong cách kiến trúc chiếm dụng không gian tự nhiên nhiều nhất. Nơi đó là Huế, thành phố của những ngôi nhà vườn nổi tiếng.

Người ta bảo: “Vì dân cư thưa thớt nên Huế giàu quỹ đất để lập nhà vườn”. Cũng có người phản đối: “Là kinh đô của một nước, nơi hội tụ nhân lực của quốc gia trong ngót hai thế kỷ, sao lại nói là dân cư thưa thớt. Huế có nhiều nhà vườn bởi đó là phong cách sống của người Huế”.

Tôi nghĩ hơi khác. Chính điều kiện tự nhiên đã ảnh hưởng đến tâm tính và cảm quan của người Huế mà hình thành nên những nếp nhà vườn ở xứ thần kinh. Với người dân đồng bằng sông Hồng, cư trú trong môi trường châu thổ, đất chật người đông, sự cảm nhận tự nhiên của họ gần như gắn chặt với những cánh đồng chiêm trũng, nên khu vườn, nếu tồn tại trong ý nghĩ của họ, phải là những khu vườn có thể sinh lợi, phải có ao cá, chuồng trại, vườn rau và dăm bảy loài cây ăn trái để đảm bảo cho nhu cầu tự cấp, tự túc của gia đình. Đúng như hình ảnh trong thơ Nguyễn Khuyến: “Ao sâu nước cả, khôn chài cá. Vườn rộng rào thưa, khó đuổi gà”. Trong khi ấy, cư dân Nam bộ lại được sống trong những cánh đồng phì nhiêu cò bay thẳng cánh, nên trong tâm thức của họ làm gì có hình ảnh lũy tre hay hàng chè tàu để khuôn định nên những khu vườn, hay nhà vườn, những khái niệm luôn chứa đựng sự giới hạn về không gian (!). Với người Nam bộ, chỉ có miệt vườn mênh mông cây trái, không phải là thứ vườn có che chắn, bao bọc như ý nghĩa tự thân của chữ Viên (園) trong Hán tự, với bộ Vi (囗) bao quanh.

Chính điều kiện tự nhiên đã ảnh hưởng đến tâm tính và cảm quan của người Huế mà hình thành nên những nếp nhà vườn ở xứ thần kinh.

Xứ Huế xưa là đất Thuận Hóa, nơi được gọi là “Ô châu ác địa”, là vùng đất dữ, rừng thiêng nước độc, nơi để các triều đình phong kiến Đại Việt lưu đày tội nhân. Trong bước đường Nam tiến, di dân Thanh - Nghệ đến lập nghiệp ở xứ Thuận Hóa phải ở vào thế đối đầu với thiên nhiên khắc nghiệt ấy. Họ phải chiến đấu với muông thú hung dữ, với phong thổ lạ lùng và thời tiết không mấy thuận hòa. Ngoài ra, do tính chất “phên dậu” của Thuận Hóa đối với lãnh thổ quốc gia, lưu dân người Việt nơi đây phải thường xuyên đối phó với nạn giặc giã quấy nhiễu, nhất là với những chiến binh người Chăm chưa lúc nào chấp nhận thực tế châu Ô, châu Lý của vương quốc Champa xưa nay lại là vùng lãnh thổ phương nam của lân bang Đại Việt.

Sống trong môi trường đầy sự đối kháng như thế, người Huế chọn cách lập vườn như một cách để phòng vệ. Có vườn, họ có cảm giác nơi cư ngụ của mình được an toàn hơn, bởi lẽ vườn đã đẩy không gian hoang dã của núi rừng rời xa ngôi nhà của họ. Vườn càng nhiều, càng rộng thì khoảng cách giữa con người với muông thú, với thiên nhiên hoang vu và đầy bất trắc, càng xa hơn. Khu vườn của cư dân Thuận Hóa lúc bấy giờ mang nhiệm vụ phòng vệ, tạo ra không gian an toàn tối thiểu cho chủ nhân của nó trước sự đe dọa của thiên nhiên, của muông thú và của kẻ thù. Chính vì thế mà xứ Huế ngày nay có rất nhiều vườn, lại là vườn rộng. Đó chính là đặc điểm khiến cho nhà vườn xứ Huế trở nên khác biệt so với nhà vườn ở nơi khác.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Người Huế ở trong một thế đất: ngoảnh lên thấy núi non hùng vĩ, trông xuống gặp biển cả bao la, Nam thì sông xanh uốn khúc, Bắc thì động cát điệp điệp trùng trùng. Thiên nhiên giăng bày trước mắt người Huế đủ cả núi đồi, sông suối, đầm phá, biển cả. Đất Huế không phải là thứ đất màu mỡ để cho cây trái sai cành trĩu quả đủ nuôi sống con người. Trời Huế “khi nắng thì bùn hóa đá, khi mưa thì đá hóa bùn” (thơ Phùng Quán), nên mùa màng không thể phong đăng hòa cốc. Sống trong khung cảnh thiên nhiên và khí hậu như thế nên người Huế không hề có ý định lập vườn để sinh lợi.

Có vườn, người Huế có cảm giác nơi cư ngụ của mình được an toàn hơn, bởi lẽ vườn đã đẩy không gian hoang dã của núi rừng rời xa ngôi nhà của họ. Vườn càng nhiều, càng rộng thì khoảng cách giữa con người với muông thú, với thiên nhiên hoang vu và đầy bất trắc, càng xa hơn.

Vườn chỉ là chỗ chơi, là nơi biểu đạt sự cảm nhận về vũ trụ quan của người Huế. Hạng người quyền quý, có học thì vận dụng phong thủy vào địa hình đầy đủ núi, khe, cồn, bãi của Huế để tạo nên những khung cảnh thiên nhiên hữu tình cho riêng mình thưởng ngoạn. Lớp khác thì cố tìm cho mình một không gian yên tĩnh, trầm lắng để có nơi chốn giải khuây và chiêm ngẫm sự đời. Người nghèo khó, đất đai không đủ để lập vườn, cũng cố xoay sở để có được một mảnh vườn treo dưới mái ấm, như là một cách thể hiện sự giao hòa với tự nhiên.

Nhà nghiên cứu Liễu Thượng Văn nhận xét: “Khởi thủy, vườn là dấu hiệu của của con người cư ngụ, làm gạch nối với đơn vị đồng loạt khác. Vườn nối nhau, đưa các mái nhà vào lấp đi khoảng trống hoang vu vùng khai khẩn. Vì thế, vườn là nhịp cầu giao tình đồng loại, chứ không là “khoảng hở” giữa thân tình, như một cái vườn hôm nay, thường nói lên điều ấy. Đặc sắc riêng này, ngoài vườn Huế ra, khó nơi nào được lịch sử ban tặng thứ ‘văn hóa tính’ lạ lùng kia. Vườn Huế là nơi ẩn chứa thân tình với nhau, với đồng loại chung quanh”. (Liễu Thượng Văn, “Vườn Huế”, Sông Hương, Số 6/1998, tr. 71).

Vườn là chỗ chơi, là nơi biểu đạt sự cảm nhận về vũ trụ quan của người Huế. Hạng người quyền quý, có học thì vận dụng phong thủy vào địa hình đầy đủ núi, khe, cồn, bãi của Huế để tạo nên những khung cảnh thiên nhiên hữu tình cho riêng mình thưởng ngoạn. Lớp khác thì cố tìm cho mình một không gian yên tĩnh, trầm lắng để có nơi chốn giải khuây và chiêm ngẫm sự đời...

Từ những khu vườn mang tính “phòng ngự” thuở ban đầu, người Huế đã dần chuyển biến không gian sinh tồn ấy thành những “khu vườn văn hóa”. Đặc biệt, sự kết hợp của vườn Huế với những ngôi nhà rường, một loại hình kiến trúc nhà ở dân gian điển hình ở miền Trung Việt Nam, đã tạo nên một loại hình di sản văn hóa riêng biệt và độc đáo: nhà vườn Huế. Ngoài ra, chính sự ra đời và tồn tại của vương triều Nguyễn ở Huế trong gần một thế kỷ rưỡi đã tạo tiền đề cho sự hình thành phong cách kiến trúc nhà vườn Huế. Không kể những ngự viên trong Hoàng Thành, Kinh Thành và các lăng tẩm của các bậc đế vương, những phủ đệ, dinh thự của tầng lớp quý tộc, quan lại thời Nguyễn ở Thành Nội, An Cựu, Vĩ Dạ, Kim Long, Nguyệt Biều, Phú Cát, Phú Hội... đã tạo cho Huế danh xưng: thành phố vườn.

Ngày nay, cho dù diện mạo thành phố vườn đã có những thay đổi, thì vẫn còn đó những ngôi nhà vườn danh tiếng hàm chứa trọn vẹn thần thái và đặc trưng của nhà vườn xứ Huế, phản ánh trung thành cốt cách và lối sống của người Huế. Giữa phố xá tấp nập, giữa những ngôi nhà hình ống cố khoác một lớp vỏ hào nhoáng, hiện đại san sát nhau, người ta vẫn bắt gặp những ngôi nhà vườn với chiếc cổng vòm có môn ngạch và đôi câu đối chữ Hán ghép bằng sành sứ, với chiếc bình phong đắp vữa cổ kính như cố che chắn cho nếp nhà rường trầm mặc bên trong khỏi những xô bồ, náo nhiệt của phố phường bên ngoài.

Trong khu vườn cổ và mái nhà xưa ấy, văn hóa Huế được bảo lưu với tất cả những giá trị tốt đẹp và sự bảo thủ đáng ngại của nó. Chất nhân văn của văn hóa Huế và sự cầu kỳ của lối sống Huế thấm đẫm trong từng gian nhà, trong từng nét chạm trổ trên các vì kèo, liên ba, đố bản, trong từng gốc cây, góc vườn. Người Huế dường như cố gắn kết tất cả những cảm nhận của họ về phong thủy, lịch sử, văn hóa, sự tri ân với tổ tiên và thiên nhiên, sự nhân ái với đồng loại, sự tuân thủ tôn ti trật tự một cách khó hiểu trong việc kiến tạo một ngôi nhà vườn. Họ tạo nên bức bình phong và các lối đi khúc khuỷu để tránh những điều xấu vô hình và sự đường đột hữu hình cũng như để giữ vẻ tôn kính cho ngôi nhà. Họ tạo nên các hồ nước (hay bể cạn) có hòn non bộ trước nhà để giữ cân bằng về phong thủy và trấn yểm hung sự. Họ tạo nên những không gian thờ cúng uy nghiêm trong nhà để bày tỏ sự tri ân với Trời, Phật, tổ tiên. Họ khu trú ngôi nhà thành những không gian riêng biệt để duy trì tôn ti trật tự trong gia đình, răn dạy con cháu theo những giáo điều mà nhiều “kẻ thức thời” cho là xưa cũ. Họ bài trí ngôi nhà, cho chạm trổ hay sơn thếp ở những nơi cần thiết nhằm biến nơi cư trú thành một tác phẩm nghệ thuật và để phô bày học vấn và thẩm mỹ của mình. Họ chọn lựa những loại cây phù hợp, trồng theo lớp lang từ ngoài vào trong và sử dụng chúng theo những mục đích nhất định: có loài để ngửi hương, có loài để hưởng trái, có loài để ngắm hoa, lại có loài cây chỉ để cung cấp bóng mát cho khách bộ hành lạc bước giữa trưa hè oi nồng của xứ Huế. Và khi trong nhà có người quá vãng, họ treo những chiếc khăn tang lên cây như thể chúng là những thành viên ruột thịt trong gia đình vậy.

Nhà vườn Huế là nơi chứa đựng những điều thiêng liêng như thế. Có lẽ vì thế mà nhà vườn Huế có một chỗ đứng đặc biệt trong văn hóa Huế và trở thành một trong những biểu trưng của miền đất sông Hương núi Ngự.

Bài và ảnh: Trần Đức Anh Sơn

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES