Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết: “Chính phủ Nhật Bản sẽ nới lỏng hơn nữa các biện pháp kiểm soát vào tháng 6 này để hướng tới việc tạo điều kiện nhập cảnh thuận lợi cho du khách như ở các quốc gia G7 khác”.
Các quốc gia G7 như Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Anh và Mỹ đều đã thông báo mở cửa cho khách du lịch nước ngoài mặc dù các quy tắc nhập cảnh không đồng nhất. Trong khi đó tại Mỹ, Canada và Đức yêu cầu người nhập cảnh phải được tiêm phòng đầy đủ, còn Italy, Pháp, Anh thì không.
Thủ tướng Nhật Bản khẳng định, thời điểm thích hợp để mở cửa du lịch sẽ giúp thúc đẩy đồng yên Nhật đang suy yếu, việc áp dụng các chính sách nhập cảnh nghiêm ngặt trước đó đã giúp Nhật Bản chống chọi với đại dịch tốt hơn nhiều quốc gia khác. Những thay đổi đối với yêu cầu nhập cảnh của nước này cũng sẽ được thực hiện theo từng giai đoạn.
Từ cuối tháng 3, Nhật Bản đã nới lỏng nhập cảnh đối với các đối tượng như nhà ngoại giao, thương nhân, du học sinh và thực tập sinh... nhưng với số lượng hạn chế và tăng dần. Hiện tại, số lượng nhập cảnh 1 ngày chỉ ở mức 10.000 người/ngày. Nếu Chính phủ cho phép khách du lịch nước ngoài nhập cảnh thì một phương án được đưa ra là sẽ nâng số lượng người nhập cảnh cho phép lên tới 20.000 người/ngày, sau đó sẽ điều chỉnh tùy thuộc vào tình hình thực tế.
Hiện tại, Nhật Bản vẫn áp dụng một số quy định chặt chẽ đối với người nhập cảnh đến từ châu Âu và một số nước châu Á như phải có giấy chứng nhận xét nghiệm PCR âm tính, đã tiêm chủng mũi 3 hay cách ly tại những cơ sở quy định trong vòng 3 ngày khi nhập cảnh. Xem xét từng trường hợp cụ thể mà khi nhập cảnh có thể sẽ không phải cách ly.
Chính phủ Nhật Bản sẽ theo dõi thêm hai tuần nữa để xem tác động của đợt nghỉ trong Tuần lễ vàng trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Nhật Bản cũng có thể áp dụng việc mở cửa trở lại trước nhóm du lịch nhỏ từ cuối tháng 5, sau đó sẽ mở cửa cho du lịch nói chung.
Trong nhiều tháng nay, ngành Du lịch Nhật Bản liên tục thúc giục Chính phủ cho phép nhiều du khách nước ngoài nhập cảnh hơn. Việc tiếp nhận khách du lịch tới Nhật Bản nhằm mục đích dần ổn định cuộc sống trở lại bình thường, kích thích ngành du lịch nói riêng và kinh tế nói chung hồi phục, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước.
Vào năm 2019, du lịch đóng góp 359 tỷ USD vào GDP của Nhật Bản, đưa nước này trở thành thị trường du lịch lớn thứ ba thế giới sau Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, theo Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản, chủ yếu do các biện pháp biên giới nghiêm ngặt về đại dịch của Nhật Bản, số lượng du khách nước ngoài đã giảm mạnh từ gần 32 triệu vào năm 2019 xuống chỉ còn 250.000 người vào năm 2021.