Nhật Bản quá tải khách du lịch

18/04/2023

Du lịch Nhật Bản thành công rực rỡ trong mùa hoa anh đào đầu tiên sau COVID-19, song hàng triệu du khách đổ dồn đến nước này có thể là con dao hai lưỡi.

Theo SCMP, số lượng khách du lịch nước ngoài đến Nhật Bản trong tháng 4.2023 dự kiến đạt 2,9 triệu, bằng số lượng du khách vào tháng 4.2019, trước khi đại dịch COVID-19 tàn phá ngành này.

Nhưng trong khi các doanh nghiệp lữ hành đang chào đón sự trở lại của du khách nước ngoài, họ thừa nhận rằng hàng triệu du khách có thể là con dao hai lưỡi.

Nhiều nhà khai thác cho biết đã có những dấu hiệu đáng lo ngại về tình trạng quá tải.

Nhật Bản bắt đầu nới lỏng các hạn chế đối với khách du lịch nước ngoài vào tháng 10 năm ngoái, chào đón 3,8 triệu lượt khách trong suốt năm 2022. Con số đó giảm đáng kể so với mức kỷ lục 31 triệu lượt khách vào năm 2019, trong đó khoảng 9,6 triệu lượt là khách Trung Quốc.

Nhiều người lạc quan rằng tốc độ phục hồi sẽ tăng lên trong năm 2023.

Mùa hoa anh đào ở Nhật Bản thu hút đông đảo khách du lịch. Ảnh: Bằng Linh

Mùa hoa anh đào ở Nhật Bản thu hút đông đảo khách du lịch. Ảnh: Bằng Linh

Công ty du lịch nội địa JTB Corp dự đoán sẽ có 21,2 triệu lượt khách đến Nhật Bản trong năm nay. Điều đó sẽ đưa Nhật Bản đi đúng hướng để đáp ứng mục tiêu của chính phủ là đón 60 triệu du khách vào năm 2030.

Tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng, các nhà chức trách đã không sử dụng ba năm gián đoạn vì COVID-19 để giải quyết các vấn đề liên quan đến quá tải du khách.

Avi Lugasi, chủ sở hữu và Giám đốc điều hành của Công ty du lịch "Windows to Japan" ở Kyoto cho biết: “Tôi vô cùng lo ngại về vấn đề đó và đây là điều mà chính tôi đã chứng kiến trong vài ngày qua.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Tôi đã hướng dẫn một nhóm ở Kyoto vào tuần trước và thật khó để mô tả tình hình ở một số khu vực nổi tiếng nhất của thành phố, như xung quanh Đền Kiyomizu-dera hoặc quận geisha Gion. Tôi không thể nhìn thấy mặt đất dưới chân mình. Chỉ có người và người ở khắp mọi nơi".

Các đường phố ở Kyoto và các thị trấn truyền thống khác của Nhật Bản nổi tiếng với khách du lịch, như Kanazawa, Nara hay Kamakura, đơn giản là không được thiết kế để chứa nhiều người như vậy.

Các công ty du lịch cũng thiếu nhân viên được đào tạo và có kinh nghiệm vì rất nhiều người buộc phải bỏ việc khi ngành du lịch rơi vào trạng thái ngủ đông trong đại dịch.

Khách du lịch nước ngoài đổ dồn đến Nhật Bản vào mùa hoa anh đào. Ảnh: Bằng Linh

Khách du lịch nước ngoài đổ dồn đến Nhật Bản vào mùa hoa anh đào. Ảnh: Bằng Linh

Nhiều người trong lĩnh vực này, bao gồm cả Lugasi, nhận thấy điểm yếu nhất của ngành du lịch Nhật Bản là số lượng các hãng có năng lực, đặc biệt là để phục vụ những du khách giàu có muốn sử dụng dịch vụ cao cấp.

Hiro Miyatake - người sáng lập mạng lưới các Công ty du lịch cao cấp Bear Luxe Corp - cho biết, xích mích giữa người dân địa phương và du khách đã xảy ra và có khả năng còn tồi tệ hơn trước đại dịch.

Vào thời điểm đó, cư dân của các điểm du lịch nổi tiếng phàn nàn về tình trạng phương tiện giao thông công cộng quá đông đúc, hành vi huyên náo, lượng người tập trung quá đông ở gần các điểm tham quan nổi tiếng, tiếng ồn vào ban đêm...

Miyatake cho biết, những vấn đề như vậy đang phổ biến trở lại. Các khách sạn cũng chịu áp lực và không muốn từ chối những du khách nội địa thường xuyên mà họ đã dựa vào để vượt qua đại dịch.

Ashley Harvey - nhà phân tích tiếp thị du lịch đã làm việc tại Nhật Bản hơn 15 năm - đã nhìn thấy những vấn đề tương tự liên quan đến số lượng khách du lịch áp đảo cơ sở hạ tầng của đất nước.

Bạn của Harvey đã đến sân bay Haneda ở Tokyo gần đây, hạ cánh lúc 9h30 tối, nhưng mãi tới 3h sáng mới về tới khách sạn, vì thời gian làm thủ tục nhập cảnh quá lâu, và khi làm xong mọi thủ tục thì đã hết tàu vào thành phố.

Harvey cho rằng, Nhật Bản đã có ba năm để ngành du lịch chuẩn bị các vấn đề về nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng... nhưng họ đã không làm được điều đó.

Chính phủ muốn khuyến khích nhiều du khách nước ngoài tránh xa các điểm đến truyền thống như Tokyo, Kyoto hoặc Hiroshima và khám phá nhiều địa điểm khác, nhưng cho đến nay có rất ít dấu hiệu cho thấy chính sách đó có tác dụng.

Harvey cho biết, các đường phố chính của Tokyo vô cùng đông đúc, nhưng các phố nhỏ hầu như trống rỗng.

Ông tin rằng các nhà chức trách có thể phải đưa ra các chính sách định giá năng động ở một số địa điểm nổi tiếng, khiến những địa điểm nổi tiếng nhất trở nên đắt đỏ hơn và khuyến khích khách du lịch tiết kiệm tìm kiếm những địa điểm ít được biết đến hơn, đồng thời cũng cần có cách để thuyết phục mọi người đến vào nhiều dịp trong năm, thay vì vào mùa cao điểm như mùa hoa anh đào.

“Nhật Bản phải tạo điều kiện dễ dàng hơn cho khách du lịch và ngành du lịch để có thể thu hút 60 triệu du khách vào năm 2030 và tránh các vấn đề liên quan đến quá tải du lịch” - Harvey nói thêm.

Hà Mai Trinh - Nguồn: Lao Động
RELATED ARTICLES