Với hai hướng tiếp cận hoàn toàn khác nhau, một người trong vai trò nhà ký hiệu học, ngắm nhìn Nhật Bản theo con mắt “đọc” và xem đó như một Nhật Bản chỉ của riêng mình, tìm cách giải nghĩa những ký hiệu mình tìm thấy, một người là nhà văn, nhà nghiên cứu, viết một tiểu thuyết dựa trên một hồi ức có thật của một Geisha và nhận lại về mình vinh quang lẫn… rắc rối. Nhãn quan phương Tây khi đặt lên phương Đông huyền bí như thể sẽ luôn có một lớp vải mỏng nhẹ, mờ mờ đặt để phía trước, đó vừa là thử thách vừa là sự kích thích không ngừng, một bài kiểm tra để xem ai sẽ là người dám đưa tay vén màn bí mật và không làm nhăn nheo đi tấm vải vốn như một phần của vẻ đẹp Á Đông.
Roland Barthes và một Nhật Bản qua ký hiệu
Roland Barthes là một tên tuổi lớn trong lịch sử văn học lẫn triết học của thế kỷ 20, ông nổi tiếng với những công trình nghiên cứu ký hiệu học và phân tích hàng loạt hệ thống ký hiệu. Tác phẩm Đế Chế Ký Hiệu là thành quả từ chuyến viếng thăm Nhật dài này theo lời mời của nhà văn Maurice Pinguet – lúc bấy giờ đang giữ chức vụ là giám đốc Viện Pháp-Nhật ở Tokyo. Quyển sách ra đời năm 1970 và được xem là một trong những kiệt tác của ông.

Bức tranh Nhật Bản trong tác phẩm của Roland Barthes hiện lên vừa… xa lạ vừa độc đáo
Quyển sách gồm 26 bài viết tách biệt nhau, mỗi mảnh văn chương là nơi Roland Barthes mô tả và diễn ngôn những suy luận, xúc cảm của mình quanh từng nét văn hoá đặc trưng của Nhật Bản, thì hữu hình cho đến nghệ thuật trình diễn, bao gồm: Ngôn ngữ lạ, Gói, Khe, Gương Mặt Được Viết Ra, Đũa, Pachinko, Ba lối viết, Món ăn giải trung tâm, Tri giác/Vô tri giác, Trong/Ngoài, Cúi chào, Bẻ khóa nghĩa, Miễn nghĩa, Phụ tiết, Hiệu văn phòng phẩm, Lối viết bằng bạo lực, Buồng ký hiệu…
Bức tranh Nhật Bản trong tác phẩm của Roland Barthes hiện lên vừa… xa lạ vừa độc đáo. Nhiều độc giả nhận xét rằng khi đọc Đế Chế Ký Hiệu, họ gần như không còn nhận ra Nhật Bản nữa, dù bản thân họ đã từng du ngoạn đến đây. Thế nhưng áng văn xuôi đầy màu sắc và độc đáo, tinh khôi lẫn tinh thông của Roland Barthes chính là điểm sáng tạo nên nét cuốn hút cho tác phẩm. Roland Barthes ngay từ đầu đã xác định việc ông không cố gắng mô tả lại hay phân tích bất cứ điều gì về Nhật Bản, mà chỉ đơn thuần dịch lại những gì ông cảm thấy, một cách vô cùng cá nhân, vô cùng tự sự của chính ông.

Nhiều độc giả nhận xét rằng khi đọc Đế Chế Ký Hiệu, họ gần như không còn nhận ra Nhật Bản nữa
Ta hãy thử đọc một đoạn ông tả về món tempura trứ danh của Nhật: “Món tempura thoát khỏi ý nghĩa mà chúng ta thường gán cho món chiên, tức là sự nặng nề. Bột tìm lại ở đó bản chất của nó là thứ hoa đã được phân tán, hòa loãng, nhẹ nhõm đến mức thành sữa, chứ không còn là chất sệt; gặp dầu, thứ sữa vàng óng ánh ấy mỏng manh đến mức bao lấy mảnh thức ăn một cách không hoàn hảo, để lộ ra màu hồng của tôm, màu xanh của ớt, màu nâu của cà tím, qua đó tước đi của đồ chiên cái tạo nên món tẩm bột rán kiểu Tây, tức là vỏ, là bọc, là đặc”.
Không sa đà vào diễn giải hương vị hay cách chế biến tempura như những quyển sách thuần tuý về du lịch khác, Roland Barthes chọn cách thể hiện món tempura của xứ sở mặt trời như đó là một đối tượng nghiên cứu của ký hiệu học và từng ký hiệu hiện lên, được tác giả nắm bắt và giải nghĩa theo cách riêng của mình. Tách rời ra khỏi bối cảnh, căn cước nơi nó thuộc về.

“Nước Nhật, nước Nhật ấy, nước Nhật của anh ấy – đối với Roland Barthes – là điều không tưởng của cái thèm muốn”
Tương tự, như khi Roland Barthes đã so sánh rối Bunraku và các hình thức múa rối từ phương Tây. Bunraku là một trong những nghệ thuật sân khấu truyền thống của Nhật Bản, được ghi vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại được UNESCO công nhận vào năm 2003. Tương tự với loại hình kịch kabuki, bunraku rất phát triển trong thời kỳ Edo (1603-1867) và được ca tụng là nghệ thuật múa rối tinh vi bậc nhất thế giới. Các con rối bằng một nửa hoặc 2/3 kích thước người thật và có người điều khiển đảm trách việc chuyển động. Các “tayu” - người kể chuyện sẽ lo phần tiếng nói của từng nhân vật rồi và âm nhạc sẽ được chơi bằng đàn shamisen, một loại đàn 3 dây nổi tiếng tại Nhật Bản.
Nếu ở phương Tây, việc trình diễn luôn chú trọng đến chi tiết hoá thân và khiến người xem quên hẳn việc đây chỉ là diễn thì tại Nhật Bản, dưới nhãn quan của Roland Barthes, rối Bunraku lại muốn phô bày sự lao động nghệ thuật qua việc luôn có người xuất hiện bên cạnh con rối. Việc diễn xuất theo Roland Barthes là vừa vô hình và hữu hình, Nhật Bản đang mang tinh thần sân khấu hiện lên sống động và về đúng vai trò qua loại hình múa rối ấy.

Roland Barthes như mở ra một “căn phòng riêng” để tự do vẽ nên bức tranh phù tang của riêng mình
Một trong những diễn giải độc đáo trong Đế Chế Ký Hiệu, đó là khi Roland Barthes nói rằng việc đến một nơi xa lạ, nơi mà rào cản ngôn ngữ lại là điều tuyệt vời để ông có thể né tránh việc trở nên xuẩn ngốc và kệch cỡm. Rồi đến cái nhìn tinh tường của ông trong ẩm thực ăn đồ sống của Nhật Bản, khi hành động chế biến duy nhất chỉ là “cắt”, không có thêm bất cứ sự xâm lấn nào khác như ẩm thực Tây phương.
Nhà văn Maurice Pinguet đã nhận xét về tác phẩm này của Roland Barthes như sau: “Nước Nhật, nước Nhật ấy, nước Nhật của anh ấy – đối với Roland Barthes – là điều không tưởng của cái thèm muốn”.

"Đế Chế Ký Hiệu" mang đến một Nhật Bản rất riêng, rất khác
Đọc Đế Chế Ký Hiệu ta sẽ luôn chênh chao giữa hai trạng thái thực và mơ. Bởi hình ảnh Nhật Bản hiện lên vừa chân thật vừa mơ hồ, một Nhật Bản dường như không có trong thực tế mà nằm trong bộ óc và nhãn quan thiên tài của Roland Barthes, nay được ông lôi tuột nó ra thành con chữ, bày trên trang giấy. Lối viết và tư duy này của Roland Barthes như mở ra một “căn phòng riêng” cho chính ông, để ông được tự do vẽ nên bức tranh phù tang của riêng mình mà không lo lắng đến việc những mảng màu trong bức tranh ấy sẽ xâm hại vào thực tế. Bản thân Roland Barthes lẫn Đế Chế Ký Hiệu là một minh chứng đẹp đẽ cho việc ta vừa có thể kết hợp sự cảm nhận và lối quan sát của bản thân mình mà vẫn tôn trọng nét văn hoá riêng của từng vùng đất lạ. Và Đế Chế Ký Hiệu không chỉ mang đến một Nhật Bản rất riêng, rất khác mà còn là nguồn cảm hứng bất tận về việc nhìn ngắm, quan sát cho tất cả lữ khách khắp nơi trên thế giới.
Arthur Golden và những nhầm lẫn về Geisha
Ở một chiều ngược lại, tiểu thuyết Memoirs of a Geisha, có tựa tiếng Việt là Hồi Ức Của Một Geisha hay vừa được tái bán có tựa đề khác là Tự Truyện Của Một Geisha từ tác giả Arthur Golden lại vướng vào nhiều tranh cãi về việc một người đàn ông phương Tây nhìn vào nước Nhật và đặc biệt là những nàng Geisha, thậm chí dẫn đến kiện tụng.

Lời văn trong Memoirs of a Geisha của Arthur Golden sắc bén, hấp dẫn
Tác giả Arthur Golden tốt nghiệp đại học Harvard về lịch sử nghệ thuật, chuyên ngành nghệ thuật Nhật Bản. Năm 1980, ông lấy thêm bằng cử nhân về lịch sử Nhật Bản và làm việc tại Tokyo một thời gian. Để viết nên Memoirs of a Geisha, ông đã dành mười lăm năm để nghiên cứu và phỏng vấn trực tiếp với Mineko Iwasaki, cũng là hình mẫu ngoài đời của cô bé Chiyo trong truyện.
Lời văn trong Memoirs of a Geisha của Arthur Golden sắc bén, hấp dẫn, cách kể câu chuyện tình với bao thăng trầm thi vị, cùng những phân đoạn mô tả đầy màu sắc về lối sống của những nàng Geisha và một Nhật Bản sáng bừng lên đầy màu sắc bởi những chiếc kimono và trâm cài trang nhã. Năm 1997 khi tác phẩm ra mắt, đã nhanh chóng đạt được vị trí best-seller, bán 4 triệu bản tại Mỹ, dịch sáng 32 ngôn ngữ và được chuyển thể thành phim.


Ấy thế mà Arthur Golden lại bị chính nhân vật mình phỏng vấn và lấy hình mẫu, câu chuyện để viết sách đâm đơn kiện, với hai lý do là xuyên tạc và phỉ báng.
Công tâm mà nói Memoirs of a Geisha của Arthur Golden không chỉ thoả mãn về văn chương mà còn giúp người đọc có một cái nhìn bao quát sự khác biệt của xã hội Nhật trước và sau thế chiến thứ hai. Những truyền thống, tập tục lâu đời về văn hoá và những khoá học đào tạo Geisha/Geiko nơi xứ phù tang cũng được mô tả để độc giả có thể hình dung về thế giới vốn luôn chứa đựng nhiều bí mật ấy.

Những nàng Geisha và một Nhật Bản sáng bừng lên đầy màu sắc bởi những chiếc kimono và trâm cài trang nhã
Thế nhưng, chính ở điểm này mà Arthur Golden đã bị bà Mineko Iwasaki bắt lỗi. Hình ảnh Geisha trong Memoirs of a Geisha dễ dàng bị nhầm lẫn là kỹ nữ lầu xanh, vì câu chuyện của ông xoáy vào những mâu thuẫn phụ nữ, rằng việc rèn luyện cầm, kỳ, thi, hoạ ở những Geisha là để thu hút sự chú ý của đàn ông về phía mình. Bên cạnh đó, chi tiết Geisha rao bán trinh tiết của mình là một chi tiết làm dấy lên nhiều tranh cãi.
Geisha tại Nhật Bản xuất hiện từ rất lâu và thời kỳ Edo, đây cũng là thời kỳ được xem là thời kỳ thịnh vượng nhất của nghề nghiệp này. Lý do ra đời của Geisha là vì tầng lớp Samurai cao quý luôn kiên cường, mạnh mẽ chiến đấu thời kỳ này cần đến sự thư giãn, giải trí, sau những giờ đấu tranh vì danh tiếng dòng tộc. Từ đó, Geisha xuất hiện để thoả mãn nhu cầu này. Geisha chuyên nghiệp được khắc hoạ là những người đa tài, giỏi giang và tinh tế. Hình thức gặp gỡ Geisha được xem là cao cấp, thượng lưu nhất thời Edo. Trong tác phẩm của Arthur Golden, bối cảnh diễn ra ở thời điểm chuyển giao vào thế chiến thứ hai và cách diễn giải của tác giả cũng đã khiến nhiều người lầm tưởng mốc thời gian trong tác phẩm mới là thời kỳ đỉnh cao của nghề này, nhưng hoàn toàn không phải.

Geisha, là những cô gái có kỹ năng múa, hát, chơi nhạc cụ truyền thống


Geisha, nếu gọi theo ngôn ngữ Kansai là Geiko hoặc Geiki (nghĩa là nghệ sĩ) đây là những cô gái có kỹ năng múa, hát, chơi nhạc cụ truyền thống, đặc biệt là cách nói chuyện duyên dáng và mang trọng trách dẫn dắt câu chuyện trong các buổi tiệc của giới thượng lưu. Họ hoàn toàn không chỉ là người mua vui mà trái lại phải tinh tế, biết ăn nói và khéo léo. Các Geisha rất ít xuất hiện ngoài phố và không bao giờ sử dụng các phương tiện công cộng. Geisha luôn trang điểm bằng một lớp phấn dày, môi được đánh son đỏ tươi, mắt kẻ bằng chì đen và đỏ, họ mặc kimono, không lấy chồng và làm việc cho các người bảo trợ. Và quan trọng nhất là họ không làm công việc của kỹ nữ (ở Nhật gọi là Oiran). Một lưu ý khác, đó là Geish chỉ phục vụ trong tiệc rượu, còn tiệc trà sẽ dành cho các Maiko (học việc để trở thành Geisha).

Geisha luôn trang điểm bằng một lớp phấn dày, môi được đánh son đỏ tươi, mắt kẻ bằng chì đen và đỏ, họ mặc kimono, không lấy chồng và làm việc cho các người bảo trợ.
Những ai yêu mến tác giả và tác phẩm có thể tìm cách biện hộ của Arthur Golden bằng cách nói rằng “dù sao thì bên dưới tựa đề có chữ Memoirs ông cũng đã thể thêm hai chữ tiểu thuyết”. Đây như một cách chống chế nói rằng Arthur Golden đã tiểu thuyết hoá, lãng mạn hoá câu chuyện của Mineko Iwasaki, biến nó thành một câu chuyện với nhiều yếu tố gây cấn và hoàn toàn dựa trên góc nhìn của ông. Lời kể của Mineko Iwasaki chỉ còn là chất liệu thô để Arthur Golden viết lại.
Tuy nhiên, dù tâm hồn lãng mạn có thể được bao biện nhưng sự bội tín là điều rất khó để tha thứ. Mineko Iwasaki đã yêu cầu ông giữ kín danh tính của mình nhưng tác giả vì nhiều lý do khó hiểu nào đó đã… tiết lộ tên của bà. Điều đó đối với Mineko Iwasaki như một sự phản bội. Bà đâm đơn kiện và chiến thắng. Số tiền chuộc không được tiết lộ. Còn về phía bà Geisha về hưu Mineko Iwasaki thì bà bắt tay viết hai quyển tự truyện là Geisha, a Life, ấn hành ở Mỹ và Geisha of Gion ấn hành ở Anh. Cả hai quyển đều trở thành tác phẩm ăn khách, như một lời đáp lại và “minh oan” cho những hình ảnh sai lệch về Geisha trong tiểu thuyết của Arthur Golden. Cả hai tác phẩm hiện vẫn chưa được dịch và phát hành tại Việt Nam.

Nhiều người Nhật Bản đã khẳng định rằng nếu bạn là một người Nhật Bản, hẳn bạn sẽ không thể nào thích tác phẩm Memoirs of a Geisha từ tiểu thuyết cho đến phiên bản điện ảnh của nó (với sự góp mặt của ba minh tinh Hoa Ngữ hàng đầu Dương Tử Quỳnh, Củng Lợi, Chương Tử Di). Điều này có lẽ cũng không quá lạ đối với một đất nước như Nhật Bản, nơi văn hoá ăn sâu vào gốc rễ căn tính của từng con người, họ sẽ dễ dàng nhận ra sự bối rối và lấp liếm lỗ hổng kiến thức của những người ngoại quốc khi nhìn vào văn hoá của họ.
Điều đó chứng tỏ nếu đem so sánh thì Đế Chế Ký Hiệu của Roland Barthes đã rất tinh tế và thông minh khi ngay từ đầu đã xác định đây chính là một Nhật Bản của riêng ông, được viết với danh nghĩa một người nước ngoài đến thăm và cảm nhận về xứ phù tang nhiều màu sắc này. Nước đi của Roland Barthes sẽ giúp cho ông tránh được những cáo buộc về chiếm dụng văn hoá hay làm lệch lạc về văn hoá, bởi tất cả chỉ là một Nhật Bản của riêng ông.

Một lưu ý khác, đó là Geish chỉ phục vụ trong tiệc rượu, còn tiệc trà sẽ dành cho các Maiko (học việc để trở thành Geisha).
KẾT
Trong Bộ Sưu Tập Cát, Italo Calvino đã viết về việc đi du lịch như sau: “Đi du lịch không giúp chúng ta hiểu biết nhiều (tôi đã sớm biết điều này; tôi không cần phải đến Viễn Đông để thực chứng điều này) nhưng việc du lịch giúp kích hoạt lần thứ hai khả năng dùng đôi mắt của chúng ta để đọc thế giới bằng thị giác”.
Khi ta không chỉ ngắm nhìn thế giới mà ta đang đọc nó, hay nói cụ thể hơn là đọc một đất nước, một nơi chốn, một nền văn hoá, ta sẽ dễ dàng chèn vào đó những cảm quan rất riêng mà chỉ một mình ta có. Điều này tương tự như khi ta đọc tiểu thuyết, đọc văn chương, mỗi câu chuyện sẽ được diễn giải theo cách rất riêng trong tâm trí từng người.
Cũng vì lẽ đó mà chúng ta luôn khát khao xê dịch, bất kể ta đã được người khác về và cho xem về nơi đó nhiều đến thế nào. Bởi sẽ chẳng có gì là thật nếu ta chưa được tận mắt chứng kiến, sẽ chẳng có hình ảnh nào được diễn ngôn ra nếu không do chính đôi mắt ta đọc. Dù rằng đôi lúc ta sẽ đọc sai (như Arthur Golden) hay đọc nó một cách đầy mỹ cảm (như Roland Barthes) nhưng tin vui ở đây là vì chính sự bí ẩn không sao khai thác được hết ấy của mọi nền văn hoá mà ta sẽ không bao giờ cảm thấy nhàm chán với vẻ đẹp cuộc đời. Những bước chân cứ được thôi thúc lên đường, để đôi mắt vừa được ngắm nhìn vừa được trải nghiệm việc đọc một nơi, một thế giới.