Nếu đã chán cảnh chen chân cả ngày trong những bảo tàng đồ sộ lâu đời ở Paris (Pháp) hay Florence (Italy), du khách đam mê khám phá nghệ thuật có thể ghé những bảo tàng tí hon, với thời gian tham quan chưa đầy một ngày. Những bảo tàng dưới đây không chỉ có quy mô rất nhỏ, mà còn trưng bày những hiện vật độc đáo.
MICRO (San Francisco)
Hầu hết bảo tàng mini đều có điểm chung là quy mô triển lãm nhỏ, không gian trưng bày hẹp và thường tập trung vào một chủ đề. Ngay từ cái tên, bảo tàng MICRO đã thể hiện kích thước nhỏ bé. Bảo tàng này thực chất là một dự án triển lãm với các phòng trưng bày có diện tích khiêm tốn được đặt ở nhiều vị trí khác nhau trong thành phố San Francisco. Bên trong các phòng triển lãm được chế tác rất tỉ mỉ và đầy cảm hứng nghệ thuật. Các chủ đề triển lãm đa dạng bao gồm động vật thân mềm, khoa học về chuyển động vĩnh cửu và vấn đề chính trị về phúc lợi xã hội.
Mmuseumm (New York)
Mmuseumm là một bảo tàng lịch sử tự nhiên hiện đại. Tại đây trưng bày những hiện vật thân thuộc với con người trong xã hội hiện đại. Khách tham quan sẽ tìm thấy các đồ vật hàng ngày từ một thiết bị đặt hàng cho món khoai tây chiên cho đến bản ghi các tin nhắn văn bản cuối cùng mà mọi người nhận được từ người thân. Time Out nhận xét đây là một bộ sưu tập kỳ lạ và cảm động, gần gũi với cuộc sống hiện tại của mỗi người.
Warley (Anh)
Warley là một ngôi làng nhỏ ở West Yorkshire, Anh. Đây không phải là điểm đến nổi bật trên bản đồ du lịch, nhưng lại hút khách vì một bảo tàng tí hon. Tại đây trưng bày các hiện vật lịch sử của làng Warley, được đặt trong hộp điện thoại màu đỏ truyền thống của nước Anh. Bảo tàng tí hon này nằm cạnh một quán rượu địa phương, đem đến nhiều trải nghiệm du lịch thú vị cho du khách.
Ethno (Bắc Macedonia)
Bảo tàng Ethno chứa hầu hết món đồ của người Macedonian từ cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Điểm đặc biệt của bảo tàng này là mỗi lượt tham quan chỉ nhận một du khách. Ngoài những món đồ truyền thống của người Macedonia, du khách có thể tìm thấy các hiện vật gốm sứ có niên đại hơn năm thiên niên kỷ tại đây. Tuy nhiên, có rất ít thông tin để đào sâu tìm hiểu về những cổ vật này.
William Burke (Edinburgh)
Bảo tàng này chỉ trưng bày duy nhất hiện vật là bao đựng thẻ làm từ da của tên sát nhân khét tiếng tại Edinburgh. William Burke từng bán xác nạn nhân do hắn sát hại cho một giáo sư đại học và tên sát nhân này bị xử tử ngay sau đó. Di tích rùng rợn này là minh chứng cho một phần đen tối của lịch sử thành phố Edinburgh.
Faraday (London)
Bảo tàng này thực chất là một nhà kho, nằm trên một bến tàu sang trọng ở London (Anh), gần nơi nhà vật lý học Michael Faraday đã làm việc hơn 30 năm. Bước vào bảo tàng, du khách sẽ có cơ hội khám phá không gian làm việc của Faraday với các bức tường dán đầy các tài liệu lịch sử, bản vẽ kỹ thuật và có cả một bộ dụng cụ câu cá. Đây là nơi du khách sẽ được dịp tìm hiểu về quá trình Michael Faraday phát hiện ra điện từ. Không gian bảo tàng nhỏ bé, yên bình, đối lập hoàn toàn với không khí xô bồ tại thành phố London bên ngoài.