Nơi nghỉ ngơi của tiếp viên hàng không trên các chuyến bay

21/09/2022

Nơi nghỉ ngơi của đội bay được thiết kế gọn nhẹ bên trong máy bay. Đây là nơi tiếp viên hàng không, phi công thay phiên nghỉ ngơi để chuẩn bị cho ca trực sắp tới.

Trên máy bay luôn có không gian nghỉ ngơi của phi hành đoàn và nơi này hoàn toàn bí mật, hành khách không nhìn thấy. Những loại máy bay cỡ lớn, thân rộng thì khoang nghỉ dành cho tiếp viên và phi công thường được thiết kế sau cánh cửa khóa và giới hạn hành khách tiếp cận.

Bên trong buồng nghỉ

Tùy loại máy bay, các khu vực này thường nằm trên hoặc dưới khoang hành khách. Các thành viên phi hành đoàn thường phải leo lên hoặc leo xuống chỗ nghỉ ngơi của mình để đến những chiếc giường tầng nhỏ.

Không gian của chỗ nghỉ này được ví với “khách sạn con nhộng” ở Nhật Bản với các đặc trưng như: không có cửa sổ, diện tích chật chội nhưng ấm cúng, có ổ cắm điện, đèn ngủ và hệ thống liên lạc nội bộ, mặt nạ dưỡng khí, đai an toàn… Các giường được chia nhau bằng rèm cách âm giúp cản ánh sáng và tiếng ồn, có đèn đọc sách, lỗ thông hơi và hệ thống giải trí giúp các thành viên phi hành đoàn thoải mái hơn…

“Nằm ngủ trong phòng dành riêng cho tiếp viên khá thoải mái. Tuy nhiên, với những người cao lớn, không gian bên trong có thể bị chật so với thân hình. Giường tầng có thể rộng hơn việc ngồi ở khoang hạng nhất nhưng tùy theo nhu cầu mỗi người, nó trở nên bất tiện hoặc không, ví dụ như ngột ngạt, ít chỗ duỗi chân hơn”, Susannah Carr, tiếp viên hàng không làm việc cho hãng United Airlines (Mỹ), chia sẻ.

Buồng ngủ trên các chuyến bay lớn.

Buồng ngủ trên các chuyến bay lớn.

Hãng Delta Airlines của Mỹ đã cho phép phóng viên tiếp cận khu vực giới hạn hành khách trên máy bay Airbus A350. Các giường tầng của tiếp viên nằm ở khu vực phía cuối máy bay, trong đó có một giường dành cho tiếp viên trưởng. Còn chỗ nghỉ ngơi của phi công ở phía trước máy bay, bên trong có hai giường tầng và một ghế tựa. Ở các dòng máy bay cũ hơn, vị trí của chúng có thể nằm trong hầm chứa hàng hoặc ở trong cabin chính.

Thông thường, các hãng hàng không sẽ đặt thiết kế khu vực nghỉ ngơi của tiếp viên cho hãng sản xuất ngay từ đầu. Thiết kế cần phải tuân thủ theo thông số và tiêu chuẩn do các cơ quan quản lý, như Cục Hàng không Liên bang Mỹ, quy định. Ví dụ, chỗ ngủ thường có 6 giường trở lên, ở vị trí hạn chế tiếng ồn, mùi hôi và độ rung lắc ở mức vừa phải. Nhiệt độ và ánh sáng có thể điều chỉnh được. Trong mỗi phòng đều có gương lớn để các tiếp viên và phi công chỉnh trang phục, ngắm lại mặt mũi gọn gàng để sẵn sàng quay lại công việc sau vài giờ ngủ đêm.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Phi hành đoàn thay phiên nghỉ ngơi

Đội tiếp viên và các phi công thay phiên nhau nghỉ ngơi theo ca trực trên các chuyến bay xuyên lục địa thường kéo dài từ 12 - 18 tiếng. Sau bữa ăn chính trên chuyến bay đường dài, một nửa số tiếp viên sẽ nghỉ ngơi, nửa còn lại tiếp tục công việc. Hai nhóm thay phiên nhau nửa chặng bay. Các phi công cũng có lịch trình tương tự.

Hầu hết các hãng bay quốc tế cung cấp cho đội ngũ tiếp viên những tiện nghi nghỉ ngơi như giường của khách hạng thương gia. Ở Delta, mỗi giường tầng đều đi kèm với bộ chăn ra gối của Westin Heavenly còn trên United Airlines thì sử dụng đồ đạc của hãng Saks Fifth Avenue Polaris.

Nơi nghỉ ngơi của nhân viên hàng không trên các chặng nhỏ.

Nơi nghỉ ngơi của nhân viên hàng không trên các chặng nhỏ.

Trên Boeing 777, loại máy bay có thể bay liên tục 16 - 18 tiếng, chỗ nghỉ ngơi của đoàn tiếp viên nằm phía trên khoang hạng phổ thông ở phía sau máy bay. Hành khách, dĩ nhiên, không bao giờ biết được khu vực này. Trên Boeing 777 - 300ER mới của hãng United cũng có hai không gian nghỉ ngơi cho tiếp viên và phi công ở phía sau và trước máy bay.

Vẻ ngoài của chiếc phòng bí mật này thường không thu hút quá nhiều sự chú ý của hành khách. Carr cho hay nhiều người đi ngang qua và lầm tưởng rằng đó là tủ đựng quần áo. Thực chất, phía sau cánh cửa là bậc thang dẫn lên khu nghỉ ngơi và người muốn sử dụng cần phải có chìa khóa hoặc mã số mở.

Chốn riêng tư của phi hành đoàn

Trung bình, thành viên phi hành đoàn trên các chuyến bay dài thường dành ít nhất 10% thời gian bay ở khu vực buồng nghỉ. Karoliina Aman, tiếp viên của hãng hàng không Finnair (Hà Lan), người làm việc trên máy bay Airbus A330 và A350, ước lượng mình và các đồng nghiệp có khoảng 1,5 giờ nghỉ ngơi. Song, con số thật có thể kéo dài thêm vài tiếng vì còn phụ thuộc vào hãng bay và thời gian bay thực tế.

"Vì phi hành đoàn không có khu vực riêng nào trên máy bay để ăn trưa hoặc nghỉ giải lao nên khoảng thời gian được nghỉ này rất quan trọng để tôi duy trì sự tỉnh táo. Đây là thời điểm duy nhất trong suốt chuyến bay chúng tôi không phải trả lời cuộc gọi của hành khách hay làm nhiệm vụ nào khác", Aman cho hay. Trong thời gian nghỉ ngơi này, tiếp viên có thể ngủ hoặc đọc sách, xem phim, sử dụng điện thoại.

Chốn riêng tư dành cho phi hành đoàn.

Chốn riêng tư dành cho phi hành đoàn.

"Buồng chứa bí mật" được đóng trong quá trình cất, hạ cánh và được sử dụng theo ca, dưới sự giám sát và phân chia của tiếp viên trưởng. Tổ bay sẽ chia đôi để thay phiên nhau phục vụ và nghỉ ngơi.

Ngoài ra, phi công thường có nơi nghỉ riêng ở phía trên buồng lái và nằm tách biệt với khu vực dành cho tiếp viên. Tùy thuộc vào thời gian của chuyến bay mà mỗi máy bay có thể có tối đa 4 phi công. Do quy định luôn phải có hai phi công trong buồng lái, khu vực nghỉ ngơi của phi công thường chỉ có hai giường, hay thậm chí chỉ là một trên các máy bay đời cũ và một chiếc ghế tựa. Với máy bay cỡ lớn như Boeing 777, các phi công có khoang ngủ riêng rộng rãi hơn, với hai ghế hạng thương gia, tủ quần áo, bồn rửa hoặc nhà vệ sinh, hệ thống giải trí.

Aleksi Kuosmanen, phó phi công trưởng tại Finnair, cho biết: “Tôi thường ngủ rất ngon ở buồng dành riêng cho người lái. Bạn có thể điều chỉnh nhiệt độ thoải mái, hệ thống thông gió tuyệt vời và cách âm tốt hơn. Bạn không nghe thấy tiếng động nào từ khoang hành khách, nó thực sự yên tĩnh và thoải mái".

Anh Thi - Nguồn: CNN
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES