Người ta vẫn thường nói rằng biểu tình là một trong những đặc sản nổi tiếng của nước Pháp cùng với bánh mì hay rượu vang. Theo số liệu của sở cảnh sát, trung bình một năm có trên 2000 cuộc biểu tình lớn nhỏ để đòi quyền lợi cho các cá nhân và tổ chức trên toàn vùng lãnh thổ Pháp. Từ việc đấu tranh ủng hộ quyền lợi cho người nhập cư, lên án sự ngược đãi động vật, kêu gọi cho nữ quyền và gần đây nhất là phản đối cải cách hưu trí đang được báo chí quốc tế đặc biệt quan tâm.
Tuy nhiên, đừng để sự việc này khiến bạn bỏ lỡ cơ hội thưởng thức vẻ đẹp của thành phố ánh sáng. Hãy cùng tìm hiểu một số lưu ý và điều cần chú ý khi du lịch Paris trong giai đoạn biểu tình.
Tìm hiểu thông tin về cuộc biểu tình
Là một đất nước tôn trọng tự do ngôn luận, Pháp có luật biểu tình nêu ra những quyền lợi cùng với những điều kiện chặt chẽ và nghiêm ngặt. Trên thực tế, mọi cuộc biểu tình tại nơi công cộng phải được thông báo trước với chính quyền thành phố ít nhất 3 ngày (tại Paris phải thông báo tới sở cảnh sát).
Thông tin cần báo trước bao gồm ngày giờ và hành trình của cuộc biểu tình, có thể tìm thấy trên các trang báo như Lemonde, Leparisien, Sortiraparis, etc. Du khách nên tìm hiểu thông tin này để sắp xếp lịch trình sao cho hợp lý. Ví dụ nếu cuộc biểu tình đi đến Champs Elysées, bạn có thể đổi sang du lịch khu phố La-tinh ở Rive Gauche, tham quan bảo tàng Louvre hoặc xem một vở kịch ở khu Montparnasse.
Hạn chế đi lại buổi tối ở những khu đông đúc
Việc hạn chế ra đường tối muộn được khuyến khích với khách du lịch. Hãy tưởng tượng xem, đoàn biểu tình đã mệt và đói sau một ngày dài, việc này rất dễ dẫn đến căng thẳng và leo thang với cảnh sát. Tình huống này có thể dẫn đến sự xung đột giữa cảnh sát và người biểu tình, dẫn đến các tình huống không đáng có. Khách du lịch nên luôn cập nhật tin tức từng thời điểm từ các nguồn đáng tin cậy mà tác giả đã kể trên để nắm rõ tình hình.
Giữ một số thông tin liên lạc quan trọng
Trong những ngày biểu tình, có thể có một số thay đổi về lịch trình phương tiện công cộng, cũng như việc đóng một số tuyến đường hay một vài bảo tàng. Để có thêm thông tin về việc đi lại hay tham quan Paris trong những ngày này, bạn có thể liên lạc với văn phòng du lịch thành phố Paris qua số +33(0)1 49 52 42 63 (chỉ có trong những ngày có biểu tình). Một số danh bạ khẩn cấp tại Pháp bao gồm đội sơ cứu (SAMU) qua số 15, cảnh sát qua số 17 và lính cứu hoả qua số 18. Bạn cũng có thể liên hệ đại sứ quán Việt Nam tại Pháp qua số +33(0)1 44 14 64 44 (số khẩn cấp).
Đừng xem biểu tình, diễu hành là điều quá xấu
Sau một thời gian sinh sống và làm việc tại đất nước hình lục lăng, tác giả dần cảm nhận được nét văn hoá đặc biệt này. Tác giả cũng đã từng tham gia cuộc diễu hành Pride Paris, mọi người đều vui vẻ ca hát cùng nhảy múa trong suốt hành trình, tạo nên một bầu không khí thoải mái và sôi nổi.
Để kết luận lại, tham gia biểu tình là quyền của người dân Pháp, là một cách để thể hiện tiếng nói của mình và đấu tranh cho những giá trị mà họ tin tưởng. Thực tế họ không đơn độc trong cuộc biểu tình, họ hoà chung tiếng nói cùng những người chung trí hướng khác. Đoàn người cùng nhau tạo ra một bầu không khí ôn hoà, thể hiện sự đoàn kết và sức mạnh của cộng đồng.