Tết Hàn thực là gì?
Hàn Thực là tết vào ngày mùng 3/3 Âm lịch, xuất hiện tại một số tỉnh của Trung Quốc, miền Bắc Việt Nam và một số cộng đồng người gốc Hoa trên thế giới.
Hàng năm vào ngày này, nhiều gia đình cho xay bột, đồ đỗ xanh, làm bánh trôi, bánh chay (ở Trung Quốc nấu chè trôi nước), nấu xôi chè lễ Phật và cúng gia tiên, cũng là cách để tưởng niệm người thân trong những ngày tháng cuối xuân.
"Hàn thực" nghĩa là "thức ăn lạnh". Song, ít người biết hai chữ "hàn thực" gắn với một điển tích ở Trung Quốc, được biết tới nhiều qua tiểu thuyết Đông Chu liệt quốc.
Câu chuyện nguồn gốc của tết hàn thực
Đời Xuân Thu, vua Tấn Văn Công nước Tấn gặp loạn phải bỏ nước lưu vong, nay trú nước Tề, mai trú nước Sở. Bấy giờ có một người hiền sĩ tên là Giới Tử Thôi, theo vua giúp đỡ mưu kế. Một hôm, trên đường lánh nạn, lương thực cạn, Giới Tử Thôi lén cắt một miếng thịt đùi mình nấu lên dâng vua. Vua ăn xong hỏi ra mới biết, đem lòng cám kích vô cùng.
Giới Tử Thôi theo phò Tấn Văn Công trong 19 năm trời, cùng nhau trải nếm bao nhiêu gian truân nguy hiểm. Về sau, Tấn Văn Công giành lại được ngôi báu trở về làm vua nước Tấn, phong thưởng rất hậu cho những người có công khi tòng vong, nhưng lại quên mất công lao của Giới Tử Thôi. Giới Tử Thôi cũng không lấy làm oán giận, thay vào đó về nhà đưa mẹ lên núi Điền Sơn ở ẩn.
Tấn Văn Công về sau nhớ ra mới cho người đi tìm. Giới Tử Thôi không chịu rời Điền Sơn ra lĩnh thưởng, Tấn Văn Công hạ lệnh đốt rừng, ý muốn thúc ép Giới Tử Thôi phải ra, nhưng ông nhất định không chịu tuân mệnh, rốt cục cả hai mẹ con ông đều chết cháy. Vua thương xót, lập miếu thờ và hạ lệnh trong dân gian phải kiêng đốt lửa ba ngày, chỉ ăn đồ ăn nguội đã nấu sẵn để tưởng niệm (khoảng từ mùng 3/3 đến mùng 5/3 Âm lịch hằng năm).
Những món ăn màu sắc của người trung quốc trong tết hàn thực
Vào ngày 3/3 Âm lịch, người Trung Quốc thường chuẩn bị những món ăn độc đáo và nhiều màu sắc như bánh thanh đoàn tử, bánh cuộn thừng, ốc...
Nem cuốn luôn là món không thể thiếu trong những bữa cơm truyền thống vào dịp đặc biệt ở Trung Quốc. Nguyên liệu làm nem rất phổ biến, gồm đậu hà lan, trứng, cà rốt, rong biển, rau mùi, đậu phộng, thịt nạc… Điểm khác biệt ở món nem là lớp bánh đa cuốn mềm, thơm và dai làm từ gạo của tỉnh Phúc Kiến.
Bánh thanh đoàn tử là thức quà người Trung Quốc thường cúng tổ tiên hoặc đem đi biếu bạn bè, hàng xóm. Bánh có màu xanh bóng như ngọc với vị ngọt bùi. Vỏ ngoài xanh xanh, được nhuộm từ rau khúc hoặc ngải cứu, nhân bánh là rau hẹ, trứng và đậu phụ khô.
Ngoài ra, cơm ngũ sắc - gồm màu đen, vàng, đỏ, tím, trắng tượng trưng cho ngũ hành, là một món truyền thống của người Giang Tô. Mỗi dịp mùng 3/3 Âm lịch, người Giang Tô sẽ nấu cơm đem tặng những người thân, bạn bè, hàng xóm. Ốc cũng là lựa chọn của người Trung Quốc mỗi dịp tết Hàn Thực.
tết hàn thực của người việt
Tuy có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng tết Hàn Thực của người Việt vẫn mang những sắc thái riêng, mang đậm chất Việt, có ít liên hệ đến câu chuyện Giới Tử Thôi.
Ban đầu, do ngày tết Hàn Thực có nguồn gốc từ Trung Quốc nên những món ăn dùng để cúng cũng mang đậm nét văn hóa nước này. Tuy nhiên, khi du nhập vào Việt Nam, những quy định và các món bánh dùng để cúng đã có chút thay đổi cho phù hợp với truyền thống người Việt. Đặc biệt, người Việt sáng tạo nên bánh trôi, bánh chay với ý nghĩa tượng trưng cho những thức ăn nguội - hàn thực. Do đó, ngày này còn có tên gọi khác là tết bánh trôi, bánh chay.
Từ xa xưa, bánh trôi bánh chay đã đi vào thơ ca dân tộc như những món ăn đặc trưng phổ biến của người Việt. Cả hai loại bánh trôi và chay đều làm từ bột gạo nếp thơm. Bánh trôi nặn viên nhỏ, ngoài trắng, trong nhân đường đỏ, thả luộc trong nồi nước sôi, khi bánh nổi lên mặt nước vớt ra vừa chín tới; còn bánh chay thì nặn tròn dẹt, không nhân, đặt lên đĩa nhỏ, khi ăn đổ nước đường lên trên.
Cũng có những tích kể lại rằng bánh trôi bánh chay có từ thời Hùng Vương và tục làm hai thứ bánh này để nhắc nhớ về sự tích "bọc trăm trứng" của Âu Cơ. Trăm viên bánh nhỏ tượng trưng cho trăm quả trứng của Lạc Long Quân. Bánh trôi tượng trưng cho 50 quả trứng nở ra thành 50 người con lên rừng theo mẹ; bánh chạy tượng trưng cho 50 quả trứng nở ra thành 50 người con theo cha xuống biển.
Ngày nay, người Việt còn sáng tạo thêm nhiều màu sắc cho hai loại bánh trôi, bánh chay như: đỏ, xanh, vàng, đen..., dựa trên các nguyên liệu tạo màu tự nhiên là lá dứa, đậu đỏ, vừng đen, khoai lang vàng/tím... Những màu sắc bắt mắt và sinh động này khiến việc cúng bái, chuẩn bị cho tết Hàn Thực trở nên gần gũi hơn với thế hệ trẻ.
Những điều kiêng kỵ trong tết hàn thực
Những kiêng kỵ vào ngày tết Hàn Thực không nhiều và trước đây, kiêng kỵ quan trọng nhất là không nổi lửa. Đây là kiêng kỵ bắt nguồn ở Trung Quốc.
Song, vào ngày này, người Việt không kiêng lửa, vẫn nấu nướng bình thường; đồng thời dùng bánh trôi, bánh chay để dâng hương, thắp hương cúng với ý nghĩa đó là thức ăn nguội (hàn thực).
Nguyên cách làm bánh trong tết Hàn Thực phải đảm bảo là món bánh trôi - bánh chay trắng, không màu mè như kiểu bánh ngũ sắc hiện nay thường thấy. Bánh ngày Hàn Thực truyền thống được làm từ bột nếp trắng, tròn đầy, tinh khiết, bên trong bọc đường, để thể hiện sự tinh khiết, thanh tịnh.
Đồ cúng người đã khuất trong ngày này cũng cần sự thanh đạm, không quá cầu kỳ tốn kém. Vì vậy nên tránh việc tổ chức linh đình, mâm cao cỗ đầy, thay vào đó chỉ cần mâm lễ đơn giản, thành tâm cúng lễ.
Ngoài ra, việc ăn chay, tránh sát sinh trong ngày Hàn Thực cũng được khuyến khích, bởi dân gian quan niệm rằng việc này sẽ giúp linh hồn của người đã mất được dễ dàng siêu thoát hơn.