Tokyo và cơn ác mộng tắc nghẽn trong Thế vận hội Mùa hè 2020

17/07/2019

Hơn nửa triệu người ở Tokyo đang được yêu cầu làm việc tại nhà như một phần của kế hoạch đối phó với tình trạng tắc nghẽn giao thông chắc chắn sẽ xảy ra trong Thế vận hội Mùa hè 2020.

Mỗi ngày có hơn 20 triệu người sử dụng phương tiện giao thông công cộng ở vùng thủ đô Tokyo, do đó chính phủ Nhật Bản có lý do chính đáng để lo ngại rằng sự xuất hiện của hơn 600.000 du khách đến với Thế vận hội Mùa hè và Paralympic Mùa hè 2020 sẽ làm quá tải hệ thống vốn đã rất căng thẳng của thành phố này.

Nhằm tránh để xảy ra tình trạng hỗn loạn trong việc đi lại, chính phủ Nhật Bản đã phát động chương trình "Làm việc ở nhà" để khuyến khích một số lượng công nhân viên nhất định làm việc tại nhà trong vòng ít nhất hai tuần kể từ ngày 24/7. Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) hy vọng rằng sẽ có hơn 600.000 nhân viên từ 3.000 công ty sẽ tham gia vào chương trình thử nghiệm này.

Hệ thống tàu điện ngầm của Toyko vốn khét tiếng đông đúc với trung bình 3,64 triệu hành khách đi qua ga Shinjuku mỗi ngày, nơi được Kỷ lục Thế giới Guinness công nhận là nhà ga đông đúc nhất thế giới với hơn 200 lối ra. Bên cạnh đó thì vùng thủ đô Tokyo cũng là khu vực đô thị đông dân nhất trên Trái đất với gần 38 triệu người.

Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+

Vào tháng 7, dữ liệu của Google cho thấy tuyến tốc hành Chuo của Tokyo là một trong những tuyến vận chuyển đông đúc nhất thế giới và tình hình ở các khu vực khác của thành phố cũng không khả quan hơn là bao. Tại tất cả các tuyến đường sắt và tàu điện ngầm, các "oshiya" (hay "người đẩy") luôn phải túc trực để đẩy hành khách và túi xách của họ vào bên trong những toa tàu đã chật ních người.

Các tuyến đường sắt và tàu điện ngầm luôn có các nhân viên đảm nhận nhiệm vụ đẩy khách vào toa

Các tuyến đường sắt và tàu điện ngầm luôn có các nhân viên đảm nhận nhiệm vụ đẩy khách vào toa

Các chuyên gia đã tỏ ra hết sức quan ngại về ảnh hưởng của Thế vận hội Mùa hè, được tổ chức từ ngày 24/7 - 9/8/2020, và của Paralympic diễn ra tiếp sau đó (kết thúc vào ngày 6/9).

Giáo sư Azuma Taguchi của trường Đại học Chuo, người đã có nhiều năm nghiên cứu về vấn đề quá tải giao thông, cảnh báo rằng các chuyến tàu có thể phải hoạt động tới 200% công suất vào những khoảng thời gian cao điểm và con số đó thậm chí sẽ còn tăng gấp rưỡi vào thời điểm diễn ra Thế vận hội, đẩy hệ thống tàu điện ngầm đứng trước nguy cơ bị tê liệt.

Hệ thống tàu điện ngầm của Tokyo có nguy cơ bị tê liệt nếu phải hoạt động đến 300% công suất trong Thế vận hội Mùa hè 2020

Hệ thống tàu điện ngầm của Tokyo có nguy cơ bị tê liệt nếu phải hoạt động đến 300% công suất trong Thế vận hội Mùa hè 2020

Tính đến nay đã có hơn 50.000 nhân viên của công ty Fujitsu và hơn 10.000 công nhân từ NEC đồng ý tham gia chương trình "Làm việc ở nhà" lần này. Công ty Ricoh cũng sẽ đóng cửa trụ sở để cho phép 2.000 nhân viên làm việc ở nhà trong khoảng thời gian diễn ra Thế vận hội và Paralympic Mùa hè 2020.

Chương trình "Làm việc ở nhà" bắt đầu được chính phủ Nhật Bản đưa vào thử nghiệm vào năm 2017 với sự tham gia của 63.000 người, và đến năm 2018 thì con số này đã tăng vọt lên 300.000 người đến từ 1.682 tổ chức.

Hải Anh - Nguồn: msn
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
Trang thông tin du lịch và phong cách sống Travellive+
RELATED ARTICLES