Cái tên núi Muối được người Mông gọi từ thời kháng chiến chống Pháp. Thời Pháp thuộc, người Mông không có muối ăn. Họ phát hiện trên đỉnh núi cao có một loại cây đặc biệt, tên là Rùa dế, dưới gốc cây rụng những hạt trắng nếm thấy vị mặn. Người Mông hái lá cây và dùng những tinh chất đó để ăn thay muối. Dần dà, cái tên núi Muối ra đời.
Núi Muối thuộc dãy Ky Quan San, còn gọi là Bạch Mộc Lương Tử. Trước đây, người ta thường chỉ coi núi Muối như một điểm nghỉ chân trên đường trekking tới đỉnh Bạch Mộc cao hơn 3000 m, nhưng những năm gần đây, núi Muối bắt đầu được coi như một điểm đến, và đôi khi là điểm đến cuối hành trình.
Leo núi Muối mất khoảng hai ngày. Vì nó nằm giữa Lai Châu và Lào Cai, nên du khách muốn thưởng ngoạn trọn vẹn khung cảnh thiên nhiên kì vĩ tại ranh giới tự nhiên này, có thể lựa chọn leo lên và xuống núi bằng hai cung đường khác nhau: một là từ xã Sàng Ma Sáo, huyện Bát Xát. Hai là từ bản Dền Sung, xã Sin Súi Hồ, huyện Phong Thổ.
Thời điểm leo núi thích hợp nhất là mùa thu tới mùa xuân năm sau, khi ít đi những cơn mưa rừng dữ dội và suối thì cạn bớt nước. Nhưng bù lại, nhiệt độ sẽ xuống thấp hơn rất nhiều và sương mù thì phủ dày đặc, nhất là khi băng qua những khu rừng rậm rạp. Hành trình leo núi Muối đầy gian nan. Đây cũng không phải là sự lựa chọn an toàn cho những người mới bắt đầu trekking. Không ít người đã bỏ dở hành trình và quay về khi đứng trước những con dốc cheo leo không nhìn thấy lối đi ngoài những rặng cây chằng chịt, và thác nước vẫn cứ ì ầm văng vẳng cả ngày lẫn đêm.
Trên đường tới núi Muối, khách bộ hành sẽ đi qua một khu rừng tre rất lớn, tựa như khung cảnh quen thuộc thường thấy trong những bộ phim kiếm hiệp Trung Hoa, đây cũng là chốn trú chân an toàn trên hành trình khi những cơn mưa rừng ập đến bất chợt.
Con suối lớn nhất trên đường đi là suối Đê San Nhùa, nghĩa là dòng suối biết đẻ con. Suối từ trên cao, chia thành nhiều nhánh nhỏ như đẻ con dẫn nước về những thửa ruộng bậc thang cho bà con cày cấy. Có lẽ, “Đê San Nhùa” ở đây còn mang hàm nghĩa biết ơn thiên nhiên đã đem lại nguồn sống cho dân bản.
Từ chân núi tới đỉnh núi Muối là quãng đường dài 14 km. Trải qua khoảng 2 phần ba quãng đường, du khách phải đi qua một khu rừng già kì vĩ, hàng ngàn loài cây thân gỗ khổng lồ hiện ra tựa như những cây bonsai được cắt tỉa bởi đất trời. Trong đó, có những loài cây thuộc hàng quý hiếm trên thế giới.
Bù đắp lại hành trình di chuyển khó khăn là khung cảnh biển mây hùng vĩ ôm lấy những ngọn núi xanh phía chân trời trên đỉnh núi Muối, nhiều người ví rằng cảnh tượng ấy rạo rực và đặc biệt, như được chứng kiến một Vịnh Hạ Long trên không.
Đây cũng là điểm ngắm cảnh khoáng đạt nhất trong cả hành trình từ chân núi tới đỉnh Ky Quan San. Vậy nên, ai đã một lần nghỉ chân qua đêm trên núi Muối đều cố gắng thức dậy thật sớm, thưởng ngoạn bức tranh thiên nhiên tráng lệ được điểm những nét đầu tiên từ ánh mặt trời lấp ló nơi những ngọn núi phía xa, cho tới khi nắng nhuộm hồng cả biển mây trắng trước mắt.
Nếu tới núi Muối vào một ngày không mây, thì khoảnh khắc những tia nắng dịch chuyển phủ vàng cả thung lũng cũng tuyệt mỹ không kém. Trời quang, từ đỉnh núi Muối có thể trông thấy những ngọn núi rất xa…
Lưu ý:
- Leo núi là một trình đòi hỏi sức bền và sự kiên nhẫn. Vậy nên, hãy rèn luyện cơ thể kĩ càng trước khi quyết định lên đường tới núi Muối.
- Xem thời tiết và chuẩn bị tư trang kĩ càng cho một chuyến thưởng ngoạn đầy thử thách, gồm: quần áo, giày dép, vật phẩm y tế.
- Đường lên núi khó đi, rậm rạp, nên thuê porter người địa phương để được chỉ dẫn tốt nhất và có cơ hội nghe những câu chuyện của đồng bào họ gắn liền với sự tích tên gọi của mỗi cánh rừng, con suối.