Gần đây, các nhà khảo cổ tiếp tục phát hiện ra một geoglyph (hình vẽ khổng lồ trên mặt đất) trên một ngọn đồi ở Peru, cạnh đường cao tốc Pan-American (nối từ Alaska tới Argentina).
Ông Isla, phụ trách hệ thống quản lý của Công viên Khảo cổ Nazca-Palpa, chia sẻ: "Thật ngạc nhiên khi các geoglyph mới vẫn được tìm thấy nhưng chúng tôi tin vẫn còn nhiều hơn thế nữa. Trong vài năm qua, việc sử dụng máy bay không người lái đã cho phép chúng tôi chụp ảnh trên các sườn đồi, giúp cho các cuộc tìm kiếm ngày càng khả thi hơn".
Các quan chức xác định mẫu khảo cổ này có từ khoảng năm 200 TCN. "Chúng tôi biết như vậy nhờ việc so sánh các biểu tượng. Những hình như chim, mèo và người tương tự thường xuất hiện vào nền văn hóa Paracas, kéo dài từ năm 500 TCN đến năm 200 CN", ông Isla nói.
Tháng 11 năm ngoái, trên sa mạc của Peru cũng phát hiện hơn 140 đường kẻ Nazca có niên đại khoảng 2.100 năm. Đây là kết quả sau những nỗ lực nghiên cứu kéo dài 15 năm bằng cách sử dụng hình ảnh vệ tinh, máy bay không người lái và hệ thống quét AI của các nhà khảo cổ học tại Đại học Yamagata của Nhật Bản.
Đường kẻ Nazca - Di sản Thế giới được UNESCO công nhận - lần đầu được các nhà khảo cổ học phát hiện vào năm 1927. Nhiều hình vẽ trên đó lớn đến nỗi chúng chỉ được nhìn thấy toàn cảnh từ trên không trung. Các chuyên gia tin rằng những đường kẻ này - được tạo ra bằng cách loại bỏ lớp đất đá đen để lộ ra lớp cát sáng màu bên dưới - được sử dụng trong các nghi lễ, như một thông điệp gửi đến các vị thần.