Người Nhật Bản ăn gà KFC thay vì gà tây trong lễ Giáng sinh
Nguồn gốc của phong tục đón Giáng sinh độc đáo này có lẽ bắt đầu từ chiến dịch “Kentucky for Christmas!” (Kentucky cho Giáng sinh) của một chi nhánh KFC ở Nhật Bản thực hiện vào mùa lễ hội năm 1974.
Lấy cảm hứng từ món gà trong tiệc Giáng sinh ở phương Tây, gà KFC là phương án thay thế hoàn hảo nhất ở thời điểm đó bởi để mua được một con gà Tây ở Nhật Bản vào những năm 1970 đâu có dễ. Nhiều người thấy vậy đã đặt gà rán KFC khiến nó luôn bị cháy hàng trên khắp nước Nhật vào lễ Giáng sinh.
Khẩu hiệu "kurisumasu ni wa kentakkii!'' được hãng đưa ra như thêm một lần khẳng định với khách hàng: Giáng sinh là phải có gà rán KFC mới đúng điệu!
Không phải Santa Claus, Haraboji mới là ông già Noel của Hàn Quốc
Phong tục đón Giáng sinh độc đáo ở Hàn Quốc sẽ khiến nhiều du khách vô cùng thích thú. Người Hàn có cách biến tấu cây thông và ông già Noel cho phù hợp với truyền thống và văn hóa của họ.
Thay vì sử dụng các quả cầu tròn, bông tuyết hay ngôi sao năm cánh thì người Hàn lại trang trí cây thông Noel của mình bằng dép lụa và trống. Ngoài ra, vào bữa tối ngày Giáng sinh, người Hàn cũng giống người Nhật không ăn gà tây mà họ ăn bulgogi, một loại thịt bò nướng nổi tiếng xứ sở kim chi.
Ông già Noel ở Hàn không mặc bộ đồ đỏ, cưỡi tuần lộc hay chui qua ống khói mà lại mặc bộ đồ màu xanh lá cây và đội mũ truyền thống của Hàn Quốc. Người Hàn gọi ông là Haraboji, có nghĩa là ông nội.
Những ánh đèn rực rỡ và nhảy múa khắp nơi ở Hong Kong
Là một thành phố trẻ sôi động nên hàng năm có rất nhiều du khách đổ về đây để đón xem phong tục đón Giáng sinh độc đáo ở Hong Kong.
Hầu như tất cả các doanh nghiệp, công viên giải trí ở Hong Kong đều hòa mình vào không khí lễ hội vui vẻ dịp Giáng sinh và chiêu đãi người dân một màn biểu diễn hàng trăm loại ánh sáng rực rỡ. Đáng chú ý nhất là cảng Victoria, nơi mọi người có thể nhìn thấy những lời chúc Giáng sinh được tạo ra bởi vô vàn ánh sáng đèn điện.
Hòa mình vào bữa tiệc ánh sáng và đung đưa theo nhạc ở cảng Victoria là hoạt động yêu thích của người dân Hong Kong và khách du lịch vào mỗi đêm Giáng sinh. Đây cũng là một trong những phong cách đón Giáng sinh độc đáo nhất trên Thế giới.
Cây Giáng sinh xoài và chuối ở Ấn Độ
Phong tục đón Giáng sinh độc đáo ở các nước châu Á chắc chắn phải gọi tên Ấn Độ. Thay vì giao quà bằng những chú tuần lộc và xe trượt tuyết thông thường, ông già Noel ở quốc gia đông dân này sẽ đi bằng xe ngựa và xe đẩy.
Còn cây thông Noel ư, bạn đừng mong nhìn thấy chúng vào lễ Giáng sinh ở Ấn Độ. Thay vào đó, người Ấn Độ sẽ trang trí nhà cửa bằng xoài hoặc cây chuối. Không biết kết thúc lễ Giáng sinh, chuối và xoài có kịp chín để họ phá cỗ không nhỉ?
Ngoài ra, để chứng minh Jesus là ánh sáng của thế giới, người dân miền Nam Ấn Độ sẽ đốt những ngọn đèn nhỏ bằng đất sét trên mái nhà của họ.
Màn trình diễn rối bóng Wayang Kulit ở Indonesia
Giáng sinh là dịp để phần đông người Indonesia tụ tập với bạn bè và gia đình của họ trong một bữa tiệc truyền thống và đón xem màn trình diễn rối bóng Wayang Kulit, một phong tục đón Giáng sinh độc đáo ở đất nước này, kể lại sự ra đời của Jesus, thay cho nhà thờ và hang đá hay máng cỏ.
Ngoài ra, ở thủ đô Jakarta của Indonesia còn có một phong tục đón Giáng sinh độc đáo khác là mọi người sẽ sử dụng thứ bột màu trắng bôi lên mặt nhau với hy vọng tẩy sạch mọi lỗi lầm trong năm vừa qua.
Đón Giáng sinh bằng đèn lồng parol ở Philippines
Philippines là quốc gia duy nhất ở châu Á có phần đông dân số theo đạo Thiên Chúa, thế nên phong tục đón Giáng sinh độc đáo của họ cũng rất thú vị. Người Philippines rất coi trọng lễ Giáng sinh và sẽ chuẩn bị cho nó trước hàng tháng trời. Vào đúng ngày Noel, sau thánh lễ bắt buộc của nhà thờ, họ sẽ ăn mừng ngày Chúa ra đời bằng các món ăn truyền thống như xôi, gà nhồi và bánh trái.
Phong tục đón Giáng Sinh độc đáo ở Philippines phải kể đến việc sử dụng những chiếc đèn lồng hình ngôi sao có tên gọi Parol tượng trưng cho ngôi sao của Bethlehem, dẫn đường cho họ đến nơi Jesus được sinh ra. Điểm đặc biệt của những chiếc đèn lồng nằm ở nguyên liệu làm ra chúng là bánh tráng và tre, với ý nghĩa thắp sáng đường đến nhà thờ trong bóng tối. Ngày nay, thiết kế đèn Parol đã trở thành một cuộc thi ở Philippines để tìm ra được chiếc đèn đẹp nhất đêm Giáng sinh.